TCCS - Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đi đầu trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, bảo đảm hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ. Với quan điểm kiên quyết và kiên trì thực hiện các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác tổ chức, cán bộ, nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã xây dựng, ban hành đề án, nghị quyết, triển khai nhiều chương trình hành động và bước đầu đạt được hiệu quả thiết thực trong thực hiện nhất thể hóa chức danh người đứng đầu và tinh gọn bộ máy trong toàn hệ thống chính trị của tỉnh.

Quyết tâm vượt qua những khó khăn, thách thức trong việc sắp xếp, tinh giản bộ máy, biên chế của tỉnh Quảng Ninh

Tỉnh Quảng Ninh nằm ở vùng Đông Bắc Tổ quốc, có diện tích đất liền hơn 6.100km2 và diện tích biển tương đương, với 2.077 đảo đá và đất, bờ biển dài 250km. Dân số toàn tỉnh trên 1,2 triệu người, với 22 dân tộc; có 14 đơn vị hành chính (4 thành phố, 2 thị xã, 8 huyện). Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh có 21 đầu mối trực thuộc, 789 tổ chức cơ sở đảng (463 đảng bộ cơ sở, 326 chi bộ cơ sở), 5.081 chi bộ trực thuộc, với trên 99.700 đảng viên.

Tỉnh Quảng Ninh có nhiều điều kiện thuận lợi và cơ hội phát triển mạnh mẽ, nhưng đồng thời cũng đối mặt với những mâu thuẫn, thách thức lớn. Cụ thể, đó là mâu thuẫn giữa tiềm năng phát triển rộng lớn với chính sách còn hạn hẹp; mâu thuẫn giữa khai thác than, phát triển công nghiệp nặng với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn. Đồng thời, tỉnh còn đối diện với 4 thách thức lớn: 1- Phát triển kinh tế nhanh, bền vững, đồng thời bảo đảm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; 2- Tăng trưởng kinh tế nhanh, mạnh, và vẫn bảo đảm an sinh xã hội; 3- Phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh, nhưng vẫn bảo vệ, phát triển môi trường; 4- Vừa bảo đảm phát triển bền vững trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh đặc trưng, vừa phải ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao. Bên cạnh đó, tỉnh còn phải khắc phục nhiều yếu kém, hạn chế, như bộ máy trong hệ thống chính trị còn cồng kềnh, chồng chéo, việc tinh giản biên chế vẫn còn chậm, phát triển chưa bền vững, hàm lượng khoa học, công nghệ trong các sản phẩm còn thấp, kết cấu hạ tầng đồng bộ chưa đạt yêu cầu, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu...

Từ những khó khăn và thách thức nêu trên, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011), tỉnh Quảng Ninh đã nhận thức rõ và tiến hành đồng bộ ở cả 3 khâu đột phá chiến lược là: kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính, nguồn nhân lực; đồng thời, đề ra 6 nhóm giải pháp lớn để tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh: 1- Đổi mới nhận thức, tư duy, nâng cao tầm nhìn chiến lược trong việc ban hành, cụ thể hóa chỉ thị, nghị quyết; 2- Xây dựng chiến lược, quy hoạch, đề xuất thể chế, cơ chế, chính sách đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; 3- Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức và cán bộ; 4- Tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh tự phê bình, phê bình và phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; 5- Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động để huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị; 6- Coi trọng và nâng cao chất lượng công tác sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm thực tiễn và bổ sung lý luận.

Trong các nhóm giải pháp nêu trên, nhóm giải pháp “đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác tổ chức và cán bộ” thông qua đổi mới, tinh giản bộ máy, biên chế trong hệ thống chính trị, thực hiện nhất thể hóa, tinh gọn một số cơ quan đảng và chính quyền có chức năng, nhiệm vụ gần nhau, với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, chất lượng đội ngũ cán bộ là một trong những giải pháp chiến lược để tỉnh vượt qua thách thức, phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển bền vững.

Tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành rà soát tổng thể trong toàn hệ thống chính trị, từ đó phát hiện tổ chức bộ máy nào còn cồng kềnh, chức năng, nhiệm vụ nào còn chồng chéo thì cần phải mạnh dạn đổi mới. Cụ thể là, một chức năng được giao cho nhiều cơ quan, đơn vị; các tổ chức trong hệ thống chính trị thiếu tính thống nhất; bộ máy văn phòng và bộ phận phục vụ chiếm tỷ lệ cao (từ 20% đến 35%) trong tổng biên chế; tổ chức hội nhiều (994 hội ở cả 3 cấp) nhưng chưa mạnh; đơn vị sự nghiệp nhiều (303 đơn vị) nhưng quy mô nhỏ, kém hiệu quả (trên 70% số đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước); hệ thống y tế cồng kềnh; số điểm trường nhiều (1.489 điểm, gấp 3,34 lần số trường), có sự mất cân đối giữa hệ thống giáo dục công lập và hệ thống giáo dục ngoài công lập; công tác quản lý biên chế của các cơ quan đảng, chính quyền, bộ phận hành chính và sự nghiệp còn nhiều bất cập...

Do đó, ngay từ năm 2015, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã quyết tâm xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (Đề án 25) và ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 3-3-2015, để lãnh đạo thực hiện. Đề án 25 và Nghị quyết số 19-NQ/TU thể hiện quyết tâm chính trị cao của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Nghị quyết số 18-NQ/TW và số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII như tiếp thêm sức mạnh cho tỉnh Quảng Ninh thực hiện Đề án 25 và Nghị quyết số 19-NQ/TU; đồng thời tỉnh tiếp tục ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/TU, ngày 5-2-2018, với phương châm: 1- Tiếp tục nhân rộng những nội dung đã thực hiện thí điểm hiệu quả; 2- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đề xuất phát triển Khu kinh tế Vân Đồn, thành phố thông minh Hạ Long, chính quyền biển đảo ở Cô Tô; tổ chức lại một số đơn vị hành chính cấp xã...; 3- Đẩy mạnh việc sắp xếp, chuyển đổi mô hình, nâng dần tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp; 4- Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế với lộ trình và cách làm phù hợp; 5- Thí điểm những cơ chế, chính sách mới, đổi mới cơ chế quản lý.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh bấm nút vận hành thí điểm Trung tâm Điều hành thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh_Ảnh: Đỗ Phương

Những kết quả đạt được đáng ghi nhận

Thứ nhất, về nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo đảng, chính quyền.

Chủ trương nhất thể hóa các chức danh được nêu lên từ Hội nghị Trung ương 6 khóa X; sau đó Bộ Chính trị đã ban hành Thông báo số 223-TB/TW, ngày 24-2-2009, và Ban Tổ chức Trung ương có Hướng dẫn số 25-HD/BTCTW, ngày 6-3-2009, về “Thực hiện thí điểm chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân ở cấp xã và địa phương không tổ chức hội đồng nhân dân”. Trên tinh thần đó, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện chủ trương nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo đảng, chính quyền, cụ thể như sau:

Về bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân hoặc chủ tịch ủy ban nhân dân: Từ năm 2001 đến năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện thí điểm nhất thể hóa chức danh bí thư kiêm chủ tịch ủy ban nhân dân ở 42/186 xã, phường, thị trấn(1). Quán triệt thực hiện chủ trương của Trung ương, đến nay toàn tỉnh tiếp tục mở rộng thực hiện thí điểm việc bố trí bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân hoặc chủ tịch hội đồng nhân dân ở cấp huyện và cấp xã. Cụ thể, ở cấp huyện, bí thư đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân: 7/14 huyện, thị xã, thành phố, chiếm tỷ lệ 50%, bí thư đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân: 3/14 huyện, thị xã, thành phố, chiếm tỷ lệ 21,42%. Ở cấp xã, bí thư đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân: 90/186 xã, phường, thị trấn, chiếm tỷ lệ 48,4%(2); bí thư đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân: 88/186 xã, phường, thị trấn, chiếm tỷ lệ 47,3%; bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố: 1.557/1.565 thôn, bản, khu phố, chiếm tỷ lệ 99,5%.

Ở các địa phương thực hiện mô hình bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân hoặc chủ tịch ủy ban nhân dân, mọi mặt đều có bước phát triển tốt: Cấp ủy xác định rõ chức năng, nhiệm vụ; đổi mới phương thức lãnh đạo và nội dung hoạt động; tăng cường chặt chẽ hơn mối quan hệ công tác giữa các thành viên và tổ chức trong hệ thống chính trị. Hầu hết các đảng bộ đã phát huy được năng lực lãnh đạo trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội ở địa phương; phân công rõ ràng, cụ thể từng lĩnh vực công tác, địa bàn đối với cấp ủy viên, từ đó gắn được trách nhiệm của cá nhân với cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ở cơ sở.

Về việc thực hiện nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo cơ quan tham mưu cấp ủy với lãnh đạo cơ quan chuyên môn khối chính quyền cấp huyện: Tỉnh Quảng Ninh đã triển khai thực hiện nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo cơ quan tham mưu cấp ủy với lãnh đạo cơ quan chuyên môn khối chính quyền cấp huyện: Trưởng ban dân vận kiêm chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc và trưởng ban tuyên giáo kiêm giám đốc trung tâm bồi dưỡng chính trị tại 14/14 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; chánh văn phòng cấp ủy kiêm chánh văn phòng hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân ở 3/14 địa phương (các huyện Cô Tô, Tiên Yên, Hoành Bồ). 

Thứ hai, về tinh gọn bộ máy trong cơ quan đảng, đoàn thể, cơ quan hành chính.

Ở cấp tỉnh: 1- Thành lập Đảng bộ Cục Thuế tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy để nâng cao vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; 2- Giải thể Đảng bộ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và chuyển toàn bộ đảng viên về Đảng bộ Công an tỉnh; 3- Thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh trên cơ sở hợp nhất Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ninh, Cổng Thông tin điện tử thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và Báo Hạ Long thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh;
4- Thực hiện hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh thành Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh; 5- Sắp xếp tổ chức bộ máy các ban đảng và Văn phòng Tỉnh ủy theo Quy định số 04-QĐi/TW, ngày 25-7-2018, của Ban Bí thư Trung ương Đảng, thực hiện mô hình bộ phận tài vụ, văn thư, phương tiện phục vụ chung đối với các ban đảng, Văn phòng Tỉnh ủy và Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh; 6- Thành lập cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh; 7- Sắp xếp lại Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ (trên cơ sở hợp nhất Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ, Trung tâm Đào tạo cán bộ và Giáo dục thường xuyên và Trường Huấn luyện cán bộ đoàn, đội); đồng thời quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ theo Quy định số 09-QĐi/TW, ngày 13-11-2018, của Ban Bí thư Trung ương Đảng; qua đó, đã giảm 3 đầu mối cấp phòng trực thuộc Trường.

Ở cấp huyện: 1- Hợp nhất cơ quan ủy ban kiểm tra cấp ủy với thanh tra thành cơ quan kiểm tra - thanh tra; 2- Hợp nhất ban tổ chức cấp ủy với phòng nội vụ thành cơ quan tổ chức - nội vụ; 3- Chuyển giao chức năng bồi dưỡng chính trị của trung tâm bồi dưỡng chính trị về ban tuyên giáo, chức năng tài chính, phục vụ về văn phòng cấp ủy.

 Sắp xếp, giảm một số đầu mối trực thuộc các địa phương, cụ thể: 1- Sáp nhập phòng dân tộc vào văn phòng hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân; sáp nhập đài phát thanh, truyền hình với trung tâm văn hóa - thông tin; 2- Giảm 8 thôn, bản, khu phố thuộc 5 địa phương(3)...; 3- Rà soát các xã, phường, thị trấn và các thôn, bản, khu phố chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định để xây dựng phương án sáp nhập theo lộ trình, báo cáo cấp có thẩm quyền để triển khai thực hiện theo kế hoạch được duyệt; 4- Thành lập cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở 14/14 (100%) đơn vị cấp huyện của tỉnh.

Thứ ba, về tinh gọn bộ máy trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

So với năm 2015, toàn tỉnh đã giảm được 48 đơn vị sự nghiệp, chiếm tỷ lệ 18% (không kể đến các trường học thuộc khối phổ thông): 1- Đối với các ban quản lý dự án: Kiện toàn, tổ chức lại các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng theo Nghị định số 59/2015/NĐ-CP, ngày 18-6-2015, của Chính phủ về “Quản lý dự án đầu tư xây dựng”, bao gồm: 14 ban quản lý dự án khu vực thuộc ủy ban nhân dân cấp huyện; 2 ban quản lý dự án chuyên ngành trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh, giảm được 1 ban quản lý dự án thuộc cấp sở; 2- Đối với lĩnh vực y tế: Giảm 18 đơn vị sự nghiệp y tế trên cơ sở hợp nhất 5 trung tâm y tế dự phòng thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC); sáp nhập trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình với trung tâm y tế ở cấp huyện thành trung tâm y tế đa chức năng tuyến huyện trên địa bàn 14/14  địa phương. Tiếp tục kiện toàn các cơ sở y tế gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW và Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số và tăng cường bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân(4); 3- Đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo: Sáp nhập một số trường phổ thông có quy mô nhỏ thành trường phổ thông nhiều cấp học hoặc trường trung học cơ sở liên xã; điều chỉnh lại số học sinh/lớp và quy mô số lớp học/trường; đã giảm 9 trường, 122 điểm trường và 463 lớp học. Triển khai Đề án “Phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập; cơ cấu lại hệ thống các cơ sở dạy nghề”; 4- Đối với lĩnh vực văn hóa - thể thao: Đã thực hiện giảm 4 đơn vị sự nghiệp (do hợp nhất các đoàn nghệ thuật thành Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh; sáp nhập Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh vào Bảo tàng tỉnh); 5- Đối với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn: Chuyển giao và sáp nhập các trạm bảo vệ thực vật, trạm thú y, trạm khuyến nông về các địa phương và thành lập trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp ở 13/14 địa phương (riêng thành phố Hạ Long thực hiện sáp nhập Trạm Thú y, Trạm Bảo vệ thực vật vào Phòng Kinh tế).

Một số kinh nghiệm bước đầu

Từ thực tiễn thực hiện việc sáp nhập các đầu mối, tinh gọn bộ máy ở tỉnh Quảng Ninh, bước đầu có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau:

Một là, nhất quán về tư tưởng đổi mới, mọi chủ trương phải xuất phát từ thực tiễn; tiến hành rà soát tổng thể tất cả tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở; đồng thời, đánh giá cụ thể hiệu quả quá trình hoạt động, thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Cách làm thống nhất là: đơn vị tự đánh giá, cấp trên trực tiếp đánh giá, đội ngũ công chức làm việc tại cơ quan đánh giá, lãnh đạo cơ quan đánh giá và đề xuất giải pháp phù hợp, sát thực, cụ thể, như sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chuyển đổi mô hình...

Hai là, người đứng đầu cấp ủy, các cơ quan, đơn vị phải hết sức quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, biết tạo động lực để cơ quan mới sau sắp xếp hoạt động tốt, hiệu quả hơn.

Ba là, thận trọng, từng bước, chuẩn bị đủ điều kiện, lựa chọn giải pháp phù hợp với đặc điểm từng địa phương, đơn vị (điều kiện địa lý, quy mô dân số, trụ sở làm việc khi bố trí hợp nhất) và lựa chọn thời điểm thích hợp; khi năng lực đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu thì mới tiến hành nhất thể hóa chức danh, sắp xếp, hợp nhất...; đồng thời, thực hiện bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ chuẩn ngạch bậc, đáp ứng vị trí việc làm mới; mỗi mô hình nên làm thí điểm, sau đó rút kinh nghiệm rồi mới triển khai tiếp.

Bốn là, thường xuyên rà soát, bổ sung quy chế, quy định, chính sách để thống nhất cơ chế hoạt động, quy trình thực hiện nhanh gọn, loại bỏ khâu trung gian.

Năm là, khi thực hiện thí điểm mô hình mới, cần kịp thời ban hành chính sách để động viên cán bộ, công chức trong diện sắp xếp, tinh giản.

Sáu là, trước khi thực hiện hợp nhất cơ quan, đơn vị, phải thực hiện nhất thể hóa chức danh, làm tốt công tác cán bộ, bố trí người đứng đầu, bảo đảm lựa chọn cán bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Đánh giá và kiến nghị

Chủ trương hợp nhất tổ chức có chức năng tương đồng và nhất thể hóa chức danh người đứng đầu là đúng đắn, vì trên thực tế, trong bộ máy của Đảng và chính quyền, có một số cơ quan, bộ phận vận hành khá cồng kềnh, chồng chéo, nên cần hợp nhất, nhất thể hóa để làm cho bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Điều đó không hề làm giảm mà ngược lại, sẽ phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, với hệ thống chính trị một cách sâu sát, hiệu quả hơn.

Thực tế cho thấy, việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là xu thế chung, là một quá trình phù hợp với thực tiễn khách quan, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Từ kết quả bước đầu, có thể khẳng định, việc nhất thể hóa các chức danh và sáp nhập một số đơn vị đã bảo đảm được 3 mục tiêu: Tinh giản được bộ máy; bảo đảm sự giám sát của nhân dân đối với các tổ chức đảng và đảng viên; tiết kiệm được nguồn lực và sự đóng góp của nhân dân.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhất thể hóa chức danh và tinh gọn bộ máy, tỉnh Quảng Ninh cũng gặp những khó khăn như sau:

Đối với nhất thể hóa chức danh: Khó khăn nhất của việc nhất thể hóa chức danh là công tác cán bộ, đó là phải tìm được cán bộ có năng lực và phẩm chất chính trị và phải thực hiện đồng bộ từ trên xuống; bên cạnh đó phải có cơ chế kiểm soát quyền lực người đứng đầu một cách hiệu quả để bảo đảm quyền lực không bị lạm dụng...

Đối với hợp nhất cơ quan: 1- Là mô hình mới nên hệ thống văn bản, quy chế thực hiện chưa được đầy đủ, chuẩn hóa; còn nhiều văn bản chỉ đạo, báo cáo; 2- Các đầu mối tiếp nhận còn lúng túng; các chương trình kiểm tra, giám sát, tập huấn thiếu sự gắn kết; các tiêu chí đánh giá chưa được đổi mới kịp thời; 3- Cơ chế quản lý, sử dụng biên chế giữa khối đảng và khối chính quyền vẫn còn bất cập, thiếu thống nhất; 4- Khâu tập huấn cán bộ, công chức còn lúng túng; việc phân công và thực hiện nhiệm vụ còn thụ động.

Để thực hiện có hiệu quả việc nhất thể hóa, tinh gọn bộ máy đảng và chính quyền có chức năng, nhiệm vụ gần nhau, tỉnh Quảng Ninh đề xuất một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, cần quán triệt chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy và nhất thể hóa các chức danh một cách thống nhất về quan điểm và cách làm trong toàn hệ thống chính trị, từ Trung ương đến cơ sở. 

Thứ hai, cần có lộ trình phù hợp và kiên trì thực hiện để bộ máy được tinh gọn, nâng cao hiệu suất và chức năng; kết hợp chặt chẽ giữa việc giảm về số lượng với xây dựng một đội ngũ cán bộ quản lý có trình độ, năng lực để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thứ ba, đề nghị Trung ương quy định và hướng dẫn cấp ủy địa phương xây dựng và ban hành các quy định, quy chế thực hiện quản lý thống nhất biên chế của hệ thống chính trị; hoàn thiện quy định về thẩm quyền quản lý công chức, để tạo sự thống nhất, liên thông trong việc bố trí, điều động công chức giữa cơ quan đảng và cơ quan chính quyền, từ cấp xã về cấp huyện. Xem xét, sửa đổi một số điều khoản của Nghị định số 24/2010/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 13/2010/TT-BNV của Bộ Nội vụ trong việc xét, chuyển cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã thành công chức cơ quan nhà nước từ cấp huyện trở lên cho phù hợp với đối tượng cán bộ đang giữ chức vụ chủ chốt cấp xã, được quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý phòng, ban cấp huyện, đáp ứng nhu cầu kiện toàn chức danh lãnh đạo, quản lý cơ quan, tổ chức, đơn vị trong khối đảng, đoàn thể; đồng thời, tiến hành tổng kết, đánh giá các mô hình để tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện và nhân rộng./.