Giải pháp để xây dựng Hà Nội là thành phố thông minh, bền vững, tăng tính kết nối
TCCS- Trong quá trình xây dựng mô hình thành phố thông minh và chính quyền điện tử, lĩnh vực bưu chính - viễn thông và công nghệ thông tin (CNTT) đóng vai trò rất quan trọng. Thời gian tới, cần tập trung nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, xây dựng hạ tầng thông tin văn minh, từng bước ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực của đời sống, phối hợp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu.
Để xây dựng nền hành chính hiện đại, hiệu quả, thời gian qua, các sở, ngành, đơn vị đã bám sát Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động các cơ quan nhà nước của thành phố giai đoạn 2016 - 2020, tích cực tham mưu đẩy mạnh triển khai ứng dụng và phát triển CNTT, xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh. Ban Chỉ đạo ứng dụng CNTT của Hà Nội đã tiến hành rà soát, trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo hướng tập trung, đồng bộ và thống nhất trên một hệ thống. Ðến nay, trên toàn thành phố đã có 386 dịch vụ công mức độ 3 và 170 dịch vụ công mức độ 4. Triển khai thử nghiệm hệ thống "một cửa" điện tử dùng chung ba cấp của thành phố, kết nối các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại một số sở, quận, huyện. Không chỉ tạo thuận lợi cho người dân, việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành của các cơ quan ban ngành còn giúp hoạt động minh bạch, nhanh chóng hơn. Việc liên thông giữa các cơ quan, chia sẻ dữ liệu dùng chung cũng được cải thiện hơn so với trước. Theo kết quả xếp hạng mức độ sẵn sàng ứng dụng và phát triển CNTT (ICT index) năm 2018 do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT) và Hội Tin học Việt Nam công bố, Hà Nội xếp thứ ba cả nước.
Công tác quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp CNTT có những bước chuyển biến tích cực. Hiện nay, Hà Nội có bốn khu CNTT tập trung. Ngoài khu CNTT tập trung Cầu Giấy đang hoạt động ổn định, ba khu CNTT tập trung đang triển khai xây dựng và thực hiện các thủ tục triển khai đầu tư dự án gồm: Khu Công viên phần mềm thành phố Hà Nội; Khu Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội và Khu Công viên CNTT Hà Nội. Ngoài ra, đã khai trương và vận hành hiệu quả Vườn ươm Doanh nghiệp CNTT đổi mới sáng tạo Hà Nội. Sau một năm đi vào hoạt động đã hoàn thành chu kỳ ươm tạo và trao giấy chứng nhận tốt nghiệp cho 10 dự án, ý tưởng khởi nghiệp khóa 1; tiếp nhận 11 dự án, ý tưởng khởi nghiệp khóa 2, tiếp tục khuyến khích ý tưởng sáng tạo và nâng cao giá trị kinh tế cho hệ sinh thái. Ðể xây dựng, phát triển hạ tầng bưu chính - viễn thông trên địa bàn thành phố ngày càng hiện đại, an toàn, dung lượng lớn, tốc độ cao, vùng phủ dịch vụ rộng và đẩy mạnh phát triển mạng thông tin di động thế hệ thứ 4 (4G), Sở Thông tin và Truyền thông đang tích cực triển khai quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ðồng thời, triển khai lắp đặt các trạm BTS thân thiện với môi trường kết hợp điểm thông tin đa năng tại các quận nội thành; chủ động triển khai sóng truy cập điểm phát in-tơ-nét miễn phí tại các điểm công cộng. Bên cạnh đó, Sở cũng tích cực tham mưu thành phố trong công tác xây dựng, quản lý các công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị dùng chung trên địa bàn, từng bước hiện đại hóa hạ tầng thành phố.
Tuy nhiên, dù tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn Hà Nội cao hơn so với cả nước, nhưng phần lớn người dân khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến vẫn phải đến bộ phận một cửa và cần sự hỗ trợ sử dụng của cán bộ, công chức. Tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ này tại nhà chưa cao. Chất lượng, trình độ đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực CNTT, viễn thông còn chưa đáp ứng được yêu cầu của thời kỳ hội nhập. Vì thế, cần triển khai xây dựng hạ tầng thông tin văn minh, từng bước ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực như giáo dục, y tế..., mục tiêu là phục vụ người dân, doanh nghiệp một cách nhanh chóng, giảm phiền hà. Ðồng thời, phải nâng chỉ số sẵn sàng ứng dụng CNTT, không chỉ cán bộ, công chức mà chính người dân cũng phải sẵn sàng ứng dụng CNTT. Phát huy vai trò tham mưu, phối hợp trong xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, bởi nếu không xây dựng cơ sở dữ liệu của từng ngành, từng đơn vị, thì không có dữ liệu chung của thành phố và cũng không chia sẻ được thông tin trong xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh. Trong quá trình tham mưu, triển khai ứng dụng CNTT, phải thường xuyên so sánh, đối chiếu với các thành phố, các quốc gia khác, từ đó có định hướng đầu tư, tránh lãng phí các nguồn lực.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án "Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030". Với đề án này, Chính phủ thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới chất lượng sống của người dân, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu tài nguyên và phát triển công nghệ để phục vụ trực tiếp đời sống con người. Qua đó, thúc đẩy thị trường bất động sản tạo dựng những khu đô thị thông minh, bảo đảm phát triển bền vững; đồng thời, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế. Tại các khu đô thị thông minh, không gian sống hiện đại, hầu hết các dịch vụ đều được thực hiện và quản lý bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo, nhu cầu của cư dân sẽ được đáp ứng ở mức cao nhất với chi phí thấp nhất.
Trong lĩnh vực bất động sản, thông minh gồm nhiều cấp độ: từ căn hộ thông minh, tòa nhà thông minh, khu dân cư thông minh, đến đô thị thông minh và thành phố thông minh. Chúng ta cần nghiên cứu, lựa chọn cấp độ nào để triển khai trước, làm sao có chi phí đầu tư thấp nhưng thỏa mãn được yêu cầu của cư dân. Hiện nay, ở Việt Nam mới có một số căn hộ, nhà ở riêng lẻ thông minh, nhưng chi phí đầu tư khá cao, gần như chỉ là "trò chơi" của người giàu và chưa phát huy được hiệu quả kinh tế, chưa tạo ra chi phí thấp cho dịch vụ, hạ tầng, tiện ích công cộng. Cần tạo ra các tòa nhà thông minh, khu dân cư thông minh có sự kết nối hạ tầng, dịch vụ công cộng với chi phí thấp, nhưng chất lượng quản lý và dịch vụ lại cao. Đây là những hạt nhân để tạo lập lộ trình hoàn thiện đô thị thông minh, thành phố thông minh; đồng thời, cũng là hướng đi tất yếu của thị trường bất động sản Việt Nam, phù hợp với xu hướng phát triển trên thế giới và bảo đảm điều kiện thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA).
Đối với các toà nhà thông minh phải có tiêu chí cụ thể, như sử dụng trí tuệ nhân tạo để quản lý, thay thế từng phần lao động trí óc của con người nhằm bảo đảm không xảy ra rủi ro, sơ suất hay sai lầm mà con người hay mắc phải. Phải tạo được chất lượng sống tốt, chất lượng dịch vụ cao, thỏa mãn tối đa nhu cầu của con người nhưng mức chi trả lại phải rất thấp. Vì thế, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp bất động sản tham gia lĩnh vực này vì lợi ích chung và vì sự phát triển của đất nước. Ví dụ, cần có quỹ dành cho phát triển đô thị thông minh; ưu đãi về vốn vay, ưu đãi thuế VAT đối với những vật liệu thông minh... Nếu không, các chủ đầu tư sẽ triển khai cầm chừng hoặc chỉ đầu tư nhỏ, nhưng vẫn gắn mác "thông minh" cho tòa nhà hoặc dự án của mình.
Như vậy, khi chưa có các chính sách để xây khu đô thị thông minh thì chi phí đầu tư ban đầu sẽ rất lớn, dẫn đến giá bán sản phẩm cao, đối tượng khách hàng cũng bị hạn chế. Do đó, chắc chắn không mấy chủ đầu tư mạo hiểm đầu tư xây dựng đô thị thông minh. Bởi vì, đầu tư cho không gian sống thông minh đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn hơn nhưng lợi ích chúng ta gặt hái được trong tương lai cũng rất lớn. Công trình thông minh được thiết kế theo tiêu chí tối ưu mọi chi phí cho dịch vụ công cộng, cho quản lý khu dân cư, đô thị. Vậy tổng chi phí cho chỗ ở phải tính đến không chỉ tiền mua bất động sản ban đầu mà phải cộng thêm mọi chi phí phải chi cho sử dụng hạ tầng và dịch vụ công cộng trong suốt quá trình sinh sống ở đó. Tại một đô thị thông minh, người ta chỉ có nhu cầu ra đường để vui chơi, hàng hóa cần mua được phụ vụ tận nhà, thậm chí không gian làm việc cũng sẽ có những thay đổi lớn, sự phân tán sẽ thay thế cho tập trung. Vì vậy, công trình thông minh còn giúp cho phát triển xanh hiệu quả hơn, không chỉ mang lại lợi ích về môi trường, sức khỏe cộng đồng mà còn là cơ hội giúp doanh nghiệp tạo được lợi thế cạnh tranh bền vững.
Thành phố thông minh là thành phố tối ưu hóa và cân bằng hóa quá trình vận hành thông qua hệ thống ICT (Information & Communication Technologies, được hiểu là Công nghệ thông tin và Truyền thông. Nó là sự kết hợp giữa truyền thông và viễn thông, các hệ thống quản lý tòa nhà thông minh và hệ thống nghe - nhìn trong công nghệ thông tin hiện đại). Hệ thống ICT quyết định sự thành công của tiến trình hình thành một đô thị thông minh, hình thành trên nền tảng sự tương tác giữa các hệ thống nhánh trong từng lĩnh vực quản lý chuyên biệt của thành phố, nhằm tạo ra hệ sinh thái bên trong bảo đảm cho sự phát triển bền vững của các dịch vụ công đô thị. Vấn đề đặt ra là phải có công cụ lọc hữu hiệu các thông tin được hình thành không ngừng, phát triển theo cấp số nhân với tốc độ phát triển chung của đô thị. Những dữ liệu này cần minh bạch, chính xác mới bảo đảm tính khả thi cho các hoạch định phát triển, cũng như cho sức khỏe của đô thị phát triển theo hướng bền vững.
Hà Nội nói riêng và các đô thị của Việt Nam nói chung cần có cách tiếp cận đồng bộ các mục tiêu của đô thị thông minh. Có thể thời gian để đạt được danh hiệu đô thị thông minh sẽ không nhanh, nhưng việc xây dựng chiến lược phát triển nhằm bảo đảm khả năng phát triển bền vững, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương là hướng cần được ưu tiên, tính toán cho thật chuẩn xác./.
Hà Nội: Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân  (28/10/2020)
Hà Nội ứng dụng công nghệ cao tạo đột phá trong sản xuất nông nghiệp  (27/10/2020)
Tiếp tục xây dựng văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống ngàn năm văn hiến, tạo bước chuyển biến mới trong xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh  (26/10/2020)
Hà Nội nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh từ tuyến y tế cơ sở  (26/10/2020)
Phát triển giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội  (26/10/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay