Trà Vinh cần làm gì để phát triển du lịch văn hóa

Minh Phước Tạp chí Cộng sản
16:39, ngày 28-11-2017

TCCSĐT - Trà Vinh là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cộng đồng dân cư tỉnh Trà Vinh được hình thành và phát triển trong lịch sử bằng sự hòa hợp, sống gần gũi bên nhau của các tộc người Kinh, Khmer, Hoa, Chăm… Quá trình hình thành và phát triển của các dân tộc tỉnh Trà Vinh gắn liền với các đặc điểm sinh sống, lao động, văn hóa chùa chiền và tôn giáo. Từ đó, tạo nên những phong tục tập quán rất phong phú và đa dạng của người dân Trà Vinh. Đó là những tài nguyên quan trọng để tỉnh Trà Vinh phát triển du lịch văn hóa.

Tiềm năng du lịch văn hóa của Trà Vinh

Trà Vinh là tỉnh có tỷ lệ gần 67% là người Kinh, gần 32% là đồng bào các dân tộc thiểu số (cao nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long), là tỉnh có số lượng người Khmer sinh sống đông thứ 2 ở đồng bằng sông Cửu Long, cũng như cả nước sau tỉnh Sóc Trăng. Kế đến là người Hoa, sống tập trung ở thành phố Trà Vinh, các trung tâm huyện, thị.

Tài nguyên du lịch Trà Vinh khá đa dạng và phong phú, thuận lợi cho việc tổ chức và phát triển các loại hình du lịch, nhất là du lịch văn hóa.

Về di tích lịch sử, văn hóa, du lịch: Trà Vinh có rất nhiều di tích lịch sử - văn hóa và lịch sử cách mạng gắn liền với các dân tộc, tôn giáo. Toàn tỉnh có 14 di tích lịch sử văn hóa, cách mạng cấp quốc gia, 20 di tích lịch sử văn hóa, cách mạng, công trình kiến trúc cấp địa phương. Các di tích lịch sử văn hóa, lịch sử kiến trúc như: Đền Thờ Bác Hồ ở xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, ngôi đền được khởi công vào ngày 10-3-1970 và khánh thành ngày 26-01-1971. Khi mới xây dựng, đền có kết cấu đơn sơ bằng vật liệu tre lá, trên một diện tích 16 m2, và chỉ cách một đồn đóng quân của Việt Nam Cộng hòa vài trăm mét. Trong chiến tranh, ngôi đền đã nhiều lần bị bom đạn của đối phương tàn phá. Đến ngày 10-3-1971, thì đền bị đốt cháy. Đầu năm 1972, một số người dân Long Đức lại góp tiền của và công sức xây lại ngôi đền mới. Sau đó, đền lại bị đốt cháy mấy lần nữa, trong đó lần cuối là vào chiều ngày 09-4-1975. Ngày 29-4-1975 (tức chỉ trước một ngày xảy ra sự kiện 30 tháng 4 năm 1975), ngôi đền lại bị bom đạn làm hư hỏng một phần. Sau năm 1975, đền lại được chính quyền tỉnh Trà Vinh cho trùng tu, sau đó được tôn tạo nhiều lần và xây thêm nhiều hạng mục như: cổng chào, nhà bao che đền thờ, nhà truyền thống, nhà trưng bày vũ khí, nhà sàn Bác Hồ (phục dựng theo nguyên mẫu nhà sàn Bác Hồ ở Hà Nội), v.v... Hiện nay, những di vật trong đền thờ gồm có: 3 bộ lư bằng đồng, 1 lư hương, 2 lục bình bằng đồng, 5 tấm màn chắn, 2 đôn sứ hình voi, 1 chân dung Bác Hồ (chất liệu sơn dầu), 1 bộ bình trà, 2 bàn thờ gỗ khảm xà cừ, 1 tủ thờ gỗ khảm xà cừ,...Ngày 05-9-1989, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Long Đức (Trà Vinh) đã được công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia, và được chính quyền tỉnh Trà Vinh chọn làm biểu trưng của tỉnh.

Khu du lịch Ao Bà Om: Ao Bà Om, hay Ao Vuông, là một thắng cảnh độc đáo và nổi tiếng ở tỉnh Trà Vinh, thuộc khóm 3, phường 8, thành phố Trà Vinh (trước đây là ấp Tà Cụ, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành). Ao có hình chữ nhật, rộng 300 m, dài 500 m (vì gần với hình vuông nên còn được gọi là Ao Vuông). Mặt nước ao trong xanh và phẳng lặng được phủ bởi hoa sen, hoa súng. Ao được bao bọc xung quanh bởi các gò cát mấp mô với các hàng cây sao, cây dầu cổ thụ hàng trăm năm tuổi có rễ nổi lên khỏi mặt đất tạo nên những hình thù kỳ lạ. Theo truyền thuyết, để có hồ nước ngọt dùng trong mùa khô, dân làng người Khmer tổ chức cuộc thi đào ao giữa hai nhóm nam và nữ, đồng thời cũng để quyết định phái nào thua sẽ phải đi cưới hỏi phái kia. Bên phái nam ỷ sức mạnh, vừa làm, vừa chơi. Bên phái nữ dưới sự lãnh đạo của người tên Om, dùng nhiều mưu mẹo để trì hoãn nhóm nam. Khi đào gần xong, họ còn cho thả đèn lồng ở phía đông làm cho nhóm nam tưởng là sao Mai đã mọc nên nghỉ sớm. Sau cuộc thi, nhóm nam thua cuộc và ao của họ hiện vẫn còn dấu tích tuy đã cạn nước. Ao của nhóm nữ được đặt tên theo tên của bà Om. Ngày nay, ao Bà Om thường được các học sinh sinh viên chọn làm nơi cắm trại vào những dịp lễ hay lúc nghỉ hè. Đây cũng là nơi hẹn hò của nhưng đôi nam nữ cũng như là nơi các cặp vợ chồng mới cưới đưa nhau ra chụp hình quay phim lưu niệm.

Trà Vinh có nhiều chùa Khmer trải dài gần như khắp tỉnh, bao gồm một hệ thống 141 chùa Khmer, nhiều chùa lâu đời, như chùa Âng, có từ năm 990... Đến năm 1695, ngôi chính điện được xây dựng lại bằng tre lá. Năm 1842, chùa được xây dựng lại bằng gỗ quý (rui, mè và 60 cây cột), lợp ngói và tường xây. Chùa Ông Mẹt được tạo dựng đầu tiên vào khoảng năm 642 tại khu vực gần sân vận động tỉnh bây giờ; đến khoảng năm 711, chùa mới được dời về vị trí hiện nay. Nhiều chùa khá độc đáo, như chùa Hang ở huyện Châu Thành, Chùa Cò ở huyện Trà Cú… Năm 1996, quần thể chùa Âng và ao Bà Om đã được Bộ Văn hóa - Du lịch công nhận là di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia.

Một di tích lịch sử, du lịch đáng quan tâm là Phế tích Lưu Cừ II, được nhận định là một công trình đền cổ, nơi thờ cúng các vị thần của đạo Bà La Môn. Tài liệu lưu trữ của Bảo tàng Cửu Long xưa (hiện nay được lưu giữ tại phòng Bảo tồn của sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh) có ghi, phế tích đền cổ Lưu Cừ II tồn tại xung quanh cuộc sống của người dân Trà Cú. Di tích kiến trúc cổ này là một công trình xây dựng lâu đời, một kiến trúc đồ sộ, tiêu biểu cho bước phát triển ban đầu về văn hóa, xã hội của những cư dân đầu tiên trên vùng đất Nam Bộ vào những thế kỷ đầu công nguyên. Hiện nay, di tích không còn nguyên vẹn, đầy đủ như thuở ban đầu. Tuy nhiên, nó vẫn nhiều vết tích về kiến trúc cho phép các nhà khảo cổ học có thể hình dung, khám phá ý đồ xây dựng và mục đích sử dụng của các bậc tiền nhân. Di chỉ Lưu Cừ II được xây theo bố cục hình chữ nhật và thiết kế theo luật cân đối rất rõ ràng và chặt chẽ. Chiều dài của di tích theo hướng Đông - Tây. Mặt tiền phía Đông có xây các bậc cấp lên xuống. Các mặt Nam, Bắc, Tây có vách tường xây cao và đường hành lang lát gạch bao quanh phía trong. Từ hình hài, dáng vẻ kiến trúc trên, các nhà khảo cổ học liên tưởng đến kiến trúc của một đền đài xưa.

Trong số 14 di tích lịch sử văn hóa ở tỉnh Trà Vinh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng, chùa Phước Minh Cung là một công trình kiến trúc nghệ thuật cổ độc đáo - một “biểu tượng” văn hóa đáng tự hào của hơn 10 vạn đồng bào Hoa đang sinh sống tại địa phương. Theo bia ký này thì ngôi chùa có thể được tạo lập vào năm Bính Thìn 1556. Những năm đầu thế kỷ XX, Phước Minh Cung đã được cộng đồng 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa ở Trà Vinh biết đến là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Người dân trong tỉnh quen gọi Phước Minh Cung với cái tên là chùa Ông. Bởi Phước Minh Cung cũng giống như nhiều ngôi chùa của người Hoa thờ tự vị thần chính là Quan Công.

Bên cạnh đó, Trà Vinh cũng còn nhiều chùa khá độc đáo, như chùa Hang ở huyện Châu Thành; Chùa Cò ở huyện Trà Cú; chùa Ông Bổn (Minh Đức Cung) ở huyện Cầu Kè, khoảng 200 năm tuổi.

Về lễ hội truyền thống: Cùng với hệ thống di tích là những lễ hội riêng của các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn tỉnh. Mỗi lễ hội có sắc thái riêng nhưng đã trở thành di sản văn hóa chung của tỉnh. Lễ hội ở Trà Vinh là hình thức tiêu biểu trong phức hợp sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật - tôn giáo - tín ngưỡng của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, rất sống động và không ngừng phát triển theo chiều dài lịch sử. Lễ hội luôn có vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa cộng đồng các dân tộc; các đặc điểm về tộc người và tôn giáo trong văn hóa, bộc lộ khá rõ nét trong các lễ hội. Các lễ hội rất độc đáo của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa như lễ Giỗ Bác Hồ, lễ hội Nghinh Ông, lễ hội Vu Lan thắng hội, lễ hội Nguyên Tiêu. Đặc biệt là lễ hội Ok - Om - Bok gắn với hội đua ghe Ngo trên sông Long Bình của đồng bào Khmer được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là một trong những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong mỗi dịp lễ hội của người Khmer, bên cạnh những nghi lễ cổ truyền là những hình thức vui chơi giải trí, biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao của quần chúng... tất cả đều được tổ chức và diễn ra ở khuôn viên chùa, thậm chí trong các ngày tết nhiều gia đình còn vào hết trong chùa ăn tết. Đó là những tài nguyên văn hóa quan trọng để khai thác phục vụ cho phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh.

Đối với cộng đồng người Khmer, hiện còn bảo lưu nhiều nghi thức cúng kiếng, có sự chi phối đến đời sống tinh thần của người dân nơi đây như các nghi lễ về nông nghiệp có lễ tết vào năm mới (Chol Chnam Thmay), lễ cúng ông, bà (Sene Đôl-ta); lễ hội Ok-Om-Bok (lễ cúng trăng) … Đặc biệt, Trà Vinh có 142 trên tổng số 600 ngôi chùa Khmer ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long được trải khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Các ngôi chùa ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ hàng trăm tuổi với kiến trúc đẹp, độc đáo, có giá trị lịch sử văn hóa lâu đời. Bên cạnh đó, còn có nhiều chùa người Kinh, người Hoa có giá trị trong phát triển du lịch.

Về nghệ thuật: Các loại hình nghệ thuật của cộng đồng các dân tộc Trà Vinh không kém phần phong phú, đa dạng như: Đờn ca tài tử của người Kinh, múa Lân - Sư - Rồng của người Hoa. Đáng chú ý là các loại hình nghệ thuật của dân tộc Khmer như điêu khắc, hội họa, trang trí mỹ thuật và kiến trúc trong các ngôi chùa Khmer rất đặc sắc. Kiến trúc truyền thống chủ yếu tập trung ở các công trình công cộng, đặc biệt là ngôi chính điện trong chùa được thiết kế để tạo vẻ uy nghi, lộng lẫy, đồ sộ.

Múa, hát và nghệ thuật sân khấu là nét nổi bật trong nghệ thuật biểu diễn của đồng bào Khmer nơi đây. Trong đó, kịch hát Dù-Kê hay còn gọi là La khôn bassắc là một loại hình sân khấu độc đáo của người Khmer, ra đời vào những năm 1920 -1930 bởi đồng bào Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Loại hình nghệ thuật này có sự tiếp thu các tích tuồng của người Hoa và diễn chung với các vở cải lương của người Kinh. Hay các điệu múa dân gian như: Rôbam còn gọi là Rom Yăk (múa chằn), Râmvong, Rom khach, Rom sarawan và Lăm lêu... có những sắc thái văn hóa rất độc đáo.

Về văn hóa ẩm thực: Đến với Trà Vinh du khách có thể thưởng thức những đặc trưng về văn hóa ẩm thực của cộng đồng các dân cư với các đặc sản như Bún nước lèo, tôm khô Vinh Kim, dừa sáp Cầu Kè, quýt đường Long Trị, Bánh tét Trà Cuôn, nước mắm rươi Ba Động, rượu Xuân Thạnh.

Đó là những tài nguyên văn hóa quan trọng để Trà Vinh phát triển du lịch văn hóa, tâm linh gắn với lễ hội truyền thống các dân tộc, nhất là tìm hiểu văn hóa dân tộc Khmer, văn hóa dân tộc Việt trong quá trình khai khẩn vùng đất Nam Bộ Việt Nam.

Tuy có nhiều tiềm năng về du lịch văn hóa nhưng thực trạng phát triển du lịch văn hóa của tỉnh Trà Vinh còn chưa tương xứng với tiềm năng du lịch văn hóa nói riêng và du lịch nói chung của tỉnh Trà Vinh. Nguyên nhân của những hạn chế trong phát triển du lịch ở Trà Vinh là do: (1) Du lịch Trà Vinh còn thiếu điểm vui chơi, giải trí, các điểm du lịch thiếu các dịch vụ cho khách, dịch vụ du lịch đơn điệu chưa đủ sức giữ chân du khách lâu dài. (2) Việc tổ chức các hoạt động du lịch còn hạn chế rời rạc. Nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động du lịch còn thiếu và yếu, chưa đủ tổ chức được các tour du lịch để tham quan các di tích, các địa điểm du lịch của tỉnh, chủ yếu là sự tự phát của du khách. (3) Cơ cấu doanh thu từ du lịch của tỉnh chủ yếu là dịch vụ lưu trú du lịch, ăn uống. (4) Hệ thống hạ tầng chưa được đầu tư theo kịp nhu cầu phát triển. (5) Nhận thức về du lịch nói chung, du lịch bền vững nói riêng chưa được rõ rệt. (6) Việc đầu tư cho sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên thế mạnh của địa phương chưa thực sự được đầu tư đúng mức, chưa có những bước đột phá.

Giải pháp để khai thác tốt hơn tiềm năng du lịch văn hóa của tỉnh Trà Vinh

Trong thời gian tới, để phát triển ngành du lịch, tỉnh Trà Vinh chú trọng phát huy tối đa lợi thế, đặc thù của tài nguyên du lịch văn hóa, trong đó, chú trọng một số giải pháp sau:

Thứ nhất, trong quá trình lập kế hoạch và quản lý phát triển du lịch phải luôn gắn liền với quan điểm và mục tiêu phát triển liên ngành, liên vùng, bảo đảm an ninh chính trị quốc gia và trật tự an toàn xã hội, không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, góp phần bảo tồn các di sản văn hóa, mang lại thu nhập cho người dân, góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo.

Thứ hai, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, phát huy lợi thế du lịch văn hóa của tỉnh. Cung cấp thông tin về du lịch để thu hút các nhà đầu tư, các công ty lữ hành, nhất là du khách.

Thứ ba, có những định hướng, những giải pháp phát triển phù hợp để khai thác hợp lý các tài nguyên hiện có, cũng như ngày càng phát huy hơn các lợi thế và xây dựng thêm những ngành phụ trợ cho phát triển du lịch nhằm làm cho du lịch Trà Vinh ngày càng phát huy hiệu quả cao hơn.

Thứ tư, để ngành du lịch Trà Vinh phát triển bền vững và thịnh vượng, ngành du lịch Trà Vinh tiếp tục rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch phát triển du lịch cho phù hợp với từng giai đoạn. Triển khai thực hiện tốt Đề án phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh đến năm 2020. Định hướng tầm nhìn phát triển du lịch tỉnh Trà Vinh đến năm 2030.

Thứ năm, tranh thủ các nguồn vốn của Trung ương và địa phương và các nguồn vốn xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo các khi di tích lịch sử văn hóa và kêu gọi các doanh nghiêp tham gia đầu tư để phát triển du lịch theo định hướng của tỉnh.

Thứ sáu, để trở thành điểm đến thực sự hấp dẫn cho du lịch trong, ngoài nước, phải thực hiện tốt việc liên kết với các tỉnh, thành trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long để cùng phát triển dựa trên tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, hình thành các tour du lịch văn hóa liên tỉnh trong vùng.

Thứ bảy, chú trọng việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng như tập trung phát triển các khu, cụm văn hóa - du lịch như khu Ao Bà Om, khu du lịch biển Ba Động, các di tích nghệ thuật kiến trúc chùa Khmer, bảo tàng văn hóa dân tộc Khmer, phát triển các điểm du lịch làng nghề, phát triển các loại hình vận tải hàng hóa, vận tải hành khách nhằm không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Thứ tám, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực: Xây dựng kế hoạch đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên sâu về các kiến thức chung (kỹ năng xúc tiến, tiếp thị, truyền thông) và kiến thức về văn hóa, hiểu rõ di tích lich sử, du lịch và di tích văn hóa. Cử cán bộ làm nhiệm vụ quản lý văn hóa tham gia các lớp tập huấn liên quan đến phát triển các ngành công nghiệp văn hóa do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức./.

Tài liệu tham khảo:

1. Quyết định số 729/ QĐ-UBND ngày 09- 5- 2017 của Ủy ban Nhân dân về việc ban hành kết hoạch thực hiện chiến lược phát triển các ngành công ngiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

2. Tiềm năng phát triển du lịch văn hóa ở tỉnh Trà Vinh của ThS. Phan Thanh Đoàn, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh. http://www.tuyengiao.vn/Home/vanhoavannghe/nghiencuutraodoivanhoa/92668/Tiem-nang-phat-trien-du-lich-van-hoa-o-tinh-Tra-Vinh.

3. Phát triển Du lịch tỉnh Trà Vinh góc nhìn từ Doanh nghiệp du lịch của Phương Ngọc, http://www.dulichtravinh.com.vn/index.php/tin-tuc/tin-hoat-dong-trong-tinh/1220-phat-trien-du-lich-tinh-tra-vinh-goc-nhin-tu-doanh-nghiep-du-lich.