Giải pháp giảm nghèo đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi tỉnh Khánh Hòa
TCCS - Giảm nghèo ở khu vực miền núi với đối tượng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số luôn có tính đặc thù so với các khu vực và đối tượng khác, do vậy, cần có quan điểm, định hướng, giải pháp riêng, phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo. Với tinh thần đó, tỉnh Khánh Hòa quyết tâm cao, bằng những giải pháp hiệu quả, khoa học, sớm hoàn thành mục tiêu giảm nghèo đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi.
Tình hình thực hiện công tác giảm nghèo đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi tỉnh Khánh Hòa
Tỉnh Khánh Hòa thuộc khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, gồm có 9 huyện, thị xã, thành phố; là tỉnh thuộc nhóm “khá” trong cả nước, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2016 - 2019 bình quân 7,5%/năm, cao hơn mức bình quân chung của cả nước; là một trong 18 tỉnh tự cân đối ngân sách, có điều tiết về Trung ương. Tuy nhiên, tỉnh Khánh Hòa còn hai huyện miền núi rất khó khăn về kinh tế, với tỷ lệ hộ nghèo rất cao, là huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh (theo Quyết định số 353/QĐ-TTg, ngày 15-3-2022, của Thủ tướng Chính phủ).
Những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, cùng với sự tham gia tích cực của hệ thống chính trị tỉnh, của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các hội, đoàn thể hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và sự nỗ lực của người dân, công tác giảm nghèo trên địa bàn hai huyện đã đạt được nhiều kết quả nổi bật: Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm trong cán bộ và nhân dân được tăng cường; các chương trình, chính sách giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh được triển khai thực hiện kịp thời; các chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, như đào tạo nghề, giải quyết việc làm, cho vay ưu đãi,... đã tác động đến phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo, làm thay đổi nhận thức, giúp người nghèo có việc làm, thu nhập ổn định... Trong giai đoạn 2016 - 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Khánh Sơn giảm từ 57,27% (đầu năm 2016) xuống còn 18,42% (vào cuối năm 2021), trung bình giảm 6,47%/năm; đối với huyện Khánh Vĩnh giảm từ 61,3% xuống còn 17,85%, trung bình giảm 7,24%/năm. Kết quả này có ý nghĩa rất lớn, khẳng định ý chí, quyết tâm cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị đối với công tác giảm nghèo trên địa bàn hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo thời gian qua trên địa bàn huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh vẫn có những hạn chế: Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo còn cao; chênh lệch mức sống, điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm giữa hai huyện nghèo với các địa phương chưa được thu hẹp nhiều. Theo kết quả rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh Khánh Hòa có 12.874 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,86%/tổng số hộ dân trong tỉnh; trong đó, huyện Khánh Sơn có 3.530 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 47,43% tổng số hộ dân trong huyện) và huyện Khánh Vĩnh có 4.831 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 45,90% tổng số hộ dân trong huyện). Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát, tham mưu hướng dẫn, tuyên truyền và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững chưa thường xuyên, kịp thời, đồng bộ.
Công tác giảm nghèo và kết quả giảm nghèo trên địa bàn hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh vẫn còn một số hạn chế do nhiều nguyên nhân: Điều kiện sống và sản xuất khó khăn do địa hình đồi núi dốc, bị chia cắt nhiều; thiên tai, thời tiết bất thường; dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là dịch bệnh COVID-19 và dịch bệnh ở gia súc, gia cầm; nhiều hộ nghèo, cận nghèo còn thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, thiếu phương tiện sản xuất; các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chưa đồng bộ, thiếu sự gắn kết chặt chẽ;... Thêm vào đó, việc huy động nguồn lực tại chỗ để đầu tư cho công tác giảm nghèo còn gặp khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ cho người nghèo; chưa có giải pháp tập trung và ưu tiên nguồn lực vào giải quyết các vấn đề sinh kế ổn định cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân; số doanh nghiệp trên địa bàn hai huyện còn ít, doanh thu nhỏ, chưa thu hút được nhiều lao động vào làm việc để chuyển dịch cơ cấu lao động của địa phương và tiêu thụ sản phẩm do người dân sản xuất ra, nâng cao thu nhập; nhiều hộ nghèo trong gia đình có người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội hoặc ốm đau thường xuyên,...
Bên cạnh đó, số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình khó khăn và số thôn, xã đặc biệt khó khăn còn nhiều; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo hai huyện chủ yếu tập trung ở hộ đồng bào dân tộc thiểu số; một số chính sách, mô hình có mức đầu tư thấp, mang nặng tính trợ cấp, chưa thực sự là đầu tư phát triển nên chưa bảo đảm tính bền vững; các chính sách hỗ trợ sinh kế để phát triển sản xuất chưa nhiều; việc quy hoạch đất sản xuất và các loại cây trồng, vật nuôi chưa thật sự phù hợp, thích ứng với thị trường tiêu thụ; chưa có cây trồng chủ lực để tạo năng suất và thu nhập ổn định.
Ngoài ra, một số cấp ủy, chính quyền cơ sở thuộc địa bàn hai huyện chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác giảm nghèo nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo thiếu sâu sát, quyết liệt, chưa thực sự là chỗ dựa cho người nghèo; vẫn còn bộ phận người nghèo trên địa bàn hai huyện chưa có ý thức tự lực vươn lên trong cuộc sống; trình độ sản xuất, thâm canh còn hạn chế, chưa chủ động tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng, hiệu quả giống cây trồng, vật nuôi, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ,...
Thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa đã ban hành nhiều chính sách về giảm nghèo cho khu vực miền núi và đạt những kết quả quan trọng, góp phần đáng kể trong công tác giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của tỉnh. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo của khu vực miền núi tỉnh Khánh Hòa còn chưa đáp ứng kỳ vọng, chưa bền vững. Do vậy, các huyện miền núi của tỉnh Khánh Hòa vẫn tiếp tục là huyện nghèo với tỷ lệ hộ nghèo gần 50% (theo chuẩn mới giai đoạn 2022 - 2025). Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28-1-2022, của Bộ Chính trị, “Về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đánh giá: Phát triển văn hóa - xã hội còn một số bất cập; chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu; thu nhập bình quân đầu người thấp, chênh lệch phát triển trong nội tỉnh còn cao; nguy cơ tái nghèo cao, nhất là tại những huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Mục tiêu giảm nghèo và những giải pháp tỉnh Khánh Hòa cần tập trung thực hiện trong thời gian tới
Tỉnh Khánh Hòa xác định: Cần thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu nhập; hỗ trợ hai huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh thoát nghèo bền vững. Trong đó, tập trung thực hiện một số mục tiêu cụ thể, như trung bình hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (gồm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo đa chiều) của huyện Khánh Sơn, huyện Khánh Vĩnh giảm từ 7% trở lên. Đến cuối năm 2025, huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh đáp ứng tiêu chí thoát khỏi huyện nghèo. Thu nhập của hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Khánh Sơn, huyện Khánh Vĩnh phấn đấu tăng 1,8 lần so với năm 2020. Đến cuối năm 2023, huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh không còn hộ nghèo có thành viên là người có công; không còn hộ tái nghèo trong giai đoạn 2026 - 2030.
Để tỉnh Khánh Hòa thực hiện thành công các mục tiêu trên, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp giảm nghèo đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số:
Một là, tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng nhằm giảm sự cách biệt của khu vực miền núi.
Trong giai đoạn tới, tỉnh Khánh Hòa cần quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng cho khu vực miền núi bằng cách: Thứ nhất, tăng cường đầu tư và có thêm các chính sách thu hút các nhà đầu tư vào kết cấu hạ tầng tại khu vực miền núi, đặc biệt là những hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sinh kế của người dân, như giao thông miền núi tại các thôn, bản; xây dựng chợ, các trung tâm thương mại,...
Thứ hai, tập trung mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng cho hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Riêng đối với huyện Khánh Sơn, cần xây dựng một tuyến đường mới nối Khánh Sơn với các địa phương trong và ngoài tỉnh để phá thế độc đạo và hiểm trở hiện nay của đường tỉnh lộ 9. Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống “điện - đường - trường - trạm - chợ” nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dân.
Thứ ba, tiếp tục đầu tư hệ thống giao thông vào các khu sản xuất; đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ cho sản xuất. Một khi kết cấu hạ tầng cơ sở ở miền núi được đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ, sẽ thu hút được các doanh nghiệp đến đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương, tiêu thụ nông sản của nông dân. Tỉnh Khánh Hòa cần có kế hoạch đầu tư công trung hạn riêng cho hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh.
Thứ tư, đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các điều kiện sinh hoạt là vấn đề hết sức quan trọng đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi nhằm giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Trong đó, vấn đề về nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường cần được quan tâm hơn nữa. Hiện nay, qua thực tế và số liệu điều tra cho thấy, điều kiện sống (nhất là nhà ở và nước sạch) ở hai huyện miền núi còn nhiều khó khăn, nhất là sau những đợt thiên tai. Điều này ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số và làm cản trở quá trình thoát nghèo của người dân.
Hai là, tỉnh Khánh Hòa cần tạo điều kiện để các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuận tiện trong tiếp cận chính sách trợ giúp xã hội.
Việc tiếp cận các chính sách trợ giúp xã hội là một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến việc thoát nghèo của hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi tỉnh Khánh Hòa. Vì vậy, chính quyền địa phương từ tỉnh đến xã cần quan tâm đến các vấn đề chính: Thứ nhất, bảo đảm cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo tiếp cận chính sách trợ giúp xã hội của địa phương và Nhà nước đang triển khai, như được miễn, giảm học phí, hỗ trợ học bổng và trợ cấp xã hội và hỗ trợ chi phí học tập cho con em đi học; thứ hai, có chính sách tốt hơn trong việc hỗ trợ tiền ăn, phí khám, chữa bệnh, miễn phí các dịch vụ pháp lý cũng như tặng quà bằng tiền, hiện vật nhân dịp lễ, tết cho những đối tượng có hoàn cảnh bất hạnh (mất người thân, bệnh tật,...) để họ không rơi vào tình trạng nghèo cùng cực.
Ba là, tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức góp phần làm thay đổi hủ tục và cải thiện chất lượng giáo dục khu vực miền núi.
Thực tế cho thấy, những hủ tục trong cộng đồng và hạn chế của chất lượng giáo dục là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo của hộ dân. Vì vậy, điều trước tiên là chính quyền cơ sở cần có nhiều hình thức tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc xóa bỏ những tập tục lạc hậu, như thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, không phá rừng làm rẫy, giữ gìn và phát huy bản sắc của mỗi dân tộc để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình, từng bước xóa bỏ các hủ tục, mê tín dị đoan. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần đầu tư nhiều hơn hệ thống trường lớp nhằm tạo thuận lợi cho con em đến trường. Ngoài việc giảng dạy chương trình giáo dục bằng tiếng phổ thông, việc biên soạn chương trình và tổ chức đội ngũ giáo viên giảng dạy bằng tiếng dân tộc thiểu số cũng cần được quan tâm để con em các hộ nghèo dân tộc thiểu số tiếp cận các nội dung chương trình giáo dục tốt hơn. Đây được xem là giải pháp quan trọng nhất nhằm thay đổi nhận thức, giúp hộ đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo.
Bốn là, tỉnh cần thiết kế các chính sách nhằm hỗ trợ sinh kế cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm thiết thực, hiệu quả.
Thực tế cho thấy, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chưa được chính quyền và các tổ chức nông dân hỗ trợ nhiều về sản xuất (con, cây giống,...) và việc tiếp cận các chính sách trong đào tạo nghề, tạo việc làm còn hạn chế, hiệu quả thấp,... Vì vậy, để cải thiện tình trạng nghèo của hộ đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay, ngoài việc cần có chính sách riêng về hỗ trợ đất và nhà ở phù hợp cho họ yên tâm sinh sống và sản xuất thì chính quyền cần quan tâm các vấn đề sau:
Thứ nhất, xác định các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, phù hợp với thổ nhưỡng và tập quán canh tác của đồng bào để khuyến khích phát triển.
Thứ hai, việc hướng dẫn cách làm ăn, phương pháp sản xuất có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nông hộ nói chung, đặc biệt là đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều hộ gia đình được cấp vốn và phương tiện sản xuất, nhưng làm ăn không hiệu quả, chưa thể thoát nghèo. Do vậy, công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư là hết sức quan trọng. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ này, cần xây dựng đội ngũ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư giỏi, nhất là lực lượng tại chỗ để hướng dẫn cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, thậm chí là “cầm tay chỉ việc”. Việc tổ chức các lớp tập huấn này cần phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của người dân.
Thứ ba, xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số, như (i) các mô hình kinh tế mẫu phù hợp để hướng dẫn và tuyên truyền (mô hình 1+5: một người Kinh sản xuất giỏi và 5 người đồng bào dân tộc thiểu số); (ii) Nghiên cứu để đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi phù hợp và hiệu quả kinh tế cao về sản xuất ở địa phương, đồng thời có kế hoạch, giải pháp để tiêu thụ nông sản cho nông dân, tránh để bị tư thương ép giá; (iii) Giao đất và quản lý đất được giao cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đây là phương tiện sản xuất chính của hộ đồng bào dân tộc thiểu số nên cần có các giải pháp hiệu quả.
Thứ tư, Chính phủ và tỉnh Khánh Hòa cần có chính sách riêng về tín dụng đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng hỗ trợ lãi suất vay phát triển sản xuất 100%, đồng thời kéo dài thời gian cho vay nhằm phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, các điều kiện cho vay cũng cần nới lỏng nhằm tạo điều kiện để các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với các nguồn vốn vay. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cần quản lý chặt các nguồn vốn vay, hướng dẫn hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả; hạn chế tối đa việc cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay tiêu dùng.
Năm là, tỉnh Khánh Hòa cần đẩy mạnh hỗ trợ pháp lý để nâng cao nhận thức về pháp luật cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số.
Trước tiên, chú trọng việc tuyên truyền bằng tiếng dân tộc thiểu số; đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, không để người dân vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết. Hình thành các tổ trợ giúp pháp lý và đa dạng hóa các hình thức trợ giúp pháp lý phù hợp với điều kiện của các địa phương khác nhau và phù hợp với phong tục, tập quán, văn hóa của người dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, chính quyền và các tổ chức đoàn thể địa phương cần tuyên truyền, tạo các điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số tại khu vực này hiểu biết được các chính sách trợ giúp của Nhà nước đối với hộ nghèo để họ chủ động tiếp cận và hưởng thụ; phổ biến các mô hình giảm nghèo có hiệu quả, gương thoát nghèo tại địa phương để các hộ đồng bào có thể học tập phục vụ cho quá trình thoát nghèo của hộ gia đình.
Sáu là, tỉnh Khánh Hòa cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giảm nghèo.
Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở các cấp nhằm hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo, phòng ngừa, hạn chế người dân rơi vào tình trạng nghèo; bảo đảm thực hiện Đề án giảm nghèo bền vững của hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh giai đoạn 2022 - 2025 đúng mục tiêu, đúng đối tượng, hiệu quả, bền vững. Thiết lập quy trình, hệ thống giám sát, đánh giá đồng bộ, toàn diện đáp ứng yêu cầu quản lý công tác giảm nghèo; thực hiện giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo, bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu, đúng đối tượng và quy định của pháp luật. Thực hiện chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong rà soát, quản lý hộ nghèo, hộ cận nghèo. Quán triệt, thực hiện tốt công tác xây dựng kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo ở địa phương, đơn vị. Việc xây dựng kế hoạch thực hiện công tác giảm nghèo phải cụ thể theo nguyên nhân dẫn đến nghèo, gắn với thực hiện các nhiệm vụ của Đề án và phù hợp với địa phương, đơn vị. Tăng cường đổi mới cơ chế thực hiện chính sách giảm nghèo, bảo đảm các chương trình, chính sách giảm nghèo được thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả, không trùng lặp giữa các hoạt động, nội dung hỗ trợ đầu tư của các dự án, chương trình trên cùng một địa bàn, cùng một đối tượng thụ hưởng.
Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ giữa ủy ban nhân dân huyện với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong quản lý các chương trình, chính sách giảm nghèo nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với công tác giảm nghèo. Thực hiện rà soát, đánh giá hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định, bảo đảm tính kịp thời, chính xác, công bằng trong xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo, mới thoát nghèo. Xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công cho các cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên hỗ trợ, theo dõi, giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác tổ chức thực hiện các chính sách, giải pháp giảm nghèo để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ cơ sở; tạo điều kiện thuận lợi nhất để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát việc thực hiện. Ngoài ra, cần xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi tiêu cực, để xảy ra thất thoát lãng phí trong quản lý và thực hiện các chính sách giảm nghèo. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Đề án; thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng trong thực hiện các chính sách, công tác giảm nghèo.
Bảy là, ngoài các khuyến nghị chính sách trên, với đặc thù của miền núi và nhận thức của hộ đồng bào dân tộc thiểu số về nghèo, tỉnh Khánh Hòa cần làm tốt một số khuyến nghị chính sách khác:
Về thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nhà nước về giảm nghèo, nhất là các chính sách đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, có nhiều chủ trương, chính sách về giảm nghèo do Đảng, Nhà nước ban hành(1). Tỉnh Khánh Hòa cũng ban hành nhiều chủ trương, chính sách giảm nghèo đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, trong đó có chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi(2). Ngoài ra, có các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh, như Chương trình thực hiện mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Chương trình phát triển nguồn nhân lực đã hỗ trợ tích cực cho công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thời gian qua, một số địa phương trong tỉnh Khánh Hòa quá chú trọng các chính sách theo kiểu “cho con cá”, nghĩa là chính sách đầu tư trực tiếp thông qua việc thăm hỏi, tặng quà, tặng dụng cụ sinh hoạt, thực phẩm,... Chính điều này đã tạo tư tưởng trông chờ, ỷ lại cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, cần chuyển từ hình thức đầu tư trực tiếp sang hình thức đầu tư gián tiếp, nghĩa là “trao cần câu”, trong đó tập trung hỗ trợ, tạo sinh kế cho người dân...
Về giao đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số: Các địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh giao đất và quản lý đất được giao cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đây là phương tiện sản xuất chính của hộ đồng bào dân tộc thiểu số nên cần có các giải pháp hiệu quả.
Về hỗ trợ nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường: Đẩy mạnh đầu tư hệ thống nước sạch nhằm bảo đảm sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân có ý thức trong việc bảo vệ môi trường nói chung và vệ sinh cá nhân nói riêng.
Về công tác cán bộ: Cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và bố trí cán bộ ở những khu vực này. Một mặt, tập trung đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tại chỗ, nhất là đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số; mặt khác, cần có kế hoạch, chính sách để đưa cán bộ giỏi về công tác tại các địa phương miền núi. Với kiến thức có được, chính những cán bộ này sẽ giúp cho các địa phương miền núi phát triển và giúp cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi vươn lên thoát nghèo./.
--------------------------
(1) Như: Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18-11-2019, của Quốc hội, “Về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 23-6-2021, của Ban Bí thư, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030”; Quyết định số 90/QĐ-TTg, ngày 18-1-2022, của Thủ tướng Chính phủ, “Về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025”; Quyết định số 353/QĐ-TTg, ngày 15-3-2022, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc phê duyệt Danh sách các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng ngang, ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025”; Quyết định số 880/QĐ-TTg, ngày 22-7-2022, của Thủ tướng Chính phủ, “Về việc phê duyệt một số nội dung hỗ trợ 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025” (trong đó có huyện Khánh Sơn);... và Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28-1-2021, của Bộ Chính trị ,“Về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 55/2022/QH15, ngày 16-6-2022, của Quốc hội, “Về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa”;...
(2) Như: Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 11-1-2021, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII, “Về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021 - 2025”; Chương trình hành động số 30-CTr/TU, ngày 23-2-2022, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28-1-2022, của Bộ Chính trị, “Về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 24-NQ/TU, ngày 11-7-2022, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh đến năm 2030”;...
Thực hiện bình đẳng giới ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vì mục tiêu phát triển bền vững ở nước ta hiện nay  (30/05/2023)
Chính sách phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát huy tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên - Thực trạng và giải pháp  (19/01/2023)
- Hệ thống chính trị cơ sở với việc bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội
- Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu: Thành công và hạn chế
- Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có “tâm, tầm, trí” - yếu tố then chốt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
- Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một số vấn đề đặt ra
- Tỉnh Bình Định tích cực chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Văn hóa - Xã hội
Một số quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và nâng tầm văn hóa Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Căng thẳng Nga - Ukraine: Bản chất, nguyên nhân và triển vọng