Hà Nội phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số
TCCS - Với ba trụ cột chính trong chuyển đổi số quốc gia là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trên thế giới xây dựng chương trình chuyển đổi số quốc gia được Chính phủ phê duyệt nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Hà Nội với vị thế đặc thù Thủ đô cũng xác định phương hướng và lộ trình cụ thể thực hiện chuyển đổi số hướng tới mục tiêu đến năm 2025 thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, an toàn, an ninh mạng.
Thực trạng phát triển nguồn nhân lực
Những năm qua, Hà Nội dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn. Chất lượng giáo dục đại học được nâng cao, nhiều trường tích cực đổi mới, tiệm cận với xu hướng phát triển của giáo dục đại học trên thế giới, gắn với sự phát triển của khoa học - công nghệ. Về tiềm lực giáo dục, Hà Nội là trung tâm giáo dục đại học, cao đẳng của cả nước. Trên địa bàn Hà Nội hiện có 97 trường đại học, học viện và 33 trường cao đẳng, chiếm 1/3 số trường học với hơn 660.000 sinh viên đến từ khắp các tỉnh, thành, chiếm 40% tổng số sinh viên cả nước. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp ở Hà Nội ngày càng được củng cố, tiếp tục có bước phát triển, chất lượng đào tạo không ngừng tăng lên, cung ứng nhân lực cho các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cũng như cả nước. Hà Nội đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm công nghệ cao theo Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội. Chương trình mở ra rất nhiều cơ hội việc làm cho lực lượng lao động được đào tạo tại Thủ đô. Thành phố cũng đã đầu tư xây dựng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trên địa bàn huyện Thạch Thất, thu hút hơn 94 dự án, trong đó 52 dự án đang hoạt động, thu hút gần 9.000 học sinh, sinh viên và khoảng 13.000 người lao động tham gia học tập và làm việc.
Tuy nhiên, vẫn còn số lượng lớn lực lượng lao động tay nghề chưa cao, thiếu kỹ năng ứng dụng thực tế. Bên cạnh đó, hoạt động liên kết giữa doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục, trường học, viện nghiên cứu, trường đại học còn hạn chế; hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, việc khai thác nguồn nhân lực đã qua đào tạo chưa phát huy được hiệu quả. Hơn nữa, Hà Nội chưa có chính sách vượt trội về thu hút, đào tạo, đãi ngộ và sử dụng đội ngũ tri thức, chuyên gia, cán bộ khoa học. Nhóm nhân lực này chưa thực sự được trọng dụng trong các hoạt động phát triển kinh tế Thủ đô, dẫn tới tình trạng chảy máu chất xám, lãng phí nguồn lực.
Giải pháp phát triển nguồn nhân lực
Thứ nhất, đối với học sinh, sinh viên.
Nguồn nhân lực chất lượng cao là bộ phận cấu thành nguồn nhân lực của quốc gia, có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng càng trở nên quan trọng và cấp thiết. Theo đó, hoạt động chuyển đổi số của Hà Nội cần nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hiểu biết và chuyên sâu về công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật nhằm đáp ứng các mục tiêu của Thủ đô. Do đó, cần thực hiện một số giải pháp:
Một là, chú trọng các hoạt động thực hành khoa học - công nghệ vào hệ thống giáo dục. Bổ sung các kiến thức về khoa học - công nghệ, kỹ thuật vào hệ thống giáo dục các cấp, từ cấp tiểu học giúp cho học sinh, sinh viên được tiếp cận thông tin hiện đại, cập nhật. Từ đó, hình thành nhận thức về chuyển đổi số và trang bị hành trang vững chắc cho các thế hệ tương lai của đất nước bước vào cuộc cách mạng số. Cụ thể, cần triển khai các hoạt động thực thành khoa học - công nghệ, kỹ thuật song song với việc dạy kiến thức; tạo các chương trình trải nghiệm, thăm quan về việc áp dụng khoa học - công nghệ thông tin vào thực tế; khuyến khích và tạo môi trường cho hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.
Hai là, có cơ chế khuyến khích, thúc đẩy các trường đại học/cao đẳng/trung cấp triển khai các chương trình đào tạo ngắn hạn về công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Xây dựng các chương trình đào tạo ngắn hạn về công nghệ thông tin cho sinh viên cấp đại học/cao đẳng/trung cấp nhằm cung cấp các kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Triển khai các chương trình đào tạo tới sinh viên nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, giúp tăng khả năng cạnh tranh của lực lượng lao động kế cận.
Ba là, áp dụng các công cụ chuyển đổi số trong hoạt động giảng dạy, quản trị giáo dục. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng mạng đồng bộ, thiết bị công nghệ thông tin thiết thực phục vụ dạy - học. Thúc đẩy phát triển học liệu số (phục vụ dạy - học, kiểm tra, đánh giá, tham khảo, nghiên cứu khoa học) ở tất cả các cấp học, ngành học, môn học. Hình thành kho học liệu số, học liệu mở dùng chung, tiếp tục đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số. Khuyến khích và hỗ trợ áp dụng các mô hình giáo dục - đào tạo mới dựa trên các nền tảng số. Triển khai các diễn đàn giáo dục có sự kiểm soát và định hướng thống nhất. Tạo môi trường số kết nối giữa cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường, gia đình, giáo viên, học sinh, sinh viên.
Bốn là, thúc đẩy hoạt động liên kết giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin với các viện nghiên cứu/trường học. Các viện nghiên cứu/trường học về công nghệ thông tin cần phối hợp với doanh nghiệp để ứng dụng các sản phẩm/đề tài nghiên cứu công nghệ, xây dựng cơ chế khuyến khích các chuyên gia/giảng viên được tham gia các dự án của doanh nghiệp nhằm tối ưu hóa nguồn lực chất lượng cao. Thúc đẩy hoạt động liên kết giữa các nhà trường và doanh nghiệp, thường xuyên tổ chức các hoạt động, sự kiện giữa hai bên để sinh viên có cơ hội tiếp cận với doanh nghiệp, nâng cao kỹ năng cũng như kiến thức thực tế ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đặt mục tiêu 80% sinh viên công nghệ thông tin tại thành phố Hà Nội có cơ hội được thực tập và có việc làm ngay sau khi ra trường
Thứ hai, nâng cao nhận thức, năng lực chuyển đổi số cho cán bộ cơ quan nhà nước và đoàn viên, thanh niên.
Chuyển đổi số muốn thành công cần có sự vào cuộc, chung tay góp sức của các lực lượng, trong đó bao gồm cán bộ các cơ quan nhà nước và đoàn viên thanh niên trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, cần đồng bộ nhận thức, năng lực với nhóm đối tượng này để thực hiện các nhiệm vụ quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Cụ thể:
Một là, nâng cao nhận thức chuyển đổi số cho cán bộ lãnh đạo các cơ quan nhà nước. Đây là lực lượng vô cùng quan trọng có tính định hướng và ra quyết định nên cần nhìn nhận đúng đắn, kịp thời nhất về chuyển đổi số, các nội dung và giải pháp với từng lĩnh vực. Thực hiện tăng cường tổ chức các chương trình hội thảo, hội nghị cho cán bộ lãnh đạo cơ quan nhà nước với chủ đề từ tổng quan đến chuyên sâu về chuyển đổi số.
Hai là, tổ chức các chương trình tập huấn/toạ đàm về chuyển đổi số cho cán bộ, viên chức; có cơ chế thúc đẩy áp dụng các kiến thức vào thực tiễn công việc; cử cán bộ đi học các khóa ngắn hạn tại nước ngoài/tham gia trải nghiệm hoạt động chuyển đổi số tại doanh nghiệp để nâng cao kiến thức thực tiễn.
Ba là, tổ chức các chương trình nâng cao nhận thức về chuyển đổi số được thiết kế riêng cho đoàn viên, thanh niên. Từ đó, đoàn viên, thanh niên sẽ đào tạo lại, lan tỏa đến người dân, bởi đây là lực lượng trẻ, tiếp cận nhanh với khoa học - công nghệ, kỹ thuật. Muốn vậy, cần tổ chức các diễn đàn trao đổi về kiến thức, thông tin chuyển đổi số; xu hướng, mô hình chuyển đổi số trong các khu vực/lĩnh vực; gương mặt chuyển đổi số tiêu biểu và kinh nghiệm triển khai thành công. Tổ chức các phong trào/cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo, áp dụng chuyển đổi số trong khởi nghiệp, lập nghiệp; các chương trình hội thảo, tập huấn trên diện rộng cho đoàn viên, thanh niên về ứng dụng chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế. Tạo cơ chế, chính sách đồng hành cùng đoàn viên, thanh niên phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn...
Thứ ba, hỗ trợ phát triển, nâng cao khả năng ứng dụng chuyển đổi số cho các doanh nghiệp.
Nhằm đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số của thành phố Hà Nội, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, các doanh nghiệp Start-up, doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ (SME) nên được tạo điều kiện hoạt động cũng như được định hướng ngay từ đầu về chiến lược phát triển theo xu hướng hiện đại, tối đa và tối ưu hóa các công nghệ số ứng dụng trong doanh nghiệp. Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Start-up có cơ hội phát triển, thành phố Hà Nội cần ban hành những chính sách khuyến khích các phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thủ đô. Các hoạt động tư vấn, hỗ trợ nên được tổ chức thường xuyên, song hành với sự đầu tư về cả vốn cũng như nguồn lực công nghệ, con người để ý tưởng khởi nghiệp được đưa vào vận hành thực tế và phát triển nhanh chóng. Đồng thời, nhằm nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp SME, các sở, ban, ngành kết hợp với các hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiệp hội doanh nhân trẻ,… tổ chức các chuỗi hội thảo, giao lưu theo từng lĩnh vực kinh tế trọng điểm, như nông nghiệp, dịch vụ, thương mại,… chia sẻ về xu hướng và cách thức ứng dụng công nghệ số vào doanh nghiệp. Cùng với đó, các sở, ban, ngành làm đầu mối trung gian kết nối doanh nghiệp Start-up và SME với doanh nghiệp công nghệ trên địa bàn thành phố, tạo cơ hội cho các Start-up và SME học hỏi và trao đổi, áp dụng các công nghệ số vào đơn vị thông qua các diễn đàn online, các chương trình gặp gỡ, giao lưu doanh nghiệp.
Nhằm tối ưu những hiểu biết, kinh nghiệm, các công cụ số của các doanh nghiệp lớn trên địa, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, các sở, ban, ngành cần phối hợp với doanh nghiệp, đặc biệt các tập đoàn lớn về công nghệ để tham vấn về công cụ, cách thức triển khai các chương trình, cuộc thi, dự án chuyển đổi số của thành phố. Cách thức phối hợp thông qua ký kết các dự án tư vấn chuyển đổi số toàn diện hoặc với mỗi lĩnh vực, lựa chọn một hoặc một số doanh nghiệp đầu ngành để tư vấn và triển khai hoạt động chuyển đổi số.
Thứ tư, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
Bên cạnh công tác nâng cao năng lực và nhận thức của các cấp lãnh đạo, đội ngũ triển khai trong khối hành chính công và học sinh, sinh viên, để hiện thực hóa mục tiêu đưa Hà Nội trở thành nhóm 5 (vào năm 2025) và nhóm 3 (vào năm 2030) địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, việc nâng cao nhận thức của toàn dân về chuyển đổi số là vô cùng cấp thiết. Các phương tiện truyền thông đại chúng cần tăng cường, đẩy mạnh các bài viết, bản tin về định hướng chương trình chuyển đổi số của thành phố, tính cấp thiết của chuyển đổi số, các xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và Việt Nam, các dịch vụ công trực tuyến phục vụ công dân,… để người dân có nhận thức sâu sắc hơn về chuyển đổi số, có thể sử dụng các dịch vụ số trong cuộc sống hằng ngày.
Những năm gần đây, Chính phủ và thành phố Hà Nội đã đưa vào sử dụng nhiều dịch vụ công trực tuyến, như các dịch vụ cung cấp thông tin thủ tục hành chính về cư trú, giấy tờ tùy thân, hôn nhân và gia đình…, sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử,… để thanh toán trực tuyến lệ phí thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công. Tuy nhiên, công tác truyền thông cho các dịch vụ này chưa được đẩy mạnh, nhiều người dân vẫn chưa được biết đến các dịch vụ này, do vậy tỷ lệ sử dụng dịch vụ chưa được tối ưu hóa. Với mỗi công cụ số được đưa vào sử dụng thực tế, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, các sở, ban, ngành cần xây dựng kế hoạch truyền thông xuyên suốt qua các cấp thành phố/quận/huyện/xã/phường; đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân qua các phương tiện truyền thông đại chúng, như báo điện tử, các trang mạng xã hội Facebook, Zalo hay qua các kênh truyền thông tại địa phương.../.
Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số  (29/08/2021)
Đan Phượng xây dựng nông thôn mới, hướng tới phát triển đô thị  (28/08/2021)
Thủ đô Hà Nội: Quyết tâm chống dịch phục vụ nhân dân  (26/08/2021)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên