Thương mại, thị trường Hà Nội - 65 năm, một chặng đường nhìn lại

Doãn Công Khánh
TS, Bộ Công Thương
20:35, ngày 14-11-2019

TCCS - 65 năm qua, ngành thương mại Hà Nội gặt hái được nhiều thành công, song cũng đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn. Để phát triển tương xứng với vị thế là một trong những trung tâm giao lưu kinh tế lớn nhất cả nước, thời gian tới, Hà Nội cần chú trọng hơn đến việc tổ chức lại thương mại và thị trường.

Thị trường và thương mại Hà Nội hiện nay đã có những đổi thay to lớn_Nguồn:  tapchicongthuong.vn

Nhìn lại thương mại, thị trường Hà Nội sau 65 năm

Sáu mươi lăm năm đã trôi qua kể từ ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954), đến nay, thị trường và thương mại Hà Nội đã có những đổi thay to lớn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng từ 197,5 nghìn tỷ đồng (năm 2010) lên 469,5 nghìn tỷ đồng (năm 2018), gấp 2,38 lần. Hà Nội dần trở thành một “chợ” khổng lồ với mạng lưới 22 trung tâm thương mại, 134 siêu thị, 454 chợ (đầu mối và dân sinh), cùng hơn 1.500 cửa hàng tiện lợi, tạp hóa, văn phòng đại diện… có đủ loại hình, quy mô lớn nhỏ, ở khắp các đường phố, cửa ô, các trục giao thông, ngõ, ngách, chung cư… Hàng hóa với đủ các chủng loại đang thỏa sức “phô diễn” trên thị trường: đồ mới, đồ tân trang, đồ cũ, hàng hiệu, hàng nhái, hàng giả, thuốc lá nội, ngoại, tân dược... được bày bán trên khắp các nẻo đường, ngõ phố, niêm yết công khai trên các báo điện tử và website…

Mặc dù đã có những bước tiến khá dài, song nhìn chung tính chuyên nghiệp và trình độ hiện đại hóa của thương mại nội địa còn thấp. Quy mô của các loại hình bán buôn, bán lẻ chủ yếu vẫn là vừa và nhỏ. Liên kết và hợp tác trong mạng lưới tự phát và lỏng lẻo. Công nghệ quản lý chậm được chuyển giao và phổ biến áp dụng... Có quá ít những doanh nghiệp và hệ thống phân phối đủ mạnh, với khả năng tài chính, mạng lưới kinh doanh, nguồn nhân lực, công nghệ quản lý và điều hành phù hợp với xu thế hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa, đủ khả năng tổ chức, dẫn dắt, điều phối thị trường.

Thương nghiệp tư nhân với số lượng đông đảo 300.000 cơ sở kinh doanh cùng gần 90.000 doanh nghiệp góp phần tạo nên sự sống động của thị trường. Tuy nhiên, do quy mô nhỏ bé, phân tán nên hiệu quả và sức cạnh tranh còn yếu, đang là thách thức to lớn khi dịch vụ phân phối mở cửa và hội nhập với khu vực và thế giới...

Một vài nét phác thảo trên cho thấy, Hà Nội đang rất cần một chiến lược thương mại và dịch vụ theo hướng kinh tế mở - một chiến lược nhằm làm cho Thủ đô nhanh chóng bứt phá, trở thành một trong những trung tâm giao lưu kinh tế lớn nhất cả nước, có sức hấp dẫn, lôi cuốn, níu giữ khách hàng trong và ngoài nước.

Tiềm năng của Hà Nội nhìn nhận theo quan điểm của kinh tế thị trường hiện đại chính là lợi thế so sánh tổng hợp, trong đó đề cao những yếu tố lợi thế vô hình, khác với lợi thế sản phẩm theo quan điểm cổ điển của kinh tế kế hoạch hóa tập trung, chủ yếu xuất phát từ những yếu tố lợi thế hữu hình và có sẵn. Hà Nội là mảnh đất đắc địa có lịch sử phát triển lâu đời, hội tụ các trục giao thông lớn, nơi có “yếu tố thị” và tầng lớp “thị dân - kẻ chợ” hình thành sớm nhất, có bề dày lịch sử và cũng để lại nhiều trầm tích nhất của văn minh hàng hóa.

Hà Nội lại nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, một vùng có số lượng và mật độ dân số lớn nhất so với các vùng khác; cách không xa cửa ngõ của vùng trung du và miền núi phía Bắc - một vùng rộng lớn, thưa dân, trình độ phát triển kinh tế và tiêu dùng còn thấp nhưng chứa đựng một quy mô rất lớn nhu cầu tiềm năng về hàng hóa và dịch vụ; là nơi đón đầu luồng hàng hóa từ các tỉnh trung du, miền núi, nơi tiếp nhận luồng hàng nông sản của đồng bằng sông Hồng... một lợi thế của “điểm nút” giao lưu hàng hóa giữa các vùng và với nước ngoài. Hà Nội cũng tập trung nhiều tri thức, nhân tài, là môi trường thu hút các tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Chất lượng lao động của Hà Nội cũng cao hơn các địa phương khác (32% tổng số lao động có trình độ chuyên môn và kỹ thuật được đào tạo, 83% tổng số cán bộ nghiên cứu và quản lý có trình độ trên đại học của cả nước làm việc tại Hà Nội)… Đó là tiềm năng của những tiềm năng, lợi thế của những lợi thế cần được khai thác và phát huy một cách tối ưu.

Báo cáo Phát triển Việt Nam của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2016 cho thấy, xu hướng di cư từ nông thôn ra thành thị ở Việt Nam ngày càng mạnh. Có đến 20% số hộ cho biết có ít nhất một thành viên di cư và 47% trong số họ đến các trung tâm lớn, như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Hà Nội là thành phố đông dân với  mật độ dân số lớn nhất cả nước (năm 2017, theo báo cáo của Chính phủ, dân số Hà Nội đã trên 9,6 triệu người, lớn hơn dân số dự báo đến năm 2030. Với tốc độ tăng trung bình 3%/năm, đến năm 2020 ước tính sẽ là 10,5 triệu người, gần bằng dân số dự báo đến năm 2050), vượt qúa xa so với dự kiến. Đó là một lợi thế về dung lượng thị trường và về sự “đậm đặc” của nhu cầu.

Trong vòng ba thập niên tới, xu thế đô thị hóa sẽ diễn ra rất mạnh mẽ, đặc biệt là ở châu Á. Nhịp độ và đẳng cấp phát triển của một quốc gia tùy thuộc rất nhiều vào nhịp độ và đẳng cấp phát triển của các thành phố, đặc biệt là các thành phố siêu lớn (mega-city) như Hà Nội. Đặt trong tương quan so sánh quốc tế và yêu cầu phát triển trong môi trường cạnh tranh và hội nhập quốc tế, để tạo động lực cho cả nền kinh tế, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách tụt hậu phát triển, Hà Nội vẫn chưa phát triển đúng tầm, chưa phát huy được tiềm năng và lợi thế, bị tụt hậu phát triển so với nhiều thành phố khác trong khu vực.

Những con phố cổ của Hà Nội được trang hoàng lại vào các dịp lễ_Nguồn:  vietnammoi.vn


Theo Nghị quyết số 15/2008/QH12, ngày 29-5-2008, của Quốc hội, “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, Hà Nội được mở rộng hơn 3 lần, với diện tích đất tự nhiên 334.470,02ha, vào “tốp” 17 thủ đô trên thế giới có diện tích rộng nhất và dân số 6.232.940 người - đứng thứ tư trong khu vực Đông Nam Á.

Cần một chiến lược thương mại và dịch vụ theo hướng kinh tế mở

Hà Nội có vị trí quan trọng, phải sớm trở thành một thị trường bình đẳng, cạnh tranh và liên kết, một thị trường phong phú, sống động, vừa phục vụ việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của Thủ đô, vừa góp phần định hướng và dẫn dắt sự phát triển thị trường cả nước. Để rà soát và điều chỉnh lại chiến lược phát triển và quy hoạch phân bố không gian thương mại của thành phố đặt trong mối liên kết với sự phát triển của vùng và các đầu tàu kinh tế, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, xây dựng cơ chế thúc đẩy liên kết, phát huy vai trò dẫn dắt và điều phối phát triển vùng.

Hà Nội cần đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các địa phương, nhất là các tỉnh trong vùng Thủ đô để tạo nên sức hút mạnh hơn về cung cầu và sức lan tỏa trong toàn vùng. Mở rộng hợp tác với các tỉnh phía Bắc của nước ta và các tỉnh phía Nam của Trung Quốc trong khuôn khổ “hai hành lang và một vành đai”; gắn kết việc mở rộng quan hệ hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế.

Với chức năng là trung tâm tổ chức các hoạt động giao dịch thương mại quốc tế, thúc đẩy và phục vụ các hoạt động xuất, nhập khẩu, cung cấp đồng bộ các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, thương mại và đầu tư, cần định hình trung tâm thương mại - tài chính cấp quốc gia và vùng theo định hướng phát triển không gian đô thị của vùng Thủ đô, gắn với 4 luồng giao lưu: Thị trường thế giới - Nội Bài - thị trường cả nước; thị trường Trung Quốc - Hà Nội - thị trường cả nước; thị trường Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - thị trường cả nước; thị trường Thành phố Hồ Chí Minh - Hà Nội - thị trường các tỉnh phía Bắc.

Việc hình thành các trung tâm thương mại vệ tinh và xuyên vùng sẽ góp phần thúc đẩy giao lưu, mở rộng quan hệ trao đổi giữa Hà Nội với các vùng, miền trong cả nước, trong đó Hà Nội sẽ trở thành đầu mối - trung tâm “thu nhận và phát sóng”.

Hai là, tổ chức lại thị trường bán buôn đi đôi với việc chấn chỉnh mạng lưới bán lẻ.

Hà Nội cần tiến hành đồng bộ việc giãn dân, hạn chế phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trong khu vực nội đô với những giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng thương mại ở khu vực ngoại ô và các đô thị vệ tinh theo cơ chế “trong đẩy, ngoài hút”; xây dựng các khu vực thương mại “láng giềng” tương ứng với các khu vực sản xuất công nghiệp; hình thành các trung tâm bán buôn tổng hợp hàng công nghiệp tiêu dùng cấp vùng gắn với khu vực đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh và các đầu mối giao thông liên vùng. Việc Hà Nội phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh để kế hoạch hóa và làm chủ việc phát luồng hai đầu của thị trường cả nước cũng là việc làm có ý nghĩa quan trọng.

Bên cạnh đó, Hà Nội cần cải tạo các đường phố thương mại thành hạt nhân ở các khu thương mại trung tâm, mang bản sắc văn hóa kinh doanh truyền thống với các yêu cầu hiện đại, khắc phục tình trạng phát triển trùng lặp ở các cửa hàng, cửa hiệu mặt phố. Theo đó, khuyến khích nâng cấp, sáp nhập cửa hàng tạp hóa vào các chuỗi cửa hàng tiện lợi theo phương thức nhượng quyền thương mại để vừa hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, vừa cải tiến phương thức kinh doanh; khuyến khích phát triển cửa hàng chuyên doanh tập trung thành các tuyến đường chuyên doanh theo nhóm sản phẩm; khuyến khích phát triển cửa hàng tiện lợi tại các chung cư, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kết nối các tuyến giao thông, khu vực nhà ga các tuyến đường sắt đô thị (metro)…

Hà Nội cần có những góc phố giao lưu văn hóa - nơi du khách được gặp gỡ, thưởng thức ẩm thực Việt Nam và đặc biệt, được cùng hòa nhập với cuộc sống người dân thành phố. Có thể là khu phố đi bộ với dịch vụ ẩm thực, bán hàng lưu niệm, mang bản sắc văn hóa dân tộc. Trên thực tế, Hà Nội đã có phố đi bộ, nhưng hiện mới chỉ là không gian giao tiếp công cộng của người dân và du khách thập phương, thiếu các loại hình dịch vụ hấp dẫn khác. Như vậy, Hà Nội rất cần có kế hoạch chi tiết, hệ thống và đồng bộ từ các bình diện cấu trúc không gian, phương thức giao thông, loại hình dịch vụ, sản phẩm du lịch… Trong nội bộ khu phố, có thể lựa chọn phương thức xây dựng khu phố đi bộ hoàn toàn, hoặc xây dựng khu phố đi bộ vào ban đêm với các mốc thời gian được quy định chặt chẽ với hệ thống các dịch vụ đồng bộ và khép kín, từ dịch vụ đổi ngoại tệ, ăn uống, mua sắm thời trang, in-tơ-nét, hiệu sách quốc tế, rạp chiếu phim, hệ thống hoa, cây cảnh… đi kèm với nhiều biểu tượng kiến trúc, mỹ thuật mang phong cách đương đại.

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay, hàng rong - một hoạt động kinh tế phi chính thức, sinh kế cho nhiều người thiếu vốn và thiếu tay nghề chuyên môn, trong chừng mực nào đó còn có chức năng văn hóa khi nó là một trong những nét riêng biệt của Việt Nam so với thế giới. Hàng rong đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội. Chua Beng Huat, một giáo sư nổi tiếng về đô thị học của Xin-ga-po, khi quan sát hoạt động hàng rong trong khu phố cổ Hà Nội, cho rằng: Một ngày nào đó, thành phố này phải thuê những người bán hàng rong để họ tái tạo lại lịch sử. Cần nghiên cứu khu vực, con đường nào có diện tích có thể cho phép bán trên vỉa hè và cương quyết cấm hàng rong trên lòng đường.

Ba là, sắp xếp, tổ chức lại hệ thống chợ.

Hà Nội là thủ đô, trung tâm kinh tế, văn hóa của cả nước nên phải chú trọng phát triển chợ theo hướng văn minh, hiện đại, đáp ứng được các yêu cầu phát triển lâu dài, đồng thời phải kết hợp hài hòa với việc giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống.

Hiện nay, các chợ đầu mối trên địa bàn mới chỉ đáp ứng khoảng 14% nhu cầu tiêu thụ sản phẩm. Ngoài 2 chợ đầu mối là chợ Hoàng Mai và chợ Minh Khai đang hoạt động, trên địa bàn thành phố còn có 4 chợ kinh doanh bán buôn nông sản, thủy sản có tính chất đầu mối, gồm chợ Long Biên kinh doanh hoa quả và rau các loại; chợ cá Yên Sở kinh doanh thủy sản; chợ gia cầm Hà Vỹ kinh doanh gia cầm, thủy cầm; chợ hoa Quảng An kinh doanh hoa. Nhìn chung, hoạt động của các chợ này chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ nông sản, thực phẩm của thành phố; nguồn hàng chưa được kiểm soát chặt chẽ về an toàn thực phẩm. Quy mô phân phối còn nhỏ, nên chưa có khả năng điều tiết giá cả thị trường, một số hàng hóa tại các chợ đầu mối này chưa truy xuất được nguồn gốc khi cần thiết, đặc biệt là đối với loại hàng hóa là rau, củ, quả. Bên cạnh đó, do còn hạn chế trong công tác khai thác thị trường, quảng bá sản phẩm, nên hàng hóa tại chợ đầu mối chưa cung cấp được cho các siêu thị. Theo quy hoạch phát triển, Hà Nội sẽ có thêm 6 chợ đầu mối được xây dựng tại các huyện Phù Đổng, Quốc Oai, Mê Linh, Phú Xuyên, Ba Vì và Đan Phượng; tuy nhiên việc kêu gọi đầu tư gặp khá nhiều khó khăn do doanh nghiệp chưa quan tâm.

Các chợ đầu mối không nên chỉ tập trung ở khu vực cận đô, mà cần phát triển cả ở các huyện có tiềm năng về sản xuất, kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối với nội đô và các vùng phụ cận. Chợ đầu mối cần được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn, vệ sinh thực phẩm gắn với chế biến và kênh phân phối hiện đại... Trong thời gian tới, Hà Nội cần lựa chọn một số chợ đầu mối bán buôn nông sản, thực phẩm để hoàn thiện công năng, từng bước nâng cấp thành các trung tâm bán buôn, xuất, nhập khẩu nông sản thực phẩm, địa điểm tham quan, mua sắm của khách du lịch.

Đối với chợ bán lẻ khu vực nội thành, không phát triển thêm, xây mới. Việc xây dựng chợ mới (nếu có) chỉ để phục vụ công tác giải tỏa, di dời các chợ hiện có. Cần sửa chữa, nâng cấp các chợ hiện hữu và tập trung duy tu, bảo tồn những chợ có giá trị văn hóa, lịch sử để đáp ứng nhu cầu trao đổi mua bán của người dân, kết hợp với phát triển du lịch. Bên cạnh đó, cần rà soát, lựa chọn các chợ hoạt động không hiệu quả để nâng cấp, chuyển đổi công năng thành các loại hình phân phối hiện đại phù hợp, dựa trên nguồn vốn xã hội hóa.

Đối với chợ bán lẻ khu vực ngoại thành của các huyện cần sửa chữa, nâng cấp, xem xét xây dựng mới chợ hạng III để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của người dân. Xem xét xây dựng mới chợ hạng I hoặc hạng II ở khu vực trung tâm của huyện, làm hạt nhân của mạng lưới chợ dân sinh phục vụ các xã, cụm dân cư.

Thành phố có thể xem xét bố trí các chợ phiên văn hóa để tạo cái mới mang tính chu kỳ, như chợ phiên mỹ thuật (hàng mỹ thuật, mỹ nghệ, tranh nghệ thuật, đồ trang sức...); chợ phiên đồ gốm sứ, đồ mỹ thuật gia dụng; chợ phiên hàng đan lát, ẩm thực đường phố, ẩm thực biển, cà-phê… Chợ phiên loại hình nào thì quy định ưu tiên cho mặt hàng ấy. Hàng hóa phải bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ và đặc biệt là hàng hóa từ các làng nghề truyền thống. Tại mỗi chợ phiên văn hóa phải có những “nghệ nhân làng nghề” đóng vai trò những người giới thiệu tri thức làng nghề.

Định hướng phân bố mạng lưới bán buôn, bán lẻ ở Hà Nội

Bốn là, thu hút vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại.

Hà Nội không chỉ bó hẹp trong phát triển thị trường hàng hóa, mà còn cần tổ chức và phát triển mạnh mẽ các loại hình thị trường, đặc biệt là thị trường vốn. Trước mắt, Hà Nội cần hoàn thiện các định chế nhằm tổ chức, phát triển thị trường vốn dài hạn, ngắn hạn, thị trường chứng khoán, hoàn thiện cơ chế tín dụng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều có thể tham gia vòng luân chuyển vốn của xã hội; huy động mọi tiềm năng về vốn trên thị trường theo quy định của pháp luật.

Năm là, mở rộng thị trường.

Hà Nội đang đứng trước cơ hội lớn cho một làn sóng đầu tư mới, được gọi là làn sóng đầu tư hướng Nam từ các nền kinh tế phương Bắc. Đây chính là cơ hội tốt cho Hà Nội có thể tận dụng cơ hội này trong thời gian tới. Hà Nội hoàn toàn có thể trở thành nơi đặt đại bản doanh cho các tập đoàn xuyên quốc gia và là một thành phố đáng sống. 

Tiếp tục mở rộng thị trường thông qua việc tạo điều kiện cùng các doanh nghiệp tham dự các hội chợ trong và ngoài nước. Đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại; phát triển hệ thống thông tin thị trường, xây dựng chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp; duy trì việc tổ chức và tham gia các hội chợ, triển lãm, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm quốc tế. Tạo điều kiện kết nối các doanh nghiệp, trang trại, làng nghề của thành phố với các bạn hàng và đối tác kinh doanh.

Hà Nội cần nghiên cứu thí điểm thành lập mô hình khu công nghiệp như một “thành phố công nghiệp” theo tư duy gắn khu công nghiệp với phát triển đô thị (nơi làm việc, nơi ở, nơi vui chơi, giải trí tại một chỗ) - tức là cán bộ, công nhân có thể làm việc, tham gia các hoạt động mua sắm, văn hóa, thể thao, giải trí… ở ngay tại khu công nghiệp./.

Quy hoạch Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050