TCCSĐT - Chương trình xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh phúc đã về đích sớm hơn so với kế hoạch 2 năm, ngày 28-7-2016, Chính phủ ký Quyết định số 1512/QĐ-TTg, công nhận huyện Bình Xuyên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.

Từ những chủ trương đúng…

Đảng bộ huyện đã chỉ đạo 10/10 xã xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ cần triển khai theo 19 tiêu chí, trong đó, phải chỉ ra cụ thể danh mục các dự án; công việc; kinh phí; lộ trình triển khai một cách rõ ràng theo nguyên tắc: Việc gì thôn, xóm, nhân dân làm được thì để nhân dân làm. Ưu tiên triển khai hỗ trợ đầu tư ở thôn, xóm, hộ gia đình trước như: đường làng, ngõ xóm, kênh mương nội đồng, nhà văn hóa thôn, phát triển sản xuất…; đồng thời, lồng ghép việc thực hiện Chương trình với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; trong đó, chủ trương quan tâm chỉ đạo một số cây trồng, vật nuôi, nghề mới đem lại hiệu quả kinh tế cao; tăng cường liên kết nông dân với các doanh nghiệp theo hướng xây dựng chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ nhằm giải bài toán, bảo đảm lợi nhuận ổn định cho người nông dân.

 
 Các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy - Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện đón Bằng công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới

Tập trung chỉ đạo các ban, ngành đoàn thể trong hệ thống chính trị huyện thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ đó, tích cực đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động về xây dựng nông thôn mới sâu rộng trong quần chúng nhân dân dưới nhiều phương tiện, hình thức như: cổng thông tin điện tử huyện; đài loa phát thanh huyện, xã, thị trấn; tuyên truyền bằng cổ động, trực quan bằng pa-nô, áp phích; qua bản tin tuyên truyền huyện; sinh hoạt chi bộ, tổ, hội, nhóm…

Đến những kết quả quan trọng

Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện đã về đích sớm hơn so với kế hoạch 2 năm. Năm 2013, toàn huyện mới có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đến năm 2014 có thêm 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới; đến tháng 11-2015 có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 8/10 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới (đạt 80,0% tổng số xã); các xã còn lại đều đạt trên 15 tiêu chí (trong đó có tiêu chí thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo). Huyện Bình Xuyên đủ điều kiện được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Bình Xuyên lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đã đề ra.

Có thể nói, từ chủ trương đúng của Đảng bộ huyện Bình Xuyên đã có nhiều đổi mới, kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu có sự chuyển dịch tích cực; sản xuất phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên; năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 2,5%. Hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư xây dựng: trên 93% tuyến đường giao thông nông thôn được cứng hóa bằng trải nhựa, bê tông, đường trục chính nội đồng cơ bản được bê tông hóa trên 75,3%. Hệ thống thủy lợi, kênh mương tưới tiêu được đầu tư nâng cấp, cải tạo, kiên cố hóa 100% các tuyến kênh loại 1, loại 2 và 99,44% kênh loại 3. Mạng lưới chợ trên địa bàn được nâng cấp, xây mới góp phần phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, dịch vụ và phục vụ đời sống của nhân dân. Hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng được yêu cầu sản xuất và dân sinh. Các công trình đầu mối, trạm bơm, hồ đập vùng khó khăn về nguồn nước đã từng bước được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây dựng. Hệ thống điện lưới, viễn thông đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất và nhu cầu đời sống nhân dân; 100% số xã có điểm phục vụ bưu chính, viễn thông, hạ tầng viễn thông đạt tiêu chí quốc gia, sóng viễn thông được phủ 100% diện tích toàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu sử dụng truy cập mạng internet của cộng đồng dân cư nông thôn. Mạng lưới chợ nông thôn cơ sở vật chất văn hóa, trường học được nâng cấp, xây mới góp phần phục vụ nhu cầu trao đổi, lưu thông hàng hóa phục vụ đời sống nhân dân.

Lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường được quan tâm đầu tư và có nhiều tiến bộ; giáo dục - đào tạo được quan tâm đặc biệt. Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng, xã văn hóa được triển khai tích cực. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho ban đầu cho cán bộ và nhân dân được quan tâm. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 98%; tỷ lệ thanh tiếu niên từ 15 - 18 tuổi có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 95%; học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được học tiếp trung học phổ thông, bổ túc, học nghề đạt 96%; cơ sở vật chất và các điều kiện dạy và học được tăng cường theo hướng kiên cố hóa, hiện đại hóa, 9/10 xã có đủ 3 cấp trường đạt chuẩn quốc gia; toàn huyện có 99/107 thôn, làng văn hóa, 8/10 xã có thiết chế văn hóa xã, thôn đạt chuẩn; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 76,8%. Lao động và giải quyết việc làm được quan tâm chỉ đạo, tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn huyện đạt 67%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,07%; 100% các xã đã có hố tập kết rác thải, 100% số thôn đã có tổ vệ sinh môi trường, thành lập mới, thêm khâu dịch vụ về vệ sinh môi trường, nâng tổng số hợp tác xã làm dịch vụ về vệ sinh môi trường là 10 hợp tác xã thường xuyên hoạt động có hiệu quả. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc đạt kết quả tốt. Hệ thống chính trị vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

 
 Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân thăm cánh đồng trồng lạc của Hợp tác xã nông nghiệp Nhân Lý, xã Phú Xuân

Từ những kết quả trong công tác lãnh, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ huyện Bình Xuyên rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, xác định việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và khó thực hiện, đòi hỏi phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, do vậy, Đảng ủy, chính quyền các cấp phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo điều hành toàn diện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở đó, huyện Bình Xuyên đã làm tốt công tác tổ chức bộ máy quản lý điều hành xây dựng nông thôn mới, từ huyện đến cơ sở; vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể từ huyện đến cơ sở trong việc tổ chức chỉ đạo điều hành phải bảo đảm tập trung, thống nhất. Trong lãnh chỉ đạo triển khai thực hiện phát huy trách nhiệm người đứng đầu, phân công rõ trách nhiệm từng cấp, từng ngành, từng thành viên Ban chỉ đạo, từng cơ quan đơn vị, từng cán bộ, đảng viên.

Hai là, quán triệt quan điểm lấy dân làm gốc trong lãnh đạo của Đảng, tin dân, dựa vào dân, lấy sức dân để tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới; do vậy, công tác tuyên truyền phải được triển khai sâu rộng kết hợp mọi hình thức, tuyên truyền tới các tổ chức, cá nhân ở mọi lúc, mọi nơi về kế hoạch thực hiện xây dựng nông thôn mới, mục đích, ý nghĩa tầm quan trọng, cơ chế chính sách xây dựng nông thôn mới. Để người dân hiểu về lợi ích, trách nhiệm của mình tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.

Ba là, chỉ đạo và thực hiện tốt công tác xây dựng và thực hiện quy hoạch; đây là nhiệm vụ then chốt, tạo nền móng để triển khai hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; quá trình triển khai thực hiện phải tiến hành đồng bộ từ huyện đến xã, thôn, xóm và người dân phải được bàn bạc, công khai, dân chủ; phải xác định rõ mục tiêu, lộ trình phấn đấu thực hiện từng nội dung, từng tiêu chí, phù hợp với điều kiện của từng địa phương; công tác chỉ đạo thực hiện bảo đảm cụ thể, sâu sát đến từng tiêu chí, nội dung, từng đơn vị và phải bảo đảm tiến hành dân chủ, công khai, tạo được niềm tin trong nhân dân

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và công tác thi đua khen thưởng. Ngoài việc thanh tra theo quy định của Nhà nước, phải tăng cường sự kiểm tra, giám sát của nhân dân nhằm kịp thời phát hiện những thiếu sót khuyết điểm để kịp thời chấn chỉnh, xử lý; công tác tổng kết thi đua khen thưởng phải gắn với việc phát động phong trào thi đua rộng khắp như: nêu gương, động viên khuyến khích các điển hình tiên tiến, để huy động sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân./.