Phát huy vai trò của các tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới tại thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình

Tạ Thị Thanh Hà
Trường Đại học Phương Đông
09:57, ngày 28-11-2024

TCCS - Đồng hành, gắn bó cùng sự phát triển của địa phương, các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng, các chức sắc, tín đồ trên địa bàn thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình luôn tích cực tham gia có hiệu quả phong trào xây dựng nông thôn mới, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống. Với tinh thần “tốt đời, đẹp đạo”, các tổ chức tôn giáo đã tích cực tham gia vào nhiều phong trào, như xây dựng kết cấu hạ tầng, bảo vệ cảnh quan môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Phật giáo, Công giáo đồng hành cùng sự phát triển của địa phương

Tam Điệp là thành phố miền núi của tỉnh Ninh Bình, là cửa ngõ nối đồng bằng Bắc Bộ với các tỉnh ven biển miền Trung, là một trong ba vùng kinh tế trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình. Thành phố Tam Điệp còn là một địa danh cổ, có nhiều di chỉ khảo cổ học và cũng là vùng đất có vị trí quan trọng về quân sự qua các thời kỳ lịch sử của đất nước.

Thành phố Tam Điệp hiện có 2 tôn giáo, đó là Công giáo và Phật giáo; trong đó có 1 Giáo xứ và 8 giáo họ với gần 2.300 giáo dân, 8 chùa với gần 20.000 tín đồ phật tử. Thời gian qua, công tác tôn giáo trên địa bàn thành phố luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sát sao từ cấp ủy và chính quyền, được triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, trách nhiệm, đúng quy định pháp luật. Nhờ đó, đã tạo được sự đồng thuận cao từ các chức sắc, tín đồ, phật tử cũng như quần chúng nhân dân. Các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo diễn ra ổn định, hài hòa, tuân thủ nghiêm ngặt pháp luật và bảo đảm tính trang nghiêm trong nghi lễ. Công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng tiếp tục được củng cố và nâng cao hiệu quả. Nhờ vậy, tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội trong cộng đồng nhân dân, đặc biệt là tín đồ các tôn giáo được giữ vững và phát triển. Các chức sắc, nhà tu hành, cùng tín đồ các tôn giáo luôn thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, hòa ái và niềm tin vào sự lãnh đạo của chính quyền. Đồng thời tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, vận động nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, cũng như các hoạt động từ thiện và nhân đạo. Phát huy truyền thống tốt đẹp, nhân văn, các tôn giáo đã không ngừng vận động các tín đồ tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong xây dựng và phát triển nông thôn mới.

Giai đoạn 2017 - 2022, thực hiện phong trào thi đua “Người công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, đồng bào công giáo trên địa bàn thành phố đã tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng “Xứ họ đạo tiên tiến, gia đình Công giáo gương mẫu”; các mô hình được tham gia hiệu quả như mô hình “Vận động đồng bào có đạo và nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”; hưởng ứng, tham gia hiệu quả vào các hoạt động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, Giáo xứ Tam Điệp có 8/8 giáo họ có các hộ gia đình kinh doanh dịch vụ, với 1.000 lao động, thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng, góp phần nâng cao đời sống vật chất cho các hộ gia đình. Quá trình xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất, tháo dỡ tường rào, chặt bỏ cây xanh, đồng thời đóng góp ngày công lao động và kinh phí để xây dựng hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng, góp phần quan trọng vào việc cải thiện hạ tầng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đến nay, 100% các hộ gia đình người công giáo được sử dụng nước sạch, tham gia bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, các giáo họ cũng tích cực tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng cộng đồng dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh, hướng đến đô thị văn minh. Đối với các hoạt động thiện nguyện, ban chấp hành các giáo họ đã vận động các nhà hảo tâm thăm và tặng quà cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình giáo dân có hoàn cảnh khó khăn gần 400 suất quà trị giá trên 100 triệu đồng, đồng bào công giáo thành phố đã đóng góp ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lụt, xây dựng đô thị văn minh. Những kết quả đạt được đã góp phần tích cực vào thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của thành phố, đặc biệt đóng góp lớn vào việc hoàn thành các tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại thành phố Tam Điệp.

Phát huy truyền thống phụng đạo, yêu nước, hộ quốc, an dân của Phật giáo, trong những năm qua, các chư tăng và tín đồ phật tử tại thành phố Tam Điệp luôn nêu cao tinh thần chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia hiệu quả các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng chùa tinh tiến về an ninh trật tự” cũng như các phong trào thi đua yêu nước, công tác từ thiện xã hội ở địa phương với tổng giá trị khoảng 15 tỷ đồng, góp phần cùng các cấp, ngành thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Tham gia phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, Phật giáo thành phố Tam Điệp đã phối hợp cùng chính quyền địa phương vận động nhân dân hiến đất, đóng góp kinh phí, ngày công để xây dựng đường giao thông nông thôn, cải tạo kênh mương và phát triển hạ tầng cơ sở. Nhiều gia đình phật tử đã gương mẫu đi đầu trong việc tháo dỡ tường rào, hiến đất mở rộng đường, tạo điều kiện thuận lợi. Trong thời gian tới, Phật giáo thành phố Tam Điệp tiếp tục kêu gọi, vận động toàn thể tăng ni và phật tử trên địa bàn phát huy truyền thống yêu nước, cống hiến vì đạo pháp và dân tộc, chung tay xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần phát triển thành phố Tam Điệp ngày càng giàu mạnh.

Với những kết quả đạt được, cùng với sự đóng góp, đồng hành của các tôn giáo, năm 2017 thành phố Tam Điệp đã được Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới với diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, tổng số gia đình có nhà đạt chuẩn theo quy định đạt 96,67%, không còn nhà tạm, nhà dột nát; nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao gần 200 triệu đồng/ha/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn cũng giảm đáng kể, chỉ còn 1,68%. Từ khi được công nhận nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Tam Điệp đã tiếp tục nỗ lực để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Đồng thời, tích cực thúc đẩy xây dựng nông thôn mới nâng cao, kết hợp với định hướng phát triển đô thị bền vững trong giai đoạn sắp tới.

Tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố Tam Điệp trong đoàn kết tôn giáo góp sức xây dựng nông thôn mới

Với vai trò là cầu nối giữa chính quyền và các tổ chức tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố Tam Điệp đã phối hợp chặt chẽ với các chức sắc, tín đồ để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các phong trào xây dựng nông thôn mới, thi đua yêu nước, bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống văn hóa. Thông qua các chương trình cụ thể, Mặt trận Tổ quốc thành phố phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng giữa các tôn giáo, góp phần quan trọng vào việc phát triển hạ tầng, giảm nghèo bền vững và nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần ở khu vực nông thôn.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã thể hiện rõ vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân thông qua các hoạt động giám sát, đánh giá việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Mặt trận đã tích cực đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản, quy trình, và trình tự công nhận, đánh giá kết quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới trước khi ban hành. Đặc biệt, việc tổ chức lấy ý kiến phản hồi từ người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới đã góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm của mặt trận trong hệ thống chính trị, đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Với phương châm hướng về cơ sở, gắn bó mật thiết với nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động. Công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực vào các phong trào, đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu trong Chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời duy trì ổn định an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố đã vận động nhân dân, đồng bào có đạo trên địa bàn huyện làm mới 3.557m đường giao thông; mở rộng trên 2.000m2 lề đường giao thông thôn, xóm; làm mới và nâng cấp 1.200m đường giao thông nội đồng; xây mới trên 1.500m tường bao... với tổng trị giá trên 10 tỷ đồng (trong đó, nhân dân đã tự nguyện hiến hơn 10.000m2 đất ở, đất vườn, vật kiến trúc và đóng góp hơn 3.700 ngày công lao động, trị giá trên 25 tỷ đồng). Đến nay, 100% khu dân cư có nhà văn hóa và điểm sinh hoạt cộng đồng, 97,5% khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa, 95,45% hộ gia đình đạt gia đình văn hóa. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc các cấp thành phố đã triển khai xây dựng 9 mô hình bảo vệ môi trường và tổ chức 75 hội nghị tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đồng thời vận động nhân dân tích cực tham gia công tác bảo đảm an ninh trật tự và an toàn giao thông. Các mô hình, tổ, nhóm về an ninh trật tự tại các khu dân cư đã được duy trì hiệu quả, với tổng số 97 mô hình hoạt động. Nhiều mô hình mới đã tạo ra hiệu ứng tích cực, như mô hình điểm “Vận động đồng bào có đạo và nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội” và mô hình “Vận động chức sắc, chức việc các tôn giáo chung tay xây dựng ngôi nhà ấm tình đoàn kết lương giáo”, góp phần làm phong phú thêm các hoạt động cộng đồng và gắn kết các tôn giáo trong công cuộc xây dựng nông thôn mới, thực hiện nếp sống văn minh trong các nghi thức cưới hỏi, tang lễ và lễ hội, góp phần xây dựng cộng đồng văn hóa, tiến bộ và đoàn kết.

Trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc các cấp thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, đồng bào có đạo trong giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới, trên cơ sở thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, triển khai cụ thể các quan điểm, đường lối và chính sách của Đảng, Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, bảo đảm sự hài hòa giữa các lợi ích của các giai cấp, tầng lớp trong xã hội, đồng thời gắn kết lợi ích chung với trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi công dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Thứ hai, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc bằng cách phát huy dân chủ, đồng thời giữ vững kỷ luật và kỷ cương trong mọi mặt của đời sống xã hội. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố và các tổ chức thành viên phải đóng vai trò là “cầu nối” quan trọng giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, đồng bào có đạo, tạo sự tin tưởng để nhân dân chủ động phản ánh, góp ý và tham gia vào các vấn đề của địa phương.

Thứ ba, tiếp tục tăng cường vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố cùng các tổ chức đoàn thể, dựa trên việc thực hiện hiệu quả mối quan hệ phối hợp giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và giám sát xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể nhằm tạo ra sự đồng thuận, nhất trí cao trong xã hội, nhân dân và đồng báo có đạo nhằm góp phần ổn định tình hình và thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Thứ tư, tích cực vận động và đoàn kết đồng bào các tôn giáo tham gia tích cực vào việc triển khai và thực hiện hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong giữ vững các tiêu chí nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Chú trọng xây dựng mối quan hệ gắn bó, hòa hợp, đồng thời củng cố niềm tin của chức sắc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo đối với sự lãnh đạo Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước.

Thứ năm, cần có các hình thức khen thưởng, biểu dương và động viên đối với các tổ chức, cá nhân tôn giáo có đóng góp tích cực trong việc tham gia các phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động do Mặt trận, chính quyền các cấp phát động. Đồng thời, cần có những biện pháp phù hợp để nhân rộng các mô hình điểm, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong của đồng bào có đạo tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, qua đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.