Ninh Bình bảo đảm sinh kế cho người dân trong vùng di sản Tràng An
TCCS - Trải qua lịch sử, tỉnh Ninh Bình đã được bồi đắp các giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc. Theo thống kê tỉnh có gần 2.000 di sản văn hóa vật thể, gần 500 di sản văn hóa phi vật thể, đây là tiềm năng và động lực để Ninh Bình xây dựng và phát triển một cách nhanh và bền vững. Tuy nhiên, đối với một bộ phận người dân vốn sinh sống nhiều thế hệ trong vùng lõi di sản thì đây cũng là những thách thức sinh kế khi họ bị giới hạn bởi các quy định bảo vệ di sản. Tìm ra phương cách sinh kế bền vững vừa bảo đảm gìn giữ di sản là trăn trở của lãnh đạo từ tỉnh đến các xã trên địa bàn thời gian qua.
Những tác động tích cực và tiêu cực đến sinh kế người dân
Trong Quần thể danh thắng Tràng An, sự phát triển du lịch những năm qua đã có những tác động tới cuộc sống của người dân vùng di sản, dẫn tới việc phụ thuộc hơn vào ngành dịch vụ và thay đổi sinh kế. Việc phụ thuộc vào tài nguyên du lịch đem lại nhiều thuận lợi nhưng cũng tạo ra không ít khó khăn, thách thức.
Theo kết quả khảo sát, hoạt động du lịch tạo ra những tác động tích cực như mang lại nhiều lợi ích về mặt bảo tồn và phát triển cộng đồng, góp phần bảo vệ các nguồn tài nguyên tự nhiên, văn hóa và lịch sử thông qua sự kết nối, tham gia của người dân trong cộng đồng; người dân biết rõ hơn về lịch sử và truyền thống góp phần tạo dựng niềm tự hào, giá trị văn hóa địa phương và nâng cao chất lượng cuộc sống của chính họ; du lịch đã giúp biến đổi sinh kế qua đa dạng hóa các ngành nghề. Trước đây, người dân sinh sống trong khu vực di sản Quần thể danh thắng Tràng An chỉ quen với nghề làm nông nghiệp, chăn nuôi, nghề thủ công, thì nay, hoạt động du lịch đã hình thành nhiều ngành, nghề mới, như kinh doanh lưu trú, nhà hàng ăn uống, chèo thuyền phục vụ du khách, chụp ảnh, hướng dẫn viên tại các điểm du lịch, bán hàng, dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch trang trại, vận chuyển khách… Sự thay đổi này làm thay đổi cơ cấu lao động theo hướng hợp lý hơn, người lao động có cơ hội tìm việc làm và có thu nhập cao hơn trước; nguồn lực con người thay đổi theo chiều hướng tích cực, thế hệ trẻ được định hướng giáo dục, định hướng nghề nghiệp gắn với các ngành dịch vụ (trước đây chỉ đơn thuần nông nghiệp); người dân vùng di sản Tràng An được hưởng một một hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là giao thông, đường điện, nước, thông tin liên lạc, được hưởng lợi khi giá đất tăng, tài sản cũng tăng do được nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng của Nhà nước; chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, hoạt động của Khu di sản cũng có những tác động tiêu cực đến cư dân. Việc quy hoạch và xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An làm nguồn lực đất đai, đặc biệt là đất nông nghiệp bị thu hẹp, sinh kế cũ của đa số các hộ nông dân làm nông nghiệp bị ảnh hưởng khiến họ phải tìm kiếm sinh kế mới, trong khi các ngành nghề mới từ hoạt động du lịch đòi hỏi nhiều kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, và đối tượng này lại chưa được hỗ trợ tập huấn lao động chuyển đổi ngành nghề kịp thời; phát triển du lịch kéo theo sự du nhập văn hóa ngoại lai, làm lấn át hoặc mất đi bản sắc văn hóa địa phương thể hiện trong ngôn ngữ, trang phục, tập quán, kiến trúc, phương thức canh tác, cách thức tổ chức sinh hoạt cộng đồng, làm thay đổi lối sống truyền thống, phá vỡ cấu trúc gia đình truyền thống… làm nhạt phai phần nào bản sắc văn hóa trong khi đây chính là các di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn, gìn giữ.
Theo thống kê, hoạt động chèo đò trong các vùng lõi di sản có khoảng 4.580 người, trong đó xã Trường Yên 1.000 người, Ninh Xuân 480 người và Ninh Hải 3.100 người. Thu nhập bình quân của người chèo đò từ 3,5 triệu - 5 triệu đồng/tháng, mùa lễ hội có thể lên tới trên 10 triệu đồng/tháng. Hoạt động hướng dẫn du lịch là một nghề mới với khoảng 70 người, có trình độ từ trung cấp và cao đẳng, được Sở Du lịch Ninh Bình bồi dưỡng nghiệp vụ và cấp thẻ hướng dẫn viên tại điểm. Hiện Ninh Bình có khoảng 293 cơ sở lưu trú đã đi vào hoạt động, kéo theo là sự phát triển các hoạt động nghề nghiệp mới như lễ tân, phục vụ buồng, bảo vệ... với khoảng 1.500 lao động. Hiện có 57 cơ sở kinh doanh bán hàng lưu niệm, đồ uống và cho thuê xe đạp, xe máy; khoảng 220 người làm bảo vệ tại 6 khu du lịch chính, thu nhập bình quân từ 4 triệu - 6 triệu đồng/tháng… Đây là những đối tượng đang rất cần được tỉnh quan tâm, hỗ trợ, định hướng sinh kế bền vững để họ có nguồn thu nhập ổn định, từ đó tâm huyết với di sản, sống cùng và bảo vệ di sản.
Mặc dù là địa phương có sức hút lớn đối với khách du lịch, nhưng thực tế qua đại dịch COVID-19 cho thấy, khó tránh được những tình huống bất thường xảy ra tác động trực tiếp đến thu nhập của người dân vùng di sản. Theo Cục Thống kê tỉnh Ninh Bình, tổng số khách du lịch đến tỉnh Ninh Bình năm 2020 đạt 2,6 triệu lượt, chỉ bằng 34,3% so với năm 2019, trong đó khách nội địa 2,4 triệu lượt, chỉ bằng 36% năm 2019, khách quốc tế chỉ đạt 196.000 lượt, chỉ bằng 21,4% năm 2019. Lượng khách, doanh thu sụt giảm sâu, nhiều cơ sở kinh doanh du lịch đóng cửa, nhân viên ngành du lịch mất việc làm, người dân vùng di sản không có thu nhập từ du lịch, các hộ sản xuất các sản phẩm du lịch thủ công, các làng nghề gặp khó khăn đầu ra do sụt giảm nhu cầu thị trường, do yếu tố kiểm dịch, vận chuyển hạn chế, nhiều người đã dịch chuyển sinh kế sang các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh và các vùng lân cận. Điều này trước mắt hỗ trợ được người dân và chính quyền địa phương, nhưng về lâu dài khi ngành du lịch phục hồi thì phải giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực tại chỗ, đặc biệt là làm mất đi những “minh chứng sống” về đời sống cư dân vùng di sản.
Bên cạnh đó, tính chất mùa vụ du lịch cũng là mối đe dọa lớn đến sinh kế cộng đồng, khi thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào hoạt động du lịch. Khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 là mùa du lịch lễ hội, du lịch tâm linh, di sản Tràng An đón lượng khách rất đông, nhưng từ tháng 5 đến tháng 12 là khoảng thời gian lượng khách rất thấp, ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân trong vùng di sản, nhiều người phải ngừng hoạt động kinh doanh lưu trú, bán hàng, chèo thuyền để tìm kiếm những công việc khác, như đi làm xây dựng, làm trong các khu công nghiệp, làm nông nghiệp kết hợp với nghề phụ (thêu ren, đan lát...). Việc tập trung khách du lịch quá đông vào một khoảng thời gian nhất định cũng gây ảnh hưởng đến hạ tầng, cơ sở vật chất (giao thông, điện, nước, thương nghiệp...), tác động trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của cư dân, gây khó khăn cho công tác quản lý an ninh, trật tự, môi trường... ảnh hưởng đến chất lượng các dịch vụ…
Kiến nghị chính sách phát triển du lịch bền vững, bảo đảm sinh kế cho người dân trong vùng di sản
Một là, hoàn thiện các chính sách trên cơ sở nhận thức rõ tiềm năng, lợi thế về du lịch, từ đó ban hành các chính sách phát triển du lịch bền vững, bảo đảm sinh kế người dân trong vùng di sản. Xây dựng Kế hoạch quản lý di sản theo khuyến nghị của Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), giải quyết tốt các vấn đề về phát triển du lịch bền vững, bảo đảm sự tham gia của cộng đồng địa phương (trong đó, chủ trương khuyến khích phát triển các loại hình du lịch sinh thái bền vững, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch dựa vào cộng đồng, như chèo thuyền, đi xe đạp,…).
Hai là, các ngành, các cấp tập trung khôi phục, phát triển các ngành, nghề thủ công mỹ nghệ, phục dựng làn điệu dân ca, dân vũ, lễ hội truyền thống của cư dân trong vùng di sản, góp phần bảo tồn, làm phong phú thêm sản phẩm và văn hóa phục vụ du khách; đa dạng hóa công tác tuyên truyền quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế về di sản.
Ba là, xây dựng chính sách để Quần thể danh thắng Tràng An là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là các chính sách đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đồng thời với bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân địa phương. Cụ thể: xây dựng chính sách, cơ chế khôi phục, bảo tồn các giá trị văn hóa sinh kế truyền thống, nghề truyền thống của cư dân địa phương; xây dựng chính sách phát triển các loại hình du lịch dựa vào cộng đồng, khai thác giá trị văn hóa để tạo văn hóa sinh kế bền vững cho người dân địa phương; xây dựng chính sách bảo vệ môi trường trong khu di sản…
Tuy nhiên, các chính sách thúc đẩy sinh kế cho người dân vùng di sản cũng luôn cần tuân thủ nghiêm các quy định chặt chẽ của UNESCO, của quốc gia, trên tinh thần tôn trọng tối đa các giá trị nổi bật toàn cầu, tính nguyên vẹn, chân xác của di sản. Và một nguyên tắc bất di bất dịch, là trụ cột chính, quan trọng trong thúc đẩy sinh kế cho người dân vùng di sản là mọi hoạt động du lịch - thương mại liên quan đến di sản đều phải được xây dựng dựa trên người dân, cộng đồng vùng di sản, coi người dân là chủ thể, đối tượng và họ phải được thụ hưởng công bằng các lợi ích từ di sản. Chỉ khi nào người dân được hưởng lợi từ di sản, là chủ thể cùng tham gia vào các hoạt động bảo tồn, khai thác, trở thành một phần của di sản thì họ mới gắn bó máu thịt với công cuộc bảo vệ và phát huy giá trị di sản bền vững./.
- Quan điểm của các nhà sáng lập chủ nghĩa Mác - Lê-nin về quần chúng nhân dân với tư cách động lực của phát triển lịch sử và sự vận dụng của Đảng Cộng sản Việt Nam
- Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới
- Địa - chiến lược và giá trị địa - chiến lược của Việt Nam trong bối cảnh mới
- Giáo dục thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, phát huy giá trị lịch sử của chiến thắng 30-4-1975 để xây dựng đất nước giàu mạnh, phát triển
- Ý chí Việt Nam từ Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đến vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển