Nắm bắt và định hướng dư luận xã hội trong tình hình mới: Một số kinh nghiệm của tỉnh An Giang
TCCS - Nắm bắt và định hướng dư luận xã hội là một nội dung quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng. Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: “Chú trọng nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội”(1). Trước yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, công tác nắm bắt và định hướng dư luận xã hội luôn được Đảng bộ tỉnh An Giang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Với đặc điểm là tỉnh biên giới, có nhiều dân tộc và tôn giáo(2), trong những năm qua, Đảng bộ tỉnh An Giang thường xuyên tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo gắn kết chặt chẽ công tác tư tưởng, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 07-ĐA/TU, ngày 12-8-2020, về “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dư luận xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2020 - 2025”. Thông qua đó, công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội trên địa bàn tiếp tục được đổi mới cả về nội dung và hình thức; nâng cao chất lượng, hiệu quả; bám sát thực tiễn đời sống xã hội; kịp thời phản ánh những vấn đề bức xúc, nổi cộm phát sinh ở địa phương; trở thành một nhiệm vụ thường xuyên, nền nếp, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh.
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, góp phần thực hiện tốt công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội
Cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh ngày càng nhận thức rõ hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội trong nội bộ và nhân dân; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị, từ đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Hệ thống tuyên giáo các cấp của tỉnh luôn phát huy vai trò chủ động, tích cực tham mưu cấp ủy triển khai nhiều biện pháp hiệu quả, nâng cao chất lượng công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội theo hướng ngày càng thực chất và đi vào chiều sâu. Lực lượng cộng tác viên từ tỉnh đến cơ sở cũng hoạt động ngày càng đi vào nền nếp, có nhiều đổi mới nhằm tập trung nắm bắt, phản ánh những vấn đề nổi cộm, bức xúc dễ phát sinh khiếu kiện, tạo thành điểm nóng trên địa bàn, như công tác quy hoạch, thu hồi đất, đền bù, giải tỏa, tái định cư; ô nhiễm môi trường; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; cải cách hành chính...
Thực hiện Quyết định số 238-QĐ/TW, ngày 30-9-2020, của Ban Bí thư, về “Ban hành Quy chế phối hợp giữa ban tuyên giáo các cấp với cơ quan nhà nước cùng cấp trong việc thực thi pháp luật, triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm, Nhân dân quan tâm”, ngay từ đầu năm 2021, Thường trực Tỉnh ủy đã chủ trì tổ chức ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2021 - 2025 giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh và Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh; giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề nổi cộm trong tỉnh. Phát huy những kết quả đạt được thời gian qua, trên cơ sở tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, An Giang đã phát hiện và giải quyết tốt, ngay từ đầu các vấn đề bức xúc trong nhân dân, không để phát sinh điểm nóng.
Công tác định hướng tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí được được quan tâm tăng cường. Đặc biệt, Tỉnh ủy An Giang đã chủ động xây dựng và ban hành Quy định số 887-QĐ/TU, ngày 8-7-2021, về “Quy trình ứng xử với truyền thông trên địa bàn tỉnh”. Qua đó, góp phần quan trọng tạo sự thống nhất, chặt chẽ trong việc ứng xử với truyền thông, kịp thời phản bác các thông tin sai sự thật và định hướng báo chí, dư luận trước những vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm, có liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực; tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng trong Đảng bộ và sự đồng thuận trong nhân dân.
Việc nắm bắt, tổng hợp thông tin và tổ chức điều tra xã hội học về dư luận xã hội(3) ngày càng phát huy hiệu quả thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, in-tơ-nét, mạng xã hội; đồng thời, tỉnh tập trung đổi mới theo hướng tăng cường cơ chế phản hồi thông tin. Những vấn đề nổi cộm phát sinh mà dư luận phản ánh (được tổng hợp hằng ngày, hằng tuần) được kịp thời gửi đến các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan để tập trung giải quyết hoặc đề xuất xử lý(4). Kết quả giải quyết được thông tin công khai trên Cổng thông tin Đảng bộ tỉnh để người dân nắm rõ và giám sát; tạo sự đồng tình, tin tưởng, đánh giá rất cao trong nội bộ và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Đây cũng là điều kiện giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời nắm bắt những vấn đề còn tồn tại, hạn chế; chấn chỉnh hoạt động quản lý, điều hành và giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; hạn chế tình trạng khiếu kiện, tụ tập đông người.
Bên cạnh việc thực hiện tốt cơ chế tiếp xúc, đối thoại, cấp ủy, chính quyền các cấp còn thường xuyên gặp gỡ, họp mặt cán bộ hưu trí, đại biểu trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nghiệp, đại diện đồng bào các dân tộc thiểu số, tôn giáo..., qua đó lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; đồng thời tiếp thu, giải thích rõ các vấn đề quan trọng của đất nước, của tỉnh, góp phần củng cố niềm tin và tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân đối với việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Chú trọng chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và giải quyết kịp thời những bức xúc trong nhân dân
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định phương châm thực hiện: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đây cũng là một trong những trọng tâm mà Đảng bộ tỉnh An Giang luôn tập trung hướng tới. Chú trọng phát huy dân chủ, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc nảy sinh cũng nhằm mục đích chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Là tỉnh biên giới có gần 100 km tiếp giáp với Cam-pu-chia, lợi dụng tuyến biên giới có địa hình phức tạp, nhiều đối tượng xấu luôn tăng cường hoạt động, gây mất an ninh, trật tự và bức xúc trong nhân dân, công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội ngày càng được các cấp, các ngành chú trọng và phát huy hiệu quả, được nhân dân đánh giá cao, nhất là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh - trên vành đai biên giới, trên đường thủy nội địa và trên đường bộ.
Theo đó, thực hiện chủ trương “kiểm soát chặt đường biên giới” nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào An Giang nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung, không để hàng rào phòng, chống dịch bị phá vỡ, Thường trực Tỉnh ủy đã phân công Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, các đơn vị có liên quan và ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố biên giới tăng cường quản lý, tổ chức duy trì trên 200 tổ để chốt chặn, kiểm soát cố định và kiểm soát lưu động trên biên giới 24/24 giờ, nhất là các tuyến đường mòn, lối đi lại trên vườn, ruộng, kênh rạch, bến đò...; quản lý chặt các loại tội phạm xuyên quốc gia, các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới; nhờ đó, góp phần làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Với quyết tâm chuyển hóa địa bàn, truy quét, triệt xóa các đường dây, tổ chức tội phạm, nhất là những tổ chức tội phạm “núp bóng” biên giới để hoạt động, thời gian qua, từ các nguồn tin báo tố giác tội phạm của người dân, lực lượng Công an tỉnh đã phối hợp chặt với lực lượng Biên phòng, Hải quan, Quân sự tỉnh và các ngành liên quan xác lập và triệt phá được nhiều chuyên án lớn, bắt gọn được nhiều ổ nhóm tội phạm (liên quan đến buôn lậu, cờ bạc, ma túy, đưa người qua biên giới trái phép; những hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch COVID-19...); tạo sự phấn khởi và củng cố niềm tin trong nội bộ và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương.
Cũng liên quan đến vấn đề biên giới, từ đầu tháng 6-2021, trước tình hình chính quyền thủ đô Phnôm Pênh (Vương quốc Cam-pu-chia) yêu cầu tất cả chủ bè nuôi cá, nhà nổi trên sông thuộc địa bàn thủ đô (đa số là người Khmer và người Chăm gốc Việt) phải tháo dỡ hoặc di dời, Thường trực Tỉnh ủy An Giang đã chủ động tổ chức thông tin cho các cơ quan báo chí, truyền thông trong và ngoài tỉnh để tăng cường tuyên truyền động viên bà con bình tĩnh, tuân thủ luật pháp, tôn trọng quyết định của chính quyền sở tại nước bạn. Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh An Giang chủ động phối hợp với tỉnh Đồng Tháp làm việc với Tỉnh trưởng tỉnh Kandal (Vương quốc Cam-pu-chia) và tích cực kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương trao đổi, đề nghị phía Cam-pu-chia tiếp tục quan tâm, giải quyết vấn đề địa vị pháp lý và bảo đảm tính nhân đạo cho người Cam-pu-chia gốc Việt đang sinh sống tại đây.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng phát huy truyền thống “tương thân, tương ái” của dân tộc, trong suốt thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tích cực tham gia đóng góp sức người, sức của ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ người dân An Giang có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; không chỉ bà con đang sống trong tỉnh, mà cả những bà con An Giang đang sinh sống tại Cam-pu-chia, tại Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương... Những nghĩa cử cao đẹp của Đảng bộ và nhân dân tỉnh An Giang được các địa phương đánh giá cao; đồng thời, góp phần tích cực trong việc chung tay ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Đảng bộ tỉnh An Giang xác định:
Thứ nhất, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của các cấp ủy đối với công tác nắm bắt và định hướng dư luận xã hội. Công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội phải gắn liền với công tác tư tưởng, vì vậy các đảng bộ, chi bộ và mỗi cán bộ, đảng viên cần phải xem đây là nhiệm vụ thường xuyên, cần tập trung thực hiện. Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp về vai trò, vị trí, chức năng và sự cần thiết phải nắm bắt, định hướng dư luận xã hội; chủ động nắm bắt, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình tư tưởng trong nhân dân để có biện pháp giải quyết kịp thời, đúng đắn các vấn đề bức xúc nảy sinh, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội. Công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội cần chú trọng tới những vấn đề dân sinh, tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những vấn đề mới nảy sinh, những điểm nóng. Đa dạng hóa các phương thức nắm bắt, định hướng dư luận xã hội, như đối thoại, thông tin, tuyên truyền, điều tra khảo sát trực tiếp hoặc thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội..., qua đó, giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân; giải thích cho nhân dân nhận thức rõ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời, kịp thời bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách của địa phương phù hợp với nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong các cấp ủy, các tầng lớp nhân dân.
Thứ ba, gắn kết chặt chẽ và phát huy đồng bộ, hiệu quả công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội với việc tăng cường hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo 35 các cấp trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Tăng cường tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên in-tơ-nét, mạng xã hội. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đăng tải, cung cấp thông tin sai lệch, thông tin không đúng sự thật, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tư tưởng, tâm trạng xã hội, đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và sự phát triển của địa phương, đất nước.
Như vậy, trên cơ sở định hướng của Trung ương và sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, thời gian qua, các cấp, các ngành tỉnh An Giang đã tăng cường công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội; đồng thời tích cực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong xử lý các vấn đề bức xúc, nổi cộm. Với tinh thần cầu thị, trách nhiệm, không né tránh và luôn tôn trọng sự thật, việc giải quyết các vấn đề trên đã thể hiện rõ năng lực, phẩm chất của người lãnh đạo, của các cấp ủy, các cấp, các ngành trong tỉnh. Chính quyết tâm chính trị với mục tiêu tất cả vì lợi ích của Đảng, của nhân dân đã tạo được sự thống nhất trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận của nhân dân trong tỉnh, góp phần xây dựng và phát triển quê hương An Giang ngày càng giàu đẹp./.
--------------
(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 181
(2) Có 3 tôn giáo nội sinh: Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo
(3) Hằng năm, tỉnh tổ chức 4 cuộc điều tra xã hội học bằng phương pháp truyền thống và thực hiện nhiều cuộc khảo sát trên mạng xã hội
(4) Tính từ đầu năm 2021 đến cuối tháng 7-2021, tỉnh đã tiếp nhận được 110 nội dung phản ánh, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân; đã có gần 90 nội dung phản ánh được các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh giải quyết và phản hồi kết quả
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển