Những chặng đường vẻ vang của Tòa án nhân dân Việt Nam
TCCS - Tòa án nhân dân Việt Nam là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa. Để tái hiện những chặng đường vẻ vang của Tòa án nhân dân Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản bộ sách “Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam (1945 - 2023)”.
Sau thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Tháng Tám năm 1945, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Để bảo vệ thành quả cách mạng, chống sự phá hoại của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, Đảng và Chính phủ đã nhanh chóng kiến lập nền tư pháp cách mạng mà trước hết và trọng tâm là thành lập hệ thống tòa án. Ngày 13-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - ký ban hành Sắc lệnh số 33C/SL thành lập tòa án quân sự trong cả nước. Tòa án quân sự - tiền thân của tòa án nhân dân - là thiết chế xét xử đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đánh dấu sự ra đời của hệ thống tòa án Việt Nam. Ngày 13-9-1945 trở thành Ngày truyền thống của Tòa án nhân dân Việt Nam.
Đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp “kháng chiến, kiến quốc”, hệ thống Tòa án nhân dân Việt Nam từng bước được xây dựng và kiện toàn, gồm: Tòa án đặc biệt tại Hà Nội được thiết lập theo Sắc lệnh số 64/SL, ngày 23-11-1945; hệ thống tòa án thường, gồm tòa sơ cấp (phủ, huyện, châu), tòa án đệ nhị cấp (tỉnh, thành phố), tòa thượng thẩm (tổ chức ở Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ) được thiết lập theo Sắc lệnh số 13/SL, ngày 24-1-1946; Tòa án binh được thiết lập theo Sắc lệnh số 163/SL, ngày 23-8-1946. Hệ thống tòa án được thiết lập kịp thời và tích cực hoạt động, là công cụ pháp lý hết sức quan trọng để chính quyền dân chủ nhân dân được giữ vững trong tình thế hiểm nghèo “nghìn cân treo sợi tóc”, thực hiện những nhiệm vụ cấp bách, chuyên chính với kẻ thù, chống nguy cơ xâm lược của đế quốc, bảo vệ và xây dựng chế độ dân chủ mới, xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Kế thừa những thành tựu đạt được, trong 30 năm đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, hệ thống Tòa án nhân dân Việt Nam không ngừng phát triển về mọi mặt, đóng góp đặc biệt quan trọng trong việc trấn áp bọn gián điệp, phản cách mạng, xử lý các tội phạm xâm phạm tài sản của Nhà nước, công dân, các tội phạm làm phương hại đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước và sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa..., góp phần vào thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa từ năm 1975 đến nay, nhất là từ khi nhân dân ta tiến hành công cuộc đổi mới (từ năm 1986), tòa án nhân dân có những đổi mới mạnh mẽ cả về tổ chức và hoạt động, chuyển biến tích cực về mọi mặt, có những tiến bộ mang tính bước ngoặt, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và yêu cầu của cải cách tư pháp, giữ một vị thế quan trọng trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Với những thẩm quyền được mở rộng, chức năng, nhiệm vụ ngày càng to lớn, nặng nề, Tòa án nhân dân Việt Nam đã thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Hiến pháp và pháp luật quy định, bảo vệ công lý, là công cụ sắc bén của Nhà nước nhằm ngăn chặn có hiệu quả các hành vi xâm hại đến lợi ích của Đảng, Nhà nước và nhân dân; bảo vệ kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; góp phần tạo môi trường lành mạnh, ổn định cho sự phát triển đất nước.
Quá trình phát triển của Tòa án nhân dân Việt Nam đồng hành cùng với quá trình thực hiện các nhiệm vụ cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; trong thời kỳ cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, tiến hành sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; trong công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.
Để tái hiện những chặng đường vẻ vang của Tòa án nhân dân Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản bộ sách Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam (1945 - 2023), gồm 3 tập:
Tập I: Tòa án nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước (1945 - 1975), gồm 4 chương, khái quát quá trình ra đời của Nhà nước, pháp luật Việt Nam; khẳng định và làm sáng tỏ quá trình ra đời, phát triển, trưởng thành của Tòa án nhân dân Việt Nam trong giai đoạn 1945 - 1975:
Chương mở đầu trình bày khái lược về lịch sử hình thành, phát triển của quốc gia, dân tộc Việt Nam; những thành tựu và kinh nghiệm trong xây dựng nhà nước, pháp luật từ thời Hùng Vương dựng nước cho đến thời kỳ xây dựng quốc gia phong kiến độc lập, tự chủ đã để lại những giá trị văn hóa, pháp luật tiêu biểu, đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là tiền đề và cơ sở quan trọng cho sự ra đời, xây dựng hệ thống Tòa án nhân dân Việt Nam.
Các chương I, II, III làm rõ quá trình xây dựng, hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân Việt Nam trong những năm đầu thành lập đầy khó khăn, gian nan, thử thách, song đội ngũ thẩm phán, cán bộ, nhân viên các tòa án cách mạng luôn thể hiện rõ bản lĩnh chính trị thực hiện công tác xét xử nghiêm minh, kiên quyết đấu tranh, trừng trị các loại tội phạm, nhất là tội phản cách mạng. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, hệ thống Tòa án nhân dân Việt Nam từng bước xây dựng, hoàn thiện về tổ chức và nhân sự. Cán bộ lãnh đạo Tòa án nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ là những cán bộ cách mạng ưu tú, xuất sắc của Đảng, có công lao, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giành, bảo vệ độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đội ngũ thẩm phán, cán bộ, công chức, viên chức Tòa án nhân dân Việt Nam thường xuyên được bồi dưỡng, nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ; không ngừng phát triển lớn mạnh về số lượng, có phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, nêu gương sáng “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ trên các mặt hoạt động công tác tòa án được phản ánh chân thực; nhiều vụ án lớn, quan trọng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là các vụ án phản cách mạng, vụ án gián điệp... được xét xử bảo đảm khách quan, khoa học, kỷ cương, nghiêm minh, thể hiện cuộc đấu tranh cách mạng gian khổ, khẳng định, làm rõ bản chất, vai trò to lớn của Tòa án nhân dân Việt Nam đối với sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc.
Tập II: Tòa án nhân dân Việt Nam trong thời kỳ cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đổi mới và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1975 - 2002), gồm 2 chương, phản ánh quá trình xây dựng, phát triển của Tòa án nhân dân Việt Nam từ năm 1975 đến năm 2002:
Chương IV (5-1975 - 1982) tập trung làm rõ quá trình xây dựng, hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân Việt Nam trong những năm đầu cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội; thực hiện nhiệm vụ khôi phục, phát triển kinh tế sau chiến tranh, đồng thời tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, hồi sinh đất nước. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hệ thống Tòa án nhân dân Việt Nam nhanh chóng được củng cố, thống nhất về tổ chức trong cả nước. Tòa án nhân dân các cấp vừa củng cố, kiện toàn tổ chức, xây dựng nguồn lực, vừa tích cực xét xử, trừng trị đích đáng, đúng người, đúng tội đối với các loại tội phạm, nhất là tội phản cách mạng và tội phạm kinh tế, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia - dân tộc.
Chương V (1983 - 2002) trình bày quá trình xây dựng, hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân Việt Nam trong những năm đầu Đảng thực hiện đường lối đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiến hành đồng bộ công cuộc cải cách tư pháp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, hệ thống Tòa án nhân dân Việt Nam được xây dựng, củng cố ngày càng hoàn thiện về tổ chức và nhân sự; đội ngũ thẩm phán, cán bộ, công chức, viên chức Tòa án nhân dân Việt Nam thường xuyên được bồi dưỡng, nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ; rèn luyện về phẩm chất, đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp; luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhiều vụ án lớn, quan trọng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là các vụ án hình sự quy mô lớn, vụ án kinh tế phức tạp... được xét xử bảo đảm khách quan, khoa học, kỷ cương, nghiêm minh, thể hiện sinh động cuộc đấu tranh bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân; bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải, góp phần giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, khẳng định những thắng lợi bước đầu quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tập III: Tòa án nhân dân Việt Nam trong công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế (2003 - 2023), gồm 2 chương và phần Kết luận, tái hiện quá trình xây dựng, trưởng thành của Tòa án nhân dân Việt Nam trong giai đoạn 2003 - 2023: Chương VI và Chương VII trình bày sinh động quá trình hoạt động, phát triển của hệ thống Tòa án nhân dân Việt Nam trong công cuộc cải cách tư pháp từ năm 2003 đến năm 2023. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, hệ thống Tòa án nhân dân Việt Nam được xây dựng, củng cố ngày càng hoàn thiện về tổ chức và nhân sự, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng. Đội ngũ thẩm phán, cán bộ, công chức, viên chức Tòa án nhân dân Việt Nam luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động; tích cực rèn luyện đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”; không ngừng học tập, nâng cao năng lực công tác, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Tòa án nhân dân Việt Nam thực sự trở thành công cụ sắc bén bảo vệ cách mạng, bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức và nhân dân, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ trên các mặt hoạt động công tác tòa án được thể hiện sinh động. Nhiều vụ án lớn, quan trọng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là các vụ án chống phá Đảng, Nhà nước, các vụ án hình sự, kinh tế quy mô lớn, các vụ án tham nhũng phức tạp... được xét xử công tâm, khách quan, khoa học, bảo đảm kỷ cương, tính nghiêm minh của pháp luật; thể hiện cuộc đấu tranh cam go nhằm bảo vệ Đảng, chính quyền, nhân dân; bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Phần Kết luận khái quát lại những mốc chính trên chặng đường xây dựng, phát triển, trưởng thành của Tòa án nhân dân Việt Nam, từ đó đúc rút sáu bài học kinh nghiệm sâu sắc mang tính quy luật đối với sự phát triển của hệ thống tòa án. Các phụ lục được thống kê, sắp xếp khoa học, thuận tiện cho việc tra cứu, góp phần làm rõ thêm các nội dung của bộ sách Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam (1945 - 2023).
Bộ sách được nghiên cứu, biên soạn nghiêm túc, công phu, dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự đảng Toà án nhân dân tối cao, sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Chánh án, sự tham gia tích cực của thành viên Hội đồng Thẩm phán, góp ý của các chuyên gia, nhà sử học và nhiều ý kiến quý báu của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ tòa án, nhân chứng lịch sử qua các thời kỳ. Nội dung của bộ sách đã phản ánh toàn diện quá trình xây dựng, trưởng thành của Toà án nhân dân Việt Nam từ năm 1945 đến năm 2023; tổng kết quá trình xây dựng và phát triển của nền tư pháp Việt Nam; khẳng định những cống hiến của tòa án nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Bộ sách cũng thể hiện sự tri ân đối với những cống hiến, đóng góp của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức Tòa án nhân dân Việt Nam, qua đó giáo dục truyền thống “Trung thành, đoàn kết, sáng tạo, phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” để các thế hệ cán bộ hôm nay thêm tự hào về trọng trách, sứ mệnh bảo vệ công lý rất đỗi vinh quang.
Bộ sách tái hiện quá trình hình thành, phát triển tổ chức và hoạt động, vai trò và những cống hiến to lớn của Tòa án nhân dân Việt Nam đối với cách mạng Việt Nam trong các thời kỳ lịch sử, có ý nghĩa to lớn trong công tác nghiên cứu, học tập, tuyên truyền, giáo dục truyền thống, xây dựng niềm tự hào, tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, nhân viên tòa án và các tầng lớp nhân dân, qua đó đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng Tòa án nhân dân Việt Nam ngày càng vững mạnh, thực sự là công cụ sắc bén, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nền tư pháp văn minh, hiện đại trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân./.