Thành phố Hà Nội: Phát triển lực lượng lao động có tay nghề cao gắn với phát triển kinh tế - xã hội
TCCS - Hiện nay, trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển lực lượng lao động có tay nghề cao là yêu cầu cấp thiết được đặt ra đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô, nhất là khi thành phố Hà Nội đang nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.
1- Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, thời gian qua, thành phố Hà Nội đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao. Thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 6-6-2014, của Ban Bí thư khóa XI, “Về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao” (Chỉ thị số 37-CT/TW), thành phố Hà Nội đã nghiêm túc tổ chức phổ biến, quán triệt nội dung của Chỉ thị số 37-CT/TW tới các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn; đồng thời, cụ thể hóa Chỉ thị bằng việc ban hành các văn bản chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố.
Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 28-CTr/TU, ngày 10-9-2014, để thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, trong đó nêu rõ các mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể đến năm 2020 đối với các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các trường cao đẳng nghề; xây dựng 6 giải pháp trọng tâm, cách thức tổ chức thực hiện. Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Kế hoạch số 231/KH-UBND, ngày 31-12-2014, về việc thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 6-6-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chương trình hành động số 28-CTr/TU ngày 10-9-2014 của Thành ủy Hà Nội.
Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW được gắn với thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trên địa bàn thành phố, xây dựng kế hoạch, đề án của các cấp, các ngành, trong đó nêu rõ nội dung tham mưu, phân công cụ thể trách nhiệm từ cấp lãnh đạo đến cán bộ thực hiện để hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cơ sở phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị; xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm để tập trung thực hiện bằng các giải pháp thích hợp, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả của công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Thủ đô, giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước trong việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, phấn đấu đến năm 2025, giáo dục Thủ đô đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
Mạng lưới các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp của thành phố Hà Nội đã tăng từ 316 đơn vị năm 2014 lên 369 đơn vị năm 2018, trong đó, có 224 đơn vị là cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm: 61 trường cao đẳng, 89 trường trung cấp và 74 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Thành phố Hà Nội có 21 trường đào tạo nghề công lập (10 trường trung cấp, 11 trường cao đẳng). Để đáp ứng nhu cầu nhân lực của Thủ đô hiện nay, thành phố tập trung đầu tư 3 trường nghề chất lượng cao đạt chuẩn khu vực, quốc tế, đó là Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc. Trong quy hoạch của toàn quốc, thành phố Hà Nội cũng có 2 trường được chọn để đầu tư trọng điểm trở thành trường chất lượng cao theo Quyết định số 761/QĐ-TTg, ngày 23-5-014, của Thủ tướng Chính phủ (Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội và Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội). Ngoài ra, theo Quyết định số 1836/QĐ-LĐTBXH, ngày 27-11-2017, của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt ngành, nghề trọng điểm, thành phố Hà Nội có 14 trường cao đẳng và trung cấp với 21 ngành, nghề được lựa chọn là ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Cụ thể: cấp độ quốc tế có 15 nghề, cấp độ khu vực ASEAN có 9 nghề và cấp độ quốc gia có 8 nghề.
Trong những năm gần đây, nhờ thực hiện theo “Quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và “Quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” do Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt ban hành theo Quyết định số 673/QĐ-UBND ngày 24-1-2014 và Quyết định số 3075/QĐ-UBND ngày 12-7-2012, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp (dạy nghề và trung cấp chuyên nghiệp) trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có bước phát triển mạnh. Hiện nay, thành phố đang tiếp tục rà soát điều chỉnh quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho phù hợp với tình hình thực tế. Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn, thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 913/QĐ-UBND, ngày 25-2-2019, về việc phê duyệt “Đề án rà soát, đánh giá tình hình hoạt động, nâng cao chất lượng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố” theo Chương trình số 04-CTr/TU, ngày 26-4-2016, của Thành ủy Hà Nội và Kế hoạch số 165/KH-UBND, ngày 31-8-2016, của Ủy ban nhân dân thành phố về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2016 - 2020”. Chương trình số 06-CTr/TU, ngày 17-3-2021, của Thành ủy Hà Nội, về “Phát triển văn hóa - xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025” được ban hành, trong đó nhấn mạnh tới nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập, sáng tạo.
Thành phố Hà Nội cũng thực hiện công tác kiểm định chất lượng đào tạo. Hằng năm, hàng chục cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định. Thành phố cũng thực hiện việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ chương trình, nội dung đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Số lượng học sinh, sinh viên vào học nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng đều theo từng năm. Trong giai đoạn 2014 - 2018, số lượng người qua đào tạo đạt 891.153 lượt người (bình quân mỗi năm đạt 178.230 lượt người. Năm 2021, tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố là 71,5% tổng số lực lượng lao động trong độ tuổi, cao hơn so với mức trung bình của cả nước. Trong 8 tháng đầu năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp toàn thành phố tuyển sinh và đào tạo cho 172.423 lượt người (trình độ cao đẳng 14.205 người; trung cấp 19.225 người; sơ cấp và dưới 3 tháng 138.993 người), đạt 76,8% kế hoạch tuyển sinh năm 2022, tăng 161,37% so với cùng kỳ năm 2021, góp phần cung cấp nguồn lao động qua đào tạo cho thị trường lao động trên địa bàn thành phố. Đến hết năm 2022, thành phố Hà Nội phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,2%.
Chất lượng dạy nghề cũng như cơ cấu ngành nghề dần đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Điều này giúp cho người học nghề dễ tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp và các doanh nghiệp không phải đào tạo lại cho người lao động mới được tuyển dụng. Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế. Những lao động được đào tạo trình độ trung cấp và cao đẳng có khả năng vận hành máy móc thiết bị, công nghệ. Họ cũng chính là nguồn lao động có tay nghề trình độ chuyên môn cao.
Bên cạnh nguồn nhân lực được đào tạo về chuyên môn, có kỹ năng tay nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn chú trọng trang bị kỹ năng mềm, kiến thức ngoại ngữ, tin học, kỹ năng khởi nghiệp, lập nghiệp. Do vậy, chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao, trên địa bàn thành phố ngày càng phát triển. Giai đoạn 2014 - 2018, thành phố Hà Nội có 116.624 lao động được tham gia học nghề; trong đó, có 67.257 lao động được đào tạo các nghề nông nghiệp (chiếm 57,84%), còn lại 49.367 lao động được học các nghề phi nông nghiệp (chiếm 42,16%); có 100.772 lao động nông thôn (chiếm 86,6%) được hỗ trợ đào tạo có việc làm sau khi học nghề. Những lao động nông thôn sau khi hoàn thành khóa học nghề đã tiếp tục làm việc với năng suất và thu nhập cao hơn trước đây.
Có thể khẳng định, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của thành phố Hà Nội đã góp phần nâng cao tay nghề cho người lao động, tăng hiệu quả và cho thu nhập cao hơn, cũng như tạo được nhiều việc làm cho người lao động. Chất lượng lao động nông thôn có tay nghề cao ngày càng tăng đã thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Thủ đô.
Thành phố Hà Nội cũng đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học; lựa chọn, áp dụng chương trình, tiêu chuẩn và công nghệ đào tạo tiên tiến của khu vực và quốc tế đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao; đổi mới phương thức đánh giá và công nhận tốt nghiệp; xây dựng các tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo nhân lực có tay nghề cao cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; phân luồng và định hướng nghề nghiệp được thực hiện. Thành phố Hà Nội luôn coi công tác phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên giáo dục nghề nghiệp là khâu then chốt quyết định đến chất lượng đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề chất lượng cao. Về cơ bản, đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có bằng cấp chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ, tin học đều đạt chuẩn theo quy định. Tuy nhiên, một số nghề mới, nghề công nghệ cao thì đội ngũ nhà giáo còn thiếu về số lượng, tay nghề và kiến thức chưa được cập nhật đáp ứng theo yêu cầu đề ra. Trình độ ngoại ngữ, tin học, khả năng cập nhật công nghệ mới, ứng dụng tin học và các phương pháp sư phạm hiện đại của các nhà giáo còn hạn chế. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thu hút những chuyên gia, nghệ nhân, người có tay nghề cao tham gia đào tạo nghề nhằm tận dụng những kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng của họ để truyền đạt, giảng dạy cho học sinh, sinh viên. Hoạt động này trong những năm gần đây chủ yếu là sự thỏa thuận giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các cá nhân và tổ chức quản lý của đội ngũ chuyên gia và nghệ nhân về thù lao cũng như chi phí giảng dạy.
Như vậy, có thể thấy, công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội thời gian qua đã có những bước phát triển mạnh, trở thành một trong những thành phố đi đầu cả nước về số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hình thức, quy mô và chất lượng đào tạo, bảo đảm cung cấp nhân lực có chất lượng không chỉ cho Thủ đô, mà còn cho cả nước, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội.
Chất lượng của các cơ sở đào tạo bước đầu đã có hiệu quả ở một số dự án nghề trọng điểm được đầu tư, như điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí cấp độ ASEAN của Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội; cơ điện tử cấp độ quốc tế của Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội; nghề trọng điểm công nghệ ô tô cấp độ khu vực ASEAN của Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trong việc xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, tạo điều kiện cho học viên đến thực tập và tiếp nhận học viên vào làm việc sau khi tốt nghiệp, nhờ đó, góp phần giải quyết việc làm sau đào tạo với tỷ lệ cao. Số học viên sau khi tốt nghiệp đều nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề. Từ các lớp học nghề, người học đã có thể chủ động trong tìm việc làm, tổ chức sản xuất để cải thiện kinh tế, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
2- Hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 75 đến 80%, mỗi năm đào tạo nghề khoảng 230.000 lượt người, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao, trong đó tập trung đổi mới, đa dạng hóa nội dung, phương pháp tuyên truyền, chú trọng đến đối tượng, nội dung phù hợp; ưu tiên dành thời lượng thích hợp phục vụ tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách về đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp; ưu tiên đầu tư phát triển học và đào tạo nghề nghiệp, coi học và đào tạo nghề nghiệp là giải pháp đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội, huy động sự tham gia tích cực, hiệu quả của toàn xã hội đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao.
Hai là, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Thực hiện sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Chú trọng công tác kiểm định cơ sở giáo dục nghề nghiệp, kiểm định chương trình đào tạo. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng đào tạo, tiêu chuẩn tuyển sinh và tốt nghiệp; tự kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp và sự đánh giá định kỳ của các cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quá trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; bảo đảm thực hiện đầy đủ các quy định của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp trong quản lý hoạt động đào tạo nghề nghiệp tại địa phương.
Đẩy mạnh công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học. Nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng chuẩn hóa, chuyên nghiệp hóa, đủ số lượng, cơ cấu hợp lý theo nghề và trình độ đào tạo; tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề phù hợp với công nghệ sản xuất ngày càng hiện đại. Đổi mới chương trình, giáo trình phù hợp với thực tế yêu cầu của thị trường lao động và doanh nghiệp.
Ba là, tăng cường xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, đặc biệt là chuẩn hóa kỹ năng nghề cho giáo viên, giảng viên dạy nghề. Đối với giáo viên dạy các nghề trọng điểm quốc gia, tổ chức bồi dưỡng kỹ năng nghề để bảo đảm 100% giáo viên đạt chuẩn về trình độ kỹ năng nghề; đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, chú trọng phương pháp thực hành, hoạt động nhóm; đổi mới nội dung và hình thức tổ chức thực tập sư phạm; phối hợp với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, định kỳ hằng năm đưa giáo viên dạy nghề đi thực tế, rèn luyện kỹ năng nghề, chia sẻ kỹ thuật, công nghệ mới... tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Đối với giáo viên dạy các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN và quốc tế, tổ chức đào tạo theo chuẩn chương trình của các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN và trên thế giới; bồi dưỡng, nâng cao trình độ tiếng Anh; tăng cường hợp tác quốc tế trong việc phát triển đội ngũ giáo viên dạy nghề.
Bốn là, đẩy mạnh công tác xã hội hóa phát triển giáo dục nghề nghiệp; tăng cường sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp. Huy động các nguồn lực để tăng nguồn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hỗ trợ các hoạt động giáo dục và đào tạo theo hướng các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh liên doanh, liên kết với doanh nghiệp để tăng cường cơ sở vật chất, máy móc thiết bị phục vụ đào tạo. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tạo sự liên kết giữa người lao động, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo; tạo điều kiện cho doanh nghiệp thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp có chất lượng, đào tạo những ngành, nghề mũi nhọn; liên kết với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo và giải quyết việc làm. Xây dựng và nhân rộng các mô hình, phương thức hợp tác, gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo để giải quyết việc làm cho người lao động sau khi được đào tạo./.
Hà Nội phục hồi kinh tế sau COVID-19 - phát triển Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại  (12/10/2022)
Nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về quốc phòng - an ninh của Hà Nội trong giai đoạn hiện nay  (11/10/2022)
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp