Kinh nghiệm của Nhật Bản trong thu hút lao động chất lượng cao: Hàm ý cho Thủ đô trong tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng
TCCS - Nhật Bản là một trong những nền kinh tế phát triển hàng đầu trên thế giới. Quá trình công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ trong khi nguồn cung ứng lao động luôn trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng do dân số Nhật Bản ngày càng già hóa. Ở Nhật Bản, lao động chất lượng cao được đánh giá bằng hệ thống tính điểm dựa trên học vấn, tuổi tác, thu nhập, trình độ tiếng Nhật, lý lịch làm việc… Những kinh nghiệm của Nhật Bản là bài học tham khảo cho Thủ đô Hà Nội trong quá trình triển khai các chính sách, giải pháp thu hút lao động chất lượng cao.
Trong nền kinh tế tri thức gắn liền với toàn cầu hóa, Nhật Bản đã luôn chú trọng tới giáo dục - đào tạo và coi giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu. Nhờ vậy, tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng ở Nhật Bản ngày càng tăng. Định hướng và mục tiêu đào tạo mà Nhật Bản đưa ra và thực hiện tại các trường đại học từ đầu thế kỷ XXI đến nay là đào tạo nguồn lao động chất lượng cao để phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Nhật Bản nhận định nguồn lao động chất lượng cao chính là trụ cột của xã hội Nhật Bản. Vì vậy, Chính phủ Nhật Bản đã chú trọng vào nguồn lao động - những con người nắm giữ chìa khóa phát triển của đất nước.
Tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục - đào tạo
Nhật Bản sớm chú trọng xây dựng nền giáo dục theo chuẩn mực hiện đại, cường độ học của học sinh là rất cao, tập trung nhiều cho học sinh giai đoạn học trung học, do vậy, chất lượng của học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông ở Nhật Bản được xếp hàng bậc nhất thế giới, đồng thời với việc phát triển giáo dục và đào tạo nguồn lao động có trình độ cao là việc bồi dưỡng lao động chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực quản lý. Lao động chất lượng cao ở Nhật Bản không chỉ đông về số lượng, mà chất lượng trình độ học vấn cũng như trình độ chuyên môn đều cao.
Chính phủ Nhật Bản cho rằng, muốn đào tạo được một nguồn lao động chất lượng cao, trước hết phải có các chính sách cải tổ mạnh mẽ mới có thể phù hợp được với yêu cầu hiện nay của nền kinh tế tri thức. Chính phủ Nhật Bản đã ban hành các chính sách, xây dựng hệ thống đào tạo và hỗ trợ về tài chính. Bên cạnh đó, với sự đồng thuận của Chính phủ, các cơ sở đào tạo ở Nhật Bản đã đưa ra những chế độ tuyển sinh đặc biệt cho người đang đi làm (như mở khóa học ngoài giờ hành chính, các khóa học miễn phí dành cho những người cần chứng chỉ nhất định). Nhật Bản mở rộng hợp tác, thu nhận giảng viên có chất lượng, mở rộng các quỹ học bổng cho sinh viên nước ngoài. Nhật Bản coi trọng việc tiếp thu các kinh nghiệm, thành tựu về đào tạo nguồn nhân lực của các quốc gia phát triển khác, như việc cử người đi học tập ở nước ngoài được bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau: sử dụng kinh phí của nhà nước, của người đi học, của chủ sử dụng lao động, đối tác nước ngoài khác.
Chính sách tuyển dụng lao động chất lượng cao phù hợp với điều kiện cụ thể
Trong chính sách phát triển nguồn lao động chất lượng cao ở Nhật Bản, vấn đề tuyển dụng nhân sự luôn là một nhân tố quan trọng tại các cơ quan công quyền, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, nghiên cứu. Việc tuyển dụng nguồn lao động chất lượng cao tại những khu vực này luôn được chú trọng thông qua một hệ thống với các chủ trương chính sách cụ thể. Nhật Bản đặc biệt chú trọng chiến lược phát triển tài năng trong lĩnh vực lãnh đạo quản lý. Những sinh viên loại giỏi ở các trường đại học có uy tín ở Nhật Bản sẽ được lựa chọn để bồi dưỡng trở thành những người lãnh đạo trong bộ máy nhà nước của Nhật Bản. Tuy nhiên, hệ thống tuyển dụng này luôn được cải cách, thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể, song đều hướng tới mục tiêu lớn nhất đó là huy động được lực lượng lao động chất lượng cao đáp ứng yêu cầu đặt ra của các cơ quan công quyền, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, nghiên cứu.
Chế độ đãi ngộ xứng đáng
Đối với lao động trí thức, tài năng, Nhật Bản trả lương rất cao và có chế độ khen thưởng xứng đáng để động viên. Chính sách đãi ngộ được thực hiện qua hai hình thức cơ bản là đãi ngộ tài chính và đãi ngộ phi tài chính. Đãi ngộ tài chính trong doanh nghiệp là hình thức đãi ngộ thực hiện bằng các công cụ tài chính, bao gồm nhiều loại khác nhau như tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp, trợ cấp, cổ phần... Bên cạnh đó, để khai thác đầy đủ năng lực và thúc đẩy cá nhân làm việc thì cần phải có đãi ngộ phi tài chính. Đãi ngộ phi tài chính được thực hiện thông qua hai hình thức là đãi ngộ qua công việc và qua môi trường làm việc nhằm đáp ứng những nhu cầu đời sống tinh thần của người lao động ngày càng cao và đa dạng, như sự hứng thú, say mê làm việc, được đối xử công bằng, kính trọng, được giao tiếp với mọi người. Lao động chất lượng cao định cư tại Nhật Bản sẽ được xem xét cấp vĩnh trú chỉ sau một năm sinh sống (so với trước đây là 10 năm) - là mức thời gian được coi là ngắn nhất trên thế giới để người nước ngoài lấy thẻ cư trú vĩnh viễn ở một quốc gia. Với chính sách mới, người nước ngoài được xếp vào đối tượng “lao động chất lượng cao” ở Nhật Bản có thể xin cấp thẻ vĩnh trú chỉ sau 3 năm;lao động chất lượng cao loại đặc biệt được xin thẻ vĩnh trú chỉ sau 1 năm.
Mở cửa thu hút lao động chất lượng cao nước ngoài
Từ năm 2014, Nhật Bản đã nới lỏng các hạn chế liên quan tới visa lao động cho người nước ngoài để thu hút tài năng. Nhật Bản thông qua Dự luật mới (tháng 4-2019) cho phép mở cửa tiếp nhận lao động chất lượng cao nước ngoài. Chương trình đã thu hút hàng trăm nghìn lao động có tay nghề cao của các nước đến Nhật Bản làm việc lâu dài trong 14 ngành, nghề.
Một số gợi mở đối với Thủ đô Hà Nội
Một là, Hà Nội cần xây dựng các chính sách thu hút lao động chất lượng cao xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của Thủ đô để phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng. Do vậy, việc xây dựng chính sách thu hút lao động này càng có ý nghĩa quan trọng. Vấn đề đặt ra là chính sách phải có tính hiện thực, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn về nguồn lao động trong nước với bối cảnh quốc tế. Chính sách thu hút lao động chất lượng cao của Nhật Bản luôn được điều chỉnh phù hợp với các giai đoạn phát triển của nền kinh tế Nhật Bản, tương ứng với nhu cầu số lượng và cơ cấu nguồn lao động chất lượng cao với những lĩnh vực mà Nhật Bản cần tập trung phát triển.
Hai là, cần tạo dựng môi trường phù hợp với những chính sách đãi ngộ hợp lý. Để thu hút lao động chất lượng cao, ngoài việc hình thành chính sách bài bản rất cần môi trường xã hội thuận lợi cho lao động nước ngoài đến làm việc. Với những trường hợp này, Nhật Bản đã có những chính sách và quy định cụ thể để tạo môi trường thuận lợi đối với số lao động chất lượng cao được thu hút vào Nhật Bản. Nhật Bản đã xây dựng, ban hành các quy định, chế độ về khía cạnh tài chính (chế độ hỗ trợ, khen thưởng, lương ưu đãi...) và khía cạnh hành chính (chế độ visa, cấp chỗ ở…) nhằm đưa lại điều kiện làm việc tốt có thể cũng như điều kiện sống thuận lợi. Tuy nhiên, hệ thống các điều kiện này cũng cần được nghiên cứu vận dụng cho phù hợp với điều kiện của Thủ đô Hà Nội hiên nay. Có thể nói, đây cũng là kinh nghiệm tham khảo hữu ích đối với Thủ đô Hà Nội trong quá trình xây dựng các chính sách đãi ngộ phù hợp với bối cảnh mới.
Những kinh nghiệm đến từ một số giải pháp thu hút nguồn lao động chất lượng cao của Nhật Bản, giúp Hà Nội có cái nhìn rõ nét hơn trong việc thu hút và sử dụng hợp lý nguồn lao động chất lượng cao, góp phần quan trọng vào công cuộc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, toàn diện hiện nay./.
Hà Nội: Tâm thế mới, vóc dáng mới trong điều kiện mới  (26/11/2023)
Hà Nội: Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, hội nhập  (25/11/2023)
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao của Thủ đô  (25/11/2023)
- Vĩnh Phúc tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân
- Vĩnh Phúc xây dựng các giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp nhỏ và vừa vững vàng hội nhập
- Tỉnh Vĩnh Phúc: Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website thương mại điện tử
- Nông dân Vĩnh Phúc chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
- Vĩnh Phúc Khẳng định vai trò chủ lực, thúc đẩy sản xuất công nghiệp điện tử
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp