Quảng Ninh gia tăng tiềm lực, ổn định nền kinh tế, tạo thế và lực mới nhằm bứt phá trong phát triển

Nguyễn Văn Đọc Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh
15:37, ngày 18-10-2013
TCCS - Việc chuyển đổi một nền kinh tế có truyền thống hàng trăm năm chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên hữu hạn sang nền kinh tế dịch vụ hiện nay là quá trình hết sức khó khăn. Quảng Ninh lựa chọn chuyển đổi từng bước, chuyển đổi từng lĩnh vực trong tổng thể thống nhất, giữ sự ổn định, hạn chế thấp nhất những rủi ro, bất trắc trong phát triển, tích lũy tiềm lực đủ mạnh, chọn đúng thời cơ để bứt phá chủ động. Điều đó đòi hỏi sự kiên quyết nhưng linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành và quản lý nền kinh tế - xã hội.

Bước phát triển phù hợp với đất nước và xu thế của thời đại

Quảng Ninh là tỉnh đi đầu trong thay đổi phương thức phát triển “xanh” và chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu dựa vào tài nguyên hữu hạn (than, đất đai, nhân công giá rẻ, xuất khẩu nguyên liệu thô, các dịch vụ thô sơ...) sang mô hình tăng trưởng bền vững (dựa vào tri thức, khoa học - công nghệ, tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư...). Đây là yêu cầu bức thiết đối với Quảng Ninh và cũng phù hợp với phương hướng phát triển của đất nước và hòa trong xu thế phát triển chủ đạo mà nền kinh tế nhân loại đang hướng tới.

Ngành công nghiệp khai thác than và một số ngành công nghiệp nặng khác vốn là thế mạnh và là mũi nhọn của nền kinh tế Quảng Ninh trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, do khai thác lộ thiên, áp dụng công nghệ thô sơ, các ngành công nghiệp này gây những tác động tiêu cực tới hệ sinh thái tự nhiên và môi trường sống. Điều này trực tiếp tạo nên xung đột nghiêm trọng đối với nền kinh tế có không gian tự nhiên - văn hóa đặc thù như Quảng Ninh, nhất là đối với quần thể vịnh Hạ Long - di sản hai lần được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới về cảnh quan và về địa chất, địa mạo; là một trong bảy Kỳ quan Thiên nhiên mới của thế giới. 

Mặt khác, dù sở hữu những di sản nổi tiếng của một vùng đất cổ tiềm chứa những địa tầng văn hóa đa dạng và độc đáo, với nhiều tiềm năng, lợi thế so sánh, song ngành du lịch của Quảng Ninh phát triển vẫn chưa tương xứng, hằng năm đóng góp chỉ 5% tổng thu ngân sách của tỉnh. Sau gần 30 năm đổi mới, ngành du lịch và dịch vụ, hai cột trụ của nền kinh tế theo mô thức mới mà Quảng Ninh đang hướng tới, vẫn tiếp tục phải trăn trở với bài toán khai thác sao cho đúng hướng và hiệu quả hơn thế mạnh sẵn có của mình. Với điều kiện về nhân lực, vật lực hiện nay, nếu không có sự đột phá, hai ngành kinh tế trên chưa thể có những bước phát triển như mong muốn. 

Do đó, quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng một cách bài bản, khoa học và mang tầm chiến lược là điều kiện cần để khai thác hiệu quả các ngành kinh tế, tạo động lực mới cho sự phát triển tổng thể nền kinh tế của Quảng Ninh. Nói cách khác, quá trình chuyển đổi này không phải là sự chắp vá, phát triển một cách thiên lệch cơ học từng ngành, lĩnh vực, mà là sự thay đổi tổng thể về cơ cấu và về chất, nhằm khắc phục những nhược điểm, nhất là thiếu tính đồng bộ, ngắn hạn, cục bộ trong khi tiềm lực còn mỏng, lại thiếu bền vững, độ rủi ro cao, dễ bị tổn thương cao bởi các chấn động thậm chí ngay từ bên trong và tác động từ bên ngoài. 

Khai phá và phát triển ngay từ trong khó khăn, thách thức 

Quảng Ninh là mảnh đất hội tụ đắc địa của các yếu tố địa chính trị và địa kinh tế, song nhiều tiềm năng và lợi thế vẫn chưa được đánh thức, khai thác tương xứng và hiệu quả. Trong khi đó, sự suy giảm của nền kinh tế thế giới và khu vực, nhất là những khó khăn chung của nền kinh tế trong nước những năm gần đây lại tác động nghịch, tạo áp lực lớn đối với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII. Những tác động bất lợi từ bên ngoài càng làm lộ rõ hơn những bất cập và hạn chế về năng lực nội tại nền kinh tế của Quảng Ninh đang đối mặt. Nguồn lực của tỉnh để thực hiện các mục tiêu phát triển chiến lược chỉ đáp ứng một phần nhỏ so với nhu cầu; hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa tương dung và đủ sức bảo đảm cho sự phát triển của một nền kinh tế được thiết kế hướng tới sự phát triển từng bước hiện đại và có quy mô ngày càng lớn; trong lúc nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu hụt cả về lượng và chất, nhất là một bộ phận đáng kể không thể bắt kịp tốc độ phát triển nhanh của tỉnh... 

Để phát triển nền kinh tế trong điều kiện khó đó, càng đòi hỏi đổi mới mạnh mẽ cả tư duy và hành động mới, với quyết tâm chính trị lớn là xây dựng Quảng Ninh trở thành một trung tâm khai thác, bảo tồn và phát triển kiểu mẫu về du lịch, cảng biển, thuỷ sản, thương mại của vùng kinh tế phía Bắc. Qua thực tiễn, từng bước quyết tâm chính trị đó, tư duy và hành động mới trong lộ trình chuyển đổi mô thức phát triển đã trở thành quyết tâm và hành động một cách đồng bộ và thống nhất của cả hệ thống chính trị, tạo nên sức lan tỏa rộng, thẩm thấu sâu, đánh thức những động lực mới, vượt qua khó khăn, tận dụng cơ hội mới và Quảng Ninh gặt hái nhiều thành tựu đáng ghi nhận. 

Những khó khăn của nền kinh tế, nhất là khó khăn của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, các ngành công nghiệp quan trọng như sản xuất điện, xi-măng, vật liệu xây dựng; sự trầm lắng của thị trường bất động sản; việc giãn, miễn, giảm thuế để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường theo Nghị quyết số 13/NQ-CP, ngày 10-5-2012, của Chính phủ, đều khiến các nguồn thu giảm sút. Tuy nhiên, với sự điều hành linh hoạt, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh vẫn vượt kế hoạch đề ra, đạt 29.880 tỷ đồng (năm 2012) và ước đạt 14.268 tỷ đồng (6 tháng đầu năm 2013). Để bảo đảm thực hiện các mục tiêu đầu tư chiến lược về kết cấu hạ tầng, tạo nền tảng cho thu hút đầu tư và bảo đảm an sinh xã hội, trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội thứ XIII của Đảng bộ tỉnh, đã đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước 16.033 tỷ đồng, tăng 15,64% so với cả nhiệm kỳ 2006 - 2010. Đổi mới quản lý vốn đầu tư thông qua thực hiện việc phân cấp triệt để cho các địa phương, nhằm phát huy tính chủ động, linh hoạt của chính quyền cơ sở. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn bằng tránh đầu tư dàn trải, đồng thời rà soát để cắt giảm, đình, hoãn, giãn tiến độ và chuyển đổi phương thức đầu tư đối với những công trình, dự án chưa thực sự cấp thiết, tập trung nguồn lực cho các công trình trọng điểm. Theo đó, riêng năm 2012 cắt giảm 314 dự án với mức vốn cắt giảm là 10.140 tỷ đồng.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cảnh của tỉnh, theo tư duy chiến lược và cách làm bài bản từ thiết kế mô hình tới phương thức thực hiện. Một số dự án lớn đã và đang được các nhà đầu tư lớn nghiên cứu, triển khai, như Tập đoàn Charm Vit (Hàn Quốc) nghiên cứu đầu tư dự án sân gôn, khách sạn 5 sao tại thành phố Hạ Long; Tập đoàn Amata (Thái Lan) nghiên cứu đầu tư xây dựng khu đô thị - công nghiệp công nghệ cao quy mô 16.000ha; Tập đoàn Vingroup nghiên cứu đầu tư khách sạn 5 sao tại đảo Hòn Rều, Hạ Long; dự án phát triển và xây dựng đô thị thông minh Vân Đồn... Một số dự án quan trọng có tổng mức đầu tư lớn triển khai bằng các nguồn vốn ODA, FDI, với các hình thức đầu tư đa dạng BOT, BT, PPP, bao gồm dự án đường nối thành phố Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái, dự án đường dẫn và cầu Bắc Luân II, dự án xây dựng sân bay quốc tế Vân Đồn... Những dự án trọng điểm này hoặc là những công trình hạ tầng huyết mạch hoặc có tác dụng thúc đẩy tích cực việc chuyển hướng sang nền kinh tế “xanh”.

Trong điều kiện các cơ quan Trung ương tiết giảm và gặp khó khăn về bố trí vốn, Quảng Ninh chủ động tìm mọi biện pháp để huy động và ứng ngân sách để hoàn thành dứt điểm các công trình quan trọng. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên làm chủ đầu tư xây dựng đường cao tốc (đường nối thành phố Hạ Long với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), xây dựng sân bay theo hình thức BOT (dự án sân bay quốc tế Vân Đồn)… Đây là những minh chứng sống động về cách làm phù hợp và sáng tạo, sự linh hoạt và quyết liệt trong điều hành của các cấp chính quyền nhằm triển khai hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. 

Quảng Ninh hoàn thành đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện quốc gia cho khu vực nông thôn, miền núi ngay trong thời điểm khó khăn năm 2012, với toàn bộ hộ dân ở hơn 280 thôn, khe, bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tất cả các huyện được sử dụng điện lưới quốc gia. Dự kiến năm 2015, khi các nhà máy điện đóng trên địa bàn tỉnh hoàn thành, sẽ nâng tổng công suất lên 4.880 MW, chiếm 15% tổng sản lượng điện cả nước. Đặc biệt, trong điều kiện thiếu vốn đầu tư, Quảng Ninh huy động thành công mọi nguồn lực để thực hiện dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô - dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về dân sinh và an ninh - quốc phòng - với tổng kinh phí đầu tư 1.100 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành ngay trong năm 2013; đồng thời, tiếp tục xây dựng dự án đưa điện lưới ra các xã đảo khác, là những địa bàn tiền tiêu có ý nghĩa chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội và an ninh - quốc phòng.

Xác định công tác lập quy hoạch và xây dựng chiến lược có vai trò quan trọng, theo hướng nâng cao tính chủ động và khoa học trong công tác hoạch định và thực thi các quyết sách phát triển, tiết giảm và tối ưu hóa việc sử dụng các tài nguyên, nguồn lực tài chính, Quảng Ninh linh hoạt đề xuất cơ chế và báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thuê tư vấn nước ngoài xây dựng các quy hoạch quan trọng, nhằm tranh thủ kinh nghiệm của các đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch theo chuẩn mực quốc tế, tạo sức hấp dẫn mang tính đột phá ngay từ đầu trong thu hút các nguồn lực đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư chiến lược. Hiện nay, cơ bản hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, do nhà tư vấn Mác Kin-sy thực hiện. Công tác xây dựng chiến lược phát triển và các quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa phương đang đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành dứt điểm trong năm 2013, để tiến hành thẩm định, phê duyệt, nghiệm thu và tổ chức triển khai. Việc xây dựng quy hoạch và chiến lược phát triển có chất lượng là bước tiến quan trọng về tư duy và hành động của Quảng Ninh, dần loại bỏ lối làm việc cảm tính manh mún, ngắn hạn và bị động trong phát triển.

Với nỗ lực xây dựng một nền hành chính công minh bạch và hiện đại, Quảng Ninh thực hiện cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; đổi mới, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính nhà nước…; trong đó, tập trung trước hết vào khâu cải cách thủ tục hành chính, với việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 80% thủ tục hành chính, giảm 1.400 thủ tục hành chính ở 3 cấp. Đồng thời, xây dựng chính quyền điện tử gắn với các Trung tâm hành chính công tại tỉnh và 5 địa phương (Hạ Long, Móng Cái, Uông Bí, Vân Đồn và Cẩm Phả); thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) như một hình thức “một cửa” có thực quyền. Nếu như trước đây bộ phận “một cửa liên thông” chỉ tập hợp, trung chuyển các hồ sơ để chuyển đến những cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết, thì hiện nay, “IPA Quảng Ninh” là nơi tiếp nhận và trực tiếp toàn quyền xử lý hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. 

Các chỉ tiêu đánh giá năng lực của hệ thống các cơ sở y tế và các chỉ tiêu sức khỏe của người dân đều hoàn thành vượt mức theo lộ trình thực hiện đề ra cho từng năm. Kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện tốt các chính sách khám, chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội. Tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị giảm từ 5,3% (năm 2011) xuống còn 4,8% (năm 2013). Mặc dù kinh tế khó khăn, song tổng chi ngân sách cho an sinh xã hội ước 3 năm (2011 - 2013) vẫn đạt 2.791,5 tỷ đồng, tăng 640% so với 3 năm (2006 - 2008), tăng 92% so với cả nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, dự kiến đến hết năm 2013 chỉ còn 2,52%...

Ngay trong điều kiện khó khăn, Quảng Ninh chủ động nắm lấy và kiến tạo cơ hội phát triển cho mình. Với những kết quả gặt hái được, rõ ràng đó là nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có dấu ấn đậm nét về tầm nhìn dài hạn, tính kiên định, sự ứng biến linh hoạt và tính quyết liệt trong điều hành của chính quyền các cấp.

Nhân lên lực đẩy mạnh và sức lan tỏa lớn từ vị thế một cực tăng trưởng

Bức tranh nền kinh tế của Quảng Ninh vẫn còn không ít gam màu trầm, dự báo những trở lực, khó khăn còn rất lớn trên con đường phát triển. Cộng đồng doanh nghiệp, chủ thể chính của nền kinh tế, chèo chống qua khó khăn của “cơn bão” suy thoái, đã từng bước thể hiện khả năng chịu đựng dẻo dai và thích ứng linh hoạt của mình. Tỉnh tiếp tục nỗ lực xây dựng một không gian và môi trường kinh tế, thể chế thuận lợi cho các doanh nghiệp, đồng thời thiết lập cơ chế đối thoại trực tiếp và định kỳ giữa doanh nghiệp với các cấp chính quyền để góp phần tháo gỡ những khó khăn, nhất là về hàng tồn kho, khả năng tiếp cận vốn và tái cơ cấu doanh nghiệp. Song hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, một số lượng không nhỏ doanh nghiệp đang tạm ngừng kinh doanh hoặc không hoạt động. Đời sống của một bộ phận công nhân, người lao động và nhiều hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo gặp nhiều khó khăn; sự chênh lệch về trình độ phát triển và khoảng cách giàu - nghèo giữa các khu vực địa lý, tầng lớp dân cư còn lớn. Các hoạt động kinh tế cửa khẩu của tỉnh chịu sự tác động lớn do chính sách biên mậu không ổn định và khó khăn chung của nền kinh tế. Công tác quản lý, phân bổ nguồn lực đầu tư có lúc, có nơi vẫn dàn trải, phân tán…

Việc xây dựng và đề xuất với Trung ương cho áp dụng những cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá, khơi thông tiềm năng phát triển của tỉnh còn gặp khó khăn do các nút thắt liên quan đến những quy định hiện hành của pháp luật đôi khi đã lạc hậu, không còn phù hợp. Mặc dù Quảng Ninh được xác định là địa bàn động lực, trọng điểm, nhưng ưu tiên nguồn lực của Nhà nước chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao. Không gian kinh tế và mối liên kết giữa Quảng Ninh với các địa phương trong vùng để khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của cả khu vực bị chi phối bởi lợi ích riêng từng địa phương, nên rất cần một cây “gậy chỉ huy” vì sự phát triển thống nhất chung của toàn vùng và cả nước.

Với mục tiêu trở thành một cực tăng trưởng mạnh, có sức hút và lực đẩy lan tỏa toàn vùng kinh tế phía Bắc và cả nước, nỗ lực phát triển kinh tế bền vững, có năng lực cao trong điều hành nền kinh tế - xã hội, trong những năm tới, Quảng Ninh tập trung:

Một là, thực hiện hiệu quả Thông báo số 108-TB/TW, ngày 1-10-2012, của Bộ Chính trị; xây dựng Khu kinh tế hành chính đặc biệt Vân Đồn và Khu kinh tế cửa khẩu tự do Móng Cái, đồng thời triển khai 7 nhóm cơ chế, chính sách ưu đãi mà Trung ương dành cho Quảng Ninh. 

Hai là, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, nhất là hoàn thành các quy hoạch quan trọng tạo tiền đề cho xây dựng định hướng phát triển và thu hút đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng huyết mạch và một số công trình động lực; ứng dụng, chuyển giao, làm chủ và phát triển khoa học - công nghệ; cơ bản hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới vào năm 2015.

Ba là, tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Thực hiện phát triển công nghiệp có chọn lọc, tập trung vào công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, các ngành và nhóm sản phẩm mà Quảng Ninh có lợi thế, có thương hiệu. Phát triển toàn diện khu vực dịch vụ, trong đó ưu tiên các ngành có lợi thế như du lịch, thương mại, vận tải, cảng biển, bảo hiểm, tài chính và ngân hàng... 

Bốn là, huy động linh hoạt mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường; tăng cường quản lý thu chi ngân sách.

Năm là, phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo. Quảng Ninh phấn đấu tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả vùng Đông Bắc. Xây dựng bệnh viện quốc tế tại hai thành phố Hạ Long, Móng Cái; xây dựng trung tâm văn hóa - thể thao trọng điểm vùng Đông Bắc và các thiết chế, quần thể thiết chế văn hóa tương xứng với vị trí của một trung tâm văn hóa khu vực.

Sáu là, bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài, đa dạng hóa các đối tác, các nhà đầu tư chiến lược để tạo thế đan xen lợi ích, góp phần bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh; xây dựng tỉnh thành khu vực phòng thủ vững chắc của vùng Đông Bắc; ngăn chặn, đẩy lùi, vô hiệu hóa các tổ chức chính trị phản động, băng nhóm tội phạm gây ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là ở khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, tôn giáo. 

Sự phát triển của Quảng Ninh hiện nay và trong tương lai là hiện thân của sự trao truyền của những bậc tiền nhân dựng nước và giữ nước nơi biên ải Đông Bắc; của 22 dân tộc anh em và lớp lớp những người thợ mỏ anh hùng làm nên truyền thống của Vùng Mỏ anh hùng trong thời đại Hồ Chí Minh; những người con Quảng Ninh khắp mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài; tất cả đang tích hợp tri thức mới với tư duy và hành động mới phù hợp với thời đại, quyết tâm vượt mọi khó khăn, xây dựng Quảng Ninh phát triển bền vững, xứng đáng với vị thế của một cực phát triển giữ vị trí địa chính trị quan trọng về kinh tế - văn hóa và an ninh - quốc phòng, xứng đáng với niềm tự hào là mảnh đất duy nhất khi Người còn sống, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý cho dựng tượng và chính Người đặt tên cho nơi đây: “Quảng Ninh”./.