Nhân rộng mô hình bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, góp phần phát triển du lịch ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh
TCCS - Bình Liêu là một huyện vùng cao của tỉnh Quảng Ninh có đa số đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với nhiều sắc thái văn hóa phong phú và độc đáo. Trên cơ sở xác định lợi thế so sánh đó, thời gian qua, huyện đã nhân rộng mô hình bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống gắn kết với phát triển du lịch, qua đó góp phần nâng cao đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các mô hình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc
Huyện Bình Liêu có trên 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, chủ yếu là dân tộc Dao, Tày, Sán Chay... Mỗi dân tộc có tiếng nói, trang phục, kiến trúc nghệ thuật, phong tục, tập quán riêng. Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh, huyện Bình Liêu có nhiều loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian (nghệ thuật diễn xướng then của dân tộc Tày, hội soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ…), 4 di sản loại hình tiếng nói, chữ viết; lễ hội truyền thống Đình Lục Nà rất đặc sắc; nhiều di sản loại hình nghề thủ công truyền thống và các di sản thuộc tri thức dân gian. Đây chính là nguồn tài nguyên nhân văn phong phú, giàu giá trị, là điều kiện thuận lợi để huyện Bình Liêu phát triển du lịch văn hóa.
Để biến tiềm năng thành nguồn lực, xây dựng các sản phẩm văn hóa độc đáo trên cơ sở khai thác giá trị các di sản văn hóa của địa phương, huyện Bình Liêu đã xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc huyện Bình Liêu giai đoạn 2020 - 2030 (gọi tắt là đề án); từ đó xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả để lan tỏa rộng rãi trong nhân dân toàn huyện ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời thông qua hoạt động du lịch văn hóa để tạo nguồn lực kinh tế - xã hội, quay trở lại đầu tư, tu bổ các di sản văn hóa. Đề án tập trung ưu tiên phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho cộng đồng dân tộc tự bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc. Theo đề án, với mỗi dân tộc, huyện Bình Liêu sẽ thống kê, phân tích và đánh giá các giá trị văn hóa theo hai nhóm lớn, là văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể, trong đó tập trung nghiên cứu di sản văn hóa 3 dân tộc điển hình trên địa bàn là dân tộc Tày, Dao và Sán Chay. Huyện tập trung quy hoạch về kiến trúc nhà ở, bảo tồn trang phục, trùng tu di tích, phục hồi, phát triển các giá trị văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể để tạo sự đồng nhất và mang lại những nét đặc trưng riêng cho mỗi dân tộc. Ví dụ, đối với dân tộc Tày, bên cạnh việc bảo tồn các giá trị về văn hóa, trang phục, nhà cửa thuộc về vật thể, huyện còn tiến hành bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, như tiếng nói, chữ viết, truyện cổ, dân ca, ca dao, hát then, đàn tính…
Thông qua nhiều mô hình, mỗi cộng đồng dân cư cũng có những giải pháp riêng, phù hợp để gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc mình, như việc thành lập các câu lạc bộ văn nghệ truyền thống tại các xã, thôn, bản, trường học, qua đó khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ bản sắc dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, nhất là ở thế hệ trẻ. Tiêu biểu tại khu Nà Làng, thị trấn Bình Liêu, nhiều người dân tham gia vào các câu lạc bộ hát Then của huyện, xã để bảo tồn nét đẹp độc đáo này trong đời sống người Tày nơi đây. Hằng tuần, nhiều nghệ nhân thế hệ trước vẫn dạy hát Then cho các con cháu trong gia đình và những cháu nhỏ khác, qua đó tạo niềm đam mê, hứng khởi cho thế hệ con cháu có ý thức với việc giữ gìn bản sắc dân tộc. Đến nay, các câu lạc bộ vẫn được duy trì hoạt động thường xuyên, góp phần quảng bá, lan tỏa những nét đẹp văn hóa của địa phương.
Ở xã Húc Động của huyện Bình Liêu có mô hình lớp truyền dạy và thực hành hát soóng cọ. Soóng cọ theo tiếng Sán Chỉ nghĩa là hát ca, là thể loại trữ tình, đối đáp nam nữ với lời ca và giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, đầy sức lan tỏa, diễn tả tâm tư tình cảm của đồng bào Sán Chỉ. Đây là làn điệu dân ca đặc sắc trong kho tàng văn hóa văn nghệ dân gian của huyện Bình Liêu, được lưu truyền qua nhiều thế hệ và có vai trò đặc biệt trong đời sống tâm hồn cũng như trong đời sống sinh hoạt, văn hóa của đồng bào Sán Chỉ. Trên cơ sở nhận thức được giá trị của loại hình văn hóa phi vật thể này, Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Bình Liêu đã phối hợp với Trường Trung học cơ sở Húc Động mở lớp truyền dạy và thực hành hát soóng cọ cho học sinh. Tham gia truyền dạy là các nghệ nhân đồng bào dân tộc Sán Chỉ đã có bề dày kinh nghiệm về hát soóng cọ, như nghệ nhân Trạc A Thìn, Nình Thị Cọm, Trần Thị Phấu... Sau khóa học, các em học sinh đã thể hiện được làn điệu soóng cọ và đưa các tiết mục hát dân gian này vào các hoạt động ở trường và tham gia các hoạt động chung của xã. Ngoài ra, Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện còn mời các nghệ nhân truyền dạy và thực hành thổi kèn lá rứa rừng, nhảy tắc xình, đệm sáo trúc cho làn điệu soóng cọ, qua đó góp phần khôi phục, bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc Sán Chỉ đang có nguy cơ bị mai một.
Không chỉ chú trọng xây dựng các mô hình bảo tồn các làn điệu dân ca tại địa phương, huyện Bình Liêu cũng khuyến khích các mô hình bảo tồn trang phục truyền thống của các dân tộc ngay trong chính đời sống hằng ngày. Xuất phát từ tình hình thực tế ở địa phương, Phòng Giáo dục huyện Bình Liêu đã triển khai phong trào mặc trang phục dân tộc khi đến lớp. Phong trào này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các thầy, cô giáo, các em học sinh và phụ huynh học sinh, được nhân rộng, lan tỏa đến tất cả các nhà trường trên địa bàn huyện Bình Liêu. Tiêu biểu tại điểm trường Bản Ngày, Trường Tiểu học Vô Ngại, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu, thầy, cô giáo và các em học sinh đến trường với những bộ trang phục truyền thống rực rỡ sắc màu vào mỗi sáng thứ hai hằng tuần và trong các dịp lễ, tết, ngày hội trường. Việc mặc trang phục dân tộc không còn là quy định mà đã dần trở thành niềm yêu thích, tự hào của mỗi học sinh và các thầy, cô giáo. Bên cạnh việc khuyến khích các thầy, cô giáo, các em học sinh mặc trang phục dân tộc, Phòng Giáo dục huyện Bình Liêu còn chỉ đạo các trường học trên địa bàn huyện lồng ghép nội dung về văn hóa dân tộc vào chương trình giáo dục địa phương nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh về vị trí, vai trò của công tác giữ gìn, phát huy những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, đồng thời bồi đắp thêm niềm tự hào về truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.
Không chỉ ở trong các trường học trên địa bàn huyện Bình Liêu, mô hình bảo tồn trang phục dân tộc còn được nhân rộng, lan tỏa đến đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân. Từ năm 2019, huyện Bình Liêu đã triển khai việc mặc trang phục truyền thống dân tộc tại các cơ quan, đơn vị. Theo đó, huyện triển khai đồng loạt mặc trang phục truyền thống 2 ngày/tuần và vào các ngày lễ hội, các sự kiện quan trọng của quê hương, đất nước, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống, tạo nét đẹp văn hóa độc đáo của huyện Bình Liêu.
Gắn kết bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch
Trên cơ sở xác định những tiềm năng để phát triển du lịch từ các giá trị di sản văn hóa địa phương, ngay từ năm 2015, Đảng bộ huyện Bình Liêu đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/HU, ngày 31-7-2015, “Về phát triển du lịch huyện giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030”. Đến năm 2020, khi được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh công nhận là Khu du lịch cấp tỉnh, huyện Bình Liêu đã đẩy mạnh thu hút đầu tư và dành nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng một cách đồng bộ, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch với nhiều hình thức đa dạng; chú trọng đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch mới (với bảy nhóm sản phẩm theo chuyên đề), trong đó nhấn mạnh tại các địa điểm du lịch sẽ khôi phục nhiều hoạt động văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương. Cùng với việc nhân rộng mô hình bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, thời gian qua, huyện Bình Liêu đã và đang tích cực triển khai mô hình làng văn hóa - du lịch của các dân tộc Tày, Sán Chỉ, Dao Thanh Phán ở thôn Bản Cáu (xã Lục Hồn), thôn Lục Ngù (xã Húc Động)... gắn liền với các tour, tuyến, điểm du lịch văn hóa, trong đó có sự gắn kết hài hòa giữa việc bảo tồn các di sản văn hóa các dân tộc huyện Bình Liêu với các không gian, điểm đến du lịch, xây dựng các mô hình trải nghiệm du lịch văn hóa đặc sắc của địa phương, mang đến nhiều sự thú vị và hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước khi được trực tiếp tham gia những sinh hoạt cộng đồng của người dân. Ví dụ tập quán sinh hoạt, canh tác của đồng bào dân tộc thiểu số và đặc trưng mùa hoa sở nở vào mùa đông gắn với tục lệ cơm mới là những nét khác biệt để huyện Bình Liêu xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm.
Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động lễ hội, tuần văn hóa du lịch được tổ chức thường niên, như ngày hội kiêng gió, hội hát soóng cọ, lễ hội đình Lục Nà, hội hoa sở, hội mùa vàng, hội hát tháng ba,... với rất nhiều hoạt động trải nghiệm mới lạ, các trò chơi dân gian thú vị, các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Bình Liêu được quảng bá và lan tỏa rộng rãi. Đặc biệt, những năm gần đây, hoạt động đá bóng của phụ nữ Sán Chỉ tại huyện Bình Liêu được chính thức đưa vào các lễ hội, các chương trình tuần văn hóa - thể thao, đã tạo nên sự độc đáo, thú vị cho các lễ hội, qua đó ngày càng thu hút đông đảo khách du lịch đến với Bình Liêu.
Nhờ đó, lượng khách du lịch đến huyện Bình Liêu ngày càng tăng. Trong giai đoạn 2016 - 2020 (trước khi chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19), Bình Liêu đón khoảng 330.000 lượt khách (khách lưu trú đạt trên 20%), doanh thu đạt trên 97 tỷ đồng. Riêng năm 2022, Bình Liêu đón 100.000 lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt gần 53 tỷ đồng.
Như vậy, có thể thấy, thông qua các mô hình gắn kết giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch, đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Bình Liêu có thêm việc làm và thu nhập từ chính những giá trị văn hóa của dân tộc mình, từ đó nâng cao hơn ý thức gìn giữ và phát huy các giá trị đó trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Đây là hướng đi đúng đắn, hiệu quả để phục hồi, bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện gắn kết với phát triển ngành du lịch văn hóa trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Mô hình này có thể nhân rộng ra các địa phương khác của tỉnh Quảng Ninh.
Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, để tiếp tục tạo động lực đưa du lịch Bình Liêu bứt phá và phát triển bền vững, góp phần đưa du lịch Quảng Ninh trở thành điểm đến bốn mùa, trung tâm du lịch quốc tế, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 569/QĐ-UBND, ngày 7-3-2023, “Về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội huyện Bình Liêu đến năm 2030” (gọi tắt là Quyết định số 569/QĐ-UBND), trong đó xác định mục tiêu xây dựng huyện Bình Liêu trở thành một trung tâm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái - trải nghiệm, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa, du lịch biên giới của tỉnh Quảng Ninh; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động bền vững gắn với giảm nghèo, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế trụ cột của địa phương trong giai đoạn 2022 - 2030 và gắn kết chặt chẽ với phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, nhằm gia tăng giá trị của sản phẩm địa phương và thu hút nhiều nhà đầu tư tiềm năng, uy tín đầu tư vào du lịch trên địa bàn huyện; phát triển du lịch theo hướng bền vững, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia trên địa bàn huyện Bình Liêu. Quyết định số 569/QĐ-UBND đề ra mục tiêu đến năm 2025, lượng khách đến Bình Liêu đạt trên 500.000 lượt, khách lưu trú đạt trên 150.000 lượt, khách nước ngoài đạt trên 20.000 lượt; doanh thu đạt trên 450 tỷ đồng, lao động trực tiếp liên quan đến hoạt động du lịch trên 3.500 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 85%. Đến năm 2030, lượng khách đến Bình Liêu đạt trên 800.000 lượt, khách lưu trú đạt trên 350.000 lượt, khách nước ngoài đạt trên 30.000 lượt. Doanh thu đạt trên 960 tỷ đồng, lao động trực tiếp liên quan đến hoạt động du lịch trên 5.500 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 95%.
Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-UBND, huyện Bình Liêu đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/HU, ngày 31-3-2023, “Về phát triển du lịch huyện Bình Liêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, xác định cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong phát triển du lịch gắn kết với bảo tồn giá trị các di sản văn hóa, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp xu thế và tiềm năng của địa phương. Theo đó, huyện tập trung triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách, quy hoạch du lịch theo quy định, huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế du lịch; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phục vụ phát triển du lịch; nâng cao chất lượng và phát triển các sản phẩm du lịch, ưu tiên các sản phẩm du lịch đặc trưng; tập trung phát triển nguồn nhân lực; đổi mới hình thức quảng bá, giới thiệu, xúc tiến du lịch...
Hiện nay, Bình Liêu đang phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành xây dựng các tour du lịch theo các tuyến du lịch nội và ngoại vùng. Trong đó, tuyến nội vùng gồm các tuyến du lịch văn hóa sinh thái, tuyến du lịch văn hóa tâm linh và các tuyến du lịch sinh thái cảnh quan. Tuyến kết nối ngoại vùng gồm các tuyến kết nối nội tỉnh (4 tuyến kết nối với các điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh, như vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, Trà Cổ (Móng Cái) và Đông Triều, Uông Bí), các tuyến kết nối liên tỉnh (7 tuyến tới các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng) và tuyến du lịch kết nối quốc tế (1 tuyến kết nối với Phòng Thành Cảng, tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc). Đây là những định hướng phát triển cụ thể sẽ tạo cơ sở để doanh nghiệp và địa phương phối hợp phát triển sản phẩm du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa trên cơ sở tôn trọng tính truyền thống, bản sắc văn hóa địa phương, góp phần xây dựng điểm đến du lịch Bình Liêu chất lượng, thân thiện và an toàn. Cùng với đó, huyện cũng đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp du lịch đầu tư các tổ hợp nghỉ dưỡng, resort, khách sạn quy mô lớn để nâng cao công suất phục vụ, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch; đồng thời, khuyến khích các cá nhân, tổ chức thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh các dịch vụ du lịch gắn với việc bảo tồn các di sản văn hóa của các dân tộc địa phương, như dịch vụ homestay gắn với bảo tồn các làng nghề, trải nghiệm thực hiện một số sản phẩm thủ công truyền thống, dịch vụ sản xuất và cung cấp các sản phẩm OCOP, trải nghiệm các sinh hoạt văn hóa dân gian, trang phục truyền thống... Những sản phẩm, dịch vụ này sẽ góp phần thúc đẩy du lịch Bình Liêu ngày càng phát triển nhanh, bền vững, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời cũng là nguồn lực hiệu quả trong bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số./.
Họp báo thông tin về Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30-10-1963 - 30-10-2023)  (17/10/2023)
Kinh tế biển - Động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh từ nay đến năm 2030  (15/10/2023)
- Quyết tâm đưa Vĩnh Phúc cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Tỉnh Vĩnh Phúc và iMarket Việt Nam ký kết Bản ghi nhớ về việc nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp và sân golf
- Vĩnh Phúc sẽ phân bổ, giao chi tiết vốn đầu tư công năm 2025 cho các dự án trước ngày 31-12-2024
- Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc: Phấn đấu năm 2025 nằm trong top 10 về chuyển đổi số
- Vĩnh Phúc: Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm tiểu thủ công nghiệp
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm