Tỉnh Lào Cai hiện thực hóa lời dạy của Bác Hồ về đổi mới sáng tạo, vươn lên trở thành tỉnh phát triển của cả nước
TCCS - Tư tưởng và những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đổi mới sáng tạo có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, là kim chỉ nam và động lực để Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, không ngừng đổi mới sáng tạo, tìm tòi những cách làm mới, đột phá để nỗ lực vươn lên trở thành tỉnh phát triển của cả nước.
Sinh thời, Bác Hồ dành nhiều sự quan tâm, chăm lo và chỉ dẫn ân cần với Đảng bộ và đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai. Với tình thương yêu và tình cảm thân thiết, ngay cả khi chưa có điều kiện đến thăm, Người đã viết thư thăm hỏi Đảng bộ và đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai cùng những căn dặn quý báu, trong đó có những chỉ dẫn về tinh thần đổi mới sáng tạo. Ngay trong bức thư đầu tiên Thư gửi đồng bào tỉnh Lào Cai, đăng trên báo Cứu quốc ngày 19-10-1945, Bác căn dặn: “Từ đây đồng bào chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ,… không phân biệt trai gái, già trẻ, giàu nghèo, lương giáo, không phân biệt Mán, Mường, Mèo, v.v., cùng nhau hăng hái đứng lên phấn đấu để… xây dựng nền hạnh phúc tự do cho dân chúng”(1).
Trong Bài nói chuyện với cán bộ và đại biểu nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai, ngày 24-8-1958, Bác căn dặn: “Các dân tộc to cũng như nhỏ đều là chủ đất nước, đều đoàn kết giúp đỡ nhau như anh em ruột thịt”; “phải làm cho đồng bào no cơm, ấm áo… phải tăng gia sản xuất”; “Muốn giữ gìn trật tự, an ninh tốt, phải dựa vào nhân dân”; Đảng bộ tỉnh phải “ra sức bồi dưỡng, giáo dục và cất nhắc cán bộ địa phương, cán bộ dân tộc”; “Phải củng cố chi bộ đảng và đoàn thanh niên lao động… phát triển đến đâu, phải củng cố đến đấy”; “Cán bộ phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phải đi đúng đường lối quần chúng của Đảng”; đồng bào và cán bộ Lào Cai “cố gắng thi đua làm cho nhân dân trong tỉnh ngày càng sung sướng”(2),… Những lời dặn dò ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh hàm chứa yêu cầu về tinh thần đổi mới sáng tạo, là những chỉ dẫn cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Lào Cai trong xây dựng quê hương mình.
Thực hiện những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt chặng đường 74 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đã viết nên trang sử anh dũng, bất khuất, đầy hy sinh, gian khổ, song cũng vô cùng vẻ vang. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, toàn thể nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai luôn đoàn kết một lòng, hướng về Đảng, Bác Hồ kính yêu, ra sức phấn đấu, không ngừng đổi mới sáng tạo, vượt qua muôn vàn khó khăn để xây dựng và bảo vệ quê hương.
Năm 2021 đánh dấu chặng đường tròn 30 năm tái lập tỉnh, đổi mới và phát triển, tỉnh Lào Cai luôn khắc ghi lời dạy của Người và từng bước hiện thực hóa những chỉ dẫn về đổi mới sáng tạo vào thực tiễn của một tỉnh vùng cao, biên giới, nhiều dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, tỉnh Lào Cai đã chuyển mình mạnh mẽ từ vùng đất nghèo khó, hoang tàn, đổ nát sau chiến tranh trở thành vùng động lực phát triển nơi biên giới, một điểm sáng ở khu vực Tây Bắc của Tổ quốc.
Năm 1991, tỉnh Lào Cai được tách ra từ tỉnh Hoàng Liên Sơn, phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Khi đó, mặt bằng dân trí của tỉnh thấp (60% số trẻ trong độ tuổi không được đến trường, có tới 14 xã “trắng” về giáo dục); 7/10 huyện chưa có điện lưới quốc gia; 138/180 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, 150/180 xã chưa có đường giao thông đến trung tâm; 55% số hộ dân thuộc diện đói, nghèo; 36 xã chưa có trạm y tế; tình hình an ninh biên giới còn nhiều phức tạp, khó lường… Các trung tâm thị xã, thị trấn trong tỉnh gần như bị tàn phá hoàn toàn bởi chiến tranh. Thời điểm đó, Lào Cai là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước, thu ngân sách chỉ đạt 36 tỷ đồng. Những khó khăn trên đặt ra nhiệm vụ hết sức nặng nề cho Đảng bộ tỉnh, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng rất lớn, sự đoàn kết, đồng sức, đồng lòng vươn lên của cả hệ thống chính trị. Học tập theo tinh thần đổi mới sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi giai đoạn, tỉnh Lào Cai đã lựa chọn thế mạnh phù hợp, dành nguồn lực đầu tư thích đáng và tập trung chỉ đạo quyết liệt để tạo sự bứt phá.
Từ năm 1991 đến năm 2000 là chặng đường Lào Cai tái lập, ổn định và kiến thiết quê hương. Giai đoạn này, tỉnh Lào Cai phải vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, từng bước định hình hướng đi, xác định nhiệm vụ trọng tâm, phát huy lợi thế để tạo đà phát triển bằng nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng, nhằm tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.
Với tinh thần không ngừng đổi mới sáng tạo, tỉnh Lào Cai tập trung sắp xếp, khôi phục, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn nhằm phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân, tạo dựng cơ sở cho giai đoạn sau. Nhờ đó, quy mô GDP của tỉnh ngày càng tăng, năm 2000 gấp 2,1 lần năm 1991. Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp - công nghiệp - du lịch, dịch vụ từng bước khởi sắc (quy mô sản xuất nông nghiệp năm 2000 gấp 1,6 lần năm 1991; quy mô sản xuất công nghiệp năm 2000 gấp 2,6 lần năm 1991; quy mô giá trị sản xuất dịch vụ tăng vượt bậc, năm 2000 gấp 16,9 lần năm 1991); thu ngân sách địa phương năm 2000 đạt 400 tỷ đồng, gấp 11,1 lần năm 1991; thu nhập bình quân đầu người đạt 2,33 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ dân đói nghèo giảm mạnh, từ 54,8% (năm 1991) xuống còn 21% (năm 2000). Nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội (giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội) có bước chuyển biến tích cực, tạo cơ sở, tiền đề vững chắc cho sự phát triển bền vững của địa phương.
Nếu như năm 1991, tỉnh Lào Cai có 60% số trẻ trong độ tuổi không được đến trường, có tới 14 xã “trắng” về giáo dục thì đến năm 2000, tỷ lệ người biết chữ từ 15 tuổi trở lên ở Lào Cai chiếm 68,8%; tỉnh có 9 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, số học sinh tốt nghiệp phổ thông tăng 5,5 lần so với năm 1991. Tỉnh Lào Cai đã xóa xã “trắng” về y tế, số lượng cán bộ y tế, bác sĩ và dược sĩ có trình độ đại học tăng lên gấp 2,7 lần, trong đó có 270 bác sĩ và 26 dược sĩ đại học. Tỉnh Lào Cai có 108 xã, phường, thị trấn phủ sóng truyền hình, có 98 xã, phường, thị trấn phủ sóng phát thanh. Các chính sách an sinh xã hội cho người nghèo, người yếu thế được quan tâm và đẩy mạnh. Hoạt động quốc phòng, an ninh được củng cố, từng bước thiết lập và mở rộng quan hệ đối ngoại. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm, hướng tới mục tiêu xóa thôn, bản “trắng” đảng viên và tổ chức đảng.
Giai đoạn 2001 - 2010 là thời kỳ tỉnh Lào Cai đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới toàn diện, hướng mạnh về cơ sở bằng các chương trình, đề án, nghị quyết chuyên đề của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XII (2000 - 2005), khóa XIII (2006 - 2010). Thực hành những chỉ dẫn của Bác Hồ, trong 10 năm này, tỉnh Lào Cai đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị, với sự phát triển mạnh mẽ.
Từ năm 2001 - 2010, kinh tế tỉnh Lào Cai có bước phát triển vượt bậc hơn so với 10 năm đầu tái lập tỉnh. Quy mô GDP năm 2010 gấp 30,3 lần so với năm 1991. Giá trị kinh tế trên các lĩnh vực tăng lên nhanh chóng, sản xuất nông nghiệp của tỉnh năm 2010 gấp 2 lần năm 2001; số cơ sở sản xuất công nghiệp năm 2010 tăng 2,3 lần, giá trị sản xuất công nghiệp đã tăng lên 7 lần so với năm 2000. Giá trị sản xuất kinh tế dịch vụ của tỉnh tăng khá nhanh, năm 2010 gấp 2,7 lần năm 2001. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2010 đạt 4.540,4 tỷ đồng, gấp 34,8 lần năm 2001(3); thu nhập bình quân đầu người đạt 15,7 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh chóng.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có bước phát triển toàn diện, tỉnh Lào Cai sớm hoàn thành các chỉ tiêu về phổ cập giáo dục. Năm 2001, tỉnh Lào Cai có 100% số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ. Năm 2005, tỉnh Lào Cai đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; năm 2007, hoàn thành các mục tiêu phổ cập giáo dục trung học cơ sở, sớm hơn so với kế hoạch đề ra và sớm hơn nhiều địa phương khác trong cả nước; năm 2010, đã hoàn chỉnh hệ thống y tế cho các tuyến tỉnh, huyện, xã, phường, thị trấn và y tế thôn, bản, với 4 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, 8 bệnh viện đa khoa huyện, 96 phòng khám đa khoa khu vực. Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được nhân dân trong tỉnh hưởng ứng sôi nổi, với 69 nhà tập luyện và thi đấu thể thao.
Quốc phòng, an ninh, đối ngoại trên địa bàn thường xuyên được củng cố, giữ vững và mở rộng. Năm 2007, tỉnh Lào Cai trở thành tỉnh đầu tiên hoàn thành việc phân giới cắm mốc trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị được phát huy mạnh mẽ, với nhiều bước đột phá về cải cách hành chính và công tác cán bộ. Với việc tập trung đầu tư theo hướng trọng tâm, trọng điểm thông qua các chương trình, đề án, tỉnh Lào Cai đã có những bước phát triển kinh tế, xã hội mang tính đột phá. Những quyết sách đúng đắn trên đã góp phần đưa Lào Cai từ một tỉnh nghèo nhất của cả nước dần vươn lên thành tỉnh phát triển của vùng Tây Bắc.
Giai đoạn 2011 - 2020 là chặng đường Lào Cai đẩy mạnh phát huy lợi thế, tạo đà để phát triển nhanh và bền vững, trở thành tỉnh phát triển của khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Trong 10 năm này, tỉnh Lào Cai tập trung khai thác mọi tiềm năng, lợi thế sẵn có để tăng tốc, bứt phá trên nhiều lĩnh vực. Thành tựu đạt được của tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011 - 2020 rất đáng tự hào, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn đạt mức cao, quy mô GRDP ngày càng lớn (năm 2010 gấp 2,97 lần so với năm 2000, năm 2020 gấp 4,2 lần so với năm 2010). Kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ. Tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Lào Cai được hoàn thành và thông xe đã mở ra cơ hội và triển vọng lớn, cùng với hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Các khu kinh tế trọng điểm được đầu tư và nâng cấp để đáp ứng năng lực vận tải và hoạt động xuất, nhập khẩu. Khu kinh tế cửa khẩu được mở rộng và quy hoạch đồng bộ, ngày càng hiện đại. Khu du lịch Sa Pa thu hút nhiều nhà đầu tư lớn, trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia, vươn lên đẳng cấp quốc tế. Các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu đô thị mới ngày càng hoàn thiện và khang trang. Kết quả này có được nhờ Đảng bộ tỉnh luôn khắc ghi những điều căn dặn của Bác Hồ để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển của Lào Cai.
Với tinh thần đoàn kết, đồng lòng và nỗ lực vươn lên, tỉnh Lào Cai đã có bước chuyển mình nhanh chóng. Từ một tỉnh nghèo nhất cả nước, sau 30 năm tái lập, về kinh tế, Lào Cai đang vươn lên trở thành tỉnh đứng đầu khu vực Tây Bắc và đứng thứ ba trong 14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2020 đạt 9.089 tỷ đồng (gấp 252 lần so với năm 1991), thu nhập bình quân đầu người đạt 76,3 triệu đồng (xếp thứ 2 trong các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và gấp 105 lần so với năm 1991); tỷ lệ nghèo giảm nhanh, từ 54,8% (năm 1991) xuống còn 8,46% (năm 2020, theo tiêu chí mới); năm 2019, khách du lịch đến tỉnh Lào Cai đạt 5,1 triệu lượt người; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới với 54 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 100% số xã có đường giao thông kiên cố và điện lưới đến trung tâm xã.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 luôn đạt mức cao, quy mô GRDP ngày càng lớn. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Lào Cai luôn đứng ở tốp đầu cả nước (là tỉnh đầu tiên công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện). Tỉnh Lào Cai đã hoàn thành cơ bản việc kết nối hệ thống mạng lưới giao thông với Hà Nội và các tỉnh lân cận (đường sắt, đường sông, đường bộ cao tốc và đang phấn đấu hoàn thành tuyến đường hàng không dân dụng).
Giáo dục, y tế của tỉnh Lào Cai có bước phát triển vượt bậc. Nếu như ngày đầu tái lập tỉnh, 60% số trẻ em trong độ tuổi chưa được tới trường, thì đến năm 2000, tỉnh Lào Cai hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học xóa mù chữ; năm 2007, phổ cập giáo dục trung học cơ sở; năm 2013, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt kết quả toàn diện, đạt tỷ lệ 11,2 bác sĩ/vạn dân; có 9 bệnh viện tuyến huyện, 164 trạm y tế xã, phường, thị trấn; đồng thời, nâng cấp 1 bệnh viện đa khoa tỉnh, với quy mô 500 giường bệnh. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có sự phát triển vượt bậc, hệ thống đô thị mở rộng ngày càng hiện đại - văn minh, bảo đảm kết nối các vùng, miền trong và ngoài nước, tạo động lực mới cho sự phát triển. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại đều đạt được những kết quả toàn diện. Thành phố Lào Cai đã vươn mình trở thành đô thị loại II từ năm 2014 và đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu để sớm trở thành đô thị loại I. Các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu dịch vụ - du lịch được quy hoạch bài bản, bề thế. Nông nghiệp, nông thôn mới phát triển, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập/diện tích canh tác trên địa bàn tỉnh.
Các chương trình, đề án của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh dành 70% nguồn lực đầu tư cho cơ sở; quan tâm xây dựng và chăm lo đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; xác định và phát huy thế mạnh của mỗi địa phương để phát triển kinh tế hàng hóa; xây dựng đường biên giới hữu nghị với mô hình “Tuần tra chung”; tạo cơ chế, chính sách cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển với phương châm “Doanh nghiệp phát tài - Lào Cai phát triển”. Mô hình “Tuyên vận” ở tỉnh Lào Cai đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn, nay được nhân ra diện rộng. Công tác tuyên giáo của tỉnh được đổi mới cả nội dung và phương thức tuyên truyền, hướng đến từng đối tượng, đã góp phần to lớn vào xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.
Có được những thành tựu trên, cùng với việc thực hành những chỉ dẫn của Bác Hồ về tinh thần đổi mới sáng tạo, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở có sự đoàn kết, thống nhất cao, năng động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì tỉnh Lào Cai phát triển nhanh, bền vững. Cùng với quan điểm chỉ đạo đúng đắn, nhất quán, phương pháp lãnh đạo khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, Đảng bộ tỉnh luôn coi trọng phát triển toàn diện, bền vững, có bước đi thích hợp; xây dựng các chương trình, đề án thiết thực để tập trung chỉ đạo; mỗi giai đoạn lại có những đột phá khác nhau và dành nguồn lực đầu tư, tạo động lực thúc đẩy toàn diện các lĩnh vực phát triển. Kết hợp hài hòa giữa khai thác nguồn nội lực với thu hút và sử dụng có hiệu quả ngoại lực để phát triển nhanh và bền vững. Với những thành tựu đạt được, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận và phong tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý: Huân chương Sao vàng; Huân chương Độc lập hạng Nhất; danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; đồng thời, có nhiều tập thể và cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động.
Năm 2021 đánh dấu chặng đường 30 năm tái lập tỉnh, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, khắc ghi lời Bác dạy, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai càng thấy rõ trách nhiệm với tương lai phát triển của tỉnh nhà, bước vào nhiệm kỳ mới với khí thế mới, với tinh thần năng động, đổi mới sáng tạo, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, với 24 mục tiêu, 7 nhiệm vụ trọng tâm, 9 nhóm giải pháp, 2 khâu đột phá, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện di nguyện của Bác Hồ “Làm cho nhân dân trong tỉnh ngày càng sung sướng”, trở thành điểm sáng ở vùng Tây Bắc của Tổ quốc, sớm hiện thực hóa mục tiêu đưa Lào Cai trở thành tỉnh phát triển của cả nước./.
--------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 67
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 521 - 527
(3) Lào Cai 25 năm tái lập, đổi mới và phát triển - Tầm nhìn và hành động, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tr. 114, 249
Hà Nội đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo  (05/08/2021)
Những điểm mới về kinh tế trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng  (31/07/2021)
Kinh tế không tiếp xúc: Nhận diện và một số hàm ý chính sách  (26/07/2021)
Kinh tế không tiếp xúc: Nhận diện và một số hàm ý chính sách  (26/07/2021)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển