Nâng cao hiệu quả hoạt động trong các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh

Nguyễn Đức Long
Phó Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh
15:40, ngày 20-06-2022

TCCS - Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh đã cấp 1.756 Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ở trong và ngoài nước vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, với tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh đạt gần 23 tỷ USD.

Đồng chí Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh (hàng trên, đứng thứ 4 từ trái sang) cùng đại diện các sở, ngành chức năng tỉnh Bắc Ninh kiểm tra công tác xây dưng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Quế Võ_Ảnh: baobacninh.com.vn

Tạo diện mạo mới cho ngành công nghiệp phát triển

Đến nay, tỉnh Bắc Ninh có 16 khu công nghiệp tập trung (với 24 dự án đầu tư xây dựng phát triển hạ tầng khu công nghiệp đang triển khai thực hiện) với tổng diện tích đất quy hoạch là 6.397,68 ha; trong đó, diện tích đất công nghiệp đã đưa vào sử dụng là 2,238,92 ha; tỷ lệ lấp đầy bình quân trên diện tích đất quy hoạch của các khu công nghiệp đã được thành lập đạt 54,23%.

Với 24 dự án đầu tư phát triển hạ tầng đã được phê duyệt chủ trương đầu tư tại 16 khu công nghiệp, hiện nay có 10 khu công nghiệp đang hoạt động với 11 dự án; 6 khu công nghiệp với 13 dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư/cấp giấy chứng nhận đầu tư, đang triển khai các bước đầu tư xây dựng dự án.

Tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh của các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp là 2.118,45 triệu USD, trong đó có 3 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh là 263,91 triệu USD; 21 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh là 35.875,10 tỷ đồng (tương đương 1.854,54 triệu USD).

Ước 6 tháng đầu năm 2022, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh cấp mới 38 dự án với tổng vốn đầu tư trên 200 triệu USD.

Lũy kế đến thời điểm hiện tại, các khu công nghiệp đang hoạt động đã thu hút được 1.756 dự án đầu tư thứ cấp (DDI là 560 dự án, FDI là 1.196 dự án) với tổng vốn đầu tư cấp mới và điều chỉnh đạt gần 23 tỷ USD (DDI là 66.848,57 tỷ đồng, tương đương 3.090,18 triệu USD; FDI là 19.861,8 triệu USD).

Từ đầu năm 2022 đến nay, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có 15 dự án đầu tư đi vào hoạt động, nâng tổng số dự án đi vào hoạt động tại các khu công nghiệp là 1.165 dự án.

Ước 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp khu công nghiệp đạt được các chỉ tiêu chủ yếu sau: Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 677.053 tỷ đồng; doanh thu đạt 756.858 tỷ đồng; giá trị xuất khẩu đạt 20.147 tỷ đồng; nhập khẩu đạt 16.085 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước đạt 7.099 tỷ đồng.

Đồng thời các khu công nghiệp Bắc Ninh tạo việc làm cho hơn 319.000 lao động ở trong và ngoài tỉnh (trong đó có cả lao động là người nước ngoài).

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp phát triển mạnh mẽ, góp phần làm gia tăng lớn giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (chiếm gần 90% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh), kim ngạch xuất khẩu và nguồn thu cho ngân sách cho địa phương.

Những kết quả trên là minh chứng cho thấy, mặc dù diện tích đất sử dụng cho phát triển KCN chiếm tỷ lệ ít (chiếm 7,776% trên tổng diện tích đất tự nhiên, 14,64% diện tích đất nông nghiệp của toàn Tỉnh), mới có 05/15 KCN được lấp đầy, nhưng đã tạo ra những chỉ số ấn tượng về số doanh nghiệp hoạt động, giá trị sản xuất kinh doanh, giá trị xuất, nhập khẩu, GDP bình quân đầu người, hiệu quả nộp ngân sách… rất to lớn. Do vậy, các KCN Tỉnh luôn được các tổ chức uy tín ở trong và ngoài nước xếp hạng đứng Top đầu của khu vực và cả nước. Với những đóng góp tích cực của các KCN tỉnh nhà trong phát triển công nghiệp của Tỉnh đã góp phần quan trọng đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu nền kinh tế của tỉnh Bắc Ninh nói riêng và cả nước nói chung. Bên cạnh đó, quy hoạch các KCN của Tỉnh cho thấy, Bắc Ninh vẫn còn rất nhiều tiềm năng để tiếp tục phát triển.

Động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế tỉnh Bắc Ninh

Việc phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp những năm qua đã có tác động lan tỏa, thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng kết nối và dịch vụ tiện ích cho các khu công nghiệp; đồng thời tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước để tái đầu tư vào kết cấu hạ tầng của địa phương. Qua đó, từng bước thúc đẩy phát triển quá trình đô thị hóa theo hướng chuyển đổi vùng nông nghiệp lạc hậu thành khu đô thị - nông nghiệp phát triển.

Khu công nghiệp là mô hình sản xuất công nghiệp tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ môi trường và thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; ngoài ra còn góp phần hiện đại hóa hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng và góp phần củng cố quốc phòng - an ninh.

Những năm gần đây, với điểm nhấn là sự phát triển nhanh chóng của các KCN, tỉnh Bắc Ninh đang được xem như là thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư lớn, tập đoàn đa quốc gia đến đầu tư phát triển, nhờ đó đã đưa tỉnh Bắc Ninh trở thành trung tâm phát triển công nghiệp của vùng và cả nước.

Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh phát triển đã tạo ra không gian kinh tế góp phần thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào địa phương, có vai trò đáng kể trong dịch chuyển cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất công nghiệp, thúc đẩy ngành công nghiệp của tỉnh phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, góp phần giải quyết việc làm với thu nhập ổn định và ngày càng nâng cao cho người lao động trong và ngoài tỉnh, gián tiếp thúc đẩy kinh tế thương mại và dịch vụ.

Hình thành các khu công nghiệp tập trung giúp tạo ra động lực để hình thành và phát triển thị trường lao động, nâng cao chất lượng đội ngũ lao động và thu nhập bình quân, thu hẹp khoảng cách chênh lệch phát triển giữa nông thôn và thành thị. Từ đó thúc đẩy quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Phát triển các khu công nghiệp tạo hiệu ứng lan tỏa, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa khu vực. Thông qua phát triển các khu công nghiệp, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật được hình thành, ngày càng hoàn chỉnh, đồng bộ và có chất lượng, tạo đà cho các ngành kinh tế khác phát triển, đặc biệt là hệ thống những tuyến đường giao thông huyết mạch, mạng lưới điện, mạng lưới thông tin... thúc đẩy nông thôn phát triển, đa dạng hóa ngành nghề, giảm lao động thủ công trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề phi nông nghiệp, nâng cao năng suất chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tiếp tục tạo đà phát triển các khu công nghiệp

Phát huy những kết quả đã đạt được trong phát triển các khu công nghiệp thời gian qua, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư và phát triển các khu công nghiệp trong thời gian tới trọng tâm vào các nội dung sau:

Thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng ít đất, ít lao động; suất vốn đầu tư cao, đóng góp ngân sách và hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường theo đúng định hướng thu hút đầu tư tại Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và định hướng thu hút đầu tư của tỉnh Bắc Ninh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Đề án thu hút đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2013 - 2020, tầm nhìn 2030 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh phê duyệt tại Quyết định số 293/QĐ-UBND, ngày 12-8-2013; Văn bản số 492/UBND- KTTH, ngày 1-3-2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc.

Dây truyền sản xuất điện thoại của hãng Samsung tại Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh_Ảnh: TTXVN

Thực hiện chủ trương phát triển các khu công nghiệp xanh, sạch, thân thiện với môi trường, phù hợp với định hướng phát triển của địa phương và của Chính phủ.

Để đạt được kế hoạch và nhiệm vụ thu hút đầu tư trong năm 2022 và những năm tiếp theo, Ban Quản lý cần thực hiện tốt một số giải pháp như sau:

Một là, tiếp tục thực hiện nhất quán quan điểm thu hút đầu tư có chọn lọc; bám sát định hướng thu hút đầu tư theo Nghị quyết số 50-NQ/TW, ngày 20-8-2019 của Bộ Chính trị và các nghị quyết, chỉ đạo của tỉnh Bắc Ninh.

Hai là, đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư, đặc biệt là hình thức xúc tiến đầu tư tại chỗ; đẩy mạnh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, tạo quỹ đất để thu hút các dự án lớn. Yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp xây dựng hoàn thiện hạ tầng và thực hiện thường xuyên công tác duy tu, bảo dưỡng. Thực hiện công tác giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch phục vụ công tác xúc tiến đầu tư.

Ba là, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, chấp hành nghiêm chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về số lượng các thủ tục hành chính áp dụng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4. Thường xuyên hỗ trợ, đồng hành, đối thoại với các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Một mặt, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp; mặt khác, nâng cao hình ảnh về hiệu quả hoạt động của các khu công nghiệp, tạo sự tin tưởng của các doanh nghiệp, đây chính là phương pháp quảng bá tốt nhất trong thực hiện công tác xúc tiến đầu tư.

Bốn là, phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội bên trong và ngoài khu công nghiệp để xây dựng và phát triển bền vững các khu công nghiệp đã được quy hoạch phát triển trên địa bàn tỉnh; tránh việc quy hoạch, xây dựng tạo ra các nút thắt, điểm nghẽn, đấu nối mất an toàn.

Năm là, có biện pháp kiểm soát giá cho thuê đất của các doanh nghiệp hạ tầng khu công nghiệp để đảm bảo hài hòa. Thúc đẩy các doanh nghiệp hỗ trợ cả nước nói chung và Bắc Ninh nói riêng tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI./.