TCCS - Năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói chung và hoạt động tín dụng chính sách nói riêng, nhưng Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk đã triển khai và thực hiện “nhiệm vụ kép”, vừa thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa hoàn thành tốt các nhiệm vụ, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh và đời sống, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk luôn đồng hành cùng người nghèo, đối tượng chính sách trên chặng đường xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống_Nguồn: daklak.gov.vn

Bảo đảm hoạt động hiệu quả nguồn vốn chính sách

Phát huy tinh thần của Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014, của Ban Bí thư, “Về nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk và 15/15 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn số tiền 38.944 triệu đồng, nâng tổng số vốn ủy thác từ ngân sách địa phương lên 310.730 triệu đồng. Nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang đã tạo điều kiện cho chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh có thêm nguồn vốn để giải quyết cho vay kịp thời tới hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh mang lại hiệu quả thiết thực, giúp bà con thoát nghèo. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cùng các tổ chức chính trị - xã hội đã đẩy mạnh hoạt động cho vay, đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến các đối tượng hưởng thụ với số tiền được giải ngân là 1.058.509 triệu đồng, tăng trưởng dư nợ đạt 6,57%  (cao hơn mức bình quân chung toàn quốc là 6.3%).

Trong 6 tháng đầu năm 2021, đã có 29.356 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk, trong đó có 4.768 lượt hộ nghèo; 5.611 lượt hộ cận nghèo; 3.455 lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; 113 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; có 2.932 lao động được tạo việc làm từ Quỹ Quốc gia về việc làm; 7 lao động được vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 7.519 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng; có 4.884 lượt hộ vay vốn sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg, ngày 5-3-2007, của Thủ Tướng Chính phủ, về Tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn; 32 căn nhà cho các đối tượng theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, ngày 20-10-2015, của Chính Phủ, “Về phát triển và quản lý nhà ở xã hội… Những nguồn vốn quý giá này đã giúp các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Qua đó, góp phần tích cực trong thực hiện Chương trình Mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Theo thống kê sơ bộ của chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh trong 11.501 hộ thoát nghèo và 16.150 hộ thoát cận nghèo năm 2020, có 24.389 hộ được vay vốn tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội (chiếm tỷ lệ là 88,2%).

“Phao” thoát nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số

Theo chân các cán bộ chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk, chúng tôi được đến thăm rất nhiều gia đình với những hoàn cảnh khó khăn khác nhau, nhưng nhờ nguồn vốn chính sách và sự nỗ nực của bản thân, đã vượt qua hoàn cảnh để vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng cuộc sống gia đình và quê hương ngày càng phát triển.

Gia đình anh Cát Mông Lào, thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại Buôn Tul A, xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn. Sau khi được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay chương trình hộ nghèo về nhà ở với số tiền 25 triệu đồng và được vay vốn tín dụng chính sách với số tiền 45 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo về nuôi bò sinh sản. Gia đình anh dùng tiền để xây nhà, mở rộng quy mô chăn nuôi để tăng thêm thu nhập. Đến nay, gia đình có nhà ở ổn định và chăn nuôi được 6 con bò. Thu nhập hằng năm trừ chi phí, lợi nhuận trên 20 triệu đồng.  Chia sẻ với phóng viên, anh Cát Mông Lào bộc bạch: “Tôi rất vui mừng vì gia đình thoát nghèo, sắp tới gia đình tôi sẽ tiếp tục đầu tư chăn nuôi ổn định thu nhập, phấn đấu làm gương cho các hộ nghèo trong buôn cùng nhau thoát nghèo.”

Cũng như gia đình anh Cát Mông Lào, hộ gia đình ông Nguyễn Ngọc Hải, tại thôn 4, Krông Jing, M'Drắk, Đắk Lắk, thuộc hộ cận nghèo, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Khi vay Ngân hàng Chính sách xã hội số tiền 30 triệu đồng từ chương trình hộ cận nghèo hộ vay và sử dụng đúng mục đích xin vay mua 2 con bò đến nay đàn bò gia đình anh sinh trưởng và phát triển thành 5 con, mang lại hiệu quả kinh tế cao, khi đàn bò với giá bán hiện tại có thể đạt trên 90 triệu đồng.

Hộ gia đình ông Trần Văn Lộc, thôn Ea My, xã Ea Sin, huyện Krông Búk, trước đây thuộc diện hộ cận nghèo, sau được vay vốn 50 triệu đồng từ chương trình hộ mới thoát nghèo về chăm sóc cà-phê, nhờ chăm chỉ sản xuất, tăng cường học hỏi kinh nghiệm cũng như khoa học kỹ thuật đã vươn lên thoát nghèo và thu nhập ổn định, giải quyết việc làm thu nhập cho 2 lao động trong gia đình.

 Chia sẻ với chúng tôi, chị Ngô thị Tuyết Nhung, thôn Tân Thắng, xã Ea Na, cho biết “gia đình tôi thuộc hộ cận nghèo, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, nên khi các con đỗ đại học tôi rất lo lắng, vì không biết làm sao có thể xoay sở được tiền ăn học cho các con. Nhờ được vay vốn từ chương trình học sinh - sinh viên để trang trải học phí cho 2 con học đại học, nay các con tôi đều được đi học. Con thứ nhất là sinh viên Trường Đại học Hàng hải Thành Phố Hồ Chí Minh; hiện nay đã ra trường, làm tại Thành Phố Hồ Chí Minh, lương 8 triệu đồng/tháng, con thứ 2 Lê Thị Diễm Quỳnh hiện đang học Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Gia đình tôi nghèo, các con học giỏi là niềm động viên và hy vọng duy nhất, nay các con được đi học nhờ vào nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi rất cảm ơn và hạnh phúc, hy vọng các con học xong có thể đóng góp cho xã hội và có thể ổn định cuộc sống của mình.”

Như nhiều trường hợp khác trên địa bàn huyện Krông Ana, bà H’Vel Kpơr, xã Ea Na, sau nhiều năm tha phương làm công nhân tại Thành phố. Hồ Chí Minh, thu nhập bấp bênh nên đã quyết định nghỉ việc về nhà. Đầu năm 2020, bà làm hồ sơ vay vốn tín dụng ưu đãi đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan với số tiền là 89 triệu đồng. Hằng tháng bà đều có thu nhập ổn định khoảng 10 triệu đồng (sau khi đã trừ chi phí ăn, ở) nên tháng nào cũng dành được một phần gửi về cho chồng con trang trải cuộc sống. Nhờ được vay vốn đi xuất khẩu lao động, chỉ chưa đầy một năm gia đình chị đã trả được khoản nợ 40 triệu đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội, ngoài ra còn mua được một chiếc xe máy mới trị giá hơn 40 triệu đồng và sắm sửa một số vật dụng trong nhà như ti-vi, bàn ghế…

Những tấm gương thoát nghèo của các hộ chính sách được vay vốn là nguồn động lực lớn lao để Ban lãnh đạo, cán bộ, công nhân, viên chức chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk tiếp tục cố gắng hơn nữa nâng cao chất lượng phục vụ với mục tiêu là cầu nối đưa chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận được các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện gần gũi với các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, giúp các cơ quan chính quyền tại Đắk Lăk gần dân và hiểu dân hơn./.