Phát huy sức mạnh của lực lượng công an nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc

TS. Phạm Duy Hoàng
Đại tá, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân, Bộ Công an
08:53, ngày 28-11-2022

TCCS - Bảo vệ an ninh Tổ quốc là phong trào cách mạng có tính chiến lược và mang tính quần chúng rộng rãi, đòi hỏi huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó, lực lượng công an đóng vai trò nòng cốt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm một đơn vị Cảnh sát nhân dân Thủ đô (năm 1963) _ Ảnh : TTXVN

Bám sát sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc trong từng giai đoạn cách mạng

Nhận thức sâu sắc vấn đề “giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”, nên ngay từ khi mới giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc củng cố chính quyền để tổ chức xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa. Người viết: “Sau khi đã giành được chính quyền thì nhiệm vụ hàng đầu của giai cấp công nhân là phải tăng cường nền chuyên chính vô sản để hoàn thành những nhiệm vụ lịch sử của cách mạng”(1). Tăng cường chuyên chính vô sản, một mặt, nhằm củng cố chính quyền cách mạng và phát triển lực lượng cách mạng để tổ chức xây dựng xã hội mới; mặt khác, là để đủ sức trấn áp các lực lượng phản cách mạng, nhất là bộ máy chính quyền cũ có thể trà trộn, lợi dụng, lừa phỉnh, lôi kéo quần chúng chống phá cách mạng; tăng cường chuyên chính vô sản là để giữ vững an ninh, trật tự, bảo đảm phục vụ tốt công tác tổ chức xây dựng xã hội mới, đời sống mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Công an nhân dân vũ trang, hay là quân đội cũng thế, phải phục tùng sự lãnh đạo của Đảng từ trên xuống dưới. Nhất định phải thế”(2). Phục tùng sự lãnh đạo của Đảng không chỉ là nguyên tắc, còn là biểu hiện lập trường, bản lĩnh chính trị của lực lượng công an. Lực lượng công an nhân dân được tổ chức và lãnh đạo bởi chính quyền nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, do đó, trong mọi tình huống, trong mọi hoàn cảnh cũng không được thoát ly đường lối của Đảng, mà trái lại, phải bám sát và phục tùng đường lối lãnh đạo của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Công tác công an phải gắn chặt với đường lối chính trị của Đảng. Nếu thoát ly đường lối chính trị của Đảng, thì dù khéo mấy cũng không kết quả”(3). Đường lối chiến lược, chính sách của Đảng là cơ sở để xác định bạn hay thù, ta hay địch, đối tác hay đối tượng, để xác định phương châm, cách thức trong các kế hoạch, đối sách…, do đó, nếu không bám sát đường lối, chủ trương của Đảng thì khó phân định được chiến tuyến và vì thế, dù khéo mấy, có linh hoạt trong các chiến thuật, phương pháp công tác thì cũng khó giành được thắng lợi, thậm chí có thể gây phương hại cho công tác công an và đường lối đối ngoại của Đảng. Đường lối lãnh đạo của Đảng là một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam, cũng là nhân tố bảo đảm cho thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc luôn được Đảng ta thể hiện rõ trong các nghị quyết, văn kiện đại hội qua các thời kỳ và tiếp tục được cụ thể hóa trong các chỉ thị, nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phù hợp với tình hình cụ thể của đất nước trong từng giai đoạn. Thực tế cho thấy, những năm đầu khi mới giành được chính quyền, tình thế đất nước trong cảnh “nghìn cân treo sợi tóc”, nhiệm vụ của cách mạng lúc này là bảo vệ và giữ vững chính quyền còn non trẻ, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 12-5-1951, về nhiệm vụ và tổ chức công an, đây là chỉ thị rất quan trọng, lãnh đạo công tác bảo vệ trật tự trị an của Đảng, phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp. Bám sát nhiệm vụ đó, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam đã vận động, phát huy lòng yêu nước, khí thế cách mạng của nhân dân, dựa vào các đoàn thể cứu quốc để đấu tranh quyết liệt với các thế lực thù địch, phản động, bọn Việt Cách, Việt Quốc,… trong đó có vụ án Ôn Như Hầu, chiến công đầu tiên của lực lượng công an nhân dân, đã góp phần quan trọng vào việc giữ vững chính quyền cách mạng còn non trẻ.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự lại càng khó khăn, phức tạp và nặng nề hơn. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 20-1-1962, về việc tăng cường đấu tranh chống bọn phản cách mạng để phục vụ tốt công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh nhằm thực hiện hòa bình, thống nhất nước nhà, trong đó khẳng định: “Đảng lãnh đạo, dựa vào quần chúng, kết hợp tính tích cực của quần chúng với công tác nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn”; đồng thời nêu rõ: “Hình thức thích hợp nhất và phổ biến nhất ở khắp nơi là tiến hành tuyên truyền giáo dục sâu rộng tinh thần yêu nước và ý thức cảnh giác cách mạng để phát huy khí thế cách mạng của quần chúng”. Quán triệt quan điểm của Đảng, ở miền Bắc, lực lượng công an đã thực hiện ba cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nhân dân, triển khai các lực lượng, các biện pháp nghiệp vụ, củng cố phong trào ở các vùng xung yếu, trọng điểm. Ở miền Nam, lực lượng công an cũng kiên trì “bám rễ” trong quần chúng, tổ chức cơ sở trong nhân dân để nắm tình hình trong nội đô, trong nội bộ địch, triển khai mọi lực lượng, mọi biện pháp để bảo vệ bí mật các đường lối, chủ trương của Đảng…, qua đó đã tạo ra mạng lưới “thiên la địa võng” trong nhân dân, tiến hành truy bắt, tiêu diệt nhiều tên đầu sỏ, ác ôn, làm tan rã nhiều kế hoạch gián điệp và tổ chức của địch, góp phần to lớn vào sự phát triển và thắng lợi của cách mạng miền Nam.

Bước vào thời kỳ đổi mới, tư tưởng Hồ Chí Minh về sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc tiếp tục được quán triệt trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng. Đảng nhấn mạnh: “Phát huy vai trò và hiệu lực lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp quốc phòng và an ninh. Các cấp ủy đảng, các cấp chính quyền phải quán triệt và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, coi đó là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của mình”(4). Cụ thể hóa đường lối của Đảng, Nghị quyết của Bộ Chính trị “Về nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới” đã chỉ ra mục tiêu và nhiệm vụ chủ yếu của an ninh, trật tự trong tình hình mới là đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước… Những chỉ thị, nghị quyết nói trên đã thể hiện tinh thần đổi mới về chiến lược, sách lược, phương thức và biện pháp đấu tranh phù hợp với tình hình nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn hiện nay.

Để góp phần thực hiện thắng lợi các nghị quyết của Đảng về an ninh, trật tự trong tình hình mới, lực lượng công an nhân dân đã không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, xây dựng lực lượng theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, đồng thời, vận động quần chúng tổ chức, xây dựng nhiều mô hình tự quản, tự phòng, tự bảo vệ về an ninh, trật tự phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn để tạo nên thế trận an ninh vững chắc ngay từ cơ sở, từ trong nội bộ tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp để chủ động trong phòng ngừa và đấu tranh làm thất bại nhiều âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, phản động, triệt phá nhiều tổ chức tội phạm nguy hiểm, xuyên quốc gia…, qua đó góp phần củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn một số nơi, nhất là ở cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, cấp ủy đảng chưa quan tâm đúng mức đến việc chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào còn mang tính hình thức, thiếu chiều sâu. Nguyên nhân chủ yếu do lực lượng công an cơ sở còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa chủ động tham mưu cho cấp ủy những nội dung thiết thực để xây dựng và tổ chức phong trào nên có nơi, có lúc bị động, lúng túng với các tình huống mới nảy sinh. Trong thời gian tới, cần làm rõ vai trò của công tác dân vận và vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác an ninh, trật tự, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, gắn kết việc thực hiện “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” với Kết luận số 44-KL/TW, ngày 22-1-2019, của Ban Bí thư, về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW, của Ban Bí thư khóa XI, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trong tình hình mới. Lực lượng công an các cấp cần tăng cường công tác nắm tình hình, bằng nhiều biện pháp, phương tiện với nhiều hình thức khác nhau để kịp thời tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tổ chức xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn, khu vực để ngăn ngừa và chủ động đối phó với những vấn đề mới nảy sinh.

Phát huy vai trò quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực an ninh, trật tự

Các nữ cảnh sát cơ động duyệt đội danh dự _Nguồn: tuoitre.vn

Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; quá trình quản lý xã hội luôn được tiến hành trên cơ sở luật pháp, xem đó như công cụ và là phương thức quản lý hữu hiệu nhất. Đảng ta khẳng định: “Quản lý đất nước bằng pháp luật, chứ không chỉ bằng đạo lý. Pháp luật là thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, thể hiện ý chí của nhân dân, phải được thực hiện thống nhất trong cả nước. Tuân theo pháp luật là chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng”(5). Cụ thể hóa quan điểm của Đảng, Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”(6). Quản lý nhà nước về an ninh, trật tự là nhằm bảo đảm sự ổn định và an toàn của toàn bộ hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội. Nghị quyết của Bộ Chính trị “Về Chiến lược an ninh Tổ quốc” đã nêu rõ mục tiêu của bảo vệ an ninh Tổ quốc là bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân…; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội và môi trường hòa bình để phục vụ đắc lực cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Lực lượng công an nhân dân với chức năng quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, có nhiệm vụ “Tham mưu chiến lược với Đảng, Nhà nước các chủ trương, biện pháp phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sức mạnh của toàn dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội”(7). Do đó, trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lực lượng công an nhân dân luôn tham mưu với Đảng, Nhà nước ta kịp thời ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về an ninh, trật tự phù hợp với tình hình cụ thể của đất nước. Trong thời kỳ đổi mới, nhằm tạo điều kiện và cơ chế để phát huy hơn nữa sức mạnh của quần chúng nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh Tổ quốc, lực lượng công an nhân dân đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng nhiều chương trình hành động lớn về an ninh, trật tự như các chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy, tháng an toàn giao thông…, đồng thời nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều đạo luật phù hợp với tình hình mới, như Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân, Luật Phòng, chống ma túy, Luật An ninh mạng… và tham mưu cho Đảng, Nhà nước thống nhất chọn ngày “19 tháng 8” hằng năm là “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đây thật sự là cuộc vận động lớn, có ý nghĩa lịch sử, qua đó phát động được phong trào quần chúng rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, thu hút được mọi tầng lớp, mọi ngành, mọi cấp tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Trong những năm gần đây, để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về an ninh, trật tự tại cơ sở gắn với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả với phương châm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở” và Luật Công an nhân dân năm 2018, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 42/NĐ-CP, ngày 31-3-2021, quy định việc xây dựng công an xã, thị trấn chính quy trên địa bàn cả nước; đồng thời chủ động lãnh đạo, chỉ đạo triển khai xây dựng bộ máy công an bốn cấp tương ứng với bộ máy hành chính bốn cấp từ Trung ương đến cơ sở, trong đó ưu tiên lựa chọn, bố trí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm và chiều hướng phát triển đang công tác tại các đơn vị thuộc bộ, công an các tỉnh và các trường công an nhân dân. Trên tinh thần đó, đã có hàng nghìn cán bộ được điều động và bố trí đảm nhận các chức danh công an xã nhằm phát huy vai trò nòng cốt trong công tác nắm tình hình, nâng cao chất lượng công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, triển khai hiệu quả các biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở, bước đầu tạo được chuyển biến tích cực về công tác bảo đảm an ninh, trật tự, kéo giảm tỷ lệ tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Cùng với quá trình triển khai mô hình công an bốn cấp, với tư duy đột phá, tiên phong, đi đầu trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực cải cách hành chính, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an cũng chủ động tham mưu Chính phủ thực hiện đồng thời hai dự án: “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”, “Sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân”, vừa nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, vừa góp phần xây dựng nền tảng quan trọng trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, trong đó Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được coi là dữ liệu gốc, là “trái tim” của Chính phủ số. Đồng thời với chủ trương đó, để có hành lang pháp lý đồng bộ, thuận lợi cho quá trình triển khai xây dựng và vận hành hai dự án, Bộ Công an đã rà soát, đề xuất xây dựng, sửa đổi bổ sung 5 luật, 3 nghị định, 12 thông tư; trong đó, xây dựng và đề xuất Thủ tướng trình Quốc hội thông qua Luật Cư trú sửa đổi tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV với nhiều nội dung đổi mới quan trọng có hiệu lực từ ngày 1-7-2021. Những chủ trương, dự án do Bộ Công an tham mưu trong thời gian qua đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của Nhà nước về an ninh, trật tự và vai trò lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, toàn diện của Đảng đối với công tác công an.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong một số hoạt động, công tác tham mưu ban hành các văn bản quản lý nhà nước về an ninh, trật tự còn nhiều bất cập, chưa xây dựng được chiến lược toàn diện và đồng bộ về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ an ninh, trật tự. “Còn nhiều lĩnh vực hoạt động có liên quan đến an ninh, trật tự chưa được điều chỉnh bằng các văn bản pháp quy. Quan hệ phối hợp với các bộ, ngành trong công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là đối với các văn bản liên tịch còn gặp nhiều khó khăn trong việc thống nhất nội dung văn bản. Nguyên nhân một phần do điều kiện bảo đảm cũng như năng lực biên soạn văn bản của cán bộ một số đơn vị còn hạn chế, số lượng cán bộ làm công tác xây dựng văn bản pháp luật cũng như các trang thiết bị, các điều kiện vật chất khác phục vụ công tác xây dựng văn bản pháp luật còn thiếu và yếu”(8). Do vậy, trong thời gian tới, đặc biệt khi các thế lực thù địch ráo riết sử dụng các chiêu bài để can thiệp vào nước ta, vấn đề tăng cường pháp chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội càng phải được đẩy mạnh. Thực hiện chủ trương “hoàn thiện các chiến lược quốc phòng, an ninh và hệ thống cơ chế, chính sách về quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, các quy chế phối hợp giữa quân đội, công an và các tổ chức chính trị - xã hội”(9), lực lượng công an nhân dân cần tiếp tục phát huy vai trò chủ công trong tham mưu xây dựng và ban hành các chiến lược, chương trình hành động lớn về an ninh, trật tự, cũng như trong công tác xây dựng, sửa đổi hệ thống pháp luật cho đồng bộ và phù hợp với tình hình mới.

Huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”

Trong hoạt động của hệ thống chính trị nước ta, các ban, ngành, đoàn thể quần chúng có vai trò rất lớn, là khâu quan trọng để củng cố mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, đồng thời cũng là nơi thu hút và phát huy vai trò tích cực, chủ động của quần chúng nhân dân tham gia vào các quá trình quản lý xã hội, trong đó có bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Trong điều kiện Đảng cầm quyền, địa vị và vai trò của các đoàn thể quần chúng không ngừng được củng cố và tăng cường, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, phát triển đất nước. Trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự, Đảng ta chỉ rõ: “Công tác tổ chức, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là một trong những nhiệm vụ chiến lược, cơ bản và lâu dài của lực lượng công an nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy đảng, quản lý điều hành của chính quyền các cấp, với sự tham gia phối hợp của các ngành, đoàn thể quần chúng, tổ chức xã hội, do lực lượng công an nhân dân làm nòng cốt”(10). Quán triệt quan điểm của Đảng, thời gian qua, công an các cấp đã không ngừng tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các thành viên, hội viên và quần chúng nhân dân về công tác bảo vệ an ninh, trật tự. Nhiều phong trào của các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, tổ chức đoàn thể, hội, đội… đã được xây dựng và không ngừng phát triển với nội dung ngày càng phong phú, đa dạng. Từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” do Mặt trận Tổ quốc phát động, phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước” của Đoàn Thanh niên, đến “Cụm an ninh liên hoàn”, “Làng nghề bình yên”, “Tiếng mõ an ninh” tại các địa bàn đặc thù, vùng dân cư truyền thống đến nay đã phát triển thành nhiều mô hình rộng khắp, gắn liền với các khu đô thị tập trung, vùng giáo, các doanh nghiệp, trường học, như phong trào “Ba giảm”, “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” ở vùng đô thị, “Xứ, họ đạo bình yên” ở vùng công giáo hay “Tổ an ninh công nhân” trong các doanh nghiệp và “Chiến sĩ an ninh nhỏ” trong các trường học… Đặc biệt, trong đại dịch COVID-19, nhiều mô hình phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” đáp ứng yêu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch đã được nhân dân đồng tình ủng hộ, tích cực, tự giác tham gia, tiêu biểu, như: “Tổ COVID-19 cộng đồng” tại Vĩnh Phúc, “Tổ tự quản cộng đồng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống dịch bệnh COVID-19” tại Bắc Giang, “Vùng xanh an toàn” tại Hà Nội, “Móc khóa đường dây nóng COVID-19” tại Cao Bằng, “Tổ tự quản, tự phòng, chống COVID-19” tại Hà Nam, “Tổ, chốt bảo vệ vùng xanh” tại Bà Rịa - Vũng Tàu(11)… Điều đó đã cho thấy sức hút và sự lớn mạnh không ngừng của phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, cả về hình thức lẫn nội dung, đã trở thành phong trào quần chúng mang tính tự giác cao và linh hoạt, thích ứng với tình hình trong từng thời điểm cụ thể.

Sự xuất hiện nhiều mô hình bảo vệ an ninh, trật tự với nhiều tên gọi khác nhau gắn kết với từng lĩnh vực hoạt động của các ban, ngành, địa phương đã thể hiện được sự đa dạng của phong trào bảo vệ an ninh, trật tự, sự tự giác trong tổ chức phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tội phạm, bài trừ tệ nạn xã hội, mang lại hiệu quả thiết thực cho công tác bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, mô hình hoạt động của các đoàn thể quần chúng hiện nay có nơi vẫn còn tình trạng khi phát động thì rầm rộ, sau phát động thì lắng xuống, phong trào chưa được duy trì thường xuyên, liên tục, dẫn đến chất lượng chưa đồng đều. Nguyên nhân do phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc đôi lúc còn mang tính hình thức, nội dung chưa thật sự gắn kết với các mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương, đơn vị; bên cạnh đó vẫn còn một số đơn vị, đoàn thể có tư tưởng “hành chính hóa” nên chưa thật sự sâu sát, dẫn đến chất lượng và hiệu quả phong trào còn thấp. Vì thế, trong thời gian tới, lực lượng công an các cấp cần tham mưu phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong việc hướng dẫn và phối hợp với các tổ chức thành viên tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, khắc phục tình trạng hành chính hóa; chủ động triển khai nhiều giải pháp thực hiện phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, gắn kết phong trào với các cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước./.

---------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 391
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 153
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 140
(4), (5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 224, 120
(6) Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, năm 2014, tr. 15
(7) Nghị định số 01/NĐ-CP, ngày 6-8-2018 của Chính phủ, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Công an nhân dân
(8) Bùi Văn Nam: “Xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ An ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay”, Tạp chí Công an nhân dân, số 1- kỳ 1, Hà Nội, 2014, tr. 19
(9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 235
(10) Quyết định số 450/2007/QĐ - BCA (X11), của Bộ Công an, ban hành “Quy chế phân công trách nhiệm, phối hợp trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”
(11) Báo cáo 5 năm thực hiện Chỉ thị số 09/CT - BCA - V28, ngày 1-11-2016, của Bộ trưởng Bộ Công an, “Về tăng cường công tác dân vận của lực lượng Công an nhân dân trong tình hình mới” giai đoạn 2016 - 2021