Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tích cực, chủ động đổi mới nội dung, phương thức xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới
TCCS - Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế...”(1), Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đã phát động phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” với các giá trị cốt lõi: Có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước; đóng góp ngày càng hiệu quả và xứng đáng vào công cuộc phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Vai trò của phụ nữ Việt Nam thời đại mới
Nhận thức sâu sắc sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, phát huy truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, các tầng lớp phụ nữ đã nỗ lực rèn luyện, cống hiến, tận tụy lao động, sáng tạo, không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt để vươn lên trong công việc và cuộc sống, tích cực thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước. Nhiều phụ nữ đã trở thành nhà lãnh đạo tài ba, chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Nhiều phụ nữ là tấm gương điển hình, được ghi nhận, truyền cảm hứng cho phụ nữ trên mọi miền đất nước và cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ có thêm động lực, nhiệt huyết và quyết tâm để tiếp bước các thế hệ đi trước. Đội ngũ cán bộ nữ cơ bản có sự tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng. Cán bộ nữ được trẻ hóa, trình độ chuyên môn, lý luận chính trị được nâng lên, đặc biệt là ở cấp cơ sở; ở các khu vực đông đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ cấp ủy viên nữ là người dân tộc thiểu số tăng cao. Số cán bộ nữ giữ các chức danh cao cấp cao hơn nhiệm kỳ trước, nhiều cán bộ nữ được tin tưởng, giao trọng trách, giữ những cương vị lãnh đạo quan trọng của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Trong đó, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia các cơ quan dân cử tăng, tỷ lệ phụ nữ là đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26% (151 đại biểu nữ), cao nhất từ Quốc hội khóa V trở lại đây. Ở vị trí nào, phụ nữ đều phát huy tốt vai trò tham gia lãnh đạo, quản lý, tham mưu giải pháp hữu hiệu cho Đảng và Nhà nước trong hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách, sáng tạo qua các giai đoạn lịch sử. Năm 2021, Chỉ số phát triển con người của Việt Nam đứng thứ 115, nhưng Chỉ số bất bình đẳng giới đứng thứ 71. Điều này cho thấy, so với các nước có cùng trình độ phát triển thì việc thực hiện bình đẳng giới của nước ta tốt hơn rõ rệt. Đây là minh chứng cho sự ưu việt trong sự nghiệp giải phóng phụ nữ, giải phóng con người của Đảng, Nhà nước ta và cũng chứng tỏ sự nỗ lực vươn lên của phụ nữ Việt Nam.
Trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn, tỷ lệ phụ nữ làm việc trong nông nghiệp là 63,4%(2). Phụ nữ luôn đi đầu trong áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu sản xuất cây trồng, vật nuôi; mở rộng ngành, nghề, góp phần quan trọng phát triển nông nghiệp, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Trong sản xuất công nghiệp, vai trò quan trọng của phụ nữ ngày càng được khẳng định. Họ là công nhân, nhà quản lý tại các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp khu vực tư nhân và doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài trong các ngành công nghiệp chế biến, giày da, điện tử, thương mại, ngân hàng và các ngành dịch vụ. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tăng lên trong những năm gần đây và hiện nay chiếm hơn 25% tổng số doanh nghiệp cả nước. Việt Nam xếp thứ 6 trong tổng số quốc gia có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất và cũng là đại diện châu Á duy nhất nằm trong tốp 10 quốc gia dẫn đầu về tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo, đồng thời giữ vị trí cao nhất khu vực Đông Nam Á(3). Nhiều nữ doanh nhân vươn tầm thế giới, đưa hình ảnh đất nước và phụ nữ Việt Nam đến với bạn bè khắp năm châu.
Phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò là lực lượng nòng cốt sáng tạo, tiên phong và truyền bá tri thức; trong đó, đội ngũ nữ trí thức chiếm một phần không nhỏ, đóng góp đáng kể cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tỷ lệ nhà khoa học nữ chiếm hơn 40% tổng số nhà khoa học(4) tại các trường đại học lớn, tỷ lệ nữ cán bộ giảng dạy có trình độ đại học trở lên khá cao, gấp nhiều lần so với những năm ở nửa cuối thế kỷ XX. Với tỷ lệ 63% số cán bộ ngành y(5), phụ nữ chủ động nghiên cứu, tiếp cận kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng điều trị bệnh nhân, phát huy truyền thống, nâng cao y đức, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân; nhiều nhà khoa học nữ ghi danh bằng những giải thưởng quốc tế danh giá(6). Trong lĩnh vực văn hóa - thể thao - du lịch, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, gìn giữ và trao truyền mạch nguồn tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc, phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch gắn với bản sắc, giá trị văn hóa của các địa phương. Thành tích của vận động viên nữ trong thi đấu đỉnh cao có vai trò và đóng góp quan trọng vào thành tựu của nền thể thao nước nhà. Chúng ta tự hào về đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam - các nữ chiến binh sao vàng - dự Cúp Thế giới (World Cup) lần đầu tiên trong lịch sử, đã tiếp thêm sức mạnh cho tinh thần yêu nước, đoàn kết và niềm tự hào trong lòng người dân Việt Nam.
Với vai trò là người vợ, người mẹ, người thầy đầu tiên, phụ nữ là điểm tựa tinh thần vững chắc, gắn kết tình cảm, cùng vun đắp các giá trị tốt đẹp của gia đình, chăm lo xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc. Không chỉ có ý thức chăm sóc sức khỏe bản thân, những người mẹ, người bà còn đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe, chăm sóc dinh dưỡng cho các thành viên gia đình, đặc biệt là phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em, góp phần thiết thực xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai của đất nước.
Có thể khẳng định, ở lĩnh vực hoạt động nào, phụ nữ Việt Nam đều có vai trò quan trọng và luôn đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, không ngừng phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện vươn lên, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước. Họ ngời sáng trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, mà vẫn đậm nét duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các hoạt động xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới
Với tư cách, vai trò là tổ chức hoạt động vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới, thời gian qua, phát huy truyền thống phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã nhanh chóng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp phụ nữ.
Hội đã triển khai các phong trào thi đua, cuộc vận động nhằm hỗ trợ phụ nữ rèn luyện phẩm chất, nâng cao năng lực, kỹ năng và đạt được những kết quả tích cực. Hội chủ động đổi mới phương thức chỉ đạo, tập trung đầu tư nghiên cứu, đánh giá nhu cầu, đề xuất các chương trình, đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt(7) có ý nghĩa lớn để các cấp hội tổ chức triển khai các hoạt động rèn luyện phẩm chất đạo đức, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần thúc đẩy năng lực của phụ nữ trong các lĩnh vực, giảm thiểu tác động tiêu cực của các vấn đề xã hội đối với phụ nữ, góp phần xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện.
Với nhiều cách thức sáng tạo, linh hoạt, Hội chủ trì Dự án 8: “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và hỗ trợ trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tập trung huy động nguồn lực hỗ trợ mô hình sinh kế mới, xây dựng công trình dân sinh, tặng “Mái ấm tình thương”, trao tặng học bổng cho học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp tổ chức khám, chữa bệnh, hỗ trợ máy tính cho cơ sở. Đặc biệt, chương trình “Mẹ đỡ đầu” hỗ trợ chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em mồ côi do Hội phát động, từ khởi điểm mang tính thích ứng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 thì đến nay, đã tạo được sức lan tỏa to lớn, thu hút sự quan tâm, tích cực hưởng ứng của các cấp, các ngành. Đến tháng 9-2023, các cấp hội vận động, kết nối, hỗ trợ, đỡ đầu 27.670 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có hơn 3.000 trẻ mồ côi do COVID-19, với tổng số tiền trên 150 tỷ đồng. Sự kiện Trại hè “Hoa hướng dương” (năm 2023) dành cho các cặp mẹ con trẻ mồ côi quy mô cấp toàn quốc được Hội tổ chức thành công, là nguồn động viên, khích lệ các cháu thêm nỗ lực cố gắng, nhân rộng tình thương yêu của cộng đồng dành cho trẻ em thiệt thòi, có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, hằng năm, các cấp hội tổ chức “Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp” nhằm tìm kiếm, lựa chọn hỗ trợ triển khai các dự án/ý tưởng khởi nghiệp, kinh doanh của phụ nữ, thu hút hàng chục nghìn đề xuất dự án/ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ, trong đó có nhiều chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa đăng ký tham gia. Các hoạt động của Hội hướng đến nhiều đối tượng khác nhau, mở rộng tính liên hiệp để vừa tăng cường vai trò đại diện, vừa xây dựng, phát huy sự tham gia, vai trò của nguồn nhân lực nữ chất lượng cao, như đội ngũ nữ cán bộ lãnh đạo, quản lý, nữ doanh nhân, nữ trí thức...; đồng thời, đề xuất, thực hiện nhiều giải pháp cụ thể dành cho nhóm phụ nữ đặc thù, hoàn cảnh khó khăn. Năm 2023, Trung ương Hội tổ chức hội thảo “Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nữ và việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù” ở các khu vực(8) nhằm đánh giá kết quả công tác cán bộ nữ và việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù. Đây là cơ sở, căn cứ để phục vụ việc đánh giá toàn diện Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20-1-2018, của Ban Bí thư, “Về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”. Những kết quả đáng khích lệ này cho thấy sự định hướng phù hợp và triển khai hiệu quả trong hoạt động của các cấp hội, tạo nền tảng cho phụ nữ phát triển toàn diện, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước.
Bám sát chủ đề năm 2023 của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: “Tập trung xây dựng cơ sở hội, trọng tâm là nâng cao năng lực cán bộ hội cơ sở”, các cấp hội tập trung nguồn lực với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực hướng về cơ sở, đặc biệt là hoạt động nâng cao năng lực và chăm lo cho đội ngũ cán bộ cơ sở, chi hội, tổ hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ. Đến tháng 6-2023, có 20 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ 100% số cán bộ hội chuyên trách cả 3 cấp và 44 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ 100% số cán bộ hội chuyên trách cấp tỉnh sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản trong công tác hội. Trung ương Hội hỗ trợ các cơ sở hội có tỷ lệ tập hợp dưới 60% phụ nữ có mặt tại địa bàn tham gia tổ chức hội; tổ chức ký kết tăng cường công tác phối hợp, thu hút tập hợp hội viên nữ là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Với nhiều giải pháp, hoạt động đi vào chiều sâu, mang tính bền vững, Hội đã phát triển thêm 98.478 hội viên. Số cơ sở hội có tỷ lệ tập hợp dưới 60% phụ nữ có mặt tại địa bàn tham gia tổ chức hội giảm 204 cơ sở so với cuối năm 2022. Từ nhiệm kỳ 2022 - 2027, Hội bổ sung quy định về hội viên danh dự nhằm ghi nhận, tôn vinh những người có tầm ảnh hưởng, đóng góp tích cực cho phong trào phụ nữ, hoạt động hội. Đến tháng 6-2023, hội phụ nữ các cấp đã kết nạp gần 3.000 hội viên danh dự (là nam giới) - những người tích cực đồng hành và kêu gọi sự chung tay của toàn xã hội thúc đẩy bình đẳng giới. Bằng việc đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động, tăng tính tương tác, bắt kịp xu hướng phát triển của xã hội, các hoạt động của Hội đã góp phần hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện và từng bước hội nhập quốc tế sâu rộng.
Hành trình công tác hội và phong trào phụ nữ đã ghi dấu ấn đậm nét của những tấm gương cán bộ hội cơ sở giỏi, tiêu biểu. Chương trình biểu dương cán bộ hội cơ sở giỏi toàn quốc năm 2023 được tổ chức với chủ đề “Những bông hoa tháng Mười”, tôn vinh 293 chủ tịch hội phụ nữ cơ sở toàn quốc có thành tích xuất sắc trong công tác hội và phong trào phụ nữ(9). Với tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết, năng động, tích cực, các chị là cầu nối, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ; tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, tạo nhiều điều kiện, cơ hội giới thiệu việc làm, phát triển kinh doanh, sản xuất; làm tốt vai trò đại diện và chỗ dựa vững chắc cho hội viên, phụ nữ tại địa phương.
Nhận thức được vai trò, trách nhiệm trong giai đoạn hiện nay, mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ đã và đang không ngừng nỗ lực phấn đấu hơn nữa, nhân lên những điều tốt đẹp, khẳng định và tiếp tục bồi đắp, tỏa sáng tinh hoa dân tộc, văn hóa, con người Việt Nam thời kỳ mới với hình ảnh Phụ nữ Việt Nam lan tỏa các giá trị tích cực, nêu gương sáng, nói lời hay, làm việc tốt.
Một số giải pháp xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới
Để hoàn thành được mục tiêu: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(10), cần phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có vai trò rất quan trọng của các tầng lớp phụ nữ. Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới phát triển toàn diện cả về trí tuệ, đạo đức, thể chất, tinh thần, năng lực sáng tạo, ý thức công dân, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ phát triển mới; trong đó, cần thực hiện các giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy các phong trào thi đua ở các cấp hội lan tỏa mạnh mẽ, cụ thể là:
Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, giáo dục truyền thống, giáo dục phẩm chất, đạo đức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ nhằm khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, ý chí vươn lên cùng khát vọng bảo vệ, xây dựng đất nước hùng cường; vận động phụ nữ rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” và thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới”. Khuyến khích các tầng lớp phụ nữ chủ động học tập, nâng cao năng lực, trình độ mọi mặt. Xây dựng và triển khai Chương trình hỗ trợ một triệu phụ nữ nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, tham gia xây dựng xã hội số, phát triển kinh tế số; thiết thực xây dựng xã hội học tập, khuyến học, khuyến tài; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ.
Thứ hai, giáo dục thẩm mỹ, kỹ năng sống, rèn luyện thể chất, nâng cao đời sống tinh thần; vận động, hỗ trợ phụ nữ chăm sóc sức khỏe. Tiếp tục vận động phụ nữ duy trì thực hiện phong trào “Mỗi phụ nữ lựa chọn một hình thức văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao quần chúng phù hợp để rèn luyện sức khỏe”; vận động phụ nữ tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Thứ ba, tư vấn kỹ năng, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, vun đắp các giá trị tốt đẹp của gia đình gắn với triển khai thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, chương trình, đề án trọng tâm của Hội. Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Thứ tư, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, nhất là phụ nữ lãnh đạo, quản lý, nữ trí thức, nữ văn nghệ sĩ, nữ doanh nhân, phụ nữ tài năng, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tổ chức diễn đàn, hoạt động tham vấn, thu hút sự tham gia của các tầng lớp phụ nữ trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hội và phong trào phụ nữ; tổ chức hoạt động phát hiện, biểu dương, tôn vinh phụ nữ tài năng trên tất cả lĩnh vực.
Thứ năm, hỗ trợ nhóm phụ nữ đặc thù, phụ nữ dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới. Nghiên cứu, đề xuất chính sách an sinh, chương trình, đề án hỗ trợ phụ nữ khuyết tật, cao tuổi, lao động nữ di cư; hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện để phụ nữ khuyết tật tiếp cận, tham gia các hoạt động của Hội và tiếp cận các dịch vụ xã hội; tiếp tục triển khai Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”; thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2021 - 2025 trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Thứ sáu, đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, để trở thành tổ chức hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả vì sự phát triển toàn diện của phụ nữ và sự hùng cường, phồn vinh, thịnh vượng của đất nước. Tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là tổ chức tiên phong vì bình đẳng giới, sự phát triển của phụ nữ Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện hai khâu đột phá của nhiệm kỳ 2022 - 2027: “Đổi mới phương thức hoạt động hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin” và “Tập trung xây dựng cơ sở hội vững mạnh”. Đa dạng hóa nội dung hoạt động, hướng mạnh về cơ sở; đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, triển khai hoạt động của Hội.
Thứ bảy, tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách về công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ; mở rộng tính liên hiệp, tập hợp rộng rãi các đối tượng là phụ nữ, đa dạng hóa các hình thức tập hợp để thu hút đông đảo tầng lớp, đối tượng phụ nữ tham gia Hội, nhất là các nhóm phụ nữ đặc thù (như di cư, trong khu công nghiệp, vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo). Tăng cường nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bình đẳng giới trong xã hội, bao gồm các quan điểm, mục tiêu công tác phụ nữ trong tình hình mới. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các chính sách có lồng ghép giới theo quy định của Luật Bình đẳng giới, tạo điều kiện để phụ nữ có cơ hội được tiếp cận, thụ hưởng đầy đủ chính sách an sinh xã hội; xóa bỏ các rào cản tạo bất bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực, như về quyền lợi, nghĩa vụ, phân công lao động, cơ hội việc làm, tiền lương, thu nhập, cơ hội thăng tiến giữa nam và nữ.
Thứ tám, chủ động, tích cực hỗ trợ phụ nữ Việt Nam hội nhập quốc tế theo hướng phát huy thế mạnh của các nhóm phụ nữ và tổ chức hội; kết nối, vận động phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài cùng giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa, nâng cao tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, hướng về cội nguồn, quê hương, đất nước; định hướng các cấp hội phát huy thế mạnh của các nhóm phụ nữ Việt Nam ở trong và ngoài nước, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; tăng cường quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước, người phụ nữ Việt Nam và tổ chức hội ra thế giới.
--------------------------------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 169
(2) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: “Tăng cơ hội tiếp cận việc làm cho phụ nữ nông thôn”, Cổng Thông tin điện tử Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ngày 12-5-2018, https://www.molisa.gov.vn/baiviet/27944?tintucID=27944
(3) Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: “Trao quyền cho phụ nữ trong phát triển doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh”, Cổng Thông tin điện tử Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, ngày 8-3-2022, https://vwu.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/trao-quyen-cho-phu-nu-trong-phat-trien-doanh-nghiep-va-khoi-su-kinh-doanh-45318-4506.html
(4) Xem: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: Đề tài nghiên cứu cấp bộ Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của phụ nữ nông dân ở Việt Nam, Hà Nội, 2021
(5) Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam: “Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII”, Cổng Thông tin điện tử Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, ngày 24-10-2022, https://vwu.vn/web/guest/tin-chi-tiet/-/chi-tiet/nghi-quyet-%C4%91ai-hoi-%C4%91ai-bieu-phu-nu-toan-quoc-lan-thu-xiii-51518-6801.html
(6) Tiêu biểu như, PGS, TS Trần Thị Lý vinh dự là nhà khoa học nữ Việt Nam đầu tiên được trao Giải thưởng Noam Chomsky năm 2020; PGS, TS Hồ Thị Thanh Vân, TS Trần Thị Hồng Hạnh được trao Giải thưởng L’Oréal - UNESCO - Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học (năm 2019); GS, TS Nguyễn Thị Kim Thanh, Đại học University College London vinh dự nhận Huy chương Rosalind Franklin của Royal Society ở Luân-đôn (Anh) với những thành tựu có tầm ảnh hưởng lớn về nghiên cứu khoa học ứng dụng vật liệu nano trong lĩnh vực y sinh, chăm sóc sức khỏe (năm 2020)...
(7) Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”; Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”; Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan tới phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027”,…
(8) Khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, miền Nam
(9) Điển hình như, chị Nguyễn Thị Hợp (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mỹ Thịnh, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định) 37 năm tận tâm gắn bó cả tuổi thanh xuân với công tác hội cơ sở; chị Ka Rẹ (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) có nhiều sáng tạo trong tuyên truyền, vận động bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chị Nguyễn Thị Hải Huệ (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) khắc phục khó khăn vươn lên làm kinh tế giỏi và giúp được nhiều chị em vượt khó, thoát nghèo,…
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 111
Xây dựng người phụ nữ Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế  (30/10/2022)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt các nữ đại biểu Quốc hội  (21/10/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Chính phủ sẽ nghiên cứu, xây dựng chính sách để bảo đảm an sinh xã hội cho phụ nữ  (15/10/2022)
Thực hiện bình đẳng giới trong Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay  (12/07/2022)
- Quyết tâm đưa Vĩnh Phúc cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
- Tỉnh Vĩnh Phúc và iMarket Việt Nam ký kết Bản ghi nhớ về việc nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu đầu tư dự án hạ tầng khu công nghiệp và sân golf
- Vĩnh Phúc sẽ phân bổ, giao chi tiết vốn đầu tư công năm 2025 cho các dự án trước ngày 31-12-2024
- Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc: Phấn đấu năm 2025 nằm trong top 10 về chuyển đổi số
- Vĩnh Phúc: Tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm tiểu thủ công nghiệp
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm