Ngành thuế tỉnh Vĩnh Phúc từng bước hiện đại hóa, số hóa công tác quản lý thuế
TCCS - Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 ở tất cả khâu trong quá trình quản lý thuế; tăng cường công tác tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế trên nền tảng internet, mạng xã hội; đổi mới hoạt động kê khai, nộp thuế và hoàn thuế hoàn toàn trên môi trường điện tử… là những cách làm đem lại hiệu quả thiết thực cho ngành thuế tỉnh Vĩnh Phúc trong hành trình chuyển đổi số.
Kinh doanh dịch vụ điện, để hoàn thiện gần 2.000 hóa đơn giấy giao đến tay khách hàng, không kể nhân lực đi phát hóa đơn và thu tiền, riêng việc viết, in, cắt, đóng quyển và ký hóa đơn, mỗi tháng, Công ty TNHH Hải Đường Đỏ, xã Hải Lựu, huyện Sông Lô phải bố trí tới 3 người, làm việc liên tục trong vài ngày. Vì vậy, khi được cán bộ Chi cục Thuế khu vực huyện Lập Thạch tuyên tuyền, hướng dẫn, doanh nghiệp này trở thành một trong những đơn vị tiên phong trên địa bàn huyện Sông Lô đăng ký chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử.
Chia sẻ về những lợi ích thiết thực sau tháng đầu tiên áp dụng hóa đơn điện tử tại doanh nghiệp, chị Phạm Thị Hồng, kế toán trưởng Công ty TNHH Hải Đường Đỏ cho biết, so với hóa đơn giấy, sử dụng hóa đơn điện tử nhanh và thuận tiện hơn cho việc hạch toán kế toán, lưu trữ, đối chiếu dữ liệu trên hệ thống. Việc cung cấp hóa đơn điện tử cho khách hàng rất nhanh chóng, thuận lợi qua email, tin nhắn và có thể kiểm tra, đối chiếu ngay trên hệ thống của cơ quan thuế. Giờ chỉ cần mình tôi có thể đảm nhận hết các phần việc, từ viết, ký hóa đơn đến gửi cho khách hàng thông qua Internet, chữ ký số điện tử.”.
Không chỉ công ty trên, xác định chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia và được thụ hưởng những lợi ích thiết thực mà chuyển đổi số mang lại, thời gian qua, cùng với tiếp tục triển khai thực hiện các dịch vụ thuế điện tử truyền thống như khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, ngành thuế Vĩnh Phúc đã đưa vào vận hành hàng loạt giải pháp số hóa mới đối với công tác quản lý thuế. Điểm nhấn nổi bật là những tháng đầu năm 2022, ngay sau khi Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 206 về việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử giai đoạn 2 tại 57 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có Vĩnh Phúc, Cục Thuế tỉnh đã kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban chỉ đạo triển khai áp dụng hóa đơn điện tử tỉnh và Tổ thường trực triển khai, xây dựng kế hoạch, phương án triển khai áp dụng hóa đơn điện tử trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, để sẵn sàng triển khai áp dụng hóa đơn điện tử trên địa bàn tỉnh kể từ ngày 1-4-2022 theo đúng quy định, song song với chủ động chuẩn bị các nguồn lực, điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng công nghệ thông tin, Cục Thuế tỉnh đã phối hợp với các cấp, ngành liên quan cùng vào cuộc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, người nộp thuế bằng nhiều hình thức như: Tập huấn trực tiếp, trực tuyến, qua email, điện thoại, zalo, website của ngành. Đồng thời, phối hợp với 2 đơn vị cung cấp phần mềm là Viettel Vĩnh Phúc và Trung tâm kinh doanh VNPT Vĩnh Phúc triển khai dịch vụ hóa đơn điện tử cho các doanh nghiệp có nhu cầu; bảo đảm điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin luôn ổn định để cung cấp dịch vụ thuế điện tử 24/7 cho người nộp thuế… Với sự chủ động, tích cực vào cuộc, sau hơn 1 tháng triển khai thực hiện, toàn tỉnh đã có trên 4.180/11.469 người nộp thuế đang hoạt động đăng ký thành công sử dụng hóa đơn điện tử, đạt 36.4% kế hoạch đề ra.
Dịch vụ thuế điện tử eTax cũng là một bước tiến dài của ngành thuế trong chiến lược cải cách và hiện đại hóa hướng về người nộp thuế, mang lại cho người nộp thuế sự tiện lợi và minh bạch trong đăng ký, kê khai, thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, giảm thiểu thời gian, chi phí thực thi nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Với việc tích hợp từ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế trong cùng một ứng dụng trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, ngành thuế có thể cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người nộp thuế ở bất cứ nơi đâu có kết nối mạng còn người nộp thuế chỉ cần dùng một tài khoản duy nhất truy cập vào hệ thống của Tổng cục Thuế để thực hiện các dịch vụ thuế điện tử và thủ tục hành chính về thuế. Đến tháng 10-2021, ngành Thuế tiếp tục ra mắt ứng dụng eTax Mobile phiên bản 1.0 trên thiết bị di động cho phép người nộp thuế có thể tra cứu số tiền cần nộp, đánh dấu bước tiến quan trọng của ngành về áp dụng công nghệ số, hỗ trợ tốt hơn cho người nộp thuế là cá nhân có thể tiếp cận các thông tin, chính sách mới về thuế, nắm được nghĩa vụ thuế của mình và tương tác thuận tiện với cơ quan thuế. Đồng thời, triển khai dịch vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai; dịch vụ thanh toán trực tuyến đối với lệ phí trước bạ phương tiện ô tô, xe máy, thuế thu nhập cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Với phương châm “lấy doanh nghiệp, người nộp thuế là trung tâm, là động lực trong việc thực hiện cải cách”, ngành thuế Vĩnh Phúc cũng đã thực hiện tốt việc công khai, minh bạch và cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, đối với các thủ tục có trả kết quả như đăng ký thuế, hoàn thuế, miễn giảm thuế… luôn thực hiện và hoàn thành sớm so với thời gian quy định. Hệ thống mẫu biểu, quy trình hướng dẫn thủ tục hành chính thuế và hệ thống văn bản quy định về chính sách thuế mới được niêm yết đầy đủ, công khai tại bộ phận một cửa cơ quan thuế các cấp và trên website ngành Thuế. Công tác phối hợp giữa cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đã có bước chuyển mạnh mẽ, tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp gia nhập thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Triển khai quyết liệt, động bộ các giải pháp cải cách thủ tục hành chính gắn với từng bước hiện đại hóa, số hóa công tác quản lý thuế đã giúp ngành thuế Vĩnh Phúc nhiều năm liên tục đứng trong top các đơn vị dẫn đầu của tỉnh về chỉ số năng lực cạnh tranh. Đến nay, toàn tỉnh có 99,5% doanh nghiệp đang hoạt động, tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử; 100% doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử; 100% doanh nghiệp tham gia, thực hiện thủ tục hoàn thuế điện tử; có 97 thủ tục hành chính thuế cấp tỉnh và 84 thủ tục hành chính cấp chi cục được triển khai trên môi trường điện tử ở mức độ 4. Chỉ tính riêng trong quý 1-2022, có 42.750/50.844 thủ tục hành chính thuế tại Vĩnh Phúc được thực hiện trên môi trường điện tử ở mức độ 4, đạt 84,1%; trên 90% tổ chức, công dân đánh giá kết quả giải quyết thủ tục hành chính từ mức độ hài lòng trở lên. Kết quả đạt được sẽ là tiền đề quan trọng để ngành thuế tỉnh đặt ra những mục tiêu quan trọng trong năm 2022 và các năm tiếp theo đó là tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách công tác chỉ đạo điều hành, thể chế, thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy, công vụ, tài chính công, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số; từng bước xây dựng ngành thuế Vĩnh Phúc hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả./.
Minh Đăng (tổng hợp)
Ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy sản xuất ở thành phố Phúc Yên tỉnh Vĩnh Phúc  (14/06/2022)
An sinh xã hội ở Việt Nam trong thời kỳ chuyển đổi số  (01/02/2022)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì họp chuyên đề về đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội và làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc  (23/12/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Chuyển đổi số phải góp phần làm người dân ngày càng hạnh phúc, đất nước thịnh vượng  (12/12/2021)
Tỉnh Vĩnh Phúc: Các khu công nghiệp thu hút gần 110.000 lao động  (11/12/2021)
- Một số vấn đề về chuyển đổi nội dung số trong các tạp chí của Việt Nam hiện nay
- Tỉnh Nam Định xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Quản lý văn phòng đại diện của các cơ quan báo chí tại khu vực miền Trung hiện nay
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay