Huyện Lập Thạch trên con đường phát triển

Việt Bách
15:40, ngày 08-12-2016
TCCSĐT - Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Lập Thạch,tỉnh Vĩnh Phúc đoàn kết vượt qua khó khăn, thử thách, tập trung chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xây dựng hạ tầng đồng bộ, nâng cao đời sống nhân dân, từng bước hội nhập mạnh mẽ với xu thế phát triển chung của tỉnh và cả nước.

Chuyển đổi cây trồng vật nuôi - bước phát triển kinh tế hiệu quả

Là huyện miền núi, địa bàn rộng, cách xa trung tâm của tỉnh, dân số đông, trình độ phát triển kinh tế thấp, sản xuất nông nghiệp là ngành nghề chính song luôn chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Năm 2000, cơ cấu kinh tế của huyện có tỷ trọng nông lâm nghiệp khá cao trên 67%, tiểu thủ công nghiệp đạt 15%; giá trị tổng sản lượng bình quân đầu người mới đạt trên 1,7 triệu đồng. Sau khi tái lập tỉnh, đứng trước những khó khăn thử thách, huyện Lập Thạch xác định với phần lớn dân số sống ở nông thôn nên trước mắt, sản xuất nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ đạo. Từ đó, huyện tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị sản xuất, chất lượng sản phẩm; triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách, các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh. Năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động địa phương.

Với mục tiêu tăng hệ số sử dụng đất, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, trong những năm qua, nhiều diện tích đất vườn tạp, đất đồi kém hiệu quả, được chuyển sang trồng một số loại cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao được nhân rộng như mô hình thí điểm trồng cây thanh long ruột đỏ giai đoạn 2011-2013 tại các xã Vân Trục, Ngọc Mỹ, Xuân Hòa. Sau 3 năm triển khai đã trồng được 100ha, đến nay, diện tích trồng thanh long ruột đỏ của người dân tham gia dự án đã cho thu hoạch quả ổn định, hàng năm trừ chi phí, thu nhập 250-300 triệu đồng/năm/ha, cây thanh long đã trở thành cây làm giàu cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện, tạo điều kiện giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhằm tiếp tục phát triển sản xuất cây thanh long ruột đỏ tại huyện Lập Thạch theo chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ bền vững, xây dựng được vùng sản xuất thanh long tập trung, tạo sản phẩm có chất lượng cao phục vụ cho nội tiêu và xuất khẩu, giai đoạn 2016 - 2020, huyện mở rộng diện tích cây thanh long ruột đỏ theo quy hoạch khoảng 280 - 300ha và hỗ trợ, hướng dẫn, tổ chức cho người trồng thanh long áp dụng quy trình VietGap để nâng cao chất lượng và đảm bảo nhãn hiệu.

Song song với việc chuyển đổi cây trồng, nhiều mô hình chuyển đổi trong chăn nuôi cũng được người dân trên địa bàn huyện áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế cao như chăn nuôi bò sữa, lợn gia cầm. Đến nay, toàn huyện đã cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại cho 52 trang trại, gia trại chăn nuôi và 7 trang trại tổng hợp. Các trang trại này áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nên hiệu quả đạt khá cao, giá trị thu nhập từ 200 - 250 triệu/ha, nhiều trang trại, mô hình đạt từ 300 - 350 triệu/ha/năm. Tổng đàn bò sữa trên địa bàn huyện đã có 241 con. Sau hơn 2 năm thực hiện dự án chăn nuôi bò sữa, tổng giá trị thu hoạch từ bán sữa đạt hơn 20 tỷ đồng/năm, trừ chi phí đạt khoảng 12 tỷ đồng, hiệu quả mang lại khoảng 8 tỷ đồng/năm, tạo việc làm tại chỗ cho 500-600 lao động.

Với chủ trương hợp lý cùng cách làm hiệu quả, huyện Lập Thạch đã thực sự tạo được những bước tiến lớn trong thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển; tạo thu nhập ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân. Mặc dù cơ cấu ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản của huyện giảm mạnh, gần 50% so với những năm đầu tái lập tỉnh, song giá trị sản xuất bình quân của ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng năm vẫn tăng trưởng khá, giai đoạn 2010 - 2016 tăng 7,7%.

Xây dựng hạ tầng đồng bộ, nâng tầm diện mạo một đô thị

Nhiều năm trở lại đây, huyện Lập Thạch đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cầu hạ tầng đồng bộ từng bước phát triển nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Trong đó, trọng tâm là xây dựng hệ thống giao thông thuận tiện, hiện đại, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa các thị trấn và trung tâm cụm xã.

Xác định được tầm quan trọng của giao thông trong việc phục vụ nhu cầu giao thương nội, ngoại vùng, là động lực để phát triển kinh tế và phục vụ thiết thực đời sống nhân dân, huyện đã huy động các nguồn lực, bằng nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau triển khai đề án phát triển mạng lưới giao thông, mở rộng, nâng cấp làm thêm nhiều tuyến đường mới. Đến nay, các tuyến giao thông liên tỉnh, liên huyện, liên xã trên địa bàn huyện đã cơ bản được nâng cấp sửa chữa thuận tiện đi lại, đặc biệt từ khi triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, phong trào tu sửa, làm mới đường giao thông đã lan tỏa và phát triển rộng khắp ở 20/20 xã, thị trấn.

Đến nay, toàn huyện đã cứng hoá được 74/75km các công trình thuộc tuyến quốc lộ và tỉnh lộ, đạt 99%; 76/87km đường huyện lộ đạt 86,6% và 385/574 km đường giao thông nông thôn đạt 60%. Đặc biệt năm 2014, tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai chạy qua địa bàn huyện đã thông xe với nút lên xuống ở xã Văn Quán là điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội. Việc đẩy mạnh nâng cấp, sửa chữa đường liên huyện, liên xã phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương tạo được thuận lợi trong thông thương hàng hóa thúc đẩy phát triển sản xuất nâng cao mức sống người dân và làm thay đổi diện mạo nông thôn, đây là điều kiện tiên quyết để huyện Lập Thạch tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.

Song song với việc hoàn thiện hạ tầng giao thông, Lập Thạch chú trọng thực hiện công tác quy hoạch phát triển các khu cụm công nghiệp, các trung tâm thị trấn, cụm xã dần từng bước phát triển nâng tầm diện mạo đô thị. Với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện, những năm qua, thị trấn Lập Thạch đã xây dựng quy hoạch đô thị đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050; đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông nội thị, đường vành đai; giải phóng mặt bằng diện tích đất thuộc cụm công nghiệp thị trấn, khu làng nghề và các công trình phúc lợi công cộng nhằm thu hút các nhà đầu tư.

Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, nhờ triển khai có hiệu quả mục tiêu, giải pháp cụ thể, thiết thực, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lập Thạch đã có những bước tiến vượt bậc trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và hứa hẹn huyện sẽ sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện trở thành thị xã vào năm 2020./.