Thêm “cánh tay nối dài” tăng cường hiệu quả quản lý trật tự xây dựng và quản lý đô thị
TCCS - Năm 2019 ghi nhận kết quả của lực lượng thanh tra xây dựng, đô thị, công tác quản lý trật tự xây dựng có nhiều chuyển biến tích cực, được người dân đánh giá cao. Tất cả các công trình xây dựng được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Tỷ lệ công trình vi phạm giảm, tỷ lệ công trình có giấy phép tăng. Các trường hợp vi phạm được phát hiện, lập hồ sơ chặt chẽ và có đề xuất biện pháp giải quyết dứt điểm. Ý thức chấp hành pháp luật về xây dựng của người dân tăng lên. Phát huy những mặt đạt được, Sở Xây dựng yêu cầu lực lượng thanh tra xây dựng tiếp tục nâng cao năng lực nghiệp vụ, chất lượng chuyên môn, nhất là trong công tác lập hồ sơ, tham mưu, trình cấp có thẩm quyền xử lý, đưa công tác quản lý trật tự xây dựng ngày càng nền nếp, hiệu quả.
Tín hiệu tích cực từ cơ sở
Từ đầu năm 2019 đến nay, quận Ðống Ða phát sinh số lượng công trình xây dựng lớn, nhất là liên quan công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng tuyến đường vành đai II, đoạn qua địa bàn quận. Ðể tăng cường quản lý trật tự xây dựng, tránh phát sinh các công trình siêu mỏng, siêu méo gây mất mỹ quan đô thị, các lực lượng chức năng của quận đã quản lý chặt chẽ công tác cấp phép xây dựng theo thiết kế đô thị đã được phê duyệt. Chủ tịch ủy ban nhân dân (UBND) 21 phường duy trì chế độ giao ban định kỳ về công tác quản lý trật tự xây dựng. Ðội quản lý trật tự xây dựng, đô thị quận tiếp nhận thông báo khởi công, định vị công trình và tăng cường kiểm tra hoạt động xây dựng toàn bộ 250 công trình trên địa bàn, qua đó đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các công trình vi phạm. Sáu tháng đầu năm đã có 11 công trình bị xử phạt vi phạm trật tự xây dựng, trong đó 7 công trình bị phạt hơn 170 triệu đồng, ba công trình buộc khắc phục hậu quả và một công trình áp dụng biện pháp cưỡng chế, khắc phục hậu quả.
Công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quận Hai Bà Trưng thời gian gần đây cũng có chuyển biến tích cực, nhất là sau khi Quận ủy ban hành Nghị quyết số 25-NQ/QU về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý trật tự xây dựng giai đoạn 2019 - 2020 và những năm tiếp theo. Quận ủy yêu cầu UBND các cấp phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể cho các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm trong công tác quản lý trật tự xây dựng, nhất là lãnh đạo UBND quận, lãnh đạo các phòng, ngành liên quan thuộc UBND quận, UBND phường và người đứng đầu UBND phường. Kiên quyết thực hiện kiểm điểm, kỷ luật các tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng mà không xử lý hoặc xử lý không kịp thời, triệt để. Cùng với đó, quận thực hiện công tác tổ chức, luân chuyển cán bộ, xây dựng lực lượng thanh tra trật tự xây dựng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Nhờ đó, tất cả các công trình xây dựng được kiểm soát chặt chẽ và các vi phạm được phát hiện, xử lý ngay khi mới phát sinh.
Năm 2019, vi phạm trật tự xây dựng giảm 2,15% - đây là thông tin được Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra tại hội nghị tổng kết thanh tra, kiểm tra, quản lý trật tự xây dựng đô thị năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020. Theo đó, trong năm 2019, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị đã kiểm tra 19.697 công trình, đạt 100% có hoạt động xây dựng trên địa bàn. Tỷ lệ công trình có phép, miễn phép chiếm 98,4%. Qua đó, phát hiện và thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm đối với 605 trường hợp (chiếm tỷ lệ 3,07%), giảm 2,15% so với cùng kỳ năm 2018.
UBND cấp huyện, cấp xã đã xử lý dứt điểm 293/605 trường hợp (đạt tỷ lệ 78%) và đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 212 trường hợp. Trong năm 2019, UBND cấp huyện, cấp xã cũng đã ban hành 1.128 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, tổng số tiền xử phạt trên 10 tỷ đồng. Đối với hoạt động quản lý nhà nước của Sở Xây dựng, trong năm 2019, Thanh tra Sở Xây dựng cũng đã tổ chức 15 cuộc thanh tra, 147 cuộc kiểm tra chuyên ngành; chủ yếu đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị; các dự án đầu tư thuộc vốn ngân sách của quận, huyện, thị xã. Theo đó, đã phát hiện, ban hành 172 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt 4 tỷ 490 triệu đồng; kiến nghị thu hồi gần 13 tỷ 525 triệu đồng.
Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho biết, việc thí điểm thành lập đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã đã góp phần giúp UBND cấp huyện, cấp xã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý đối với các vi phạm trật tự xây dựng phát sinh trên địa bàn quản lý. Đặc biệt, qua công tác kiểm tra xác minh các công trình vi phạm trật tự xây dựng sau khi có thông tin phản ánh của cơ quan báo thông tấn báo chí, Sở Xây dựng đã đề xuất UBND thành phố chỉ đạo UBND quận, huyện, thị xã xử lý dứt điểm các công trình vi phạm; đồng thời, xem xét trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân có liên quan được giao quản lý trật tự xây dựng tại địa bàn để xảy ra vi phạm.
Trong năm 2020, Thanh tra Sở Xây dựng sẽ tiếp tục đôn đốc, phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng, nhà đất “siêu mỏng, siêu méo”; tăng cường thanh tra, kiểm tra trong hoạt động xây dựng, hạ tầng kỹ thuật đô thị, trong đó tập trung thanh, kiểm tra các dự án phát triển nhà ở, các khu đô thị nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng từ khi mới phát sinh, không để phát sinh các vi phạm nghiêm trọng.
Nhân rộng mô hình thanh tra xây dựng cơ sở
Đối với các trường hợp nhà, đất siêu mỏng siêu méo hình thành sau khi triển khai các dự án giao thông mới từ năm 2013 đến nay tại Hà Nội có tổng số 552 trường hợp. Đến hết ngày 28-2-2019, đã xử lý, giải quyết 510/552 (đạt tỷ lệ 92,39%) đang tiếp tục xử lý, giải quyết đối với 42/552 trường hợp (chiếm 7,61%). UBND thành phố đã chỉ đạo không để xây dựng các nhà “siêu mỏng, siêu méo” trên các ô đất không đủ điều kiện xây dựng, giao UBND các quận tiến hành thu hồi theo quy định. Trong khi đó các dự án mở đường năm 2018 làm phát sinh 21 trường hợp hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng. Như vậy trên địa thành phố Hà Nội còn 168 trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng chưa được giải quyết dứt điểm, trên địa bàn 9 quận, huyện gồm: Ba Đình (58 trường hợp); Bắc Từ Liêm (5); Cầu Giấy (34); Đống Đa (15); Hai Bà Trưng (3); Tây Hồ (39); Thanh Xuân (12); Thanh Trì (1); Hoàng Mai (1). Vấn đề này đang gây nhức nhối trong dư luận và đang được ngành xây dựng Thủ đô xử lý triệt để bằng việc thí điểm đưa thanh tra xây dựng về cơ sở. Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết, qua hơn 1 năm thí điểm đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra xử lý các trường hợp “siêu mỏng, siêu méo”, “đối với 132 trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện về mặt bằng xây dựng tồn đọng nhiều năm trước chưa giải quyết được: Từ tháng 10-2017 đến tháng 4-2018, đã tiếp tục xử lý được 13 trường hợp còn 119 trường hợp. Đến nay, UBND các quận đã xử lý thêm được 14/119 trường hợp, hiện còn 105 trường hợp đang tiếp tục xử lý, giải quyết.
Về kết quả hơn 1 năm tổ chức thí điểm đội quản lý trật tự xây dựng đô thị tại các quận, huyện, thị xã, Sở Xây dựng Hà Nội đã bàn giao 1.393 người cùng toàn bộ tài sản, phương tiện, trụ sở làm việc trên cơ sở hiện trạng của từng đội thanh tra xây dựng (trước đây), đến ngày 8-8-2018, công tác bàn giao đã hoàn thành. Trên cơ sở vật chất đã nhận bàn giao nguyên trạng từ Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện, thị xã đã bố trí trụ sở làm việc riêng, trang bị cơ sở vật chất, tài sản, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đội quản lý trật tự xây dựng đô thị hoạt động theo quy định. các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận, huyện, thị xã đã phát hiện, thiết lập hồ sơ xử lý đối với 486 trường hợp có vi phạm, chiếm tỷ lệ 3,47% (trong đó: 149 trường hợp xây dựng không phép; 170 trường hợp xây dựng sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 5 trường hợp xây dựng công trình gây ảnh hưởng đến công trình lân cận, gây ô nhiễm môi trường; 162 trường hợp có các vi phạm khác). UBND cấp huyện, cấp xã đã xử lý dứt điểm 360 trường hợp vi phạm, chiếm tỷ lệ 74,07% (Trong đó cưỡng chế phá dỡ 54 trường hợp; tự khắc phục 249 trường hợp; hòa giải, bồi thường 2 trường hợp; cấp bổ sung, điều chỉnh giấy phép xây dựng 55 trường hợp); đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 126 trường hợp, chiếm tỷ lệ 25,93%. UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành 1.043 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 8.319.391.000 đồng.
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội đánh giá, việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo của UBND các quận, huyện, thị xã cũng như đội quản lý trật tự xây dựng tại địa bàn theo định kỳ hoặc đột xuất khi có yêu cầu hoặc theo hướng dẫn về cơ bản đã được thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng. Tuy nhiên, còn một số quận, huyện, thị xã chưa thật sự quan tâm, chấp hành chế độ thông tin, báo cáo định kỳ gây khó khăn cho công tác tổng hợp tình hình quản lý trật tự xây dựng của Sở Xây dựng.100% hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố đã được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ. Tỷ lệ công trình có phép tăng; vi phạm đã được phát hiện kịp thời, ngăn chặn hiệu quả và xử lý dứt điểm; các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tiếp tục giảm mạnh trên các tiêu chí: tỷ lệ, số lượng và quy mô phần vi phạm; Hầu hết các vi phạm được xử lý kịp thời nên tỷ lệ vi phạm tồn đọng giảm; các vi phạm cũ đã và đang tiếp tục được xử lý, bảo đảm tính thượng tôn pháp luật; hạn chế phát sinh các vi phạm có quy mô lớn, phức tạp, gây bức xúc dư luận; ý thức chấp hành pháp luật về xây dựng của người dân và doanh nghiệp từng bước được nâng cao. Tuy nhiên, một bộ phận cán bộ, công chức, lao động hợp đồng của các đội còn hạn chế về mặt chuyên môn, nghiệp vụ, chưa có ý thức tự học hỏi, bồi dưỡng, trau dồi kiến thức nên chưa nắm chắc chuyên môn, nghiệp vụ, các văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến còn lúng túng trong công tác kiểm tra, phát hiện, thiết lập hồ sơ, tham mưu, trình cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm.
Ðánh giá sau hơn một năm thực hiện thí điểm đội quản lý trật tự xây dựng, đô thị trực thuộc UBND các quận, huyện, thị xã, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho biết, việc điều chuyển các đội về cấp quận, huyện quản lý giúp lực lượng sâu sát địa bàn, dễ phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm ngay khi mới phát sinh. UBND quận, huyện, thị xã tăng thẩm quyền trong công tác chỉ đạo, điều hành, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong công việc; hạn chế tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Tuy nhiên, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng cho rằng, thẩm quyền xử lý vi phạm trật tự xây dựng của các đội mới chỉ dừng lại ở việc lập biên bản vi phạm, báo cáo và đề xuất biện pháp xử lý đã ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các vi phạm. Nhiều trường hợp xử lý còn chậm trễ. Tình trạng xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, đất công, hành lang an toàn giao thông, đê điều, thủy lợi, nhất là ở các huyện còn diễn biến phức tạp, nhưng công tác thiết lập hồ sơ chưa thống nhất về mẫu biểu, điều khoản áp dụng đối với từng hành vi vi phạm dẫn đến việc lập biên bản vi phạm hành chính để xử lý còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Sau thời gian triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là thực hiện thí điểm đội quản lý trật tự xây dựng, đô thị trực thuộc các quận, huyện, thị xã, công tác quản lý trật tự đô thị tại thành phố Hà Nội có chuyển biến tích cực, từng bước đi vào nền nếp./.
Tăng thu nhân sách hiệu quả nhờ cải cách thủ tục hành chính thuế  (29/12/2019)
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch 2019  (29/12/2019)
Thành phố Hà Nội mạnh tay thu hồi nợ thuế  (28/12/2019)
Thành phố Hà Nội thúc đẩy các dự án đầu tư công  (27/12/2019)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm