Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm kinh tế, tài chính của châu Á
TCCS - Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có ý nghĩa quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2045, Thành phố Hồ Chí Minh phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á, điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
Thành phố Hồ Chí Minh có dân số khoảng hơn 10 triệu người, trong đó, số người trong độ tuổi lao động của Thành phố là 4,7 triệu người, chiếm 8,62% lao động cả nước. Tỷ lệ lao động qua đào tạo là 85,2%, trong đó, lao động có trình độ đại học trở lên là 18,8%, cao hơn cả nước (cả nước 10,6%), năng suất lao động cao gấp 2,6 toàn quốc(1). Nguồn lao động trên là nhân tố quan trọng giúp Thành phố giữ vững vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước, với tỷ trọng kinh tế chiếm 22,2%, đóng góp 27% ngân sách quốc gia.
Để tận dụng được thế mạnh đó, giai đoạn 2011 - 2015, Thành phố xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một trong sáu chương trình đột phá và qua 5 năm thực hiện đã đạt một số kết quả bước đầu tích cực. “Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề đạt trên 70%, số lượng bác sĩ, dược sĩ/10.000 dân đạt chỉ tiêu đề ra; số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, chuyên gia khoa học - kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao trên địa bàn chiếm khoảng 30% cả nước; trên 70% công chức, viên chức có trình độ đại học, trên đại học, 40% đạt trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên…”(2).
Thành phố ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thu hút, sử dụng và đãi ngộ người tài, với quan điểm: “Xây dựng cơ chế thu hút, sử dụng và đãi ngộ nhân tài trong khu vực công phù hợp với yêu cầu của từng ngành, nghề, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho phát triển Thành phố nhanh, bền vững”(3), coi đó là một trong những động lực quan trọng để giúp cho Thành phố nhanh chóng phục hồi sau đại dịch COVID-19 và quay trở lại nhịp độ tăng trưởng cao.
Ngày 24-6-2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15, “Về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh” nhằm tháo gỡ những khó khăn, thúc đẩy sự năng động, sáng tạo của “đầu tàu” kinh tế của cả nước. Nghị quyết “quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền Thành phố và thành phố Thủ Đức”(4). Ngay sau khi được thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, Thành phố ban hành Quyết định số 2673/QĐ-UBND, ngày 29-6-2023, "Về ban hành kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bảo đảm cung ứng, nhu cầu tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực kinh tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Thành phố đặt mục tiêu nguồn nhân lực phải đáp ứng nhu cầu thị trường lao động và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố. Tập trung đẩy mạnh đào tạo nhân lực trình độ cao, theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Gắn kết chặt chẽ với Đề án Tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế (gồm 8 ngành: 1. Công nghệ thông tin - truyền thông; 2. Cơ khí - Tự động hóa; 3. Trí tuệ nhân tạo; 4. Quản trị doanh nghiệp; 5. Tài chính - Ngân hàng; 6. Y tế; 7. Du lịch; 8. Quản lý đô thị). Nâng tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đến cuối năm 2025 đạt 87% trong tổng số lao động đang làm việc và đến năm 2030 đạt tỷ lệ 89%(5).
Trong quý I-2024, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai Chương trình số 49-CtrHĐ/TU, ngày 26-2-2024, của Ban Thường vụ Thành ủy, về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, ngày 24-11-2023, “Về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”. Thành phố cũng triển khai chuyên đề năm 2024 về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và tâm huyết trong xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình”, gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với việc đẩy mạnh thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu, xây dựng và thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, coi đó là vấn đề trọng yếu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh.
Mặc dù chất lượng nguồn nhân lực Thành phố Hồ Chí Minh được đánh giá cao nhất trong cả nước, tuy nhiên trên thực tế, đội ngũ nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, so với khu vực ASEAN và châu Á, nguồn nhân lực chất lượng cao của Thành phố Hồ Chí Minh còn bộc lộ nhiều hạn chế về số lượng, cơ cấu, cũng như về trình độ, năng lực, sự năng động, sáng tạo, tác phong lao động công nghiệp, kỹ năng thực hành, kỹ năng mềm và trình độ ngoại ngữ. Đây là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Thành phố trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế. Việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thành phố Hồ Chí Minh còn một số hạn chế, vướng mắc:
Về chất lượng nguồn nhân lực: Là thành phố có lượng lao động nhập cư đông so với một số đô thị ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, chất lượng nguồn lao động của Thành phố ở mức trung bình, thiếu nhóm nhân lực tinh hoa, đóng vai trò dẫn dắt; đội ngũ trí thức chưa thực sự lớn mạnh, vươn tầm quốc tế. Đặc biệt, còn thiếu đội ngũ trí thức hoạt động trong lĩnh vực tham mưu, tư vấn lãnh đạo hoạch định đường lối, chính sách.
Về cơ chế, chính sách: Mặc dù Thành phố đã xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nhân tài, tuy nhiên, chính sách đó chưa phát huy được hiệu quả do chưa có cơ chế đãi ngộ đặc thù, đặc biệt. Trong 5 năm thí điểm, Thành phố thu hút 19 nhà khoa học về làm việc trong khối nhà nước nhưng sau đó 14 người rời đi do thu nhập chưa tương xứng(6). Thành phố chưa có chính sách ưu tiên đối với nhóm nhân lực chất lượng cao, dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám” ra nước ngoài hoặc chuyển dịch từ hệ thống công ra nhóm các doanh nghiệp tư nhân.
Để thực hiện bài toán hội nhập quốc tế, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính của châu Á vào năm 2045, thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh cần chú trọng một số giải pháp sau:
Một là, nghiên cứu xây dựng thang bảng giá trị nguồn nhân lực Thành phố Hồ Chí Minh. Xây dựng thang bảng hệ giá trị nguồn nhân lực Thành phố Hồ Chí Minh được coi là giải pháp đầu tiên có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy tối đa nhân tố con người hướng tới sự cạnh tranh toàn cầu và phát triển bền vững, tạo dựng giá trị tích cực, định hướng, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển được nguồn nhân lực đáp ứng tốt những đòi hỏi của thời kỳ chuyển đổi số. Việc định hình những giá trị cho thế hệ trẻ không chỉ có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện thành công quan điểm, chủ trương Đại hội lần thứ XI của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh đề ra, mà còn có vai trò to lớn đối với xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Việc xây dựng, hoàn thiện thang bảng giá trị không chỉ cần tính thống nhất, khái quát cao, tính kế thừa chọn lọc, mà còn đề cao tinh thần tự do, hiện đại, sáng tạo, hướng đến những giá trị chân - thiện - mỹ. Thang bảng giá trị nguồn nhân lực của Thành phố Hồ Chí Minh có thể gồm những nội dung sau: (i) Phát triển toàn diện thể chất, tinh thần, trí tuệ và kỹ năng, có khả năng thích ứng trước xu thế hội nhập; (ii) Có tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, khao khát vươn lên; (iii) Có lối sống nhân văn, biết cân đối, hài hòa giữa lý tưởng và thực tiễn, giữa làm việc cá nhân và hợp tác; (iv) Chuyên nghiệp, tự tin, tự trọng, trung thực, tôn trọng và thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Hai là, coi trọng giáo dục - đào tạo, đẩy mạnh cải cách giáo dục theo hướng toàn diện và đồng bộ.
Quá trình phát triển nguồn nhân lực về chất chính là nhằm đào tạo những người lao động vừa có trình độ chuyên môn cao, vừa nhiệt huyết, say mê sáng tạo, có lòng tự tôn dân tộc, quyết tâm vươn lên vì sự tiến bộ của bản thân và đóng góp chung cho sự phát triển của đất nước. Nhiệm vụ cấp bách là tiến hành ngay đổi mới căn bản, toàn diện trong giáo dục - đào tạo, cải cách triệt để, sâu sắc cả về mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học, hệ thống giáo dục, phương thức tổ chức quản lý giáo dục - đào tạo. Trọng tâm của giáo dục phải chuyển từ trang bị kiến thức sang bồi dưỡng, rèn luyện phương pháp tư duy, phương pháp tìm và giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, khả năng tự đào tạo và thích nghi phát triển. Đó phải là một nền giáo dục lành mạnh, hiện đại, dân chủ, khoa học, kết hợp hài hòa giữa dạy chữ và dạy người, lý thuyết và thực hành.
Ba là, có chính sách trọng dụng nhân tài. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng coi việc tìm người tài đức là quốc sách: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có người tài”(7). Bối cảnh nền kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động lớn, đòi hỏi mỗi quốc gia cần có sự thích nghi, thích ứng cao. Trong điều kiện đó, Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh đã định hướng: “Phát huy truyền thống của Thành phố Hồ Chí Minh và vai trò nền tảng của văn hóa, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Khơi dậy khát vọng và sức sáng tạo của nhân dân thành phố, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển”(8). Đồng thời, cần đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; mạnh dạn thực thi các cơ chế, chính sách, giải pháp mang tính vượt trội, đột phá về thu hút, trọng dụng, sử dụng và phát huy cao nhất năng lực, trí tuệ và tâm huyết của người tài đức đến làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nghiên cứu, xây dựng tiêu chí, chính sách, giải pháp hữu hiệu nhằm kêu gọi, thu hút, trọng dụng, sử dụng nhân tài; mạnh dạn, quyết liệt sửa đổi căn bản, đột phá các quy định về thu nhập, chế độ đãi ngộ nhân tài, các chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt một cách hợp lý, tương xứng; quy định cụ thể, rõ ràng chính sách tiền lương, công lao động, chế độ phúc lợi, chính sách ưu đãi với chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập, phù hợp với trình độ, năng lực, yêu cầu công việc. Cần xây dựng và thực hiện tốt không gian, môi trường, điều kiện làm việc thuận lợi để sử dụng hiệu quả, phát huy cao nhất tài năng, trí tuệ, tâm huyết của người tài đức, nguồn nhân lực chất lượng cao.../.
---------------------
(1) Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh: Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nxb. Tổng hợp, Thành phố Hồ Chí Minh, 2020, tr. 164
(2) Xem: Chương trình hành động số 19-CTrHĐ/TU, ngày 31-10-2016, của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2016 - 2020, https://www.hcmcpv.org.vn/tu-lieu/chuong-trinh-hanh-dong/chuong-trinh-hanh-dong-so-19-ctrhd-tu-ngay-31-10-2016-cua-thanh-uy-tphcm-ve-thuc-hien-nghi-quyet-dai-1478490431
(3) Xem: Quyết định số 132/QĐ-UBND, ngày 11-1-2022, của Ủy ban nhân dân Thành phố, về “Ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2025”
(4) Toàn văn Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh, https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-nghi-quyet-thi-diem-co-che-chinh-sach-dac-thu-phat-trien-tp-hcm-119230707074903999.htm
(5) Xem: Quyết định số 2673/QĐ-UBND, ngày 29-6-2023, của Ủy ban nhân dân Thành phố, “Về ban hành kế hoạch đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bảo đảm cung ứng, nhu cầu tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực kinh tế trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”
(6) Xem: “Giải bài toán nguồn nhân lực cho Thành phố Hồ Chí Minh”, ngày 25-7-2022, https://doanhnhansaigon.vn/thoi-su-trong-nuoc/giai-bai-toan-nguon-nhan-luc-cho-tp-hcm-1112116.html
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 504
(8) Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh: Văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nxb. Tổng hợp, Thành phố Hồ Chí Minh, 2020, tr. 168
Quảng Ninh đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hiện thực hóa mục tiêu phát triển của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050  (24/10/2023)
Kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ của Trung Quốc và một số gợi ý tham chiếu cho tỉnh Quảng Ninh  (09/10/2023)
Nguồn nhân lực trong thúc đẩy các động lực tăng trưởng của Thủ đô Hà Nội  (08/10/2023)
Phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới hiện nay  (15/09/2023)
Hà Nội tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho ngành y tế  (08/09/2023)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
- Tăng cường công tác dân vận nhằm thực hiện hiệu quả chính sách xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển