TCCS - Ngày 23-12-2021, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì Phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo Xây dựng các chuyên đề phân công cho Đảng đoàn Quốc hội thuộc Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội dẫn đoàn đến làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc.

* Tại nhà Quốc hội, cùng dự phiên họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Tiểu ban số 2; các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương, cùng các thành viên Ban Chỉ đạo.

Toàn cảnh phiên họp_Ảnh: TTXVN

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, theo phân công của Ban Chỉ đạo Trung ương, Đảng đoàn Quốc hội trực tiếp tổ chức chỉ đạo, xây dựng 4 chuyên đề; chỉ đạo, hướng dẫn Kiểm toán Nhà nước hoàn thiện 1 chuyên đề. Đến nay, Ban Chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội đã hoàn thành được 3/5 chuyên đề.

Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu - cơ quan thường trực giúp Tiểu ban số 2 xây dựng Chuyên đề số 11 báo cáo, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh tới tính chuyên trách, chuyên nghiệp của đại biểu Quốc hội; tính toán kỹ về cơ cấu đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội.

Về cơ cấu tổ chức, Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý về cơ cấu của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội. Đây là đề án, không phải là văn bản quy định về tổ chức hoạt động nên không nhất thiết phải nêu rõ số lượng các cơ quan, mà chỉ nêu những vấn đề lớn, mang tính định hướng.

Về quy định đại biểu Quốc hội chuyên trách và đại biểu Quốc hội là ủy viên thường trực cũng cần nghiên cứu, giải thích căn cứ vào đâu để có sự phân công như thế này.

Về Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cơ quan soạn thảo đề án đã có đề nghị đúng hướng là chuyển dần một số chức năng hoạt động của Quốc hội về Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội viện dẫn mô hình hoạt động của Quốc hội một số nước cho thấy, Quốc hội chỉ xem xét, thông qua Hiến pháp, các đạo luật cơ bản; phần lớn các luật và việc quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước được giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, đề án cũng cần đặt vấn đề về việc xem xét mở rộng thành phần Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nâng cao chất lượng hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Về vận động bầu cử, tiếp xúc cử tri, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề cần nghiên cứu thêm về tính dân chủ xã hội chủ nghĩa trong hoạt động của đại biểu Quốc hội, dân chủ trong hoạt động của Quốc hội; cần có sự cải tiến, đổi mới hơn nữa về việc tương tác giữa đại biểu Quốc hội với cử tri, nhân dân.

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần nghiên cứu về thiết chế Tổng Thư ký; tăng hoạt động chất vấn, giải trình tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; cải tiến việc lấy phiếu tín nhiệm để nâng cao hiệu quả, tác dụng; về mối quan hệ giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với hội đồng nhân dân …

Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo góp ý thêm về tính kết nối, mạch thông tin và logic của đề án, về việc sử dụng các thuật ngữ, từ ngữ trong đề án; thời gian hoạt động của đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm, nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; cơ chế bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng; bất cập trong mô hình tổ chức hiện nay của Quốc hội nên cần tăng số lượng ủy ban của Quốc hội từ các nguồn tách các ủy ban hiện có, nâng các ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành các ủy ban, thành lập mới các ủy ban theo yêu cầu của tình hình mới; kiểm soát quyền lực trong hệ thống chính trị;…

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận_Ảnh: TTXVN

Kết luận phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, các thành viên Ban Chỉ đạo đều đánh giá cao sự cố gắng, công phu của Tiểu ban số 2 trong việc xây dựng, hoàn thiện chuyên đề và đề nghị Tiểu ban số 2 tổng hợp, tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Ban Chỉ đạo để hoàn thiện chuyên đề, như: Cần làm kỹ, làm rõ hơn về địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, bộ máy tổ chức phục vụ hoạt động của Quốc hội; mối quan hệ của Quốc hội trong hệ thống chính trị; hoạt động của Quốc hội; chất lượng hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội;…

Chủ tịch Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh tới định hướng tại Nghị quyết Đại XIII của Đảng về việc tăng tính chuyên nghiệp của Quốc hội. Tính chuyên nghiệp được thể hiện qua mô hình tổ chức, các thiết chế, tăng dần số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho phù hợp, nâng cao chất lượng và năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phối hợp với các cơ quan khác…

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, việc nghiên cứu, giải quyết chuyên đề này phải đặt trong mối tương quan với các chuyên đề khác và các đề án lớn trình Bộ Chính trị lần này để tránh trùng lắp về nội dung; về tính phổ quát của mô hình nhà nước pháp quyền và tính đặc thù của mô hình nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Chuyên đề cần tập trung làm rõ cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế; nghiên cứu để rút ra những vấn đề, quan điểm, định hướng lớn, nguyên tắc, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; nghiên cứu mở rộng thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

* Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu đoàn công tác của Trung ương làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc.

Tại buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan báo cáo tóm tắt những thành tựu đã đạt được sau 25 năm tái lập tỉnh Vĩnh Phúc. Đồng thời nêu bật kết quả, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận trong buổi làm việc với tỉnh Vĩnh Phúc_Ảnh: TTXVN

Những điểm nhấn đáng chú ý về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Vĩnh Phúc sau 25 năm là kinh tế nhiều năm duy trì tốc độ tăng trưởng cao, thu ngân sách liên tục đạt những mốc mới và luôn nằm trong TOP các địa phương trong cả nước có số thu cao nhất nước và là 1 trong 16 tỉnh có điều tiết về ngân sách Trung ương với tỷ lệ cao (47%). Thu hút đầu tư trở thành điểm sáng của cả nước với 429 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) cùng tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,1 tỷ USD đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ; 824 dự án vốn đầu tư trong nước (DDI) với tổng vốn đầu tư là gần 110 nghìn tỷ đồng. Kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư hiện đại, có sự vượt trội so với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh lân cận. Sản xuất công nghiệp trở thành nền tảng của nền kinh tế. Nông nghiệp đi tiên phong cả nước với nhiều vùng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi quy mô tập trung.

Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội được đặc biệt quan tâm và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 được Trung ương và các tỉnh, thành phố đánh giá cao về cách làm và kết quả thực hiện. Quốc phòng, an ninh được củng cố và tăng cường; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, Vĩnh Phúc đã kiểm soát tốt dịch bệnh, là một mô hình điểm về thực hiện "mục tiêu kép" trong cả nước. Nhờ vậy, mặc dù chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19 nhưng kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, các lĩnh vực văn hóa - xã hội được duy trì, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (theo giá so sánh 2010) ước năm 2021 đạt 87,09 nghìn tỷ đồng, tăng 8,02% so với năm 2020. Tổng thu ngân sách đạt 32.094 tỷ đồng, đạt 104,55% dự toán.

Tỉnh đã tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, đặc biệt là điểm nghẽn về giải ngân vốn đầu tư công, giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp. Kết quả, năm 2021, thu hút đầu tư của tỉnh đạt cao nhất từ trước đến nay, với sự góp mặt của 35 dự án FDI mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn đạt trên 1,015 tỷ USD, bằng 253,75% kế hoạch, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2020. Cấp mới cho 22 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 9,9 nghìn tỷ đồng và 6,67 nghìn tỷ đồng điều chỉnh tăng vốn, bằng 301% kế hoạch, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2020.

Năm 2022, Vĩnh Phúc tiếp tục tập trung cao độ, quyết liệt cho việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, bám sát 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn, tạo điều kiện khơi thông các nguồn lực, tập trung phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Vĩnh Phúc từ một tỉnh phụ thuộc phần lớn vào ngân sách Trung ương, năm 2004 (tức là chỉ 7 năm sau ngày tái lập tỉnh), Vĩnh Phúc đã tự cân đối được ngân sách và đóng góp cho ngân sách Trung ương; trong năm 2021, tổng thu ngân sách của tỉnh vẫn đạt trên 32 nghìn tỷ đồng, thu nội địa đạt gần 28 nghìn tỷ đồng, gấp 282 lần so với số thu ngân sách của năm 1997; đã có 19 khu công nghiệp được quy hoạch, trong đó 14 khu công nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đã có 8 khu công nghiệp đi vào hoạt động. Toàn tỉnh đã có gần 30 đô thị, trong đó, thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại II được quy hoạch; thành phố Phúc Yên là đô thị loại III, trở thành thành phố công nghiệp, du lịch dịch vụ và giáo dục của tỉnh. Vĩnh Phúc có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã nông thôn mới nâng cao, 36 thôn nông thôn mới kiểu mẫu, 5/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Lễ khởi công “Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc - VietNam Superport”_Ảnh: TTXVN

Những kết quả mà Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc đạt được trong thời gian qua đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước. Những thành quả trên sẽ là tiền đề để Vĩnh Phúc tiếp tục phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội biểu dương những kết quả, thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đạt được và mong muốn Vĩnh Phúc tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa địa phương, tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền trong xây dựng và phát triển  kinh tế - xã hội, sớm đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo lộ trình đề ra và trở thành thành phố Vĩnh Phúc trong tương lai gần.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đảng bộ, tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện tốt một số nội dung:

Một là, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ tỉnh, các chỉ thị, nghị quyết, quy định của Trung ương về xây dựng Đảng, trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị và các quy định về trách nhiệm nêu gương với nhiều nội dung phong phú, hình thức phù hợp, bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ.

Hai là, tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp. Tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn.

Ba là, đẩy nhanh việc ứng dụng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong xây dựng chính quyền số và quản lý xã hội, phát triển kinh tế số. Tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp để công nghiệp thật sự trở thành nền tảng, động lực cho sự phát triển của tỉnh; đa dạng hóa sản phẩm công nghiệp chủ lực, ưu tiên phát triển ngành, sản phẩm công nghiệp điện tử, cơ khí, chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng lớn, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Bốn là, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, hoàn thiện các hình thức tổ chức dạy và học phù hợp với tình hình dịch bệnh. Thực hiện có hiệu quả chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, thu hút nguồn nhân lực khoa học - công nghệ chất lượng cao.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị tỉnh Vĩnh Phúc lưu ý tới những chương trình hoạt động của Quốc hội, nhất là 4 chuyên đề giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022; rà soát toàn bộ những phần việc liên quan tới Vĩnh Phúc, nhất là những vấn đề liên quan tới đất đai, tài nguyên, khoáng sản…

Cùng với đó tỉnh tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ nhân dân đón năm mới 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, tạo khí thế, quyết tâm tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 11-CT/TW, ngày 8-12-2021…

* Chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đồng chí lãnh đạo Trung ương và tỉnh dự lễ khởi công dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc và tham gia cắt băng khánh thành Tổ hợp Khách sạn, Trung tâm hội nghị quốc tế FLC Vĩnh Phúc./.

Nguyễn Thùy (tổng hợp)