Quảng Ninh phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng
TCCS - Công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng đóng vai trò chủ đạo, động lực của ngành công nghiệp, tạo ra giá trị gia tăng lớn, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách của địa phương. Theo đó, tỉnh Quảng Ninh xác định phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng.
Bảo đảm mục tiêu được đề ra
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020 - 2025, định hướng 2030, theo đánh giá, các dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh đã đóng góp trên 2.892 tỷ đồng vào ngân sách, kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt khoảng 13.790 triệu USD; thu hút 37 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn cho 11 lượt dự án công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đầu tư đã thu hút đạt trên 103.670 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn FDI đạt 2.273 triệu USD). Hoạt động của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang chủ yếu tập trung tại các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn. Các dự án mới thu hút hầu hết đều tập trung tại các khu công nghiệp bảo đảm đúng định hướng đề ra. Tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu GRDP: năm 2022 đạt 11,5% (tăng 0,2% so với năm 2021 và tăng 1,7% so với năm 2020); 9 tháng đầu năm 2023, đạt 11,6% (tăng 0,1% so với thời điểm hết năm 2022). Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: năm 2022 tăng 16,54%, 9 tháng đầu năm 2023 tăng 11,77%; bình quân 3 năm tốc độ tăng trưởng đạt 19,68%. Thu hút vốn đầu tư ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: năm 2022 đạt 12.860 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2023 đạt 60.300 tỷ đồng.
Sau 3 năm, tổng vốn đầu tư đã thu hút trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt khoảng 105.000 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn FDI đạt trên 2.347 triệu USD. Tổng số lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: năm 2022 đạt trên 110.300 người (tăng thêm 9.200 người so với năm 2021), 9 tháng đầu năm 2023 đạt trên 113.200 người (tăng thêm 2.900 người so với thời điểm cuối năm 2022).
Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên vừa là vựa than lớn nhất Đông Nam Á, vừa là mảnh đất của những danh lam, thắng cảnh tự nhiên, văn hóa nổi tiếng, nên Quảng Ninh phát triển song song cả những ngành “kinh tế nâu” và “kinh tế xanh” trong cùng một hệ sinh thái kinh tế - xã hội. Đây là đặc thù riêng có của Quảng Ninh dẫn đến phát sinh nhiều xung đột nội sinh, không dễ giải quyết trong quá trình phát triển. Có những giai đoạn Quảng Ninh phát triển “nóng” các ngành công nghiệp nặng, nhất là khai thác than, chưa giải quyết được hài hòa giữa khai thác tài nguyên, phát triển đô thị với bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, thậm chí ảnh hưởng lớn đến việc phát triển các ngành dịch vụ du lịch, văn hóa vốn dựa vào nền tảng của môi trường tự nhiên cùng với việc giữ gìn, bảo lưu các giá trị văn hóa - lịch sử.
Với mục tiêu cơ cấu lại khu vực công nghiệp, phát triển nhanh và bền vững công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng đóng vai trò động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Quảng Ninh xác định cần tạo ra bước đột phá trong phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP và thu ngân sách địa phương; thu hút lao động chất lượng cao, lao động kỹ năng tay nghề cao gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số thông qua phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo. Đồng thời gắn phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo theo hướng xanh, thân thiện với môi trường, tăng trưởng bền vững.
Một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
Với mục tiêu đó, Quảng Ninh xác định một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tập trung thực hiện trong thời gian tới, đó là:
Thứ nhất, phát triển nhanh và bền vững các khu kinh tế, khu công nghiệp tạo động lực thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo. Tiếp tục thực hiện hiệu quả 7 quy hoạch chiến lược quan trọng của tỉnh; đồng thời, rà soát để điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch không còn phù hợp. Rà soát, đánh giá lại việc phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện naỵ; xem xét điều chỉnh mở rộng không gian ở những nơi phù hợp để ưu tiên phát triên mô hình khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp chuyên sâu, có đủ quỹ đất dành cho các dự án dịch vụ và hạ tầng phúc lợi xã hội. Xây dựng phương án phát triển công nghiệp Quảng Ninh đưa vào Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050; quy hoạch rõ ngành nghề trong các khu công nghiệp, khu kinh tế. Đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế đã xác định, cần hoàn thành lập, điều chỉnh các quy hoạch liên quan. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ đầu tư, thi công xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp của các chủ đầu tư; xác định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương và chủ đâu tư trong công tác xúc tiến đầu tư nhằm phát huy hiệu quả của các khu công nghiệp, tăng nhanh tỷ lệ lấp đầy, lãng phí đất đai, tài nguyên, nguồn lực. Khai thác, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển của hành lang kinh tế, hành lang đô thị gắn với hành lang giao thông của 2 tuyến Đông - Tây của tỉnh ngày càng hoàn thiện đồng bộ và hiện đại, tận dụng tối đa ưu thế của các loại hình giao thông, thị trường; cơ chế, chính sách ưu đãi của các khu công nghiệp, khu kinh tế để nhanh chóng hình thành các cụm liên kết vùng, liên kết ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tập trung. Quy hoạch, cơ cấu lại và chuyển đổi ngành nghề cùa Khu công nghiệp Cái Lân cho phù hợp với các quy hoạch, định hướng phát triển mới của thành phố Hạ Long, hướng tới trở thành khu công nghiệp sạch, công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng lớn.
Thứ hai, huy động mọi nguồn lực tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể. Tập trung quy hoạch, huy động tối đa mọi nguồn lực theo phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư” đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, hiện đại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế bảo đảm kết nối liên thông, tổng thể gắn với phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển của tỉnh. Trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án giao thông có tính liên kết cao giữa các khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng cảng biển, cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cát Bi... để tạo ra các trung tâm kết nối hạ tầng dịch vụ, giao thông quốc tế, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, tạo tiện ích tối ưu để thu hút các dự án chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp thông minh đầu tư vào các khu công nghiệp, nhất là tại địa bàn các khu kinh tế.
Thứ ba, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng nghề Việt - Hàn và các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo. Chú trọng đào tạo các ngành nghề: điện, điện tử - tin học, cơ khí, tự động hóa, công nghệ cao, công nghệ ô-tô... trong đó, phấn đấu một số ngành nghề đạt trình độ quốc tế, khu vực. Quan tâm đào tạo chuyển đổi nghề và nâng cao kỹ năng nghề cho lao động nông thôn, lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khuyến khích khu vực tư nhân và các doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động và tăng nhanh quy mô, chất lượng dân số. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ doanh nhân có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng quản trị hiện đại, có đạo đức kinh doanh; xây dựng đội ngũ công nhân có tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tay nghề cao, có năng lực tiếp thu và sáng tạo công nghệ mới, lao động đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Chăm lo đời sống cho công nhân, người lao động trong các khu kinh tế, khu công nghiệp.
Thứ tư, đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến, hỗ trợ và thu hút đầu tư. Tăng cường xúc tiến đầu tư thông qua hợp tác với các nhà đầu tư lớn, các cơ quan ngoại giao, các đơn vị tư vấn nước ngoài, các tập đoàn lớn, đa quốc gia nhằm khai thác hiệu quả từ các kênh thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước; bảo đảm nguyên tắc các bên cùng có lợi và tuân thủ pháp luật. Xây dựng các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực, địa bàn. Rà soát, bồ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách ưu đãi phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới. Xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ theo hướng tiên tiến, hiện dại, công nghệ cao, phát triển xanh.
Thứ năm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo. Sử dụng có hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ bảo vệ môi trường và phát triển đất tỉnh để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, chủ động tạo mặt bằng sạch đối với các quỹ đất quy hoạch là đất công nghiệp tại khu công nghiệp, khu kinh tê, cụm công nghiệp. Chỉ đạo thực hiện đồng bộ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và cấp huyện, ưu tiên bố trí quỹ đất đủ diện tích, với mặt bằng sạch trong các khu công nghiệp, khu kinh tế để thu hút, phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện vào quy hoạch tỉnh. Cải cách quyết liệt, thực chất và hiệu quả thủ tục hành chính, cảỉ thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục cấp phép đầu tư, quản lý; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Công khai, minh bạch hệ thống thông tin kinh tế - xã hội, pháp luật, chính sách, các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, phát triển ngành, lĩnh vực, danh mục các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư; chủ động hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là các doanh nghiệp mới tham gia thị trường về thủ tục hành chính, tiếp cận đất đai.
Thứ sáu, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ; chú trọng liên kết vùng và hợp tác quốc tế phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo. Phát triển mạnh mẽ, tạo sự bứt phá về hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông, nhất là hạ tầng kết nối số. Phát triển các mô hình sản xuẩt thông minh, quản lý thông minh. Đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử, quản lý thuế phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số. Tăng cường bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; hợp tác trong nước và quốc tế trong nghiên cứu phát triển, ứng dụng, mua bán, chuyển giao các sản phẩm khoa học và công nghệ. Chú trọng phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng trong quá trình xúc tiến đầu tư, huy động và phân bổ nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; thúc đẩy cụm liên kết ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giúp các doanh nghiệp tiếp cận các yếu tố đầu vào, thông tin, công nghệ, nguồn nhân lực, tăng năng lực cạnh tranh, tạo ra giá trị gia tăng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu./.
Hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh  (23/11/2023)
Đảng bộ huyện Vân Đồn tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tạo sức bật để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025  (20/11/2023)
Tăng trưởng xanh: Chuyển biến từ nhận thức tới hành động - Nhìn từ thực tiễn Quảng Ninh  (15/11/2023)
Quảng Ninh phát huy các giá trị văn hóa trong xây dựng nông thôn mới  (14/11/2023)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay