TCCS - Để thực hiện thắng lợi công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng ta chủ trương phải đặc biệt coi trọng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực ngành giáo dục và đào tạo. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Cùng với đề cao vị trí, vai trò và trách nhiệm xã hội, cần đổi mới mạnh mẽ chính sách đãi ngộ, chăm lo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt”(1). Do đó, cần xây dựng chính sách phát triển đội ngũ viên chức ngành giáo dục và đào tạo, chuyển hướng chiến lược phát triển nguồn nhân lực từ chiều rộng sang chiều sâu, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trao tặng Bằng khen cho các giảng viên, cán bộ quản lý cấp đại học, cao đẳng t Lễ tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2023_Ảnh: TTXVN

Quan điểm, định hướng xây dựng chính sách phát triển đội ngũ viên chức ngành giáo dục và đào tạo

Về quan điểm

Xây dựng chính sách phát triển đội ngũ viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục và đào tạo cần quán triệt quan điểm đặt con người vào vị trí trung tâm, coi con người vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển, gắn kết tăng trưởng kinh tế gắn liền với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Xây dựng chính sách phát triển đội ngũ viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục và đào tạo phải bảo đảm cơ chế quản lý biên chế thống nhất của cả hệ thống chính trị theo tinh thần của Kết luận số 64-KL/TW, ngày 28-5-2013, Hội nghị Trung ương 7 khóa XI, “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở”, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có số lượng hợp lý, có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ ngày càng cao, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Xây dựng chính sách phát triển đội ngũ viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục và đào tạo phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong toàn hệ thống pháp luật. Cần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về công tác cán bộ; quán triệt thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức.

Xây dựng chính sách phát triển đội ngũ viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục và đào tạo phải được tiến hành đồng bộ với đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy và quản lý nhà nước về viên chức; với việc sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nói chung, ngành giáo dục và đào tạo nói riêng; với việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục và đào tạo. Cần coi nguồn nhân lực trình độ cao là yếu tố trung tâm thúc đẩy, quyết định chất lượng hoạt động ngành giáo dục và đào tạo, là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn mới.

Về định hướng

Đổi mới quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ viên chức ngành giáo dục và đào tạo gắn với xây dựng, hoàn thiện chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ mới và hệ thống cơ chế, chính sách về xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành giáo dục và đào tạo, của các địa phương. Thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong nước và ngoài nước để tạo nguồn xây dựng, phát triển đội ngũ viên chức trình độ cao ngành giáo dục và đào tạo. Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án(2) về đào tạo nhân lực trình độ cao đối với các ngành giáo dục và đào tạo đã được phê duyệt.

Gắn xây dựng chính sách phát triển đội ngũ viên chức ngành giáo dục và đào tạo với quá trình triển khai Đề án vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, qua đó có kế hoạch và giải pháp sử dụng, đãi ngộ và tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ viên chức phát huy cao nhất tài năng, đạo đức, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm hoạt động nghề nghiệp.

Xây dựng, phát triển đội ngũ viên chức lãnh đạo, quản lý các cơ sở giáo dục và đào tạo gắn với xây dựng, tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đặc thù trong việc bổ nhiệm viên chức có thành tích, đóng góp quan trọng vào các hạng chức danh nghề nghiệp và chức vụ lãnh đạo, quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục và đào tạo. Viên chức lãnh đạo, quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục và đào tạo phải là những người thực sự có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, tài năng, đức độ và uy tín, được tập thể, đơn vị sự nghiệp công lập suy tôn và ghi nhận.

Xây dựng chính sách phát triển đội ngũ viên chức gắn với xây dựng, tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách, hình thức tôn vinh cụ thể để khuyến khích viên chức có trình độ cao phát triển theo con đường chức nghiệp, trở thành các chuyên gia, các nhà khoa học giỏi chuyên môn, toàn tâm, toàn trí lao động sáng tạo, cống hiến cho ngành giáo dục và đào tạo.

Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục và đào tạo trong công tác quản lý viên chức nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật viên chức. Nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng, đào tạo và bổ nhiệm để đội ngũ viên chức thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu công việc được giao. Đảng chủ trương: “Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo”(3), do đó, ngành giáo dục và đào tạo cần có cơ chế, chính sách đột phá nhằm phát hiện, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ xứng đáng và lâu dài người tài, phục vụ sự nghiệp giáo dục và đào tạo cũng như sự phát triển của đất nước.

Một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới

Để xây dựng chính sách phát triển đội ngũ viên chức ngành giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cần chú ý một số giải pháp sau:

Thứ nhất, về tuyển dụng viên chức. Sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu hoặc không còn phù hợp. Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tiếp tục xem xét, ban hành những văn bản quy phạm pháp luật về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức ngành giáo dục và đào tạo; về tiền lương và chế độ, chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ đối với đội ngũ viên chức có trình độ cao theo hướng bảo đảm công bằng, tương xứng, tạo động lực gắn bó, cống hiến và phát triển… Ưu tiên thực hiện xét tuyển, tuyển dụng đối với nhân lực có trình độ, thành tích cao, có công trình khoa học có giá trị… Rà soát, bãi bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết trong các khâu của quy trình quản lý viên chức ngành giáo dục và đào tạo, trước hết là công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm, đánh giá, khen thưởng và xử lý kỷ luật theo hướng công khai, minh bạch, công bằng, khách quan nhằm giảm thiểu chi phí, tốn kém và hạn chế tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực này. Đổi mới cơ chế, chính sách tuyển dụng viên chức theo hướng không quá chú trọng bằng cấp, mà coi trọng trình độ, chuyên môn, kỹ năng, cách thức giải quyết vấn đề của vị trí cần tuyển dụng. Rà soát các nội dung xét tuyển, thi tuyển bảo đảm phù hợp với trình độ, năng lực của người dự tuyển và mục đích tuyển dụng. Đối với các lĩnh vực đặc thù, cần chú trọng đến năng lực và kỹ năng hoạt động nghề nghiệp, thành tích, năng khiếu của người được tuyển dụng, đồng thời có sự cân nhắc, xem xét hạ độ tuổi, tiêu chuẩn bằng cấp…

Thứ hai, về đào tạo, bồi dưỡng viên chức. Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức ngành giáo dục và đào tạo theo vị trí việc làm, theo hạng chức danh nghề nghiệp và chức vụ lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục và đào tạo. Có cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của viên chức, gắn với chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ viên chức có trình độ cao, tay nghề giỏi, thành tích cao, năng khiếu phù hợp với từng lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp để hạn chế, khắc phục sự chênh lệch trong việc phân bổ đội ngũ viên chức ngành giáo dục và đào tạo (trường chuyên, trường năng khiếu, chuyên biệt…). Xây dựng và tổ chức thực hiện thống nhất trong cả nước các chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chú trọng kỹ năng, phương pháp thực thi nhiệm vụ, hoạt động nghề nghiệp. Triển khai sơ kết, tổng kết đánh giá về hiệu quả thực hiện các đề án nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn viên chức ở các cơ sở đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân và trong hợp tác quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng viên chức ngành giáo dục và đào tạo theo hướng gắn lý luận với thực hành, bảo đảm chất lượng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức và kỹ năng hoạt động nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp của viên chức ngay từ khi được tuyển dụng.

Triển khai xây dựng các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng viên chức ngành giáo dục và đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân và các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ viên chức có chất lượng cao cho những lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp. Trước hết thí điểm ưu tiên xây dựng các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cho các lĩnh vực đặc thù, bảo đảm tính kế cận giữa các thế hệ viên chức. Cử viên chức ngành giáo dục và đào tạo tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tin học và ngoại ngữ, tiếp cận những phương pháp giáo dục hiện đại trên thế giới để nghiên cứu, áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Thứ ba, về bổ nhiệm và thay đổi chức danh nghề nghiệp, thay đổi vị trí việc làm của viên chức. Cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức ngành giáo dục và đào tạo và quyết định ban hành theo thẩm quyền sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ để nhanh chóng đưa việc quản lý đội ngũ viên chức theo nguyên tắc vị trí việc làm và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, mã số viên chức. Triển khai xây dựng hệ thống văn bản quy định về trình tự, thủ tục, điều kiện, tiểu chuẩn thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức, về thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức ngành giáo dục và đào tạo. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin vào thi tuyển, sát hạch đối với các trường hợp xét tuyển, thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, khách quan, chất lượng và thực tài.

Xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, chức danh khoa học phù hợp đối với viên chức trong từng lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp. Đối với viên chức có thành tích đóng góp trong hoạt động nghề nghiệp được ghi nhận như đạt giải thưởng cao trong các kỳ thi trong ngành, trong nước và quốc tế…, không nhất thiết phải đạt đầy đủ tiêu chuẩn, điều kiện về thời gian công tác, thời gian giữ hạng/bậc/ hệ số lượng mới được dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp. Đối với viên chức có thành tích, có công trình nghiên cứu có giá trị về lý luận và thực tiễn được các hội đồng khoa học đánh giá, ghi nhận thì được phong tặng các danh hiệu vinh dự nhà nước, chức danh khoa học, được xét đặc cách thăng hạng chức danh nghề nghiệp, được nâng bậc lương trước thời hạn. Đặc biệt, trong thời gian tới, cần tập trung nghiên cứu tiến tới xóa bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho viên chức, giảm tải việc bồi dưỡng các chương trình theo chức danh nghề nghiệp, giảm thời gian, chi phí, công sức bồi dưỡng và gánh nặng cho viên chức; tập trung bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, phục vụ yêu cầu công việc.

Thứ tư, về khen thưởng, kỷ luật, đánh giá viên chức. Đổi mới chính sách, pháp luật thi đua - khen thưởng đối với đội ngũ viên chức ngành giáo dục và đào tạo phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước, với công tác cán bộ của Đảng, Nhà nước và chiến lược phát triển nguồn nhân lực... Rà soát, giảm bớt sự chồng chéo trong hệ thống các văn bản hiện hành quy định về công tác đánh giá viên chức, loại bỏ các quy định không phù hợp, khắc phục tình trạng “đánh giá chồng đánh giá”, tiến tới đánh giá chủ yếu dựa trên kết quả, hiệu quả công việc. Ban hành quy chế đánh giá, xếp loại viên chức hằng năm theo hướng vừa bám sát các quy định, vừa thể hiện đặc thù của ngành giáo dục và đào tạo; gắn với trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sử dụng viên chức, căn cứ vào vị trí việc làm; lấy hiệu quả công việc để giải quyết thôi việc, miễn nhiệm viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật.

Thứ năm, về tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ. Ban hành chính sách tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ có tính chất đặc thù đối với đội ngũ viên chức ngành giáo dục và đào tạo. Rà soát những hạn chế, bất cập trong cơ chế, chính sách về tiền lương, nhà ở và các chế độ, chính sách đãi ngộ khác theo hướng tạo cho đội ngũ viên chức có động lực, toàn tâm toàn ý với công việc và thu hút người giỏi về làm việc ở các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục và đào tạo. Tổ chức rà soát cơ chế, chính sách tự chủ hiện hành; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục và đào tạo; từng bước giảm tình trạng nguồn chi trả lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ cho đội ngũ viên chức chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Gắn chính sách tinh giản biên chế với việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ để nâng cao thu nhập cho đội ngũ viên chức. Trên cơ sở đề án vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập được phê duyệt, tiến hành rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ viên chức để tiến hành tinh giản biên chế, xây dựng đội ngũ viên chức chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và hiệu quả…

Thứ sáu, về nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục và đào tạo. Nghiên cứu, tiến hành rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy quản lý nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc ngành giáo dục và đào tạo và của các địa phương, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo dục và đào tạo phù hợp. Đổi mới cơ chế đầu tư tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục và đào tạo có tính đặc thù để bảo đảm cho đơn vị sự nghiệp công lập có đủ nguồn kinh phí trả lương cho đội ngũ viên chức và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ được giao trong điều kiện không thể thực hiện cơ chế tự chủ. Đổi mới chính sách, pháp luật về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo hướng tiếp tục đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục và đào tạo có điều kiện, năng lực thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm để giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, gắn với tăng cường quản lý nhà nước về viên chức ngành giáo dục và đào tạo. Ban hành và tổ chức thực hiện chính sách quy định các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục và đào tạo được liên doanh, liên kết với các cơ sở giáo dục và đào tạo ở trong nước và ngoài nước để thực hiện các dịch vụ thuộc lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật. Tạo cơ chế làm việc và thời gian làm việc linh hoạt cho đội ngũ viên chức, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống, giúp viên chức ngành giáo dục và đào tạo yên tâm gắn bó và tâm huyết, cống hiến cho nghề.

Thứ bảy, về đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục và đào tạo. Nghiên cứu xây dựng đề án tổng thể về đổi mới mô hình tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục và đào tạo; rà soát cơ cấu tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác, tiêu chuẩn chức danh viên chức gắn với các vị trí việc làm, tiến hành đổi mới tổ chức, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập do Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương quản lý. Rà soát, đánh giá việc thực hiện mô hình hội đồng quản lý trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục và đào tạo, các mô hình tương tự trong các đơn vị sự nghiệp công lập do các bộ, ngành khác quản lý để tổng kết, rút kinh nghiệm. Gắn chuyển đổi cơ chế quản lý tài chính (cơ chế khoán chi theo chỉ tiêu biên chế) với đổi mới mô hình tổ chức, hoạt động của các loại hình đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục và đào tạo (đơn vị sự nghiệp tự chủ hoàn toàn, đơn vị sự nghiệp tự chủ một phần, đơn vị sự nghiệp chưa tự chủ) để thống nhất thực hiện trong việc áp dụng cơ chế quản lý theo vị trí việc làm, quản lý số lượng viên chức, quản lý quỹ lương, chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ...

Để xây dựng, thực hiện hiệu quả chính sách phát triển đội ngũ viên chức ngành giáo dục và đào tạo, cần nghiên cứu thấu đáo và ban hành, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp về tổ chức, con người và nguồn lực tài chính. Có như vậy, việc ban hành và thực thi chính sách mới hiệu quả và phát huy giá trị trên thực tế, đáp ứng yêu cầu xây dựng ngũ viên chức trình độ cao, chất lượng, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn mới./.

----------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 67
(2) Xem thêm: Đề án “Phát triển hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm giai đoạn 2021 – 2030”; Đề án “Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 57