Giải pháp góp phần tăng cường năng lực thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ Thủ đô
TCCS - Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ luôn là vấn đề quan trọng và cấp thiết đối với mỗi tỉnh và địa phương, là công việc phải được tiến hành thường xuyên. Vì vậy, nâng cao hơn nữa năng lực của đội ngũ cán bộ nhằm đáp ứng tốt yêu cầu trong giai đoạn mới góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5-5-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Năng lực của đội ngũ cán bộ Thủ đô hiện nay
Sau ba năm triển khai Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 31-5-2021, của Thành ủy Hà Nội, về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, Hà Nội đã có nhiều đổi mới, đột phá trong xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp với cách làm thận trọng, khoa học, chặt chẽ, bài bản và hiệu quả.
Tính đến ngày 1-3-2024, số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của thành phố Hà Nội đã được nâng lên rõ rệt. Cụ thể là: Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố có tổng số 70 người, trong đó có 14 cán bộ nữ (chiếm 20%); 100% có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên; trong đó trên đại học là 58 người (chiếm 81,7%); 100% có trình độ lý luận chính trị từ trung đến cao cấp.
Cán bộ lãnh đạo, quản lý khối đảng, đoàn thể, các sở, ban, ngành và tương đương, đơn vị sự nghiệp trực thuộc thành phố có tổng số 262 người; trong đó có 59 cán bộ nữ (chiếm 22,5%); tuổi đời từ 40 tuổi trở xuống là 11 người (chiếm 4,2%); từ 41-50 tuổi là 97 người (chiếm 37%); trên 50 tuổi có 154 người (chiếm 58,8%); 100% có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên; trong đó trên đại học là 189 cán bộ (chiếm 72,1%); 100% có trình độ lý luận chính trị từ trung đến cao cấp.
Đối với đội ngũ diện Ban Thường vụ các cấp ủy quản lý có: Cán bộ trẻ chiếm 12,58%; cán bộ nữ chiếm 33,39%; trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đạt 42,4%; trình độ chuyên môn đại học, lý luận chính trị từ trung cấp trở lên đạt 73,84%. Cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới đạt 100%.
Tuy nhiên, cơ cấu đội ngũ cán bộ ở một số đơn vị vẫn còn chưa hợp lý, thiếu đồng bộ; tỷ lệ cán bộ trẻ ở một số địa phương, đơn vị còn thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra; độ tuổi bình quân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt, nhất là ở cấp cơ sở còn cao. Năng lực thực tế của một số ít cán bộ chưa theo kịp với yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới; công tác bố trí, sử dụng cán bộ còn thiếu tính tổng thể, liên thông giữa các cấp, các ngành, các địa phương; việc phân công, điều động, bổ nhiệm cán bộ có lúc bị động, có trường hợp chưa đúng chuyên môn đào tạo, năng lực, sở trường.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”(1) và “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”(2). Hơn nữa, trong điều kiện sự phát triển của công nghệ, đội ngũ cán bộ còn cần có năng lực, khả năng tạo ra các giải pháp thông minh, hiệu quả hơn để giải quyết các thách thức phức tạp của xã hội. Trước bối cảnh xã hội vận động và phát triển không ngừng, để giải quyết những khó khăn, thách thức mà thực tế đặt ra, tạo nên các đột phá để thúc đẩy sự phát triển của thủ đô Hà Nội, việc nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ đã trở thành một trong những vấn đề trọng yếu và được đưa vào Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5-5-2022, của Bộ Chính trị, “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Giải pháp góp phần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ Thủ đô
Một là, nâng cao năng lực nắm bắt, nhận diện tình hình chung.
Mỗi chức vụ đều là một bộ phận không thể thiếu trong công việc chung của Đảng và đất nước nói chung, cũng như Thủ đô Hà Nội nói riêng, chỉ có nắm rõ tình hình chung và nhìn ra được tình hình tổng thể thì cán bộ mới có định hướng vị trí đúng đắn, thực sự dựa trên chức năng, nhiệm vụ của mình để phục vụ tình hình chung của đất nước. Hiện nay, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ không ngừng được nâng cao. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ cán bộ chưa bảo đảm năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Vì vậy, cần phải xây dựng hệ thống giáo dục hiện đại ở các cấp độ, lĩnh vực và chủ đề khác nhau, tăng cường giáo dục chính trị và các hoạt động đào tạo khác, nâng cao năng lực cán bộ. Hướng dẫn cán bộ nghiên cứu, đào tạo kịp thời lấp đầy những lỗ hổng kiến thức, khắc phục những tồn tại về chất lượng, khắc phục những điểm yếu về năng lực, nắm vững yêu cầu chính sách, kiến thức chuyên môn, phương pháp để thực hiện tốt công việc. Cần thích ứng với xu thế phát triển của công nghệ mới, tăng cường học tập, đào tạo những kiến thức, kỹ năng mới, như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, năng lượng mới, vật liệu mới... góp phần nâng cao tầm nhìn chiến lược của đội ngũ cán bộ.
Hai là, mở rộng các kênh đào tạo và phát huy tối đa lợi thế của việc tích hợp nguồn lực.
Các cơ sở giáo dục, đào tạo cán bộ là kênh chủ yếu để thực hiện kế hoạch đào tạo và hoàn thành nhiệm vụ đào tạo. Hệ thống cơ sở giáo dục, đào tạo cán bộ, chủ yếu bao gồm các trường đảng (trường cao đẳng hành chính), trường cao đẳng cán bộ, cơ sở đào tạo cấp ngành, cơ sở đào tạo doanh nghiệp nhà nước và cán bộ. Cần căn cứ vào đặc điểm tình hình, lợi thế tương ứng để phân chia rõ các loại hình cơ sở giáo dục đào tạo cán bộ, tuỳ thuộc vào trách nhiệm để đưa ra những quy định hạn chế đối với thành lập các cơ sở giáo dục và đào tạo cán bộ mới. Bên cạnh đó, cần dựa trên đặc điểm đối tượng của các mục tiêu đào tạo khác nhau như, cán bộ lãnh đạo đảng, chính quyền, lãnh đạo các doanh nghiệp và tổ chức nhà nước, công chức, cán bộ trẻ, cán bộ cơ sở, nhân viên chuyên môn kỹ thuật,… để tích hợp các nguồn lực chất lượng cao cho phù hợp. Việc đào tạo năng lực thực hiện nhiệm vụ cần được thực hiện thông qua nhiều kênh và nhiều khía cạnh; cần tích cực phát huy vai trò chủ đạo của các cơ sở đào tạo cán bộ các cấp, nhằm đạt được sự chia sẻ nguồn lực chất lượng cao và nâng cao hơn nữa chất lượng tổng thể của công tác giáo dục và đào tạo cán bộ.
Ba là, đổi mới phương pháp để làm nổi bật kết quả thực tiễn.
Cải cách, đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng là yêu cầu tất yếu nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ. Đẩy mạnh việc kết hợp chính xác cung - cầu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của tổ chức, đơn vị; không ngừng tối ưu hóa phương pháp giáo dục - đào tạo, đồng thời nâng cao hơn nữa tính hệ thống cho phù hợp để nâng cao tính hiệu quả trong giáo dục - đào tạo; Cần tuân thủ định hướng thực hành, định hướng vấn đề và định hướng hiệu quả, xác định chính xác nhu cầu đào tạo, tăng cường thiết kế đào tạo, lựa chọn và kết hợp giáo viên có trình độ, sử dụng toàn diện nhiều phương pháp để tiến hành đào tạo thực tế; Cần mời thêm những cán bộ lãnh đạo, chuyên gia, học giả, cán bộ cơ sở, hình mẫu tiên tiến,... - là những người có phẩm chất tư tưởng, chính trị xuất sắc, kinh nghiệm thực tiễn phong phú, trình độ lý luận cao; Cần bám sát thực tiễn, sử dụng đồng bộ các phương pháp dạy học như thuyết trình, hội thảo, tình huống, mô phỏng, trải nghiệm và kịp thời sử dụng các tình huống sinh động, sinh động trong thực tiễn giáo dục - đào tạo. để đạt được lợi ích chung trong giảng dạy và học hỏi lẫn nhau.
Bốn là, đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn.
Đây là giải pháp quan trọng trong công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ, cần chú trọng bảo đảm sự liên thông, gắn kết. Thực hiện việc phân công cán bộ trong quy hoạch các chức danh cấp chiến lược đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở các địa bàn, lĩnh vực quan trọng, vùng đồng bào dân tộc, vùng có nhiều khó khăn để đào tạo, thử thách, tích lũy kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý.
Năm là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, nhất là cơ quan tổ chức, kiểm tra của Đảng thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp; thường xuyên rà soát, kiên quyết xử lý, thay thế, điều chuyển cán bộ có biểu hiện suy thoái, năng lực hạn chế, uy tín thấp, có sai phạm.
Tóm lại, đội ngũ cán bộ các cấp của Thủ đô đóng vai trò quan trọng quyết định việc thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị thành phố. Vì vậy, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị cần phải thường xuyên nghiên cứu các giải pháp nhằm xây dựng, nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ. Có như vậy mới góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp của Thủ đô có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã đề ra./.
---------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 68
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 309
Hà Nội cần hoàn thiện và nâng cao hiệu quả phân cấp phân quyền trong phát triển giáo dục  (01/10/2024)
Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở thành phố Hà Nội: Thực trạng và một số khuyến nghị  (30/09/2024)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam