Mô hình bác sĩ gia đình: Kỳ vọng và nút thắt cần tháo gỡ

BTV (tổng hợp từ nhandan, TTXVN)
15:03, ngày 27-10-2016

TCCSĐT - Giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Y tế triển khai đề án Bác sĩ gia đình với mục tiêu là xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trong hệ thống y tế Việt Nam, nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục, thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện.

Mô hình bác sĩ gia đình và kỳ vọng của ngành y

Mô hình bác sĩ gia đình đã phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Năm 1960, y học gia đình ra đời ở Mỹ, Anh sau đó lan ra các nước ở khu vực Bắc Mỹ, châu Âu. Mô hình bác sĩ gia đình đã đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng với sự chuyển đổi mô hình bệnh tật trên toàn cầu. Ở Canada có hơn 50% dân số được chăm sóc bởi các bác sĩ gia đình. Còn ở Mỹ tỷ lệ là trên 35% nên các bệnh viện của họ không bao giờ quá tải. Ở nhiều nước, nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân do bác sĩ gia đình đảm nhận.

Tại Việt Nam, đề án xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình được Bộ Y tế triển khai thí điểm từ ngày 15-7-2014 tại nhiều tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Thái Nguyên, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa và Tiền Giang... Phòng khám bác sĩ gia đình được coi là mô hình có thể giúp sàng lọc, giải quyết được phần lớn các bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến, góp phần giảm tải tại các bệnh viện, giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan và tiết kiệm được kinh phí nằm viện cho bệnh nhân, chi phí bảo hiểm y tế. Theo mô hình này, bác sĩ gia đình đảm đương ba vai trò chính là khám lâm sàng, y tế dự phòng và bác sĩ tâm lý cho bệnh nhân. Ngoài kiến thức chuyên môn, bác sĩ gia đình cũng phải có kiến thức tổng quát về xã hội, tâm lý, kinh tế, văn hóa, quản lý y tế… để không những chỉ chăm sóc điều trị bệnh mà còn có thể tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân kiến thức tăng cường sức khỏe, phòng bệnh, hỗ trợ về tâm lý và xã hội.

Tính đến tháng 6-2016, đã có 336 phòng khám bác sĩ gia đình được thành lập tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó có 234 phòng khám bác sĩ gia đình công lập gắn với cơ sở khám chữa bệnh thuộc bệnh viện, phòng khám đa khoa công lập, trạm y tế (chiếm 98,33%).

Kết quả hoạt động của các phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam và kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cho thấy, nếu phát triển mô hình bác sĩ gia đình sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.

Các bác sĩ gia đình có sẵn hồ sơ bệnh lý, nắm biết rõ bệnh sử (được quản lý trong bệnh án có cây phả hệ gia đình), nên việc xử trí bệnh sẽ nhanh chóng, đúng đắn và sát sao hơn. Bác sĩ gia đình cũng đưa ra dự báo nguy cơ phát bệnh, phương cách dự phòng, và các biện pháp can thiệp để nâng cao sức khỏe các thành viên trong gia đình một cách phù hợp nhất.

Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, ngành y tế sẽ nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình theo lộ trình để bảo đảm đến năm 2020 có khoảng 80% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trên phạm vi toàn tỉnh. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là kiện toàn, thành lập các mô hình phòng khám bác sĩ gia đình: Trạm y tế tuyến xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân, phòng khám bác sĩ gia đình thuộc bệnh viện đa khoa Nhà nước.

Vướng mắc còn tồn tại

Bác sĩ gia đình là nơi thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, tầm soát bệnh tật, giúp giảm quá tải bệnh viện, song thực tế cho thấy mô hình này hiện vẫn đang gặp nhiều vướng mắc như: chưa có cơ chế định giá cũng như thanh toán bảo hiểm y tế cho các dịch vụ trong mô hình hoạt động của bác sĩ gia đình; chưa xây dựng được quy chế phối hợp, chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp giữa các phòng khám bác sĩ gia đình với hệ thống khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình quản lý bệnh nhân; Phí dịch vụ khám, chữa bệnh tại nhà còn mang tính tự phát, chưa được thanh toán bảo hiểm y tế; Chưa xây dựng được mẫu bệnh án giấy thống nhất, bệnh án điện tử của phòng khám bác sĩ gia đình…

Bên cạnh đó, các phòng khám bác sĩ gia đình hiện nay cũng đang gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực. Cả nước mới đào tạo được hơn 700 bác sĩ gia đình, đội ngũ còn mỏng, kinh nghiệm khám chữa bệnh còn non kém.

Mặt khác, bác sĩ gia đình hiện nay chủ yếu là những bác sĩ đã nghỉ hưu về nhà mở phòng khám, còn đội ngũ bác sĩ trẻ hầu như không mấy thiết tha với công việc bác sĩ gia đình vì xét về thu nhập thì mức thu nhập cho các bác sĩ gia đình vẫn không thể so sánh được với mức lương các bác sĩ ở bệnh viện lớn. Khó khăn nữa là thiếu kinh phí đào tạo chuyên khoa, chưa có chế độ đãi ngộ cho các bác sĩ gia đình, đặc biệt là thiếu cơ chế tài chính, cơ chế chuyển tuyến thống nhất từ trên xuống dưới, tạo phần mềm quản lý về y học gia đình.

Mô hình phòng khám bác sĩ gia đình hiện cũng còn khá lạ lẫm với đại đa số người dân. Bên cạnh đó, danh mục thuốc bảo hiểm y tế nghèo nàn, thiết bị cận lâm sàng sơ sài là lý do khiến người dân còn thờ ơ, chưa mặn mà với loại hình dịch vụ y tế này. Không ít người dân chưa hiểu hết về lợi ích của mô hình bác sĩ gia đình, nên tham gia đăng ký quản lý sức khỏe còn hạn chế. Bệnh nhân khám, chữa bệnh không được thanh toán bảo hiểm y tế trái tuyến gây khó khăn trong hoạt động khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Tháo dần nút thắt

Hiện Bộ Y tế đã phê duyệt cho phép phòng khám bác sĩ gia đình có thể chuyển tuyến bệnh viện tỉnh hoặc Trung ương mà vẫn được coi đúng tuyến. Ngoài ra, bác sĩ gia đình còn được thực hiện các dịch vụ kỹ thuật tại gia đình người bệnh, bao gồm khám bệnh, kê đơn thuốc một số bệnh thông thường, thực hiện một số thủ thuật như thay băng, cắt chỉ, lấy mẫu máu, mẫu nước tiểu để xét nghiệm, khí dung, tiêm, truyền dịch.

Để hoàn thiện mô hình này trong tương lai, theo nhiều chuyên gia, ngành y tế cần hoàn chỉnh mô hình, xác định phạm vi, quy mô, chức năng nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình và các điều kiện bảo đảm hoạt động như giá dịch vụ phòng khám, cơ chế chuyển tuyến, cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế… Cần có những hỗ trợ về chính sách để nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình trên toàn quốc nhằm tăng nhân sự y học gia đình trong các khoa khám bệnh ngoại trú tại các bệnh viện.

Đẩy mạnh tuyên truyền, truyền thông về mô hình bác sĩ gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp người dân hiểu rõ về lợi ích khi tham gia khám chữa bệnh tại các phòng khám bác sĩ gia đình. Hỗ trợ hoạch định chính sách ưu tiên chi trả cho bệnh nhân khám chữa bệnh ban đầu tại các phòng khám bác sĩ gia đình.

Cần quan tâm đến vấn đề hành lang pháp lý, bởi nghề y luôn tiềm ẩn những tai biến y khoa. Nếu tại phòng khám bác sĩ gia đình có bệnh nhân tử vong, hoặc xảy ra tai biến y khoa thì bác sĩ phải giải quyết ra sao. Cần có cơ chế để người bệnh có thể được hưởng tối đa quyền lợi bảo hiểm y tế.

Bác sĩ gia đình là mô hình chăm sóc sức khỏe ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục rất có ý nghĩa đối với cộng đồng, nhất là trong điều kiện mô hình bệnh tật ở nước ta diễn biến ngày càng phức tạp, với nhiều loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và tai nạn thương tích tăng cao. Việc phát triển mô hình bác sĩ gia đình sẽ giúp người dân được chăm sóc toàn diện và liên tục. Bác sĩ gia đình là người sẽ nắm rõ từng người bệnh cả về hoàn cảnh gia đình cũng như lối sống của người đó trong cộng đồng nhằm đưa ra những lời khuyên cũng như chăm sóc sức khỏe sát xao nhất./.