Hà Nội - điểm sáng trong công tác xây dựng đảng và đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước
TCCS - Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XV Đảng bộ thành phố Hà Nội (tháng 10-2010) xác định: “Phát triển, củng cố tổ chức và hoạt động của tổ chức đảng trong khu vực kinh tế ngoài nhà nước cho phù hợp với thực tiễn”. Theo đó, thời gian qua, Hà Nội triển khai nhiều biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng và đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Một số kết quả quan trọng
Trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vai trò của công tác xây dựng Đảng và đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thực tiễn cho thấy, doanh nghiệp nào có tổ chức đảng thì các đoàn thể nhân dân cũng hoạt động tốt hơn, hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi, người lao động yên tâm, phấn khởi làm việc.
Mặc dù có nhiều cố gắng, song công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở đối với hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước ở Hà Nội còn nhiều hạn chế như: nhiều tổ chức đảng chưa thực sự phát huy được vai trò, hiệu quả hoạt động phụ thuộc vào ý chí của chủ doanh nghiệp, cá biệt có một số tổ chức đảng, đoàn thể bị giải thể...
Từ thực tiễn đó, để đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, phát huy vai trò, vị trí của các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước theo tinh thần Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị và Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 27-2-2012, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn từ nay đến 2020”. Với nhiều cách làm hay, cụ thể, sáng tạo, công tác xây dựng Đảng và đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn Hà Nội thời gian qua đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Một là, chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng
Sau khi Nghị quyết số 09-NQ/TU được ban hành, Thành ủy thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước thành phố Hà Nội (gọi tắt là Ban Chỉ đạo thành phố) do đồng chí Phó Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban; đồng thời ban hành Kế hoạch số 47 -KH/TU, ngày 2-3-2012, để tổ chức thực hiện Nghị quyết. Thành ủy tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai sâu rộng đến các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và toàn thể cán bộ chủ chốt của thành phố.
Bên cạnh việc tuyên truyền Nghị quyết qua các phương tiện thông tin đại chúng như Báo Hà Nội mới, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Kinh tế đô thị, Lao động, Tuổi trẻ Thủ đô…, Ban Chỉ đạo thành phố biên soạn 2 số thông tin chuyên đề (10.000 cuốn) về Nghị quyết số 09-NQ/TU, Nghị định số 98-NĐ/CP dịch sang tiếng Anh, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và gửi tới các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc để tuyên truyền đến các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố. Đây là việc làm thể hiện sự sáng tạo, sâu sát của Thành ủy Hà Nội để bảo đảm cho mọi người lao động, mọi doanh nghiệp được quán triệt sâu sắc chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Thành ủy về công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Ban thường vụ các quận, huyện, thị ủy thành lập ban chỉ đạo và tổ giúp việc. Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp và đảng ủy các tổng công ty trực thuộc Thành ủy phân công một đồng chí ủy viên ban thường vụ trực tiếp phụ trách công tác phát triển tổ chức đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước của đơn vị. Cấp ủy các cấp tăng cường công tác khảo sát, nắm chắc tình hình hoạt động của doanh nghiệp, đội ngũ người lao động. Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết, thành phố đã chỉ đạo và thực hiện khảo sát trên 51.500 lượt doanh nghiệp, trong đó đã tiến hành khảo sát sâu, toàn diện trên 7.300 doanh nghiệp có số lượng người lao động lớn, quy mô rộng, hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định. Trên cơ sở kết quả khảo sát, xây dựng lộ trình, kế hoạch, tổ chức các buổi tiếp xúc với chủ doanh nghiệp và người lao động để vận động, thuyết phục thành lập các tổ chức đảng, đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp. Khi đã tạo được sự đồng thuận, đủ điều kiện theo quy định, thì hướng dẫn các cấp uỷ đảng trực thuộc thành lập tổ chức đảng và đoàn thể nhân dân bảo đảm đúng quy trình, thủ tục, tuân thủ các quy định của Điều lệ Đảng và điều lệ các đoàn thể nhân dân…
Hai là, việc kiện toàn, sắp xếp mô hình tổ chức đảng, đoàn thể nhân dân được thực hiện bài bản, khoa học:
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp thành phố: “Đổi mới mô hình, nội dung, phương thức lãnh đạo của tổ chức đảng các tổng công ty thuộc Thành ủy Hà Nội trong tình hình mới”, Thành ủy ban hành Quyết định số 01-QĐi/TU, ngày 29-5-2018, quy định tạm thời “Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của đảng ủy cấp trên cơ sở trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội”; đồng thời triển khai phương án “Sắp xếp, tổ chức lại mô hình tổ chức đảng các tổng công ty thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội”, kiện toàn lại mô hình của 5 đảng bộ tổng công ty; thực hiện củng cố, kiện toàn, chuyển giao các tổ chức cơ sở đảng không còn vốn nhà nước (hoặc vốn tổng công ty) về trực thuộc cấp ủy các địa phương nơi doanh nghiệp có trụ sở chính.
Kết quả từ năm 2016 đến nay, xây dựng thực hiện 2 đề án sắp xếp lại mô hình của 3 đảng bộ khối là đảng bộ cấp trên cơ sở của các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp (hợp nhất khối du lịch, khối công nghiệp, khối doanh nghiệp Hà Nội thành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Hà Nội). Sau sắp xếp, kiện toàn, đã giảm 7 đảng bộ cấp trên cơ sở, giảm 22 cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý, trong đó có 5 đồng chí bí thư cấp ủy, 10 đồng chí cấp trưởng, cấp phó hưởng lương từ ngân sách nhà nước; bộ máy tổ chức của cơ quan Đảng ủy Khối Doanh nghiệp và các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tinh gọn hơn, chất lượng hoạt động từng bước được nâng cao, tạo niềm tin, gắn kết giữa doanh nghiệp và chính quyền thành phố.
Cùng với việc kiện toàn các tổ chức đảng, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo thành phố quyết liệt chỉ đạo Liên đoàn Lao động thành phố, Thành Đoàn Hà Nội sắp xếp, củng cố lại các tổ chức đoàn thể theo hướng đồng bộ với mô hình tổ chức đảng; nghiên cứu, triển khai nhiều đề án thí điểm thành lập tổ chức đoàn thể, như: thí điểm thành lập công đoàn cơ sở ghép tại Cụm Công nghiệp Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm); thành lập các nghiệp đoàn giáo dục gồm một số trường ngoài công lập trên cùng một địa bàn... Thành đoàn Hà Nội xây dựng và triển khai đề án, kế hoạch đưa cán bộ Thành đoàn đi thực tế tại cơ sở; từ năm 2012 đến nay đã có 4 cán bộ được phân công, biệt phái về làm bí thư, phó bí thư đoàn trong các tổng công ty, các đảng ủy khối của thành phố. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tiếp tục thực hiện thí điểm thành lập tổ chức hội phụ nữ trong các doanh nghiệp tư nhân chưa có tổ chức công đoàn.
Ba là, tiến hành đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, chất lượng hoạt động của các tổ chức đoàn thể nhân dân
Giai đoạn 2012 - 2020 là thời điểm tập trung thực hiện cổ phần hóa theo chỉ đạo của Chính phủ, chính vì vậy, thành phố tập trung chỉ đạo các tổng công ty thực hiện cổ phần hóa, tái cơ cấu, đổi mới, sắp xếp lại các doanh nghiệp. Các đảng ủy tổng công ty tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, tuyên truyền để cán bộ, đảng viên, người lao động nhận thức đúng chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; động viên cán bộ, đảng viên, người lao động yên tâm công tác, thực hiện đúng các nội quy, quy chế, quy định của doanh nghiệp. Sau cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, đã chỉ đạo các đảng bộ đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo phù hợp với mô hình quản trị doanh nghiệp mới trên tinh thần đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp, chỉ đạo tổ chức đảng và đảng viên hoàn thành tốt các nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, giữ vững vai trò tiền phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ.
Các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc tập trung củng cố những đơn vị yếu kém, tỷ lệ các tổ chức đảng đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm đều tăng, số tổ chức đảng yếu kém giảm. Nhiều cấp ủy đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; tích cực đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo, nhất là trong sinh hoạt cấp uỷ, sinh hoạt chi bộ định kỳ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp vẫn bố trí được thời gian và nhân sự vào hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị… Đặc biệt, một số cấp ủy cấp trên chủ động cử cán bộ xuống dự sinh hoạt chi bộ doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước để hướng dẫn, giúp đỡ quy trình, nội dung sinh hoạt chi bộ ở những đơn vị có tính đặc thù hoặc ở những tổ chức đảng cần phải củng cố, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đồng thời thực hiện hướng dẫn nghiệp vụ đảng.
Các tổ chức đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có nhiều chuyển biến tích cực trong đoàn kết, tập hợp đoàn viên; nhiều hoạt động được triển khai đã thu hút được đông đảo và phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đảng viên, đoàn viên, hội viên, góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho người lao động. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên trong việc thực hiện nội quy, quy chế làm việc; tích cực động viên người lao động tham gia các phong trào phát huy sáng kiến, sáng tạo, thi đua lao động giỏi, phong trào văn hoá, văn nghệ, thể thao... Bên cạnh đó, các đoàn thể trong doanh nghiệp còn thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ giám sát thực hiện chính sách, pháp luật, chế độ... đối với người lao động của chủ doanh nghiệp nhằm củng cố lòng tin của người lao động, tạo động lực và mong muốn trở thành đoàn viên, hội viên của các đoàn thể trong doanh nghiệp.
Bốn là, việc thành lập tổ chức đảng và các tổ chức đoàn thể nhân dân đạt kết quả tích cực
Trước khi ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, toàn thành phố có 117.740 doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đăng ký hoạt động, với 18.593 đảng viên trong 633 tổ chức đảng (chủ yếu có từ trước khi các doanh nghiệp nhà nước tiến hành cổ phần hóa); 2.301 công đoàn cơ sở với tổng số 203.503 đoàn viên; 653 cơ sở đoàn - hội phụ nữ với 9.262 đoàn viên, 11.920 hội viên; 132 tổ chức hội phụ nữ với 2.779 hội viên. Đến nay, sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết, toàn thành phố có 285.349 doanh nghiệp (tăng 2,4 lần), 2.216 tổ chức đảng (tăng 3,5 lần), số lượng đảng viên được kết nạp mới là 8.411 đảng viên (trong đó có 36 chủ doanh nghiệp tư nhân) trên tổng số 34.566 đảng viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; thành lập được 5.164 tổ chức đoàn thể, phát triển được 365.847 đoàn viên, hội viên (trong đó có 3.539 tổ chức công đoàn với 323.429 đoàn viên; 1.434 tổ chức đoàn với 36.632 đoàn viên). Một số đơn vị tiêu biểu, như: Quận ủy Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Long Biên, Ba Đình, Cầu Giấy; Huyện ủy Sóc Sơn, Ba Vì, Mê Linh, Thanh Trì, Đông Anh; Đảng ủy các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Hà Nội...
Một số hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng và đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước ở thành phố Hà Nội thời gian qua vẫn còn một số hạn chế sau:
Ban chỉ đạo ở một số quận, huyện, thị ủy chưa quyết liệt trong chỉ đạo; hoạt động giao ban còn thiếu nền nếp; các nhóm giải pháp và tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, vận động có nơi chưa sát thực tiễn; còn thiếu các giải pháp trọng tâm, mang tính đột phá; một số nơi còn có tư tưởng ngại khó khăn, thiếu kiên trì trong công tác tuyên truyền, vận động; công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết chưa tập trung, thiếu thống nhất.
Việc triển khai và thực hiện chế độ hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức đảng theo Quyết định số 2100-QĐ/TU, ngày 5-9-2012, của Thành ủy Hà Nội, “Về quy định tạm thời một số chế độ, định mức chi hỗ trợ tổ chức đảng và các đoàn thể chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn thành phố” ở một số nơi khó khăn, chưa được tháo gỡ kịp thời.
Chỉ tiêu phát triển tổ chức đảng, đoàn thể của một số quận, huyện ủy chưa đạt yêu cầu đề ra. Việc phát triển đảng viên còn khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng của các doanh nghiệp trên địa bàn.
Chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có nơi còn hạn chế; một số doanh nghiệp thành lập tổ chức đảng, đoàn thể nhưng không duy trì hoạt động hiệu quả, thậm chí có tổ chức phải giải thể; công tác quản lý đảng viên, hồ sơ đảng viên còn thiếu chặt chẽ…
Giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng và đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước của Hà Nội trong thời gian tới
Từ thực tiễn gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU và để nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng và đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân về vị trí, vai trò của tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.
Hai là, tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, tạo điều kiện để tổ chức đảng và các đoàn thể nhân dân hoạt động hiệu quả; hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phát triển bền vững, từ đó có cơ sở, điều kiện thành lập mới các tổ chức đảng và đoàn thể nhân dân.
Ba là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng, các đoàn thể; nâng cao chất lượng đảng viên, đoàn viên, hội viên.
Bốn là, tiếp tục khảo sát, thực hiện thành lập mới tổ chức đảng, các đoàn thể; phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, quan tâm phát triển ở các doanh nghiệp tư nhân.
Năm là, tăng cường củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức đoàn thể đồng bộ với mô hình tổ chức đảng; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đoàn thể trong doanh nghiệp./.
Hà Nội thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí  (06/06/2021)
Hà Nội: Khuyến khích người dân thực hiện thủ tục hành chính qua mạng  (24/05/2021)
Để lời nói thực sự là “gói vàng”!  (21/05/2021)
- Hệ thống chính trị cơ sở với việc bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội
- Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu: Thành công và hạn chế
- Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có “tâm, tầm, trí” - yếu tố then chốt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh
- Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một số vấn đề đặt ra
- Tỉnh Bình Định tích cực chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Văn hóa - Xã hội
Một số quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa và nâng tầm văn hóa Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Căng thẳng Nga - Ukraine: Bản chất, nguyên nhân và triển vọng