Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong chăm sóc, giáo dục trẻ em

Phí Hải Nam Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới
22:32, ngày 30-05-2017

TCCSĐT - Trẻ em là tương lai của đất nước, là đối tượng cần được bảo vệ, chăm sóc, giáo dục. Chăm sóc và giáo dục trẻ em không chỉ là trách nhiệm của mỗi gia đình. Công tác này đòi hỏi sự chung tay, phối hợp của cả gia đình, nhà trường và xã hội.

Các phương pháp giáo dục gia đình nhằm hình thành nhân cách trẻ em

Thời gian cha mẹ dành cho việc giáo dục nhân cách trẻ em

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới năm 2012 về sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, gần 80% các bậc cha mẹ cho rằng việc học tập và rèn luyện đạo đức của con cái là mối quan tâm hàng đầu của gia đình và gần 75% cha mẹ luôn dành thời gian tâm sự với con(1). Có nghiên cứu cho thấy các bậc cha mẹ ngày nay không chỉ quan tâm tới vấn đề giáo dục đạo đức mà còn quan tâm tới những cách thức để giáo dục hiệu quả, như tạo sự thoải mái trong trò chuyện, qua đó tạo ra sự kết nối tình cảm, tìm hiểu tâm tư của con cái để có hướng điều chỉnh phù hợp, cung cấp kiến thức, giáo dục kỹ năng sống...

Bên cạnh đó, một bộ phận cha mẹ chưa quan tâm, hoặc không có thời gian quan tâm tới việc giáo dục con cái. Số liệu từ điều tra của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới năm 2012 cho biết chỉ có 46% cha mẹ trong mẫu điều tra thường xuyên nói chuyện trao đổi với con, có tới 10,1% cha mẹ hoàn toàn không nói chuyện với con. 32,1% số cha mẹ gặp khó khăn trong việc bố trí thời gian dành cho con cái(2).

Lý do thiếu thời gian ở cha mẹ có thể bắt nguồn từ gánh nặng kinh tế và công việc khiến cha mẹ có thể nắm được kết quả học tập của con, chứ không thể cùng con chia sẻ tâm tư hay định hướng nhận thức. Khó khăn về thời gian của cha mẹ có quan hệ mật thiết với trình độ học vấn và nghề nghiệp của họ. Nhóm cha mẹ có trình độ từ đại học trở lên thì việc bố trí thời gian cho con cái gặp nhiều khó khăn nhất, sau đó đến nhóm cán bộ công nhân, viên chức nhà nước, tiếp đó là nhóm kinh doanh dịch vụ, và cuối cùng là nhóm cha mẹ làm nông nghiệp. Nhóm cha mẹ ở nông thôn thường dành ít thời gian chăm sóc giáo dục con cái hơn so với cha mẹ ở thành phố. Có thể thấy rằng, môi trường thành thị nhiều nguy cơ, nhận thức của cha mẹ ở thành thị về vấn đề giáo dục con rõ rệt hơn khiến cho việc nuôi dạy con cái được coi trọng hơn, và dù khó khăn, các gia đình thành thị vẫn phải bố trí thời gian dành cho con cái nhiều hơn so với các gia đình nông thôn.

Hậu quả của việc ít thời gian dành cho con cái, đặc biệt là con tuổi vị thành niên, là mức độ gắn kết lỏng lẻo trong gia đình, cha mẹ chưa kiểm soát được hành vi con cái kịp thời và không phòng, ngừa được những hành vi lệch chuẩn của con cái (nghiên cứu trên 200 mẫu trẻ em ở cấp trung học phổ thông ở Hà Nội năm 2010 cho thấy, trong số trẻ em có hành vi bạo lực thì có tới 77,3% cho rằng các thành viên trong gia đình mình ít có sự quan tâm đến nhau).

Phương pháp cha mẹ áp dụng trong việc giáo dục nhân cách trẻ em

Phong cách hành vi của cha mẹ gồm có bốn xu hướng cơ bản là dân chủ, độc đoán, nuông chiều, bỏ mặc và không quan tâm. Thông thường, cha mẹ áp dụng đồng thời nhiều phong cách và có xu hướng áp dụng một phong cách nào đó mang tính điển hình cho những tình huống điển hình.

Hiện nay, mối quan hệ cha mẹ - con cái ở Việt Nam ngày càng bớt tính áp đặt hơn, tính dân chủ tăng dần lên, quan hệ trong gia đình vẫn tuân thủ tôn ti trật tự truyền thống. Khi trẻ có nguy cơ không theo mong muốn của cha mẹ, cha mẹ vừa căn dặn con không nên làm, vừa cấm con không được phép làm, có rất ít cha mẹ đưa ra giải thích và phân tích thỏa đáng. Phương pháp các bậc cha mẹ áp dụng có thể là kiểm soát chặt chẽ giờ học của con, kiểm soát tất cả những địa điểm ngoài nhà trường mà con tham gia, kiểm tra điện thoại của con, thể hiện sự cứng nhắc trong cách ứng xử của cha mẹ. Khi trẻ mắc lỗi, tùy vào tính chất vi phạm và tần suất vi phạm mà cha mẹ áp dụng kết hợp giữa hình thức khuyên bảo, quát mắng và xử phạt. Theo điều tra của Bộ Văn hóa, Thể thao, và Du lịch và các tổ chức khác, đa số cha mẹ sẽ nhắc nhở và phân tích đúng sai (74,2%) đối với các lỗi thông thường và mắc lỗi những lần đầu. Khi trẻ mắc lỗi nghiêm trọng, hình thức quát mắng (42,6%) và phạt đòn (11,2%) mới được áp dụng(3). Mặc dù quát mắng, đánh đòn không phải là hình thức phổ biến trong việc giáo dục con cái, nhưng thể hiện sự bất lực và thiếu khả năng kiềm chế cảm xúc của cha mẹ, cũng như sự yếu kém trong các kỹ năng giáo dục hiệu quả. Nguyên nhân dẫn tới những hành vi ứng xử tiêu cực này trước hết bắt nguồn từ quan niệm lạc hậu như “thương cho roi cho vọt“, bắt nguồn từ quan điểm Nho giáo coi phụ nữ và trẻ em là những đối tượng bị giáo dục và không có quyền quyết định cuộc sống của mình. Thực tế cho thấy, có tới 45,8% cha mẹ tin rằng việc xử phạt bằng roi vọt đối với trẻ là điều cần thiết. Nguyên nhân khác là do cha mẹ thiếu kỹ năng giáo dục con cái hoặc bất lực trong nhận thức, cha mẹ không nắm được suy nghĩ của con, đặc biệt là tâm lý của trẻ vị thành niên.

Số liệu điều tra của MICS (chương trình điều tra hộ gia đình toàn cầu) năm 2011 cho thấy, tình trạng xử phạt bằng bạo lực tinh thần và thể xác ở Việt Nam nghiêm trọng hơn nhiều. Có tới 73,9% trẻ em ở lứa 02-14 tuổi từng chịu đựng ít nhất một hình thức xử phạt dưới dạng bạo lực do các thành viên trong gia đình gây ra và 3,5% các em bị xử phạt nặng về thể xác. Tỷ lệ xử phạt phổ biến hơn ở nhóm gia đình cha mẹ có trình độ học vấn thấp, mức sống nghèo, ở khu vực nông thôn, và thuộc nhóm dân tộc thiểu số (Tổng cục Thống kê, năm 2011). Số liệu điều tra của MICS 2014 bổ sung thêm thông tin về tình trạng trẻ em bị xử phạt trong gia đình (tỷ lệ trẻ 01-14 tuổi chịu xử phạt về tinh thần và thể xác trong vòng một tháng tính đến thời điểm của cuộc điều tra là 68,4%).

Thực trạng trên gây ra nhiều hệ lụy, như hình thành sự chống đối của con đối với cha mẹ, sự tự ti của con khi suy nghĩ về bản thân và gia đình, thậm chí nhiều nguy cơ lệch chuẩn của trẻ..., nhưng việc thay đổi hành vi lại không dễ dàng. Một điểm đáng chú ý trong Điều tra Gia đình Việt Nam 2006 là có một tỷ lệ nhỏ cha mẹ “làm ngơ“ với lỗi của con (khoảng 1,1%). Sự nuông chiều này cũng ảnh hưởng không tốt với sự phát triển của trẻ(5).

Trong cuộc sống gia đình không tránh khỏi những lúc nảy sinh mâu thuẫn giữa con cái và cha mẹ, có thể bắt nguồn từ sự không hài lòng của cha mẹ đối với sở thích, bạn bè, hoạt động, lối sống của trẻ... Khi đó, nếu cha mẹ giải thích thì trẻ có thể nghe lời một cách tự nguyện, hoặc ít nhất cũng cảm thấy thoải mái hơn. Nếu cha mẹ đe dọa hay cấm đoán thì con cái có thể nghe lời trong sự khó chịu, hoặc thậm chí chống đối. Quan hệ giữa cha mẹ và con cái có gần gũi hay lỏng lẻo, cha mẹ có bảo vệ được con hay đẩy con ra xa với những nguy cơ và rủi ro hoàn toàn phụ thuộc vào cách thức ứng xử của cha mẹ.

Khi con làm được việc tốt, số liệu của Điều tra Gia đình Việt Nam cho thấy cha mẹ có nhiều hình thức động viên dưới dạng tinh thần và vật chất, như 85,6% khen ngợi, 8,4% cho con đi chơi, 14,4% thưởng quà, 8,6% thưởng tiền và chỉ có 15,3% không thực hiện hình thức động viên nào(6). Hình thức động viên tinh thần tương đương nhau giữa cả khu vực thành thị và khu vực nông thôn, nhưng hình thức động viên vật chất có tỷ lệ cao hơn từ 2-5 lần ở nhóm thu nhập cao so với nhóm thu nhập thấp; nhiều gia đình kết hợp nhiều hình thức động viên khác nhau để thể hiện sự hài lòng của cha mẹ với việc làm của trẻ.

Sự phối hợp thống nhất trong cách ứng xử của cha mẹ đối với việc giáo dục con cái tuy không được đặt vào trong nhóm phương pháp giáo dục con cái, nhưng là một yếu tố quan trọng có ý nghĩa tạo niềm tin cho con về cái đúng, cái sai, tạo ra không khí hòa hợp trong gia đình. Ở đối tượng trẻ em ở các gia đình khuyết thiếu như gia đình cha mẹ ly dị, cha hoặc mẹ mất sớm, cha hoặc mẹ đi làm xa lâu ngày, sự thiếu thốn về kinh tế, tình cảm khi chỉ có cha hoặc mẹ bên cạnh khiến trẻ dễ rơi vào những nguy cơ lệch chuẩn hành vi. Một đối tượng trẻ em cần được quan tâm khác là trẻ mồ côi, vì trẻ mồ côi thường thiếu điểm tựa cả về tinh thần và vật chất, nên nguy cơ đối với các em sẽ nhiều hơn so với những trẻ em khác.

Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội trong việc giáo dục trẻ em

Sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường

Sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục con cái được thể hiện ở cơ chế phối hợp giữa gia đình và nhà trường qua các kênh thông tin; sự chủ động và tích cực từ phía gia đình; sự chủ động và tích cực từ phía nhà trường; cách phối hợp ứng xử khi trẻ mắc lỗi hoặc có nguy cơ mắc lỗi.

Thực tế cho thấy, các kênh thông tin chủ yếu để phối hợp giữa gia đình và nhà trường bao gồm tổ chức họp phụ huynh, gặp gỡ trực tiếp, liên lạc qua email hoặc điện thoại (đa số phụ huynh lựa chọn hình thức liên lạc này) và phối hợp thông qua ban phụ huynh của lớp. Đa số cha mẹ học sinh đánh giá cao hoạt động trao đổi về kết quả học tập và rèn luyện đạo đức của học sinh thông qua họp phụ huynh và điện thoại, đánh giá thấp hơn hẳn đối với nội dung phối hợp quản lý thời gian của học sinh và đặc biệt là phối hợp để uốn nắn các hành vi mắc lỗi của trẻ.

Hiện tượng trên có nguyên nhân xuất phát từ cả hai phía, cha mẹ học sinh và giáo viên. Thứ nhất, bản thân cha mẹ cần chủ động trao đổi với giáo viên chủ nhiệm về những biểu hiện bất thường của con cái, để cùng nhau đưa ra phương hướng giải quyết. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tỷ lệ cha mẹ thực hiện sự chủ động này còn ít. Thứ hai, nhiều giáo viên thường chỉ dừng ở mức thông báo kết quả học tập, kết quả rèn luyện đạo đức của học sinh, vì thế khi giáo viên mời phụ huynh tới trường trao đổi tức là khi học sinh đã mắc lỗi. Như vậy, sự phối hợp với phụ huynh học sinh là giải quyết hậu quả, chứ ít mang tính chất dự phòng. Một điểm không kém phần quan trọng là trong nhiều trường hợp, giáo viên cho rằng phụ huynh học sinh khi được mời tới trường để bàn phương hướng giải quyết nhưng không tới trường vì không quan tâm, hoặc phối hợp muộn nên không kịp giải quyết vấn đề. Nhiều gia đình vì quá chú trọng tới việc làm ăn kinh tế mà không có thời gian cho con cái, hoặc quá ỷ lại vào nhà trường trong việc giáo dục nhân cách con cái, nên nguy cơ con cái không được kịp thời bảo vệ và định hướng sẽ cao hơn.

Công nghệ thông tin giúp cho việc trao đổi giữa phụ huynh và giáo viên dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, các cuộc họp phụ huynh là cơ hội để cha mẹ và giáo viên trao đổi trực tiếp, tuy nhiên, không nhiều cha mẹ học sinh phát biểu ý kiến tại các cuộc họp phụ huynh.

Tóm lại, hiện nay sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, tuy nhiên, tính hiệu quả của các hình thức này phụ thuộc chủ yếu vào sự chủ động phối hợp của cha mẹ và giáo viên, sự nhiệt tình và thấu hiểu vai trò của nhau.

Vai trò của các tổ chức xã hội trong việc giáo dục trẻ em

Ngoài gia đình, nhà trường, gần nhất về khoảng cách địa lý với các em học sinh chính là địa bàn cư trú. Bất cứ địa phương nào cũng có Hội đồng giáo dục ở cấp xã/phường. Vào mỗi dịp nghỉ hè, học sinh bao giờ cũng được phát phiếu sinh hoạt hè. Trên thực tế, theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới năm 2012 “Thực trạng mối liên hệ giữa gia đình và nhà trường trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội”, đa số các em lại không tham gia các hoạt động của khu dân cư, vì nhiều lý do và nhà trường cũng ít có sự phối hợp hoạt động với địa bàn cư trú(7).

Hiện nay, nhiều tổ chức quốc tế hoạt động tích cực trong việc thúc đẩy quyền trẻ em như tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the children), Tầm nhìn thế giới (World Vision), Quỹ Trẻ em (Child Fund), Oxfam, Plan,… Các tổ chức này tiến hành các hoạt động tuyên truyền, ủng hộ quyền trẻ em, phổ biến các điển hình khuyến khích sự tham gia của trẻ em, đẩy mạnh sự tiếp cận các dịch vụ một cách bình đẳng. Nhiều hoạt động với mục tiêu giúp mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái có sự chia sẻ nhiều hơn, đồng thời giải quyết các mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái (ví dụ như Chương trình thúc đẩy vai trò của cha mẹ trong chăm sóc và giáo dục trẻ do tổ chức Plan thực hiện...).

Báo cáo phân tích tình hình trẻ em tại Việt Nam năm 2010 với sự cộng tác giữa UNICEF và Chính phủ Việt Nam đã đề cập, phân tích rõ vai trò và năng lực của các cơ quan chịu trách nhiệm trong việc chăm sóc trẻ em; vai trò của Đảng, Chính phủ, các cấp, bộ, ban, ngành từ trung ương đến địa phương và các tổ chức, đoàn thể, cơ quan cung cấp dịch vụ công lập và ngoài công lập cho trẻ em. Báo cáo nhấn mạnh đến việc thực hiện quyền trẻ em của các bộ, ngành và các cơ quan chức năng địa phương hiện còn nhiều bất cập, cấp cơ sở thiếu kiến thức và kỹ năng chuyên môn một cách hệ thống để làm việc với trẻ em; cơ chế điều phối các hoạt động có tổ chức của Nhà nước về quyền trẻ em ở cấp địa phương chưa rõ ràng, chưa thiết lập mạng lưới tại địa phương, hiện tại không có cán bộ làm việc chuyên trách về các vấn đề của trẻ em ở cấp xã. Báo cáo cũng chỉ rõ việc thực hiện các chương trình và chính sách liên quan tới các quyền của trẻ em đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp trung ương và địa phương./.

----------------------------------------------

(1), (2), (7) Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới: Khảo sát về Sức khỏe, Mối quan hệ gia đình và Cuộc sống của người Phụ nữ ở Việt Nam, 2012

(3), (5), (6) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan khác: Kết quả điều tra gia đình Việt Nam năm 2006
(4) Tổng cục Thống kê: Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ (Báo cáo MICS Việt Nam 2010 - 2011)