Phát triển công nghiệp công nghệ cao thân thiện môi trường tại Ninh Bình: Một số vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay
TCCS - Trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu diễn ra nhanh chóng, phát triển công nghiệp xanh trở thành một xu hướng toàn cầu. Là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp, ưu tiên công nghiệp xanh không chỉ giúp tỉnh Ninh Bình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn góp phần giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường, hướng đến sự phát triển bền vững.
Ninh Bình đổi mới thu hút đầu tư, hướng tới phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch
Ngày 17-3-2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 35/2004/ QĐ-TTg thành lập Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình, chính thức đặt nền móng cho các hoạt động sản xuất công nghiệp một cách bài bản trên địa bàn. Vai trò quản lý nhà nước đối với các khu công nghiệp được xác lập, các khu công nghiệp mở ra, thổi luồng gió mới trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Trong quá trình hình thành và đi vào hoạt động của các khu công nghiệp, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn nỗ lực và tạo mọi điều kiện thuận lợi để sản xuất công nghiệp phát triển vượt trội, đồng thời tích cực cải thiện môi trường thu hút đầu tư.
Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Bình, năm 2004 địa phương mới có 1 khu công nghiệp, đến hết năm 2023, con số ấy đã tăng lên thành 7 khu công nghiệp, với tổng diện tích 1.472 ha. Trong đó, 5 khu công nghiệp đã được thành lập, đi vào hoạt động ổn định, đó là khu công nghiệp Khánh Phú, Gián Khẩu, Tam Điệp I, Phúc Sơn, Khánh Cư, với tổng diện tích đất quy hoạch là trên 847 ha; đất công nghiệp có thể cho thuê là gần 700 ha.
Ngày 20-3-2024, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 169/QĐ-UBND phê duyệt chương trình xúc tiến đầu tư năm 2024. Theo đó, định hướng tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, hiện đại, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đóng góp lớn cho ngân sách, ít thâm dụng lao động, sử dụng tiết kiệm đất, hiệu quả đầu tư cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
Trong lĩnh vực công nghiệp: thu hút dự án công nghiệp chế biến, chế tạo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi xanh, năng lượng xanh, có giá trị gia tăng lớn, công nghệ sạch và sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu; ưu tiên phát triển dự án công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực và thế mạnh của tỉnh Ninh Bình và khu vực như dự án công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô-tô, công nghiệp điện tử…
Trong xu hướng phát triển bền vững và tăng cường bảo vệ môi trường, tỉnh Ninh Bình xác định rõ định hướng phát triển công nghiệp xanh là một trong những trọng tâm chiến lược. Đây không chỉ là lựa chọn mang tính cấp bách để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, mà còn là cơ hội để tỉnh tạo ra giá trị kinh tế lâu dài và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Ngày 16-09-2021, UBND tỉnh Ninh Bình ban hành Quyết định số 1021/QĐ-UBND về kế hoạch hành động ứng phó biến đổi khí hậu tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2020 tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch được ban hành với mục tiêu nâng cao tính chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu của các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh; góp phần thực hiện mục tiêu Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu và Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung lồng ghép yếu tố biến đổi khí hậu trong chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành, địa phương trong tỉnh.
Mục tiêu đến năm 2050, tỉnh Ninh Bình chủ động trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu; sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn nhiên liệu hóa thạch, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mới là hướng chủ đạo; chất lượng môi trường sống, cân bằng sinh thái được bảo đảm; nền kinh tế xanh, xã hội hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.
Để đạt được mục tiêu đó, tỉnh luôn khuyến khích các dự án đầu tư mới và các dự án đã đầu tư chuyển đổi, áp dụng các công nghệ, quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ ít phát thải khí nhà kính và tham gia vào các cơ chế, phương thức hợp tác về giảm phát thải khí nhà kính, phù hợp với quy định của pháp luật và với điều kiện, hoạt động của mình.
Tỉnh Ninh Bình xác định tập trung thu hút đầu tư các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghiệp phụ trợ và các dự án có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Trên cơ sở đó, tỉnh Ninh Bình chuẩn bị tốt các điều kiện và thực hiện đa dạng hình thức xúc tiến đầu tư. Nhờ đó, thời gian qua thu hút đầu tư của tỉnh Ninh Bình đã có những đổi mới theo hướng thực chất và có chọn lọc hơn.
Đối với các quá trình phát triển công nghiệp và sử dụng sản phẩm công nghiệp, Ninh Bình đưa ra giải pháp áp dụng sản xuất sạch hơn để tiết kiệm hóa chất, năng lượng, nước sạch và giảm thiểu chất thải cho tất cả các ngành sản xuất công nghiệp; ưu tiên giảm phát thải khí nhà kính trong ngành thép và xi-măng. Thực hiện các giải pháp tận dụng tro bay, nghiền xỉ lò thổi, nghiền puzzolana và nghiền đá vôi thay thế, giảm tỷ lệ clinker trong sản xuất xi-măng. Ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất vật liệu xây dựng, thay than đá bằng khí tự nhiên trong sản xuất gạch ốp lát, sử dụng vật liệu thay thế trong sản xuất kính. Giảm dần sử dụng các môi chất lạnh hydro - cloro - fluoro - carbon (HCFC) và Hydro - fluoro - carbon (HFC) trong chuỗi lạnh, hệ thống lạnh và điều hòa không khí; nâng cao hiệu quả làm lạnh, giảm nhu cầu làm mát và tiêu hao môi chất lạnh thông qua các giải pháp thiết kế và làm mát thụ động. Tỉnh cũng tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch phát triển giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với các mục tiêu Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, tương thích với điều kiện thực tiễn của địa phương; khuyến khích các ngành công nghiệp công nghệ cao, sử dụng năng lượng ít phát thải các - bon.
Trong quá trình thực hiện chuyển đổi, phát triển công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường thì bên cạnh những kết quả đã đạt được tỉnh Ninh Bình vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn và hạn chế như sau:
Thứ nhất, cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển các khu, cụm công nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành có nhiều thay đổi, chậm được ban hành, đã gây ra những lúng túng nhất định cho các cơ quan quản lý nhà nước của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện.
Thứ hai, các doanh nghiệp mặc dù đã sản xuất sản phẩm công nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường, nhưng việc áp dụng các máy móc, thiết bị tiên tiến trong quá trình sản xuất còn hạn chế. Đó là chưa kể, sản xuất công nghiệp của tỉnh còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước trong tham gia chuỗi giá trị, chuyển giao công nghệ còn hạn chế, việc tiếp cận và chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài chưa thực sự hiệu quả.
Định hướng giải pháp cho phát triển công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường
Trong thời gian tới, để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ cao thân thiện với môi trường, tỉnh Ninh Bình cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, nghiên cứu xây dựng các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, giảm phát thải cac-bon, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên; sử dụng các nguyên liệu, nhiên liệu và vật liệu thân thiện với môi trường.
Hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển theo mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tiết kiệm tài nguyên; quan tâm xúc tiến dự án đầu tư có tính thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh. Xây dựng chuỗi cung ứng xanh, từ nguồn nguyên vật liệu đến phân phối. Áp dụng các tiêu chuẩn, nhãn sinh thái và chứng nhận môi trường và thúc đẩy thương mại điện tử và logistics xanh.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phổ biến, áp dụng các mô hình, tiêu chuẩn kỹ thuật về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Song song với đó, tỉnh chủ động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó chú trọng việc phổ biến, tuyên truyền văn bản pháp luật trong phạm vi ngành công nghiệp và các văn bản pháp luật có liên quan, đặc biệt là về đầu tư và ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư, quy hoạch và định hướng quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh để giúp các doanh nghiệp nắm bắt thông tin thuận lợi. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ cho hoạt động của doanh nghiệp, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp, tiếp nhận ý kiến của doanh nghiệp về hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật.
Ba là, tăng cường công tác quản lý nhà nước về quy hoạch các khu, cụm công nghiệp; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành, thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện quy hoạch; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trong quản lý sau cấp giấy phép đầu tư đối với các thành phần kinh tế. Kiểm kê và đánh giá lượng khí thải các-bon trên địa bàn; tận dụng cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp khi thực hiện các cam kết tuân thủ những tiêu chuẩn xanh, tập trung vào quản lý rủi ro và bảo vệ đầu ra của quá trình sản xuất trong quá trình chuyển đổi.
Bốn là, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện theo đúng Luật Bảo vệ môi trường; xây dựng hệ thống quản lý môi trường cho các khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ để xử lý triệt để ô nhiễm môi trường hoặc di dời vào khu, cụm công nghiệp.
Định kỳ quan trắc, phân tích thành phần các chất thải độc hại; hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư vốn, bố trí nhân lực cho công tác quan trắc, thanh tra và quản lý môi trường. Ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có công nghệ sản xuất hiện đại, công nghệ cao, không hoặc ít gây ô nhiễm môi trường, công nghệ sản xuất sạch hơn, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng. Không phê duyệt, cấp phép xây dựng cho các dự án đầu tư và triển khai xây dựng khi chưa có đánh giá tác động môi trường. Thực hiện nghiêm quy định về lập và thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, thông qua thẩm định báo cáo này, để phân loại các dự án đầu tư, hạn chế cấp phép đối với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Năm là, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả giải quyết các thủ tục hành chính. Thường xuyên rà soát thủ tục hành chính của từng sở, ngành, địa phương và công bố công khai các thủ tục, nơi giải quyết thủ tục hành chính của từng cơ quan, để các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và thực hiện. Cùng với đó, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công trong giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư; tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử cho cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông của các sở, ngành và địa phương nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho nhà đầu tư và doanh nghiệp./.
Huyện Kim Sơn phát huy vai trò của đồng bào các tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới  (16/11/2024)
Mô hình phát triển du lịch xanh tỉnh Ninh Bình  (15/11/2024)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm