Thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh): Bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa
TCCS - Đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản trên địa bàn thành phố Móng Cái, qua đó góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa của tỉnh Quảng Ninh và cả nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội là một trong những nhiệm vụ thành phố Móng Cái đã và đang triển khai thực hiện hiệu quả.
Theo quy định của pháp luật, Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta.
Điều 1, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi, bổ sung năm 2009) xác định rõ: Di sản văn hóa bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác. Di sản văn hóa phi vật thể bao gồm: tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian.
Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.
Xác định bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa là vấn đề sống còn, thời gian qua, cùng với việc tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng thành phố Móng Cái trở thành một trung tâm kinh tế mang ý nghĩa động lực của tỉnh Quảng Ninh và cả vùng, là cửa ngõ chủ lực, đóng góp tích cực trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Thành phố Móng Cái là vùng đất miền biên viễn nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc - nơi mang trong mình những nét giá trị văn hóa độc đáo, tiềm ẩn.
Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh xác định xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp khoảng cách giàu nghèo là một trong 3 khâu đột phá chiến lược. Triển khai nghị quyết, thành phố Móng Cái luôn quan tâm đến công tác phát triển văn hóa nói chung và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa nói riêng; huy dộng nguồn lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trên địa bàn cùng chung tay, góp sức phát huy các giá trị di sản văn hóa, trở thành nguồn lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển chung của địa phương, đặc biệt là ngành du lịch. Tự hào được kế thừa những di sản văn hóa quý báu từ các thế hệ tiền nhân, thành phố Móng Cái luôn xác định việc bảo tồn văn hóa dân tộc là tiền đề để làm tốt công tác giáo dục truyền thống, khơi dậy khát vọng phát triển quê hương, đất nước ngày một phồn vinh, thịnh vượng.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Móng Cái có 2 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 59 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được kiểm kê và bổ sung vào danh mục của tỉnh, trong đó có 5 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 10 di tích xếp hạng cấp tỉnh; toàn thành phố có 10 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể. Có thể thấy, hệ thống di sản văn hóa trên địa bàn thành phố Móng Cái đa dạng, phong phú cả về thể loại và giá trị. Những di sản đó đã đóng góp không nhỏ vào kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. Thời gian qua, đa dạng, truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc đã được địa phương phát huy giá trị, ngày càng lan tỏa, trở thành sản phẩm du lịch văn hoá thu hút đông đảo du khách, đóng góp vào phát triển kinh tế của địa phương. Công tác kiểm kê, phân loại, lập hồ sơ khoa học trình xếp hạng di tích các cấp được thực hiện hiệu quả. Việc kiểm kê, lập hồ sơ được thực hiện chặt chẽ, khoa học.
Ngày 24-2-2005, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc hằng năm lấy ngày 23-11 là “Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam”, nhằm “phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc”. Phát huy tinh thần đó, những năm qua, thành phố Móng Cái luôn nỗ lực không ngừng trong công tác bảo vệ và phát huy những giá trị di sản văn hóa dân tộc. Theo đó, công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được triển khai bảo đảm theo quy định. Việc lập, thẩm định và phê duyệt các dự án tu bổ, tôn tạo di tích được thực hiện bảo đảm quy trình quy định; các dự án được triển khai theo đúng nội dung đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Việc tu bổ, tôn tạo di tích được thực hiện chủ yếu từ nguồn kinh tế xã hội hóa, tập trung chủ yếu vào các di tích đã được xếp hạng quốc gia, cấp tỉnh đã bị xuống cấp; các di tích thuộc loại hình tôn giáo, tín ngưỡng như chùa, đình, đền, miếu… Các di tích được tu bổ, tôn tạo đã phát huy giá trị, góp phần vào việc giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ và đáp ứng nhu cầu văn hóa, tâm linh của nhân dân. Nhiều di tích sau khi được tu bổ đã trở thành sản phẩm du lịch văn hóa thu hút ngày càng đông khách tham quan, mang lại nguồn lợi kinh tế cho địa phương.
Thành phố Móng Cái hiện có 7 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh công nhận là điểm du lịch (gồm: nhà thờ Trà Cổ, chùa Xuân Lan, địa điểm thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của thành phố Móng Cái, đồn biên phòng 209 - Pò Hèn, chùa Nam Thọ, đình Trà Cổ, đền Xã Tắc, trong đó đình Trà Cổ được tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích đình Trà Cổ gắn với phát triển điểm đến du lịch đã được định hình, khẳng định thương hiệu - điểm đến đình Trà Cổ trên “bản đồ du lịch” thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Trung bình hằng năm, đình Trà Cổ đón trên 20.000 lượt khách đến tham quan, chiêm bái). Việc khai thác gắn với bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể cũng được quan tâm thực hiện, như tổ chức các hoạt động ngoại khóa, về nguồn, giáo dục truyền thống tại các di tích cho học sinh, đoàn viên thanh niên trên địa bàn; phát huy giá trị các di tích với phát triển du lịch của địa phương.
Đối với việc khai thác các giá trị văn hóa phi vật thể, thành phố Móng Cái đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh tiến hành kiểm kê đối với 40 di sản văn hóa phi vật thể thuộc nhiều loại hình lễ hội truyền thống, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, tiếng nói, chữ viết, tri thức dân gian và nghề thủ công truyền thống… Trong đó, nhiều loại hình đã được khôi phục, sân khấu hóa phục vụ các chương trình văn hóa, nghệ thuật của thành phố Móng Cái và tỉnh Quảng Ninh (hát nhà tơ, hát múa cửa đình, hoạt cảnh lễ hội đình Trà Cổ tham gia Canaval Hạ Long, Ngày hội Văn hóa các dân tộc tại huyện Tiên Yên…).
Công tác truyền dạy, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được quan tâm gắn với việc tổ chức và nâng cao chất lượng sinh hoạt của các câu lạc bộ văn nghệ dân gian trên địa bàn thành phố Móng Cái. Các câu lạc bộ thực hiện tốt vai trò bảo tồn các loại hình trình diễn dân gian truyền thống và phát huy các di săn văn hóa gắn với phục vụ các chương trình, lễ hội tại địa phương. Bên cạnh đó, cùng với việc tổ chức hoạt động, một số câu lạc bộ đã và đang làm tốt việc sưu tầm các bài hát, điệu múa phục vụ việc truyền dạy cho thế hệ trẻ, như câu lạc bộ hát nhà tơ - hát múa cửa đình thôn 1, xã Quảng Nghĩa, câu lạc bộ hát nhà tơ - hát múa cửa đình thôn Nam, xã Vạn Ninh với việc truyền dạy cho trên 20 học sinh bậc tiểu học/câu lạc bộ tham gia thực hành và trình diễn hát nhà tơ - hát múa cửa đình.
Với quan điểm, đội ngũ nghệ nhân và những người trực tiếp tham gia, đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn, truyền dạy và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể của thành phố Móng Cái, thời gian quan, thành phố Móng Cái đã chủ động tiến hành rà soát, đề nghị tôn vinh đối với những cá nhân có đủ phẩm chất đạo đức, có tài năng nghề nghiệp và đóng góp tiêu biểu cho việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc. Đến nay, thành phố Móng Cái có 15 nghệ nhân dân gian, trong đó có 10 nghệ nhân đã được Chủ tịch nước xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.
Đối với công tác quản lý lễ hội (trong đó có 2 lễ hội truyền thống cấp thành phố (đình Trà Cổ, đền Xã Tắc); 7 lễ hội truyền thống cấp xã) từng bước đi vào nền nếp. Cách thức tổ chức phong phú và đa dạng, phù hợp với thuần phong mỹ tục, điều kiện chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa của địa phương, tạo không khí trong lành, thu hút du khách…
Cùng với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, thành phố Móng Cái đã hoàn thành dự thảo Kế hoạch bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa thành phố giai đoạn 2022 - 2027, định hướng đến năm 2030. Trong đó, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các di sản văn hóa trên địa bàn; phân cấp quản lý và quy định trách nhiệm cụ thể đối với các tổ chức, cá nhân trong quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Thành phố Móng Cái tiếp tục triển khai quy trình lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích các cấp, góp phần tôn vinh, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch; quan tâm đầu tư vào những di sản đặc trưng, có giá trị tiêu biểu, có tiềm năng trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm dấu ấn văn hóa địa phương.
Có thể khẳng định, việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa không chỉ góp phần giữ gìn kho tàng di sản văn hóa truyền thống của Việt Nam, của Móng Cái, mà còn là “Cột mốc văn hóa” trường tồn, bền vững, khẳng định chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biên giới thiêng liêng của Tổ quốc./.
Hiện thực hóa các mục tiêu chính sách xã hội ở tỉnh Quảng Ninh  (09/11/2023)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên