TCCSĐT - Trong những năm gần đây tỉnh Đồng Tháp triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (Đề án) theo hướng hiệu quả nhằm phát triển 5 ngành hàng chủ lực: lúa gạo, cá tra, xoài, vịt và hoa kiểng. Đến nay, Đề án đã có những thành công nhất định, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần có nhiều giải pháp phù hợp hơn trong thời gian tới.

Công tác tuyên truyền về Đề án

Tỉnh đã thấy rõ được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền để tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội nên Tỉnh ủy đã chỉ đạo với những việc làm cụ thể như: Trước hết, các cấp đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội đã tổ chức và phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền sâu rộng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến các cấp hội, hội viên, người lao động, cán bộ công chức, viên chức, đặc biệt là nông dân nhằm làm thay đổi tư duy nhận thức và hành động trong sản xuất, kinh doanh, trong lãnh đạo, quản lý phù hợp với nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Hai là, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị báo cáo viên Trung ương với nội dung “Một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn hướng tới xây dựng nền công nghiệp, nông nghiệp Việt Nam bền vững, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế quốc tế”.

Ba là, phối hợp với Sở Thông tin Truyền thông cung cấp thông tin, tài liệu và định hướng nội dung tuyên truyền về Đề án của tỉnh, các nhiệm vụ chính trị trọng tâm khác của tỉnh cho các cơ quan báo, đài trong và ngoài nước.

Bốn là, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp thực hiện hơn 70 chương trình, chuyên mục, tạp chí, phóng sự(1) … về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói chung và xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Năm là, Hội Liên hiệp Phụ nữ tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ về việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những chính sách có liên quan về Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh; quy trình sản xuất, gieo trồng theo mùa vụ; sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu theo lịch khuyến cáo; áp dụng sản xuất lúa theo quy trình “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm"; phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, phong trào giúp nhau làm kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững; tham gia sản xuất, nuôi trồng, chế biến sản phẩm theo hướng hàng hóa, bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm… Kết quả, tổ chức tuyên truyền được 1.214 cuộc với 41.065 người dự. Hội còn vận động 2.447 chị em mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, chuyển đổi từ đất sản xuất lúa, hoa màu kém chất lượng sang mô hình chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả về kinh tế; thực hiện mô hình liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Sáu là, Hội Nông dân phối hợp với các ngành chuyên môn, tổ chức tập huấn, hội thảo, chuyển giao khoa học kỹ thuật công nghệ, từng bước chuyển đổi nông dân sản xuất theo hướng VietGAP được 3.960 cuộc cho 118.730 hội viên hội nông dân. Phối hợp Sở Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức 52 lớp dạy nghề nông thôn cho 1.641 hội viên. Phối hợp tuyên truyền đưa người lao động làm việc ở nước ngoài được 258 cuộc, có 6.258 hội viên dự.

Bảy là, các cấp địa phương đã tổ chức 51 lớp tập huấn, tuyên truyền, hội thảo, buổi nói chuyện chuyên đề về tái cơ cấu ngành nông nghiệp cho hơn 5.150 cán bộ và nông dân, cấp phát hơn 1.800 tài liệu.

Một số kết quả đạt được sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án

Sau 4 năm triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, với nhiều nỗ lực đến nay đã phát triển 5 ngành hàng chủ lực có lợi thế cạnh tranh là ngành lúa gạo, cá tra, xoài, vịt và hoa kiểng:

- Ngành hàng lúa gạo: Đã có nhiều mô hình sản xuất lúa hiệu quả, điển hình là:

(1) Mô hình giảm giá thành sản xuất lúa kết hợp thử nghiệm phân bón tan chậm (quy mô 50 ha). Kết quả mô hình, năng suất trung bình trong mô hình đạt từ 5,2 - 6,5 tấn/ha cao hơn so với ruộng sản xuất theo truyền thống (đạt 4,8 - 6,0 tấn/ha), giá thành sản xuất trong mô hình từ 2.342 - 3.673 đồng/kg; Lợi nhuận trong mô hình bình quân đạt 17,3 triệu đồng/ha, cao hơn từ 1,3 - 4,5 triệu đồng/ha so với sản xuất truyền thống.

(2) Áp dụng sạ thưa và bón phân vùi vào đất trước khi trục trạc lần cuối trước gieo sạ: Từ hiệu quả của mô hình giảm giá thành sản xuất lúa tại xã Trường Xuân huyện Tháp Mười. Đến nay toàn tỉnh có trên 6.000ha đã áp dụng mô hình này.

(3) Mô hình giảm lượng hạt giống gieo sạ và nâng cao tỷ lệ sử dụng giống xác nhận được thực hiện ở tất cả các huyện, thị, thành trong tỉnh. Việc thực hiện mô hình giúp nông dân tiết kiệm chi phí, canh tác giảm giá thành và sản xuất đạt hiệu quả hơn nên diện tích áp dụng giảm lượng giống ngày càng được mở rộng trên 70.000ha.

(4) Mô hình ứng dụng máy cấy giảm giá thành trong sản xuất lúa hàng hóa thực hiện ở 5 huyện: huyện Cao Lãnh, Hồng Ngự, Tân Hồng, Lấp Vò và Tháp Mười, hỗ trợ 8 máy/năm. Sử dụng máy cấy lúa, nông dân có lợi nhuận tăng thêm 593.000đ - 3.528.000đ/ha so với sản xuất truyền thống.

(5) Mô hình thí điểm sản xuất lúa chất lượng cao liên kết giữa nông dân với công ty, được thực hiện tại 3 điểm: Mỹ Đông (Tháp Mười), An Long và Phú Cường (Tam Nông), với diện tích 100ha/điểm. Nông dân tham gia mô hình đã giảm được số lần phun thuốc (2 - 3 lần/vụ), giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận từ 1.758.000 - 4.981.077 đồng/ha so với ngoài mô hình.

- Ngành hàng cá tra: Tính đến ngày 10-9-2017, diện tích nuôi cá tra thương phẩm 2.117,02ha đạt 96,22% kế hoạch năm. Ước đến cuối năm 2017, diện tích nuôi cá tra 2.345ha đạt 106,59% kế hoạch; sản lượng 449.890 tấn đạt 111,08ha.

Tổng hợp nhu cầu của các tổ chức, cá nhân đăng ký để được hỗ trợ chứng nhận VietGAP trên thủy sản. Qua thẩm xét hồ sơ có 18 tổ chức, cá nhân nuôi cá tra đủ điều kiện để xem xét hỗ trợ với diện tích là 144,95ha. Hiện nay, diện tích đã được chứng nhận các tiêu chuẩn trên cá tra là 801,35ha(2). Trong đó, trên một diện tích áp dụng từ 1 - 3 tiêu chuẩn. Bao gồm:

Toàn tỉnh có 02 hợp tác xã về sản xuất cá tra bao gồm 01 hợp tác xã sản xuất giống (16 cơ sở) và 01 hợp tác xã nuôi cá thương phẩm (8 hộ nuôi); 01 Tổ hợp tác sản xuất giống cá tra ở huyện Lấp Vò (gồm 09 thành viên).

Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 363 cơ sở nuôi cá tra thương phẩm xuất khẩu được cấp mã số nhận diện với diện tích mặt nước 1.504,25ha, bao gồm 21 doanh nghiệp tham gia hoạt động nuôi cá tra xuất khẩu với diện tích 968,48ha chiếm 64,38% diện tích nuôi của toàn tỉnh, số hộ cá thể với diện tích 535,77ha chiếm 35,62%.

Hiện toàn tỉnh có 9 nhà máy chế biến sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến phụ phẩm. Trong đó: 02 nhà máy chế biến sản phẩm giá trị gia tăng(3) và 07 nhà máy chế biến phụ phẩm công suất thiết kế khoảng 330.000 tấn/năm.

- Ngành hàng xoài:

Đây là cây trồng có thế mạnh của tỉnh Đồng Tháp, huyện Cao Lãnh và thành phố Cao Lãnh các điểm thực hành sản xuất rải vụ thu hoạch xoài tại 5 xã. Các điểm thực hành đạt kết quả khả quan, 8 nhà vườn đã xử lý ra hoa, đậu trái có kết quả tốt, thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 9. Giá bán xoài Cát Chu 21.000- 26.000 đồng/kg, xoài Cát Hòa Lộc 70.000 - 80.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai mô hình sản xuất xoài rải vụ đủ điều kiện an toàn thực phẩm gắn liên kết tiêu thụ, với qui mô 113,3 ha/198 hộ. Đã hình thành mô hình liên kết giữa nhà vườn với các công ty để hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ xoài.

- Ngành hàng hoa kiểng và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao: Thành phố Sa Đéc là nơi có diện tích trồng hoa kiểng lớn nhất của tỉnh, đến nay, diện tích sản xuất được 509,51ha, giá trị sản xuất đạt 1.200 tỷ đồng (giá cố định 2010), với 2.300 hộ hộ sản xuất và 06 doanh nghiệp, 01 hợp tác xã, 07 tổ hợp tác chuyên sản xuất kinh doanh hoa kiểng, chủ yếu trồng và kinh doanh các loại cây như: hoa hồng, cúc Tiger đất, kiểng công trình, cỏ nhật, cỏ lá gừng và một số loại cây khác; đến nay đã thu hoạch được 111,8ha gồm: hoa hồng, cúc Tiger. Hiện Thành phố đang từng bước phát triển sản xuất hoa kiểng gắn với việc tham quan các điểm di tích lịch sử - văn hóa, đình, chùa, hệ thống nhà cổ, khu sinh thái “Homestay” như: Homestay ngôi nhà Hoa - Êch ở phường Tân Quy Đông và Homestay ngôi nhà Tre (Homestay Maison En BamBou Phong Le Vent) ở xã Tân Khánh Đông và gắn với các làng nghề, sản phẩm truyền thống của địa phương như: sản xuất bột, hủ tiếu, bánh phồng tôm Sa Giang, bột dinh dưỡng Bích Chi..., đã tạo được thương hiệu đối với du khách trong và ngoài nước.

Trung tâm Ứng dụng Nông nghiệp Công nghệ cao đơn vị đã triển khai mô hình trình diễn 1.000 m2, trồng 3.000 cây bồ công anh từ đầu tháng 8, sau hơn 30 ngày trồng cây phát triển tốt, cây cao trung bình 31,5 cm, có từ 8 - 10 lá. Đã qua thu hoạch một đợt lá (trên 1.300 kg/sản phẩm lá tươi) giao cho Chi nhánh Cty TNHH phát triển P&K, tổ chức báo cáo chuyên đề về “Kỹ thuật trồng bồ công anh và kỹ thuật trồng cây con từ hạt và cấy mô”; tổ chức mô hình trình diễn các loại nấm dược liệu với diện tích 200 m2, 2000 bịch phôi nấm, trong đó có 1.700 nấm linh chi và 300 nấm vân chi.

- Ngành hàng vịt: Các huyện ở phía Bắc của tỉnh Đồng Tháp - Vùng Đồng Tháp Mười có lợi thế chăn nuôi vịt. Tỉnh hỗ trợ mô hình chăn nuôi vịt theo hướng an toàn sinh học - sản xuất theo nhóm gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm. Hiện tại trên địa bàn tỉnh đã thành lập được 05 tổ hợp tác(4) chăn nuôi vịt theo hướng trứng và liên kết tiêu thụ(5) với công ty Vĩnh Thành Đạt, giá bán từ 2.250 - 2.350 đồng/trứng.

Vẫn còn nhiều khó khăn

- Một số một địa phương, nhất là các đơn vị xã, phường vẫn còn bị động trong việc triển khai, chưa cụ thế hóa được các kế hoạch thực hiện của tỉnh, huyện. Công tác tuyên truyền chưa đi vào chiều sâu, thiếu cụ thể nên chưa tạo sự chuyển biến mạnh trong các cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

- Ngành chăn nuôi đang gặp khó khăn, các hộ nuôi heo lỗ nặng, các hộ chăn nuôi bò thịt, vịt thịt lãi thấp hoặc lỗ do giá con giống cao nhưng giá bán thịt giảm. Năng suất lúa vụ Đông Xuân thấp do thời tiết bất lợi, tăng dịch hại và sâu bệnh, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá; việc áp dụng các giải pháp trong giảm giá thành sản xuất gặp khó khăn đặc biệt là giảm lượng giống gieo sạ. Điều này, làm ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp năm 2017.

- Hoạt động liên kết trong sản xuất và tiêu thụ đạt tỷ lệ thấp. Nguyên nhân chính do quá trình chuyển đổi nhận thức chậm: nông dân chưa có sự liên kết lại với nhau để cùng chia sẻ trong sản xuất, giữa doanh nghiệp và nông dân chưa có sự chia sẻ rủi ro, lợi nhuận và tạo niềm tin vững chắc trong việc thực hiện hợp đồng, nhất là việc liên kết tiêu thụ lúa. Các hợp tác xã chưa phát huy hết vai trò đại diện cho nông dân trong việc tham gia ký kết hợp đồng liên kết và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, phương án sản xuất kinh doanh hợp tác xã chưa mang tính khả thi cao nên việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi còn hạn chế.

- Quá trình chuyển đổi đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái và rau màu đang diễn ra khá mạnh tại các huyện Lai vung, Lấp vò. Tuy nhiên, giá cả một số loại hoa màu bấp bênh, thiếu chính sách và định hướng cụ thể cho quá trình chuyển đổi.

- Việc phát triển sản xuất theo chuỗi ngành hàng chưa có sự kết nối chặt chẽ trong thực hiện. Khâu yếu nhất hiện nay vẫn nằm ở phát triển chế biến, chế biến chuyên sâu và hỗ trợ thương mại cho sản phẩm. Nông sản hàng hóa chủ lực có thế mạnh của các huyện cung cấp ra thị trường chủ yếu vẫn ở dạng thô, sơ chế, nhãn hiệu bao bì không phù hợp hoặc chưa nhãn hiệu, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường. Nguyên nhân đa phần các chủ sở hữu chưa thật sự quan tâm đến công tác phát triển nhãn hiệu vì đây là lĩnh vực mới, các chủ sở chưa có kinh nghiệm.

- Các chính sách thí điểm khuyến khích phát triển nông nghiệp còn nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính, hoặc bất cập trong triển khai như chính sách khuyến khích xây dựng cánh đồng lớn, chính sách chăn nuôi nông hộ, hỗ trợ đầu tư cho hợp tác xã và chính sách khuyến khích đầu tư và nông nhiệp, nông thôn…

Cần có những giải pháp kịp thời trong thời gian tới

Để khắc phục những tồn tại, tỉnh Đồng Tháp cần có những giải pháp thiết thực, phù hợp và kịp thời trong thời gian tới:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thành các nội dung tuyên truyền phổ biến chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tập trung vào các vấn đề về liên kết tiêu thụ, sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện các chuyên mục “Nghĩ mới, làm mới”, “Trong vườn ngoài ruộng” và “Toàn cảnh nông nghiệp” trên Truyền hình Đồng Tháp.

Thứ hai, triển khai thực hiện Quyết định số 12/2016/QĐ-UBND, ngày 26-02-2016, của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về một số chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Hỗ trợ các địa phương trong việc triển khai thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa nông sản đặc thù của tỉnh. Đồng thời, triển khai Bộ tiêu chí giám sát đánh giá tái cơ cấu ngành nông nghiệp cho các địa phương khi có hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thứ ba, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kêu gọi đầu tư hỗ trợ phát triển 5 ngành hàng chủ lực là lúa gạo, cá tra, xoài, vịt và hoa kiểng, trong đó thực hiện khảo sát thị trường tìm kiếm đối tác tiêu thụ các sản phẩm sau gạo, các mặt hàng nông thủy sản tươi sống, chế biến tại thị trường miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, tổ chức hội thảo ngành hàng hoa kiểng, xoài và vịt.

Thứ tư, xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, tọa đàm về quản lý và đào tạo, đào tạo lại cán bộ quản lý cho các hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng mô hình hợp tác xã sản xuất lúa lý tưởng.

Thứ năm, tiếp tục theo dõi, triển khai thực hiện mô hình liên kết giữa sản xuất gắn với tiêu thụ hình thành chuỗi giá trị, mô hình giảm giá thành nông sản, mô hình sản xuất đủ điều kiện an toàn, vệ sinh thực phẩm đối với 5 ngành hàng là lúa gạo, cá tra, vịt, xoài và hoa kiểng; xây dựng kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020.

-----------------------------------------------------------------

(1) Chương trình tọa đàm trực tiếp Trong vườn - Ngoài ruộng (55 phút/chương trình), Tạp chí Tái cơ cấu nông nghiệp (20 phút/kỳ), Chuyên mục Kinh tế Nông thôn (10 phút), Tiểu mục Nông dân@ (5 phút/kỳ)

(2) Tiêu chuẩn ASC là 73,58ha; Tiêu chuẩn GlobalGAP là 16,72ha; Tiêu chuẩn BAP là 79,52ha; Tiêu chuẩn ASC và GlobalGAP có 67,63ha; Tiêu chuẩn ASC và BAP có 15,52ha; Tiêu chuẩn GlobalGAP và BAP có 14,22ha; Tiêu chuẩn ASC, GlobalGAP và BAP có 36,42ha; Quy phạm VietGAP và Tiêu chuẩn ASC là 6,14ha; Quy phạm VietGAP có 491,58ha

(3) 01 nhà máy chế biến dầu cá, công suất thiết kế 30.000 tấn nguyên liệu/năm và 01 nhà máy chế biến collagen, công suất thiết kế: 2.000 tấn thành phẩm/năm

(4) THT chăn nuôi vịt Mỹ Quí, THT chăn nuôi vịt Mỹ An, THT chăn nuôi vịt Mỹ Hòa (huyện Tháp Mười), THT Chăn nuôi vịt Hải Dương, THT chăn nuôi vịt Phú Thành B (huyện Tam Nông)

(5) THT Mỹ Hòa lũy kế 3.450.000 trứng trứng (2 ngày giao 01 lần); THT Mỹ Quí lũy kế 1.059.800 trứng (03 ngày giao 01 lần); THT Mỹ An lũy kế 296.300 trứng (ba ngày giao 01 lần); THT Hải Dương Sản lượng trứng 2.700 trứng/ngày (04 ngày giao 01 lần); THT chăn nuôi vịt Phú Thành B, Sản lượng trứng 2.190 trứng/ngày, (Giao hàng cùng với THT Mỹ Hòa)

Tài liệu tham khảo

1. Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đến 2020 và tầm nhìn đến 2030

2. Các báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các năm 2015, 2016 và 9 tháng đầu năm 2017