Tỉnh Kon Tum tăng cường công tác nội chính nhằm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
TCCS - Thời gian qua, công tác nội chính tỉnh Kon Tum đạt được một số thành quả đáng ghi nhận, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ giữ vững trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống chính trị. Thời gian tới, tỉnh Kon Tum tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của lĩnh vực nội chính, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Những kết quả đạt được
Kon Tum là một tỉnh miền núi nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, được thành lập vào tháng 8-1991 (sau khi tách ra từ tỉnh Gia Lai - Kon Tum); phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía Nam giáp tỉnh Gia Lai, phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Tây giáp các tỉnh Ắt-tạ-pư, Sê-kông (nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) và tỉnh Rát-ta-na-ki-ri (Vương quốc Cam-pu-chia); có diện tích tự nhiên khoảng 9,7 nghìn ki-lô-mét vuông với đường biên giới dài 292.522km. Hiện nay, tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, 102 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó có 13 xã biên giới); dân số toàn tỉnh có khoảng 568 nghìn người với 43 dân tộc cùng chung sống, trong đó, tỷ lệ đồng bào là người dân tộc thiểu số chiếm 54,93%.
Công tác nội chính bao gồm hoạt động của các cơ quan trong lĩnh vực nội chính, như Viện kiểm sát, toà án, tư pháp, thanh tra, kiểm toán, công an, quân đội, Ủy ban Kiểm tra Đảng và Ban Nội chính Đảng (1),... Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Đảng và Nhà nước, cùng quyết tâm lớn của các cấp ủy, chính quyền và sự đoàn kết, phấn đấu của toàn dân, thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã kịp thời cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thành các hướng dẫn, chỉ thị, chương trình, kế hoạch,... nhằm nâng cao chất lượng hệ thống chính trị. Trong đó, vai trò của lĩnh vực nội chính ngày càng nổi bật, góp phần không nhỏ hoàn thành nhiệm vụ tiếp tục “đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”(2), điều này được thể hiện chủ yếu ở một số nội dung sau:
Thứ nhất, công tác đấu tranh, phòng, chống, xử lý các loại tội phạm trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; tập trung lãnh đạo, xử lý tốt những vụ việc người dân chiếm đất trái pháp luật; chủ động triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, không để xảy ra các hoạt động “Tin lành Đề-ga”, phục hồi tổ chức Phun-rô, biểu tình, bạo loạn, hoạt động của tà đạo Hà Mòn,... Các loại tội phạm từng bước được kiềm chế, trong đó tập trung đấu tranh, triệt xóa các hoạt động trái phép theo hình thức băng, nhóm, “xã hội đen”, mua bán trái phép chất ma túy, bảo kê, siết nợ, tín dụng đen,...; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới, cửa khẩu, phòng, chống vượt biên, xuất, nhập cảnh trái phép,...
Thứ hai, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp trong việc tiếp dân, đối thoại, giải quyết, xử lý khiếu nại, tố cáo của nhân dân được thực hiện nghiêm túc. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và bí thư cấp ủy các cấp thực hiện nghiêm việc tiếp dân, giải quyết kiến nghị, phản ánh của nhân dân theo Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18-2-2019, của Bộ Chính trị, “Về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân” thông qua Kế hoạch số 97-KH/TU, ngày 18-6-2019, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, “Về trách nhiệm của Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”. Bên cạnh đó, bí thư các cấp ủy đã cụ thể hóa và thực hiện nghiêm chế độ tiếp xúc, đối thoại với công dân theo Quyết định số 1408-QĐ/TU, ngày 25-9-2014, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, “Về Quy chế tiếp xúc, đối thoại giữa bí thư cấp ủy, người đứng đầu chính quyền các cấp với Nhân dân”.
Thứ ba, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kịp thời, hiệu quả các chương trình, kế hoạch của Trung ương về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực(3); chỉ đạo đẩy mạnh, khẩn trương, quyết liệt đối với công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt kết quả cao; công tác thanh tra, kiểm tra được quan tâm, chú trọng. Đặc biệt, công tác cải cách tư pháp được chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc(4) và có chuyển biến tích cực, như tiến hành kết nối internet, truyền hình trực tuyến các phiên tòa đến Tỉnh ủy, hội đồng nhân dân tỉnh và các cơ quan, đơn vị; thành lập Trung tâm giám định pháp y của tỉnh; thực hiện tốt việc quản lý các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng.., qua đó, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp được nâng lên.
Thứ tư, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Kon Tum được thành lập (tháng 6-2022) và đi vào hoạt động dựa trên chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác theo Quy định số 67-QĐ/TW, ngày 2-6-2022, của Ban Bí thư, “Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”; ban hành Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW, ngày 1-8-2022, của Ban Chỉ đạo Trung ương, “Về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” và Công văn số 644-CV/TU, ngày 5-9-2022, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, “Về việc triển khai thực hiện Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW ngày 01 tháng 8 năm 2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”,... Thời gian qua, Ban Chỉ đạo đã tham mưu Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy cụ thể hóa nội dung và triển khai thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh tiến hành điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực xảy ra trên địa bàn, nhất là các vụ án, vụ việc phức tạp, thú hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Thường xuyên chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra đối với những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động có tính khép kín, bí mật và vấn đề nổi cộm, bức xúc trong xã hội.
Thứ năm, kịp thời cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các cơ quan báo chí phối hợp với cơ quan liên quan thực hiện tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và vận động người dân tham gia giám sát công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; ký kết quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Tỉnh ủy và các cơ quan, đơn vị liên quan,... Đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bước đầu đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, như phát hiện 4 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực qua kiểm tra, giám sát, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo; khởi tố 51 vụ án gồm 82 bị can về tham nhũng, kinh tế, tiêu cực; thi hành kỷ luật 1 tổ chức đảng và 301 đảng viên; xử lý kỷ luật hành chính 97 trường hợp, thu hồi hơn 1,069 tỷ đồng, hơn 55m3 gỗ; 13 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thi hành án xong 70 vụ án (xử lý số tiền trên 789 triệu đồng)(5),...
Những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân
Một là, việc triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc (như hướng dẫn về kiểm soát tài sản, thu nhập; định kỳ chuyển đổi vị trí công tác; xác định đối tượng quản lý, cơ quan quản lý công tác phòng, chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước,...); một số giải pháp chưa đạt hiệu quả cao, như công tác kê khai và xác minh tài sản, thu nhập,...; công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng... Một số thông tin phản ánh trên đường dây nóng, hộp thư điện tử về nội dung tham nhũng, tiêu cực chứa thông tin không đầy đủ, không cung cấp địa chỉ người tố cáo nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của cơ quan Trung ương có lúc chưa kịp thời, phù hợp dẫn đến việc lãnh đạo triển khai thực hiện tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; thủ đoạn, hành vi tham nhũng có xu hướng ngày càng tinh vi, khó phát hiện.
Hai là, tình hình tội phạm về trật tự, an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm về mua bán, sử dụng trái phép các chất ma túy, đánh bạc, trộm cắp tài sản,... Tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp tuy đã giảm về số vụ, nhưng diện tích rừng thiệt hại vẫn gia tăng; công tác phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp ở một số địa phương, chủ rừng còn chậm, lúng túng trong việc huy động lực lượng tại chỗ để bảo vệ rừng, phát hiện, xử lý vi phạm,...
Ba là, tình hình an ninh chính trị còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, trật tự, an toàn xã hội có nơi, có lúc còn thiếu ổn định. Công tác xây dựng phong trào ”Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” chưa được quan tâm đúng mức, chưa có các mô hình thực sự điển hình, tiên tiến để biểu dương, nhân rộng. Một số loại tội phạm lộng hành thường xuyên trên địa bàn, như hành hung, xâm phạm thân thể, mua bán trái phép chất ma túy, chất gây nghiện diễn biến phức tạp; số vụ tai nạn giao thông tăng,... Bên cạnh đó, các thế lực thù địch trong và ngoài nước không từ bỏ âm mưu, hoạt động chống phá với nhiều phương thức, thủ đoạn mới để tuyên truyền tư tưởng ly khai, tự trị, dân chủ,... hòng cổ vũ, kích động những đối tượng cực đoan.
Một số nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc Tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, giai đoạn 2012 - 2022) gắn với đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Mặt khác, vừa nêu cao tinh thần phòng, chống tham nhũng về tiền bạc, tài sản, vừa tập trung kiên quyết đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phải nhận thức tiền bạc, tài sản có thể còn thu hồi được, nhưng nếu suy thoái về đạo đức, tư tưởng là mất tất cả(6).
Thứ hai, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác bảo đảm an ninh chính trị trên địa bàn, chủ động nắm vững tình hình an ninh nông thôn; nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và đấu tranh, xử lý các loại tội phạm, như trộm cắp tài sản, tội phạm về tham nhũng, tội phạm có tổ chức,... Bảo đảm sự đồng bộ và phát huy kịp thời, đầy đủ chức năng, sức mạnh của hệ thống thiết chế xã hội trong việc thúc đẩy các chủ thể liên quan chủ động, tích cực, tự nguyện hơn trong tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực(7).
Thứ ba, đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; kiên quyết xử lý kịp thời các vụ tranh chấp, khiếu kiện, lấn chiếm liên quan đến đất đai trên địa bàn. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng; chỉ đạo rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội để chuyển các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, sai phạm cho cơ quan điều tra; chủ động nhận diện, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực với phương châm “ngăn chặn từ gốc, phát hiện từ sớm, xử lý từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn”, “xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”,... nhằm tạo sự răn đe, chuyển biến, lan tỏa.
Thứ tư, thực hiện tốt công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa, tư tưởng, an ninh mạng; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên có quan điểm sai trái, cơ hội chính trị, thoái hóa, biến chất, vi phạm kỷ luật Đảng,...; không để các thế lực thù địch và các đối tượng phản động có cơ hội tác động, ảnh hưởng đến tinh thần, tư tưởng của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn hoạt động của các phần tử xấu lợi dụng không gian mạng để xâm hại an ninh quốc gia. Mặt khác, tiếp tục xây dựng, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Kon Tum gắn với nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan nội chính; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, thực hiện minh bạch việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập, chuyển đổi vị trí công tác, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức.
Thứ năm, tiếp tục triển khai hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; đẩy mạnh đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, tập trung vào các tuyến, địa bàn và lĩnh vực trọng điểm, tội phạm trong thanh thiếu niên, trong lĩnh vực môi trường; phát hiện, giải quyết kịp thời các nhóm có những hoạt động phức tạp về an ninh, trật tự, kiên quyết không để hình thành tội phạm có tổ chức. Tăng cường sự kết hợp giữa các thiết chế xã hội, như giáo dục, truyền thông, dư luận xã hội, văn hóa... nhằm góp phần thúc đẩy công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt kết quả bền vững; tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng./.
--------------------------
(1) Xem: Nguyễn Phú Trọng: “Các cơ quan nội chính phải thật sự là những “thanh bảo kiếm sắc bén” và “lá chắn vững chắc” để bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn trật tự, kỷ cương của xã hội”, Tạp chí Cộng sản, số 974, tháng 9-2021, tr. 4
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 334
(3) Kế hoạch số 24-KH/TU, ngày 6-9-2021, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhằm thực hiện Kết luận số 02-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW, ngày 25-6-2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy và chữa cháy”; Kế hoạch số 25-KH/TU, ngày 6-9-2021, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về “Thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW, ngày 2-6-2021, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế””; Công văn số 164-CV/TU, ngày 16-4-2021, của Ban Nội chính Tỉnh ủy, “Về việc triển khai thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về công tác phòng chống tham nhũng”; Công văn số 240-CV/TU, ngày 28-7-2021, của Ban Nội chính Tỉnh ủy, “Về việc triển khai thực hiện Kết luận số 05-KL/TW, ngày 3-6-2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác phát hiện, xử lý việc, vụ án tham nhũng”...
(4) Nghiên cứu Đề án “Đổi mới tổ chức bộ máy Tòa án nhân dân tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII của Đảng đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới” của Tòa án nhân dân tối cao; Ban hành Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (trong đó có nội dung về công tác cải cách tư pháp); báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện Kết luận số 69-KL/TW, ngày 24-02-2020, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của Luật sư” theo yêu cầu của Ban Nội chính Trung ương...
(5) Đặng Phước: “Kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Kon Tum”, Trang Thông tin điện tử tổng hợp Ban Nội chính Trung ương, ngày 19-9-2022, https://noichinh.vn/cong-tac-phong-chong-tham-nhung/202209/kiem-tra-don-doc-cong-tac-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-tai-kon-tum-311587/
(6) Xem: Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr. 16
(7) Xem: Phạm Minh Anh, Đỗ Văn Quân: Thiết chế xã hội và kiểm soát tham nhũng, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2021, tr. 152
Thực hành dân chủ trong hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bắc Giang  (31/07/2023)
Tỉnh Đắk Lắk tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị  (27/05/2023)
Đổi mới tư duy lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam  (17/04/2023)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển