Thị xã La Gi phấn đấu trở thành thành phố thứ 2 của tỉnh Bình Thuận vào năm 2030
TCCS - Thị xã La Gi nằm ở phía Tây Nam tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết 63 km, cách Thành phố Hồ Chí Minh 150km về phía Tây và cách thành phố Vũng Tàu 90km về phía Tây Nam. Ngày 5-9-2005, thị xã La Gi được thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Hàm Tân theo Nghị định số 114 của Chính phủ. Sau gần 13 năm phát triển, ngày 17-1-2018, Thị xã La Gi được công nhận là đô thị loại III. Từ khi thành lập thị xã cho đến nay, 15 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã trên luôn đoàn kết, đổi mới, dân chủ, sáng tạo, trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao, phấn đấu xây dựng La Gi trở thành đô thị thương mại - dịch vụ - du lịch và là đô thị hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng phía nam của tỉnh Bình Thuận.
Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, các chỉ tiêu chủ yếu trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội cơ bản đảm bảo tiến độ Nghị quyết đề ra. Kinh tế thị xã phát triển tương đối ổn định, tổng thu ngân sách nhà nước tăng hằng năm đạt hơn 12%/năm. Trong đó, thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp, xây dựng được xác định là khâu đột phá để phát triển kinh tế. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu tăng khá, đạt hơn 177 triệu USD. Hoạt động sản xuất công nghiệp ổn định, doanh thu đạt 1.829 tỷ đồng, tăng 4,35% so cùng kỳ. Sản lượng khai thác hải sản bình quân đạt 62.990 tấn/năm. Doanh thu du lịch năm 2023 đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch của thị xã tiếp tục phát triển, hạ tầng thương mại dần hoàn thiện. Các dịch vụ phục vụ nhu cầu đời sống sinh hoạt của nhân dân phát triển khá nhanh và đa dạng. Các dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn pháp lý, bất động sản, xây dựng… ngày càng tăng về số lượng và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Thị xã La Gi có 28km chiều dài bờ biển, có 2 cửa biển lớn là cửa sông Dinh và cửa sông Phan. Nơi đây có nhiều thắng cảnh, như đồi Dương, bãi Dương Cam Bình, ngảnh Tam Tân, hòn Bà, dinh Thầy Thím. Cảng La Gi là một trong những cảng cá biển vào loại lớn nhất tỉnh Bình Thuận và khu vực. Vì vậy, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Hiện nay, La Gi trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, khách du lịch trong và ngoài nước với các loại hình du lịch văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển với các sản phẩm dịch vụ du lịch mới và hấp dẫn.
Chính quyền các cấp thị xã đã và đang nỗ lực phối hợp và thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Thực hiện giải ngân các nguồn vốn đầu tư, huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của thị xã. Do đó mà trong những năm qua, hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở thị xã La Gi có chuyển biến, thu hút nhiều nhà đầu tư tìm đến với vùng đất này. Đến nay, trên địa bàn thị xã đã hình thành 4 cụm công nghiệp gồm: La Gi, Tân Bình 1, 2 và 3 với tổng diện tích 180ha. Đồng thời quan tâm phát triển một số ngành, nghề thế mạnh để giải quyết tốt nhu cầu lao động tại địa phương, như chế biến thủy sản, sản xuất nước mắm, gia công hàng may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất nhôm kính.
Ngành nông nghiệp của thị xã thực hiện cơ cấu lại theo hướng ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao giá trị gia tăng. Kể từ sau khi chia tách địa giới hành chính, diện tích sản xuất nông nghiệp của thị xã bị thu hẹp lại, tuy nhiên, với sự định hướng của các ngành chức năng và sự năng động, nhanh nhạy của bà con nông dân, cơ cấu cây trồng được chuyển đổi phù hợp theo hướng nông nghiệp sạch, nâng cao giá trị sản phẩm nông sản. Trên một số vùng đất khô cằn, không thuận về nguồn nước tưới của những năm về trước, đến nay đã tạo được thế đứng ổn định cho các loại cây ăn trái, như thanh long, xoài, dừa, mãng cầu…
Thực hiện chủ trương phát triển đồng bộ ngành thủy sản, khai thác chế biến với bảo vệ nguồn lợi tài nguyên môi trường, những năm qua, kinh tế thủy sản La Gi ngày càng phát triển theo hướng toàn diện, bền vững. Công tác tuyên truyền và các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản được thực hiện kịp thời. Vì vậy, sản lượng và giá trị sản xuất thủy sản được nâng lên, không xảy ra trường hợp tàu cá, ngư dân vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Thị xã đã thành lập, củng cố và duy trì 79 tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển, với 884 thuyền tham gia và 2 nghiệp đoàn nghề cá, với 30 tàu/301 đoàn viên. Ngư dân La Gi vững tin bám biển, khai thác có hiệu quả và tận dụng lợi thế tiềm năng mà thiên nhiên ưu đãi để làm giàu từ biển.
Công tác cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số, Đề án 06 được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Thị xã thực hiện đồng bộ việc lập, điều chỉnh, bổ sung các loại quy hoạch, quản lý, triển khai các quy hoạch. Tập trung chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản, bảo vệ môi trường. La Gi đặc biệt chú trọng thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng đồng bộ và ngày càng hiện đại. Việc tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng theo tiêu chí đề ra đã góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị, nâng chất lượng cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế xã hội tương xứng với vị thế của thị xã. Hiện nay, các khu đô thị mới Phước Hội, khu đô thị mới Tân Thiện, Khu đô thị mới Đông Tân Thiện, Tây Tân thiện đang được đầu tư theo quy hoạch, với kỳ vọng tạo diện mạo mới cho bộ mặt, cảnh quan của đô thị hạt nhân vùng kinh tế phía tây nam của tỉnh Bình Thuận.
Cùng với phát triển kinh tế, các chủ trương chính sách đầu tư cho sự nghiệp giáo dục được triển khai thực hiện. Nhờ đó, quy mô, chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục hằng năm của La Gi đều được nâng lên, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, nhất là ở vùng biển, nông thôn. Sức khỏe nhân dân địa phương ngày càng được chăm sóc tốt hơn. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và hoàn thiện. 100% số xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế, đáp ứng tốt yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân từ trung tâm cho đến các vùng xa. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tiếp tục phát triển và từng bước được xã hội hóa với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.
Quy hoạch tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1701/QĐ-TTg, ngày 27-12-2023 xác định, đến năm 2030, thị xã La Gi phấn đấu trở thành thành phố La Gi. Theo đó, thị xã La Gi là đô thị động lực của tỉnh; là hạt nhân, trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật, công nghiệp tập trung, khai thác, chế biến hải sản thuộc tiểu vùng phía nam tỉnh Bình Thuận; trung tâm du lịch sinh thái biển, du lịch văn hóa, lịch sử cấp vùng; tạo động lực lan tỏa và sức hút phát triển cho các huyện và đô thị lân cận. Những định hướng trên sẽ chính là cơ hội để La Gi tăng tốc và phát triển trong tương lai./.
Huyện Hàm Tân: nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế  (06/11/2024)
Bình Thuận phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc  (03/11/2024)
Bình Thuận: Phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao  (03/11/2024)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm