Vấn đề con người trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
TCCS - Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người luôn coi “công việc đầu tiên” là “công việc đối với con người”, bảo đảm cho mọi người dân được sống ấm no, hạnh phúc, trong một xã hội thanh bình, giàu giá trị nhân văn. Kỷ niệm 50 năm (1969 - 2019) thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc tiếp tục nghiên cứu vấn đề con người trong Di chúc mang ý nghĩa thiết thực đối với việc phát triển con người trong quá trình đổi mới và hội nhập của Việt Nam hiện nay.
Nói đến vấn đề con người trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, không thể không đề cập đến tư tưởng về giải phóng con người. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc làm sao cho dân tộc Việt Nam được độc lập, tự do, nhân dân ai cũng có quyền được sống, được sung sướng, được tự do, hạnh phúc,... mà trước hết là cần có ăn, có mặc, có nhà ở, được chữa bệnh và được học hành. Những nhu cầu tối thiểu này cũng là những quyền tối thiểu mà bất kỳ cá nhân nào tồn tại trong xã hội đều hướng đến. Vào những ngày đầu xây dựng chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám, khi trả lời phỏng vấn các nhà báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân tộc ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(1). Tư tưởng này thể hiện xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Người căn dặn toàn Đảng, toàn dân: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”(2). Để hoàn thành mục tiêu này, chúng ta phải tiến hành kháng chiến giành độc lập, thống nhất hai miền Bắc - Nam. Người ra đi trong khi đất nước ta còn chưa thống nhất, độc lập cho Tổ quốc còn chưa toàn vẹn, đồng bào ta đang còn “phải hy sinh nhiều của, nhiều người”, nhân dân ta chưa có được cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, song Người vẫn luôn tin rằng: “Dù khó khǎn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to - là Pháp và Mỹ; và đã góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc”(3). Theo Người, độc lập dân tộc là tiền đề để xây dựng con người phát triển toàn diện, từng bước “làm chủ tồn tại xã hội của chính mình”, hướng tới một xã hội mà “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(4).
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, để phát triển toàn diện con người phải gắn với quá trình đấu tranh giành độc lập và thống nhất dân tộc, không thể phát triển toàn diện con người nếu không có độc lập dân tộc. Vì lẽ đó, khi biết mình sắp phải đi xa, Người nói: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(5). Chính điều này đã góp phần hình thành tư tưởng nhân văn, sức mạnh trường tồn bởi Người luôn đặt vấn đề giải phóng con người, đem lại lợi ích cho con người chính là tạo ra động lực vô cùng lớn lao cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, với sự hiểu biết hết sức sâu sắc về con người, bằng sự đúc kết kinh nghiệm thực tiễn cách mạng phong phú, sinh động, Người nói: “Chúng ta giành được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết giá trị khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(6). Có thể nói, vấn đề con người, cuộc sống của con người, nhân cách con người luôn được Người xem là vấn đề trọng tâm trong hoạt động cách mạng, Người đã dành trọn cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình để chăm lo cho nhân dân cả về vật chất lẫn tinh thần, thể hiện ở mỗi quyết sách, mỗi việc Người làm đều toát lên tình thương yêu vô hạn, sự tôn trọng, thái độ bao dung và lòng tin yêu con người. Trước khi trở về với cõi vĩnh hằng, Người dặn lại: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta phải ra sức làm là mau chóng hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra trong cuộc chiến tranh xâm lược dã man”(7); đồng thời, Người khẳng định:
“Đầu tiên là công việc đối với con người.
Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cách sinh... Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”(8).
Đối với những người vốn bị coi là tầng lớp “dưới đáy xã hội”, đặc biệt trong xã hội tư bản thì không bao giờ được quan tâm, chăm sóc, Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò rất kỹ: “Đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu... thì Nhà nước phải vừa dùng giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”(9).
Tất cả những điều đó khẳng định, tình yêu thương con người vô hạn, sự tôn trọng, thái độ bao dung và lòng tin yêu con người của một người cộng sản, một người cách mạng suốt đời trung thành, tận tụy và không ngừng phấn đấu vì lý tưởng cao đẹp đó.
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi nguồn lực con người là “nguồn lực của mọi nguồn lực”, là nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhất quán tư tưởng chiến lược phát triển con người trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta khẳng định: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển”(10). Hiện thực hóa quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước ta, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng về phát triển con người được cộng đồng quốc tế đánh giá cao:
Về kinh tế: Sau hơn 30 năm đổi mới, kể từ khi thực hiện mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định. Kinh tế thoát khỏi tình trạng khủng hoảng, hoạt động ngày càng hiệu quả và năng động; đời sống nhân dân ngày càng cải thiện. Đất nước không những giữ vững ổn định chính trị trước những biến động lớn của thế giới mà còn có những bước tiến bộ. Nếu giai đoạn 1986 - 1990 tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Việt Nam là 4,5%, thì chỉ tính chung 9 tháng năm 2019, GDP ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm trở lại đây.
Về xã hội: Tăng trưởng kinh tế cao, ổn định đã tạo cơ sở, điều kiện, tiền đề thuận lợi để Đảng và Nhà nước ta huy động các nguồn lực đầu tư phát triển con người - chủ thể của quá trình phát triển của xã hội, với những thành tựu nổi bật:
Một là, về lĩnh vực việc làm và thu nhập. Ở Việt Nam, nguồn thu nhập chủ yếu của các hộ gia đình là từ lao động, vì vậy việc quan tâm giải quyết vấn đề việc làm là một trong những yếu tố cơ bản của tiến bộ xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ thông qua các chương trình lồng ghép hiệu quả với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các dự án về tín dụng việc làm với lãi suất ưu đãi từ Quỹ quốc gia về việc làm góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, gắn dạy nghề với tạo việc làm, nhờ đó tăng cơ hội việc làm và hoàn thiện quan hệ lao động. Nhìn lại những năm qua, công tác giải quyết việc làm và phát triển thị trường lao động đã thu được nhiều kết quả khả quan: Giai đoạn 2010 - 2015, đã giải quyết việc làm, tạo việc làm cho khoảng 7,8 triệu người, trong đó lao động ở nước ngoài khoảng 469 nghìn người(11) và chỉ trong 9 tháng đầu năm 2019, cả nước giải quyết việc làm cho trên 1,2 triệu lao động, đạt 75,5% kế hoạch năm, bằng 99,5% cùng kỳ năm 2018; cùng với đó là công tác đào tạo nghề được quan tâm, từng bước phát triển, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo từ dưới 10% (năm 1990) tăng lên đạt 58,6%% (năm 2018) và đạt gần 60% (6 tháng đầu năm 2019). Các phiên giao dịch việc làm, hệ thống thông tin thị trường lao động từng bước gắn kết người lao động và người sử dụng lao động.
Tốc độ tăng trưởng cao trong những năm qua, cùng với chính sách giải quyết việc làm hiệu quả đã tác động rõ rệt đến thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam: tính đến quý III/2019 thu nhập bình quân tháng từ công việc của người lao động đạt 5,6 triệu đồng, tăng 73.000 đồng so với quý trước và tăng 718.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập của người dân tăng lên đã góp phần cải thiện chi tiêu của người dân. Như vậy, với tốc độ tăng trưởng cao, ổn định nên chi tiêu sinh hoạt trong các hộ gia đình ngày càng được cải thiện, năm sau cao hơn năm trước, góp phần nâng cao chất lượng sống.
Hai là, về công tác xóa đói, giảm nghèo. Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã rất chú trọng hướng vào con người, nhất là những người nghèo, được dư luận quốc tế đánh giá là một trong những nước điển hình trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về xóa đói, giảm nghèo. Theo chuẩn quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 30% năm 1992 xuống còn 5,35% năm 2018; tính theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 4,5% (năm 2019). Theo báo cáo của Chính phủ về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, đến nay, hầu hết các đối tượng chính sách xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng khó khăn đã có bảo hiểm y tế; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trên 34,3 triệu người, hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho trên 15,1 triệu người.
Ba là, chính sách ưu đãi đối với người có công. Đảng chủ trương ưu đãi người có công với cách mạng và hỗ trợ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm 98,5% hộ với mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư cùng địa bàn. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được tiếp tục triển khai. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã được Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương, các tổ chức và cộng đồng xã hội tích cực hưởng ứng, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc với các hoạt động, như tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa; xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa; xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; tặng vườn cây tình nghĩa, áo ấm tặng mẹ, áo lụa tặng bà; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc thân nhân liệt sĩ, đỡ đầu con thương binh, con liệt sĩ.
Bốn là, về bảo hiểm xã hội. Hệ thống pháp luật về bảo hiểm xã hội ngày càng được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý trong điều chỉnh các quan hệ xã hội. Hệ thống bảo hiểm xã hội được hoàn thiện với nội dung và hình thức ngày càng phong phú, nhằm chia sẻ và trợ giúp thiết thực cho người tham gia bảo hiểm xã hội. Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tăng đều hằng năm, tính đến 31-10-2019, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 14,915 triệu người, đạt 97,5% kế hoạch giao. Tăng 146 nghìn người so với tháng 9-2019; tăng 462 nghìn người so với tháng 12-2018. Đến ngày 31-12-2018, tổng số người hưởng bảo hiểm xã hội hằng tháng do ngân sách bảo đảm là 1,2 triệu người giảm 1,3% so với năm 2017, ước thực hiện 46.129 tỷ đồng... Số đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề tăng, được giới thiệu việc làm đều tăng mạnh. Hiện nay, tất cả 63 tỉnh, thành phố thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng qua hệ thống bưu điện.
Năm là, công tác bảo vệ, chăm sóc sóc khỏe nhân dân. Tính đến tháng 12-2018, cả nước có 49.984 cơ sở khám, chữa bệnh, tổ chức bộ máy y tế được hoàn thiện từ cơ sở đến tỉnh, thành theo hướng phổ cập, chuyên sâu và hiện đại, chất lượng đội ngũ cán bộ y tế được nâng lên. Các chỉ số sức khỏe cộng đồng được nâng lên, như tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi đã giảm 81‰ (năm 1990) xuống còn khoảng 21,5‰ (năm 2017); tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng đã giảm tương ứng từ 50% xuống còn khoảng 13,4%; tỷ lệ trẻ dưới một tuổi được tiêm đầy đủ các loại vắc xin chiếm 96,4%; tuổi t họ trung bình là 73,5 tuổi hiện nay, so sánh với công tác chăm sóc sức khỏe trong khu vực thì rõ ràng đây là một thành tựu rất lớn của chính sách y tế (Thái Lan tuổi thọ bình quân là 72 tuổi; Ma-lai-xi-a tuổi thọ bình quân là 73,3 tuổi). Hiện nay, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế phủ đến 83% dân số (tương đương 75915,2 nghìn người). Điều này đã tạo điều kiện chăm sóc tốt hơn về y tế cho các tầng lớp dân cư trong xã hội, thúc đẩy tiến bộ xã hội.
Sáu là, về chỉ số phát triển con người (HDI). Cùng với những thành tựu đạt được trong công tác giải quyết việc làm, thu nhập ngày càng tăng, tỷ lệ giảm nghèo nhanh, chăm sóc sức khỏe nhân dân có những chuyển biến tích cực góp phần cải thiện đời sống của nhân dân, do đó chỉ số HDI ở nước ta không ngừng cải thiện, bảo đảm công bằng và tiến bộ xã hội trong quá trình phát triển. Theo báo cáo của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP): Chỉ số phát triển con người (HDI) tăng từ mức 0,683 (năm 2000) lên 0,694 năm 2016 đứng 116 trong tổng số 189 nước, thuộc nhóm trung bình cao của thế giới. Điều này đã chứng tỏ sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta không ngừng hướng tới việc chăm sóc con người, từng bước bảo đảm tiến bộ xã hội.
Từ những số liệu, kết quả phân tích, đánh giá trên cho thấy, thực hiện tiến bộ xã hội ở Việt Nam đã góp phần cải thiện rõ nét đời sống của nhân dân, như tỷ lệ thất nghiệp giảm qua các năm, khoảng cách giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất rút ngắn, chỉ số HDI tăng cao, giáo dục và y tế phát triển góp phần nâng cao năng lực sản xuất tham gia vào thị trường lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, từ đó tạo ra sự phát triển nhân văn hơn trong nền kinh tế ở thành phố. Đây là động lực quan trọng bảo đảm cho Việt Nam sớm hoàn thành mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách phát triển con người toàn diện vẫn còn nhiều hạn chế, như công tác tạo việc làm chưa bền vững, tỷ lệ thất nghiệp ở nông thôn và đô thị có xu hướng tăng; giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; diện hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên còn hẹp, mức chuẩn trợ cấp thấp; tỷ lệ bao phủ của chính sách hỗ trợ cũng như mức trợ cấp thấp, chưa theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nguồn lực để thực hiện phát triển con người còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước và các hình thức bảo hiểm chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người dân; chất lượng các dịch vụ xã hội nhìn chung còn thấp, vẫn xảy ra không ít tiêu cực, phiền hà... đã và đang tác động tiêu cực đến mục tiêu xây dựng mà Đảng và nhân dân ta lựa chọn.
Nghiên cứu quan điểm về con người trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy hơn nữa nguồn lực nội sinh của dân tộc, quan trọng nhất là nguồn lực con người, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới./.
------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 4, tr. 161
(2) (3). Hồ Chí Minh: Sđd, t. 15, tr. 612
(4) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, 1993, t. 23, tr. 628
(5) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 15, tr. 624
(6) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 4, tr. 158
(7), (8), (9) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 15, tr. 616 - 617
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 126
(11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, tr. 238
Kỷ niệm 65 năm Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc và 50 năm các thế hệ học sinh miền Nam thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh  (09/12/2019)
Những nội dung cốt yếu trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh  (28/10/2019)
- Chính sách đối ngoại của Pháp trong bối cảnh mới
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong ứng phó với biến đổi khí hậu
- Đảng bộ Quân khu 5 với phương hướng, giải pháp trọng tâm để tổ chức đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ mới, tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Chính sách ngoại giao của Nga tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương
- Hệ thống chính trị cơ sở với việc bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Liên hợp quốc và những đóng góp của Việt Nam -
Văn hóa - Xã hội
Một số quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và nâng tầm văn hóa Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam