Quảng Ninh nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
TCCS - Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao được Quảng Ninh xác định là một trong 3 đột phá chiến lược, là yếu tố quan trọng, nền tảng vững chắc tạo đà cho sự phát triển bền vững. Xác định nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố then chốt trong việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Ninh đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm thu hút và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tạo cơ hội việc làm cho nhiều lao động
Xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển xã hội, những năm qua, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh luôn nhất quán quan điểm phát triển nguồn nhân lực chính là tạo đột phá chiến lược để phát triển. Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh thống nhất định hướng phát triển 3 khâu đột phá, 4 quan điểm giai đoạn 2020 - 2025, trong đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số.
Quá trình thực hiện, tỉnh Quảng Ninh đã cụ thể hóa 4 định hướng chiến lược của Đảng về phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ hội nhập phù hợp với điều kiện địa phương. Đó là gắn phát triển nguồn nhân lực với việc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội; gắn phát triển nguồn nhân lực với quá trình dân chủ hóa, khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại; nâng cao chất lượng sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ; có chiến lược phát triển con người trên cơ sở một hệ thống chính sách đồng bộ hướng tới con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Bằng việc giải quyết tốt các vấn đề này, Quảng Ninh đã tạo được yếu tố nội sinh của nguồn nhân lực, tạo cơ sở bền vững cho phát triển và hội nhập.
Song song đó, Quảng Ninh dành sự quan tâm để tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nổi bật là Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 2704/QĐ-UBND, ngày 17-11-2014, của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 293/QĐ-UBND, ngày 30-1-2015, của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt đề án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng và phát triển toàn diện nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2020; Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND, của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh.
Với những định hướng, cơ chế, chính sách toàn diện, đồng bộ, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế của Quảng Ninh đều duy trì hoạt động ổn định với trên 33.000 lao động tham gia sản xuất tại khắp các nhà máy, phân xưởng sản xuất. Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang từng bước trở thành trụ cột chính trong lĩnh vực công nghiệp của tỉnh. Tỉnh Quảng Ninh cũng ưu tiên đặc biệt cho những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ sạch, ít hao hụt tài nguyên, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Do đó, những cơ hội việc làm rộng lớn đã và đang được mở ra. Theo ước tính, Quảng Ninh đang thiếu từ 20.000 - 30.000 lao động mỗi năm. Đối với lĩnh vực dịch vụ - du lịch, dù gặp phải khó khăn lớn, kéo dài suốt hơn 2 năm do tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đang dần lấy lại đà tăng trưởng. Đồng nghĩa với việc dự báo trong thời gian tới, nhu cầu tuyển dụng lao động từ các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khu vui chơi... cũng sẽ tăng mạnh.
Đào tạo gắn với nhu cầu thị trường
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV xác định, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số là một trong 3 khâu đột phá chiến lược và coi đây là yếu tố quan trọng, là nền tảng vững chắc để tạo đà cho sự phát triển bền vững của tỉnh trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, nắm bắt nhu cầu lao động rất lớn của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sau thời gian dài chịu tác động của đại dịch, ngành lao động - thương binh và xã hội thông qua đầu mối là Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh - đã chủ động triển khai các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, thông tin thị trường lao động.... Điển hình, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đã đầu tư xây dựng khoảng 30 dự án nhà ở tập thể, trên 2.700 căn hộ, đáp ứng chỗ ở gần 8.000 công nhân. Tổng công ty Đông Bắc hiện đã đầu tư xây dựng 2 khu nhà ở tập thể công nhân, với tổng số trên 1.000 căn hộ chung cư, đủ đáp ứng chỗ ở cho trên 4.500 công nhân. Với chủ trương dành quỹ đất cho nhà ở xã hội, người lao động, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh dần hình thành nhiều khu nhà tập thể cho công nhân.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh phải đối mặt với với nhiều thách thức trong đáp ứng yêu cầu xu thế hội nhập và phát triển. Đó là việc thiếu chuyên gia đủ khả năng hoạch định chính sách lớn và giải quyết những vấn đề cấp thiết đặt ra trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay; lớp công chức, viên chức trẻ có kiến thức, trình độ học vấn cao còn chậm được phát hiện và bồi dưỡng; tuyển dụng công chức, viên chức lĩnh vực giáo dục, y tế, công nghệ thông tin... còn gặp nhiều khó khăn do không có nguồn để tuyển dụng, nhất là các đối tượng thuộc nguồn nhân lực chất lượng cao theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP. Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh mới tuyển dụng mới được 2 công chức, chiếm tỷ lệ 1,79%; 18 viên chức, chiếm tỷ lệ 0,36%. Với sự tăng trưởng ấn tượng những năm gần đây, đặc biệt là định hướng chuyển dịch kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đến Quảng Ninh đều đang cần nguồn nhân lực trình độ cao, nhất là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành dịch vụ, du lịch đang đòi hỏi lượng lớn nhân lực có kỹ năng chuyên nghiệp, bài bản hơn.
Theo dự báo nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất là lao động có tay nghề cao, giai đoạn tới của tỉnh là rất lớn: Năm 2025 cần tăng thêm hơn 100.000 lao động, riêng trong các khu công nghiệp cần tuyển trên 54.000 lao động. Vì vậy, để tháo gỡ nút thắt này, tỉnh cần tiếp tục dành nhiều sự quan tâm và đầu tư thích đáng để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển kinh tế bền vững. Thời gian tới, ngành lao động - thương binh và xã hội tỉnh sẽ bám sát các chỉ đạo, định hướng, tập trung chỉ đạo, phối hợp, liên kết đào tạo trọng tâm, trọng điểm, nâng cao chất lượng tuyển sinh và đào tạo. Đặc biệt quan tâm đến công tác triển khai thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo.
Tỉnh Quảng Ninh đang phối hợp với Học viện Chính sách và Phát triển xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; kinh phí dự kiến 1.133 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở phân tích thực trạng nguồn nhân lực của tỉnh, học hỏi kinh nghiệm của các địa phương có cùng đặc điểm kinh tế - xã hội và phát triển..., đề án sẽ đề xuất các nhóm giải pháp phát triển nguồn nhân lực của Quảng Ninh về cơ chế chính sách, nâng cao năng lực cơ sở đào tạo, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nhân lực.
Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh vào cuối năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét ban hành quy định về chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; hỗ trợ đào tạo sau đại học đối với viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực giáo dục, y tế giai đoạn 2023 - 2025, nhằm thu hút thêm các nguồn nhân lực chất lượng cao về Quảng Ninh làm việc cũng như đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.
Với các cơ chế chính sách đầu tư thỏa đáng cho phát triển giáo dục - đào tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ tạo nền móng vững chắc để Quảng Ninh bứt phá phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc./.
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững cho Quảng Ninh  (31/07/2023)
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững cho Quảng Ninh  (31/07/2023)
Đổi mới giáo dục ở tỉnh Quảng Ninh nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu tình hình mới  (31/07/2023)
Đổi mới giáo dục ở tỉnh Quảng Ninh nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu tình hình mới  (31/07/2023)
Vân Đồn: Dành nhiều nguồn lực để phát triển  (08/07/2023)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp