Tỉnh Kiên Giang huy động nguồn lực phát triển kinh tế biển, phấn đấu sớm trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia
TCCS - Từ những lợi thế và tiềm năng lớn về biển, tỉnh Kiên Giang đã xây dựng các chương trình và kế hoạch hành động nhằm huy động nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế biển. Nhờ đó, kinh tế biển của tỉnh Kiên Giang có nhiều khởi sắc, đáp ứng yêu cầu định hướng xây dựng tỉnh Kiên Giang “trở thành tỉnh phát triển mạnh về kinh tế biển trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, theo hướng bền vững, an ninh, an toàn”(1) vào năm 2045 và sớm “trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia”(2).
Lấy phát triển kinh tế biển làm động lực tăng trưởng
Kiên Giang là tỉnh nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, thuộc vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long; có vị trí chiến lược rất quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh của cả nước và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; có nhiều tiềm năng, lợi thế, hội đủ các yếu tố để phát triển cả nông - lâm - ngư nghiệp và dịch vụ, đặc biệt là kinh tế biển. Bên cạnh hệ sinh thái rừng nhiệt đới đa dạng, phong phú, tỉnh Kiên Giang còn có bờ biển dài hơn 200km, vùng biển rộng hơn 63.000km2, đa dạng về chủng loại hải sản có giá trị kinh tế cao; ngoài ra, còn có nhiều di tích, danh thắng về biển, đảo độc đáo, đặc biệt là Phú Quốc - thành phố biển, đảo đầu tiên của Việt Nam... Đó là những điều kiện thuận lợi để tỉnh Kiên Giang phát triển kinh tế biển.
Để khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế, trong nhiều năm qua, Đảng bộ tỉnh Kiên Giang luôn xác định trọng tâm lấy phát triển kinh tế biển làm động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng - an ninh. Vì vậy, Tỉnh ủy Kiên Giang đã ban hành và chỉ đạo các địa phương ven biển xây dựng nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch bám sát các nghị quyết của Trung ương về phát triển kinh tế biển(3), phù hợp với thực tế của địa phương nhằm phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững. Bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đến nay, kinh tế biển của Kiên Giang phát triển khá toàn diện, giá trị tăng trưởng kinh tế biển chiếm 79,76% tổng giá trị GRDP của tỉnh.
Có được thành tựu đó, trước hết phải kể đến chủ trương, chính sách thu hút đầu tư đúng đắn của tỉnh về cơ sở vật chất, kỹ thuật, kết cấu hạ tầng du lịch và dịch vụ tạo động lực cho ngành du lịch và dịch vụ biển phát triển mạnh mẽ. Trên cơ sở đặc trưng về sinh thái, văn hóa của từng khu vực, địa phương, tỉnh Kiên Giang xác định 4 vùng du lịch trọng điểm: Phú Quốc, Hà Tiên - Kiên Lương, Rạch Giá và vùng phụ cận (Hòn Đất - Kiên Hải), U Minh Thượng để tập trung đầu tư, nhờ đó những tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, biển, đảo được khai thác hiệu quả hơn. Riêng thành phố Phú Quốc sở hữu hàng loạt các bãi biển đẹp trải dài từ phía Nam đến phía Bắc của đảo, khi được quan tâm đầu tư đúng mức, thành phố đã có nhiều bãi biển được xếp vào nhóm những bãi biển đẹp nhất thế giới như Bãi Dài, Bãi Trường, Bãi Kem... Điểm đáng ghi nhận, năm 2020, trang web du lịch lớn nhất thế giới (TripAdvisor) bình chọn Phú Quốc là một trong những địa điểm mới nổi trên thế giới, là địa danh duy nhất của khu vực Đông Nam Á xuất hiện trong bảng xếp hạng. Năm 2021, Phú Quốc lần đầu tiên được xếp vào nhóm 100 điểm đến lý tưởng nhất thế giới do tạp chí Time của Mỹ bình chọn.
Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang còn đẩy mạnh các hoạt động liên doanh, liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp để quảng bá, giới thiệu các địa điểm du lịch, sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh(4) đến khách du lịch, cùng với việc tổ chức, tham gia nhiều diễn đàn xúc tiến du lịch tại các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long và các vùng du lịch trọng điểm trong nước (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng...); tăng cường hợp tác liên kết với một số tỉnh, thành phố thuộc các nước Cam-pu-chia và Thái Lan để kết nối tuyến du lịch hành lang ven biển phía Nam; trao đổi, thảo luận với các đối tác từ các nước Pháp, Nga, Ô-xtrây-li-a, Nhật Bản,... về hợp tác du lịch, mở thêm tuyến bay đến Phú Quốc. Những hoạt động trên đã góp phần xây dựng hình ảnh, tăng chuỗi giá trị dịch vụ và nâng cao chất lượng các điểm đến của tỉnh Kiên Giang với khách du lịch. Do đó, dù đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến mọi lĩnh vực trong nước và trên toàn cầu, nhưng từ năm 2019 đến cuối năm 2021, tỉnh Kiên Giang đã thu hút trên 17,2 triệu lượt khách du lịch, với tổng doanh thu khoảng 19.430 tỷ đồng; chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2022, đón trên 5,6 triệu lượt khách, trong đó, khách quốc tế trên 100 nghìn lượt, doanh thu gần 6.869 tỷ đồng (đạt 100,13% kế hoạch, tăng hơn 2 lần so cùng kỳ). Những thành tựu đạt được đã ghi nhận sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Kiên Giang trong phát triển ngành du lịch, dịch vụ biển; trong đó, dấu ấn rõ nét nhất là tỉnh đã tạo mọi điều kiện cho Phú Quốc “tăng tốc” trở thành đô thị biển, đảo đặc sắc, trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng và dịch vụ chất lượng cao, có sức hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước.
Với lợi thế là một trong những ngư trường trọng điểm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Kiên Giang đã dành nhiều sự quan tâm phát triển lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản theo hướng công nghiệp, hiện đại và bền vững; huy động được nhiều nguồn lực đầu tư đóng mới tàu công suất lớn với trang thiết bị hiện đại. Đến đầu năm 2022, toàn tỉnh có khoảng 9.800 tàu khai thác thủy sản, chiếm hơn 10% cả nước. Sản lượng khai thác trung bình hằng năm đạt 585.00 tấn, chiếm khoảng 16% tổng sản lượng khai thác của cả nước và trên 40% sản lượng khai thác của vùng. Tỉnh tiếp tục phát triển nghề nuôi thủy hải sản trên biển, với nhiều mô hình hay và cách làm sáng tạo, nhất là mô hình nuôi xen kết hợp tôm - cua; tôm sú - tôm càng xanh; mô hình nuôi cá mú, cá bớp trong lồng bè trên vùng biển quần đảo Nam Du; nuôi sò huyết bãi bồi và dưới tán rừng phòng hộ ven biển vùng An Minh, An Biên; ươm giống, nuôi thương phẩm cá chim vây vàng quy mô công nghiệp trong lồng nhựa HPDE tại Phú Quốc... Tỉnh Kiên Giang còn có lợi thế nuôi và chế tác ngọc trai, nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ, trồng và chế biến rong biển, nuôi và chế biến hải sâm, cầu gai... mang lại giá trị kinh tế cao. Diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh tiếp tục gia tăng, từ 253.598 ha với sản lượng là 245.285 tấn trong năm 2019, đến năm 2021 đã tăng lên 277.285 ha đạt sản lượng 285.470 tấn. Nhiều nhà máy và cơ sở chế biến thủy sản đã ứng dụng công nghệ tiên tiến vào dây chuyền chế biến, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu thủy sản sang các thị trường quốc tế. Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có 88 cơ sở, nhà máy chế biến thủy sản, tổng công suất khoảng 250.000 tấn/năm; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 700 triệu USD, tăng bình quân giai đoạn 2015 - 2020 là 11,88%/năm. Ngoài ra, tỉnh cũng đã hoàn thành nhiều công trình thủy lợi vùng ven biển phục vụ nuôi trồng thủy sản.
Điểm sáng trong phát triển kinh tế biển là tỉnh Kiên Giang đã đề ra nhiều giải pháp huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển và hải đảo, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện đời sống nhân dân. Giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh đã huy động hơn 111.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển vùng biển, đảo; giai đoạn 2016 - 2020 huy động 140.000 tỷ đồng, chiếm 80% nhu cầu vốn đầu tư toàn tỉnh. Nhiều dự án, công trình, khu đô thị biển, ven biển được đầu tư và đưa vào sử dụng, như cảng hàng không quốc tế Phú Quốc; mạng lưới điện quốc gia ra các đảo Phú Quốc, Kiên Hải; hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé và đang nâng cấp hệ thống cống, đê biển từ Hà Tiên đến Tiểu Dừa (An Minh); kết cấu hạ tầng các đô thị biển, như Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc tăng cường đầu tư phát triển để tạo động lực thúc đẩy các vùng khác phát triển(5)... Các dự án đã và đang triển khai sẽ trở thành động lực thúc đẩy phát triển khu vực hành lang kinh tế phía Tây Nam.
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế biển của tỉnh Kiên Giang tuy đã có những chuyển biến tích cực, quan trọng, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa phát huy được vai trò là động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh:
1- Nhận thức về phát triển kinh tế biển ở một bộ phận cán bộ, đảng viên còn chậm nên tính chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo chưa được phát huy; các ngành, địa phương còn ít đề xuất, kiến nghị về phát triển kinh tế biển. Các phương thức quản lý biển tiên tiến chưa được nghiên cứu áp dụng, như quản lý không gian biển, quy hoạch sử dụng biển.
2 - Kinh tế biển tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh, giá trị khai thác và nuôi trổng thủy sản tiếp tục tăng trưởng, nhưng chưa bảo đảm tính ổn định và bền vững; ứng dụng khoa học - công nghệ vào nuôi trồng thủy sản chưa nhiều; chất lượng sản phẩm và dịch vụ, du lịch biển chưa cao, chưa thật hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.
3- Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng biển, ven biển và hải đảo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và thiếu đồng bộ để khai thác hiệu quả kinh tế biển. Khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo có mặt chưa hiệu quả, thiếu bền vững. Nguy cơ ô nhiễm môi trường là một vấn đề thách thức, như tình trạng chất thải từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển, một số khu biển ven bờ có nguy cơ bị ô nhiễm nặng.
Phấn đấu sớm trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia
Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2-4-2022, của Bộ Chính trị “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 13-NQ/TW) với nhiệm vụ phát triển tỉnh Kiên Giang thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; đồng thời, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ “Phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng an ninh, trọng tâm là đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế biển” được Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Thời gian tới, tỉnh Kiên Giang xác định tập trung thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động số 29-CTr/TU ngày 26-7-2022 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII, với mục tiêu phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để xây dựng Kiên Giang thành một tỉnh có chất lượng sống tốt vùng Tây Nam Bộ. Kết cấu hạ tầng và môi trường đầu tư tại Kiên Giang hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư hàng đầu về du lịch, dịch vụ, bất động sản và công nghệ. Thành phố Rạch Giá kết nối thông suốt với hai cực tăng trưởng là Phú Quốc và Hà Tiên, hình thành tam giác phát triển chính của nền kinh tế thương mại, dịch vụ hướng biển. Đến năm 2030, Kiên Giang trở thành điểm đến hấp dẫn nhất trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đối với khách du lịch và nhà đầu tư trong các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh.
Thứ hai, tập trung hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển, đảo. Theo đó, các cấp, các ngành của địa phương thực hiện rà soát, bổ sung và xây dựng mới các quy hoạch liên quan đến biển, đảo theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, bảo đảm gắn kết hài hòa, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển các vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng biển và hải đảo của tỉnh và các tỉnh lân cận. Hoàn thành quy hoạch các khu đô thị động lực ven biển, hệ thống cảng biển phục vụ các ngành kinh tế biển, như du lịch, dịch vụ biển, khai thác thủy sản, hàng hải...
Thứ ba, khai thác tiềm năng, lợi thế không gian biển để đẩy mạnh phát triển bền vững kinh tế biển gắn với tăng trưởng xanh, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tiếp tục liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế của tỉnh, thu hút các nhà đầu tư phát triển hạ tầng vùng biển, ven biển. Trong đó, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực: Phát triển thủy sản; đô thị biển; phát triển du lịch, nhất là du lịch biển... Tăng cường đầu tư phát triển các đô thị biển Rạch Giá, Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương để tạo động lực thúc đẩy các vùng khác cùng phát triển. Tập trung xây dựng Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, đảo mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực, thế giới. Nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách đầu tư phát triển các quần đảo Bà Lụa, Nam Du, Hải Tặc, Thổ Chu... để phát triển du lịch và dịch vụ có giá trị.
Thứ tư, tập trung phát triển văn hóa - xã hội vùng biển, đảo và ven biển. Ưu tiên dành quỹ đất đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, quan tâm đời sống nhà giáo, tạo điều kiện tốt để nâng cao chất lượng dạy và học ở vùng biển, đảo. Quan tâm đầu tư xây dựng trường chất lượng cao ở các huyện đảo, vùng biển, đảo, nhất là trên địa bàn thành phố Phú Quốc. Tiếp tục củng cố và phát triển, mạng lưới y tế vùng biển, đảo; ưu tiên đầu tư xây dựng trạm y tế, trang thiết bị y tế và lực lượng cán bộ y tế ở các xã đảo phục vụ tốt cho việc chăm sóc, khám, chữa bệnh cho người dân.
Thứ năm, bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai. Xác định rõ các khu vực cần bảo vệ, bảo tồn, khu vực hạn chế khai thác tài nguyên khoáng sản, khu vực nuôi trồng thủy hải sản ở biển và vùng bờ... Nâng cao năng lực ứng phó sự cố môi trường, hóa chất độc trên biển; quản lý rác thải biển, nhất là rác thải nhựa; cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường vùng biển, đảo. Tăng cường các biện pháp hữu hiệu trong phòng, chống xói lở bờ biển, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn; bảo vệ, bảo tồn tài nguyên biển cho các vùng cỏ biển, rạn san hô và các loài thủy, hải sản quý hiếm.
Thứ sáu, chú trọng phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng biển, đảo của tỉnh; triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm bảo vệ vững chắc các quyền và lợi ích quốc gia trên vùng biển, đảo. Tăng cường quản lý nhà nước trên biển, đảo, nhất là sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các lực lượng chức năng trên biển trong bảo vệ chủ quyền, bảo đảm an ninh, an toàn vùng biển, đảo. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ các nguồn lực về khoa học, công nghệ, tri thức, đào tạo nhân lực, tài chính, trang thiết bị phục vụ tốt công tác quản lý, khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh./.
---------------------------
(1) Chương trình hành động số 47-CTr/TU, ngày 21-2-2019, của Tỉnh ủy Kiên Giang thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”
(2) Nghị quyết số 78/NQ-CP, ngày 18-6-2022, của Chính phủ, ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 2-4-2022, của Bộ Chính trị “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
(3) Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9-2-2007, của Hội nghị Trung ương 4 khóa X, “Về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” và Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
(4) Như: sản vật các địa phương (nước mắm, tiêu, rượu sim, ngọc trai...); các khu du lịch, điểm du lịch (Nam Du, Lại Sơn, Tiên Hải, Mũi Nai, Hòn Chông...); Khu bảo tồn biển Phú Quốc, Khu vui chơi giải trí Vinpearl, Vườn thú Safari, cáp treo Hòn Thơm...
(5) Đến nay, tỉnh có 2 đô thị loại II, 1 đô thị loại III, 5 đô thị loại IV
Hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế biển - động lực cho phát triển của các tỉnh duyên hải miền Trung  (10/12/2022)
Tiềm năng, cơ hội, thách thức trong phát triển bền vững kinh tế biển miền Trung hiện nay  (23/11/2022)
Phát triển bền vững các ngành công nghiệp và du lịch gắn với biển ở tỉnh Hà Tĩnh hiện nay  (23/11/2022)
Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế biển tỉnh Ninh Thuận hiện nay  (11/11/2022)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay