Cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp: Nhìn từ thực tiễn tỉnh Hà Nam (kỳ 2)
TCCS - Để thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất, tỉnh Hà Nam mạnh dạn thí điểm cho thuê quyền sử dụng đất với sự hỗ trợ chính quyền nhà nước, vì đây là hình thức có tính khả thi cao trong thực tiễn. Qua thực tế thí điểm đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên cũng nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc cần nghiên cứu thấu đáo và có hướng tháo gỡ để tiếp tục triển khai.
Những nỗ lực tích tụ, tập trung ruộng đất cho nông nghiệp phát triển
Hà Nam là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, cửa ngõ phía nam Thủ đô Hà Nội, có tổng diện tích tự nhiên 86.193ha, trong đó đất nông nghiệp là 52.980ha, đất trồng lúa là 33.405ha. Mặc dù chỉ đóng góp khoảng 10% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, nhưng sản xuất nông nghiệp đóng vai trò nền tảng, bảo đảm tính ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiều năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo triển khai thực hiện các chủ trương, đề án để phát triển nông nghiệp, nhằm đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển toàn diện, có giá trị sản xuất cao, từng bước hình thành chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ nông sản.
Từ khi tách tỉnh (năm 1997), tỉnh Hà Nam đã thực hiện 2 lần dồn đổi ruộng đất nông nghiệp từ ô thửa nhỏ sang ô thửa lớn nhằm khắc phục tình trạng manh mún, phân tán ruộng đất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa và tiến bộ khoa học vào sản xuất nông nghiệp. Đó là vào năm 2000, khi thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU, ngày 5-5-2000, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 08/KH-UB, ngày 10-5-2000, của Ủy ban nhân dân tỉnh, “Về dồn đổi ruộng đất nông nghiệp nhằm khắc phục tình trạng manh mún, phân tán ruộng đất”. Lần thứ hai vào năm 2012, khi thực hiện Kế hoạch số 572/KH-UBND, ngày 3-5-2012, của Ủy ban nhân dân tỉnh, “Về dồn đổi ruộng đất trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2015”. Bình quân mỗi hộ nông nghiệp đã giảm xuống còn từ 1,2 đến 1,7 thửa/ hộ.
Sau giai đoạn này, quá trình tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Hà Nam tiếp tục diễn ra thông qua các hình thức, như: Chuyển đổi (thông qua dồn đổi ruộng đất), tặng cho, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp; góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp; thuê quyền sử dụng đất.
Đây là những hình thức tích tụ, tập trung đất đai chủ yếu diễn ra tự phát giữa các hộ dân với nhau hoặc hộ gia đình thuê đất công ích của ủy ban nhân dân cấp xã, thường có quy mô diện tích nhỏ (từ 10ha trở xuống), thời gian thuê đất ngắn (không quá 5 năm).
Thực tế những hình thức tập trung đất đai nêu trên ở tỉnh Hà Nam thực hiện chưa phổ biến, quy mô nhỏ, không đáp ứng được yêu cầu về quy mô diện tích, về thời gian thực hiện để phục vụ phát triển nông nghiệp hiện đại, tập trung. Nguyên nhân không mang lại kết quả tích cực bởi các lý do sau:
Thứ nhất, khó tập trung đất đai được một diện tích đủ lớn theo mong muốn phù hợp với quy mô doanh nghiệp để thực hiện dự án nông nghiệp, vì phải đàm phán với nhiều hộ sử dụng đất (do quỹ đất nông nghiệp của các hộ ít), với nhiều mức giá khác nhau, trong khi có hộ không đồng ý cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất vì muốn giữ đất để sản xuất.
Thứ hai, Luật Đất đai hiện nay quy định một số đối tượng không được phép nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa, không được phép chuyển đổi đất nông nghiệp, không được nhận chuyển nhượng hoặc thuê đất nông nghiệp trực tiếp với các hộ dân, nên nhiều cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp nhưng quy định pháp luật chưa cho phép.
Bên cạnh đó, Luật Đất đai hiện nay chưa giải quyết triệt để đối với trường hợp thu hồi đất công ích cấp xã mà trên đất đó có tài sản, vật kiến trúc (hiện mới chỉ quy định đối với trường hợp đất công ích không có tài sản, vật kiến trúc), trong khi cần diện tích đủ lớn để thực hiện dự án thường bao gồm đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân và cả đất nông nghiệp công ích của ủy ban nhân dân cấp xã.
Thứ ba, việc tự chuyển đổi, chuyển nhượng đất nông nghiệp không theo quy định của pháp luật, không thông qua chính quyền hiện đang diễn ra, do vậy việc quản lý đất đai của các địa phương gặp nhiều khó khăn.
Thứ tư, người nông dân không muốn góp vốn bằng quyền sử dụng đất vì e ngại có thể “mất đất” nếu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hay phá sản. Còn đối với cho thuê quyền sử dụng đất, tâm lý người dân có đất thường chỉ cho thuê với thời gian ngắn (chủ yếu thuê từ 3 - 5 năm), nên người thuê đất không yên tâm sản xuất, giá thuê không ổn định, không khuyến khích được đầu tư.
Thứ năm, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp rủi ro lớn, trong khi đó chi phí để bồi thường giải phóng mặt bằng cao nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Mạnh dạn thí điểm
Mặc dù đã dồn đổi ruộng đất nhưng do bình quân đất nông nghiệp thấp nên tình trạng ruộng đất manh mún, quy mô nhỏ lẻ gây khó khăn đối với việc đưa cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp(1). Nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân sản xuất, kinh doanh tốt có nhu cầu mở rộng sản xuất, ứng dụng công nghệ cao nhưng không có diện tích đất đủ lớn để thực hiện. Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu tỉnh Hà Nam phải đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất để phát triển nông nghiệp.
Luật Đất đai chưa quy định cụ thể việc chính quyền thuê đất nông nghiệp của dân sau đó cho doanh nghiệp thuê lại quyền sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển nông nghiệp theo quy mô tập trung, trong giai đoạn 2015 - 2018, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam đã mạnh dạn áp dụng thí điểm hình thức tích tụ, tập trung đất đai mới, như sau:
- Chính quyền (cấp huyện, xã) đứng ra thuê đất nông nghiệp từ các hộ dân, sau đó chính quyền (cấp tỉnh) cho tổ chức, doanh nghiệp thuê lại quyền sử dụng đất theo đúng giá đã thuê với hộ dân. Đây là nguyện vọng của người dân có đất cho thuê vì họ tin tưởng vào chính quyền địa phương sẽ bảo vệ quyền lợi về đất đai cho họ khi kết thúc thời gian cho thuê đất; cũng là nguyện vọng của doanh nghiệp được ký kết hợp đồng thuê đất với Ủy ban nhân dân tỉnh để Nhà nước có trách nhiệm thực hiện các cam kết hỗ trợ khi doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.
- Ủy ban nhân dân tỉnh ứng trước kinh phí từ ngân sách trả tiền thuê đất một lần cho các hộ dân trong suốt thời gian thuê đất (20 năm), doanh nghiệp trả tiền thuê đất cho Nhà nước từ 1 đến 2 lần. Lần đầu trả 50% tiền thuê đất, lần thứ 2 trả nốt tiền thuê đất sau khi thuê đất được 5 năm hoặc 10 năm. Sau thời gian thuê đất, doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn trả nguyên hiện trạng mặt bằng, trường hợp không hoàn trả thì doanh nghiệp phải chịu mức phạt bằng hai lần giá trị hoàn trả mặt bằng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định tại thời điểm phải hoàn trả.
- Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí từ ngân sách đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu (ngoài hàng rào dự án), như đường giao thông, điện, nước... đến chân hàng rào cho các khu quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao tập trung để thu hút các nhà đầu tư, đồng thời phục vụ dân sinh - kinh tế trong vùng.
Để tiến hành triển khai phương án này, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo cụ thể, chi tiết từng bước để thực hiện việc tích tụ, tập trung đất đai:
- Ủy ban nhân dân tỉnh phân công trách nhiệm cụ thể của từng sở, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc thực hiện việc tích tụ, tập trung đất đai, như: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, ủy ban nhân dân cấp huyện để thực hiện các bước trong quá trình thực hiện tích tụ, tập trung đất đai.
- Cấp huyện, cấp xã đều thành lập ban chỉ đạo và tổ công tác giúp việc để trực tiếp chỉ đạo, phổ biến tuyên truyền và giải quyết các vướng mắc tại cơ sở, báo cáo kịp thời các khó khăn trong quá trình thực hiện lên các sở, ngành có liên quan để tổng hợp báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo giải quyết. Trên cơ sở nghị quyết của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, việc thực hiện tích tụ, tập trung đất đai được đưa vào nghị quyết đối với cấp xã và các chi bộ tại thôn, xóm làm cơ sở để cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện.
Một số kết quả ban đầu với nhiều rào cản cần tháo gỡ
Với chủ trương và cách làm đó, trong giai đoạn thí điểm, trên địa bàn toàn tỉnh đã tích tụ được gần 400ha đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp. Tỉnh đã thu hút được một số doanh nghiệp lớn vào các khu nông nghiệp công nghệ cao và đã cho thuê, cho thuê lại đất nông nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp lớn, như Công ty VinEco - Tập đoàn Vingroup thuê 180,7ha tại khu nông nghiệp xã Nhân Bình, Xuân Khê, huyện Lý Nhân; Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam thuê 21,6ha tại xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân; có 593 hộ dân xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm đã đồng thuận cho Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) thuê 150ha đất để đầu tư trang trại bò sữa tập trung công nghệ cao; và một số doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc tiến hành khảo sát lập dự án đầu tư tại tỉnh.
Qua thực tiễn triển khai, có thể đánh giá kết quả như sau:
Về phía người dân:
Người dân không bị thu hồi đất, người nông dân cho thuê đất vẫn giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi hết thời gian thuê đất, nếu không có nhu cầu cho thuê tiếp, người dân tiếp tục được sử dụng đất. Còn những hộ có nhu cầu sản xuất nông nghiệp vẫn được tiếp tục sản xuất (dồn đổi sang vị trí khác thuận lợi hơn hoặc bằng vị trí đất ban đầu).
Những hộ dân có đất cho thuê nếu có nhu cầu lao động, sản xuất để ổn định đời sống thì được các doanh nghiệp thuê đất ưu tiên và bảo đảm việc làm, có thu nhập cao hơn nhiều lần so với họ tự sản xuất trên mảnh đất của mình.
Về cơ bản, hình thức này được sự đồng thuận cao của người sử dụng đất, phù hợp với nguyện vọng của các hộ dân có đất cho thuê.
Về phía doanh nghiệp:
Dễ dàng tập trung, tích tụ đất đai với quy mô đủ lớn, phù hợp với quy mô doanh nghiệp để thu hút đầu tư trong sản xuất nông nghiệp. Thời gian thuê đất dài, doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất vì hợp đồng thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân đã được ký kết có chứng thực của ủy ban nhân dân cấp xã và chứng kiến của ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất.
Nếu doanh nghiệp chấp nhận về giá thuê đất, thời gian thuê đất, những cam kết với địa phương thì có thể yên tâm đầu tư sản xuất. Đồng thời, doanh nghiệp vừa làm lõi, hạt nhân liên kết với hộ nông dân, nhóm hộ, hợp tác xã nông nghiệp, vừa làm vệ tinh sản xuất nông sản sạch mang lại hiệu quả cho người dân và cho xã hội.
Tuy nhiên, việc tích tụ, tập trung ruộng đất thông qua hình thức này nảy sinh một số rào cản cần tháo gỡ, đó là:
Về cơ sở pháp lý:
Quy định pháp luật đất đai hiện hành chưa có quy định về việc chính quyền (ủy ban nhân dân cấp huyện, ủy ban nhân dân cấp xã) thuê đất nông nghiệp của các hộ nông dân, sau đó cho tổ chức, doanh nghiệp thuê lại để phát triển nông nghiệp tập trung với giá thuê bằng giá thuê đất mà chính quyền đã thuê với các hộ nông dân.
Về hạn mức giao đất nông nghiệp (Điều 129 Luật Đất đai năm 2013) và hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp (Điều 44 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, ngày 15-5-2014, của Chính phủ) gây khó khăn cho quy mô tích tụ ruộng đất. Thực tế, nội dung này qua các lần sửa đổi luật đều theo hướng nới rộng hạn mức nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội.
Luật Ngân sách chưa quy định: Nhà nước ứng trước kinh phí từ ngân sách để trả tiền thuê đất một lần cho người dân, trong khi thu lại tiền thuê đất từ doanh nghiệp lại từ 1 đến 2 lần.
Một vấn đề nữa, hiện chưa có quy định để hệ thống ngân hàng cho doanh nghiệp, cá nhân sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vay vốn chỉ cần có tài sản đã đầu tư trên đất mà không cần phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp để tiếp cận được vốn vay. Đây cũng gây khó khăn cho các nhà đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tiếp cận được nguồn vốn cho sản xuất nông nghiệp.
Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cần quy mô diện tích lớn, trong khi đó diện tích đất nông nghiệp của từng hộ vẫn nhỏ, nên việc tuyên truyền, vận động hàng trăm hộ dân, thậm chí hơn một nghìn hộ dân trong một xã đồng ý cho thuê đất gặp rất nhiều khó khăn. Việc chưa có quy định về chế tài xử lý đối với trường hợp cố tình không thực hiện việc dồn đổi, tích tụ ruộng đất để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dồn đổi, tích tụ ruộng đất nhiều khi gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong quá trình thực hiện.
Về cơ sở kinh tế:
Nhà nước ứng tiền ngân sách trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đất của dân, tức từ 20 - 40 năm. Như vậy, với hình thức này, Nhà nước phải bỏ ngân sách hỗ trợ tiền thuê đất trong khoảng thời gian độ trễ giữa thời gian thuê đất của các hộ dân với thời gian cho doanh nghiệp thuê lại đất.
Ngoài ra, để tiến hành theo mô hình này, chính quyền địa phương cần tiền để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào dự án (hệ thống giao thông, kênh mương, trạm bơm, trạm biến áp). Đây là một nguồn lực không nhỏ, rất khó thực hiện nếu không được xã hội hóa.
Như vậy, qua thực tế triển khai thí điểm tại tỉnh Hà Nam, việc tích tụ, tập trung ruộng đất cho phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đã đạt được một số kết quả khả quan ban đầu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc cần nghiên cứu thấu đáo để có giải pháp tháo gỡ.
(còn nữa)
------------
(1) Bình quân đất nông nghiệp 600 - 650m2/người sản xuất nông nghiệp (đất hai lúa bình quân 360m2/người)
Phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp: Thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất, hướng đến nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn  (19/08/2022)
Quảng Ninh tích cực chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm  (28/07/2022)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay