TCCS - Vẻ đẹp non nước hữu tình và hệ sinh thái đa dạng, tỉnh Ninh Bình đã và đang trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch là nguy cơ gia tăng rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa. Để xây dựng hình ảnh “du lịch xanh”, tỉnh Ninh Bình đang tiên phong triển khai các mô hình giảm thiểu rác thải nhựa mang tính bền vững, gắn liền với xu thế phát triển du lịch xanh của Việt Nam.

Xu thế tất yếu của phát triển du lịch xanh

Du lịch xanh đang trở thành xu hướng phát triển tất yếu trên toàn cầu, khi nhận thức về trách nhiệm bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngày càng được đề cao. Đây là loại hình du lịch hoạt động theo phương thức giảm thiểu tác động đến môi trường, đóng góp cho bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng năng lượng tái tạo và phát huy các giá trị thiên nhiên, văn hóa. Du lịch xanh không chỉ giúp bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giảm ô nhiễm mà còn mang lại lợi ích kinh tế bền vững, cải thiện chất lượng đời sống cộng đồng và tạo ra trải nghiệm ý nghĩa hơn cho du khách.

Tại Việt Nam, ngành du lịch đang đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng từ sự phát triển “nóng”. Theo Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2023, khách quốc tế đến nước ta đạt 12,6 triệu lượt người, gấp gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu 8 triệu khách. Lượng khách tăng cao kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng, như rác thải nhựa tràn lan, khai thác tài nguyên quá mức, và xói mòn văn hóa bản địa. Thực tế này đặt ra yêu cầu cấp thiết về một mô hình phát triển bền vững hơn và du lịch xanh được coi là giải pháp tối ưu để cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Các định hướng lớn của Việt Nam, như Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16-1-2017, của Bộ Chính trị, “Về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn”, hay Quyết định số 147/QĐ-TTg, ngày 22-1-2020, của Thủ tướng Chính phủ, “Phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”, đều nhấn mạnh vai trò của tăng trưởng xanh trong chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, với trọng tâm là giảm thiểu tác động môi trường và bảo tồn di sản văn hóa.

Bên cạnh đó, du khách ngày nay, đặc biệt là thế hệ trẻ, có xu hướng ưu tiên trải nghiệm tại các điểm đến gắn với thiên nhiên, dịch vụ thân thiện với môi trường và các hoạt động bảo vệ môi trường. Điều này không chỉ nâng cao giá trị trải nghiệm mà còn khuyến khích các doanh nghiệp du lịch đổi mới, hướng tới sự phát triển bền vững hơn. Các tour du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên và văn hóa bản địa như ở tỉnh Ninh Bình, đang ngày càng được yêu thích nhờ kết hợp được yếu tố giải trí và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường.

Phát triển du lịch xanh không chỉ mang lại lợi ích to lớn cho môi trường mà còn góp phần bảo vệ di sản văn hóa và cải thiện kinh tế địa phương. Các khu du lịch sinh thái như Tràng An, Tam Cốc - Bích Động hay Thung Nham tại tỉnh Ninh Bình là minh chứng cho sự thành công của loại hình du lịch này. Những điểm đến này không chỉ áp dụng các biện pháp bảo vệ hệ sinh thái, mà còn khuyến khích cộng đồng địa phương tham gia, từ đó nâng cao ý thức và thu nhập cho người dân. Điều này đã giúp Ninh Bình trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch xanh ở Việt Nam, đồng thời xây dựng hình ảnh một điểm đến hấp dẫn và bền vững trong mắt du khách quốc tế.

Thực tiễn mô hình “du lịch không rác thải nhựa” tại một số khu du lịch sinh thái tiêu biểu ở tỉnh Ninh Bình

Ninh Bình là địa phương tiên phong trong việc thực hiện mô hình “du lịch không rác thải nhựa”, đặc biệt tại các khu du lịch sinh thái nổi tiếng, như Tràng An, Tam Cốc - Bích Động và Thung Nham. Những nỗ lực này được thực hiện thông qua các biện pháp cụ thể, phù hợp với đặc thù từng khu vực:

Khu du lịch sinh thái Tràng An: Ban quản lý khu du lịch Tràng An đã ban hành quy định không cho phép du khách và các nhà cung cấp dịch vụ sử dụng chai nhựa dùng một lần trong khuôn viên. Thay vào đó, nước uống được cung cấp tại các trạm lọc nước công cộng với hệ thống vòi nước hiện đại, miễn phí cho du khách mang bình cá nhân. Cũng tại đây, toàn bộ ống hút, cốc và túi nhựa dùng tại các quầy dịch vụ đã được thay thế bằng vật liệu phân hủy sinh học, như tre, giấy và sợi thực vật. Các thuyền chở khách du lịch cũng được trang bị các giỏ thu gom rác tái chế để hạn chế tối đa việc xả rác xuống sông.

Khu du lịch Thung Nham: Khu du lịch Thung Nham đã đầu tư một hệ thống lọc nước tinh khiết, với công suất 500 m³/ngày, đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng của du khách mà không cần đến nước đóng chai nhựa. Điều này giúp giảm thiểu hàng nghìn chai nhựa thải ra môi trường mỗi tháng. Bên cạnh đó, các cơ sở dịch vụ trong khu vực như nhà hàng, quán cà phê cam kết sử dụng bao bì phân hủy sinh học, hộp đựng thức ăn làm từ lá chuối hoặc giấy tái chế. Ngoài ra, việc phân loại rác tại nguồn cũng được thực hiện nghiêm ngặt với các thùng rác chuyên biệt.

Tam Cốc - Bích Động: Các chương trình tuyên truyền về giảm rác thải nhựa được tổ chức định kỳ tại khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, hướng đến cả nhân viên dịch vụ và du khách. Các biển báo và pano mang thông điệp bảo vệ môi trường được đặt tại các điểm dừng chân và lối vào khu vực. Tại đây, các homestay và nhà nghỉ trong khu vực đã loại bỏ hoàn toàn chai nhựa dùng một lần, thay bằng chai thủy tinh hoặc bình nước lớn tại các phòng nghỉ.

Thêm vào đó, nhiều hoạt động hỗ trợ mô hình được diễn ra, như: 1- Tập huấn và nâng cao nhận thức cộng đồng. Ban quản lý các khu du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch Ninh Bình tổ chức các buổi tập huấn cho người lao động và cộng đồng dân cư địa phương. Nội dung tập huấn tập trung vào tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường và du lịch, đồng thời hướng dẫn cách sử dụng các sản phẩm thay thế; 2- Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại tỉnh Ninh Bình được khuyến khích áp dụng bộ tiêu chí “Doanh nghiệp du lịch không rác thải nhựa”, bao gồm: Cam kết không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; thực hiện phân loại và tái chế rác thải tại nguồn; ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường trong hoạt động kinh doanh; 3- Nhiều chiến dịch truyền thông được triển khai, như khuyến khích du khách mang theo bình nước cá nhân; phát tặng túi vải miễn phí tại các điểm tham quan; gắn hashtag trên mạng xã hội nhằm lan tỏa thông điệp “Du lịch không rác thải nhựa”.

Khó khăn và thách thức trong việc thực hiện mô hình “du lịch không rác thải nhựa” tại các khu du lịch sinh thái ở tỉnh Ninh Bình

Mặc dù mô hình “du lịch không rác thải nhựa” tại tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng quá trình thực hiện vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả về nhận thức, cơ chế, hạ tầng và tài chính.

Một trong các thách thức mà các khu du lịch sinh thái này gặp phải đó là thói quen và nhận thức của du khách. Một số du khách, đặc biệt là khách lẻ hoặc khách đoàn đông, vẫn duy trì thói quen mang theo chai nhựa, túi nilon hoặc các vật dụng nhựa dùng một lần. Dù có biển báo cấm và các thông điệp bảo vệ môi trường, nhưng việc giám sát và ngăn chặn hành vi này vẫn còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, có sự chưa đồng bộ về thông điệp và truyền thông: Một số du khách không được phổ biến đầy đủ thông tin về mô hình trước khi đến tham quan, dẫn đến việc họ không mang theo các vật dụng thân thiện với môi trường, như bình nước cá nhân hoặc túi vải tái sử dụng.

Khó khăn trong chi phí đầu tư ban đầu. Việc xây dựng và duy trì các trạm lọc nước công cộng, lắp đặt các thùng rác phân loại tại nguồn, hay thay thế các vật liệu nhựa dùng một lần bằng các sản phẩm thân thiện môi trường đều đòi hỏi chi phí lớn. Đây là một thách thức không nhỏ, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc các hộ kinh doanh tại địa phương. Thêm vào đó, các sản phẩm phân hủy sinh học như ống hút tre, túi giấy, hoặc hộp đựng thực phẩm bằng lá tự nhiên có chi phí cao hơn đáng kể so với các sản phẩm nhựa. Điều này gây áp lực tài chính lên các nhà cung cấp dịch vụ, đồng thời làm tăng giá dịch vụ, dễ tạo phản ứng tiêu cực từ phía du khách.

Hạn chế về hạ tầng xử lý rác thải. Mặc dù tại các khu du lịch như Tràng An hay Thung Nham đã có các thùng rác phân loại, nhưng hệ thống thu gom và xử lý sau đó vẫn chưa thực sự hiệu quả. Rác tái chế đôi khi bị trộn lẫn với rác thải thông thường, làm giảm hiệu quả của mô hình. Một số khu vực dân cư gần các điểm du lịch không có điểm tập kết rác đạt tiêu chuẩn, dẫn đến việc rác thải từ các hộ gia đình đôi khi tràn vào khu vực du lịch, ảnh hưởng đến mỹ quan và môi trường.

Hạn chế trong đào tạo và quản lý. Một số nhân viên tại các khu du lịch vẫn chưa được đào tạo kỹ về các tiêu chuẩn và quy trình quản lý rác thải nhựa. Điều này dẫn đến việc triển khai mô hình chưa được thống nhất và đầy đủ. Do các khu du lịch sinh thái như Tràng An, Tam Cốc - Bích Động có diện tích rộng và thu hút lượng lớn du khách mỗi ngày, việc giám sát và nhắc nhở hành vi xả rác thải nhựa không đúng quy định gặp nhiều trở ngại.

Tác động từ môi trường bên ngoài. Rác thải nhựa từ các tuyến đường, khu dân cư, hoặc các khu vực buôn bán xung quanh các khu du lịch vẫn có thể trôi vào các dòng sông, suối trong khu vực, làm giảm hiệu quả của nỗ lực “không rác thải nhựa” tại chỗ.

Sự đồng thuận chưa cao giữa các bên liên quan. Mặc dù đã có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, và cộng đồng, nhưng một số doanh nghiệp nhỏ hoặc hộ kinh doanh cá thể vẫn chưa sẵn sàng thay đổi vì lo ngại chi phí gia tăng và mất khách hàng. Dù có nhiều chủ trương và định hướng từ Trung ương, nhưng việc triển khai các chính sách hỗ trợ cụ thể, như ưu đãi tài chính, giảm thuế cho doanh nghiệp xanh, vẫn còn chậm, khiến các doanh nghiệp gặp khó trong việc chuyển đổi.

Do tâm lý ngắn hạn của một số đơn vị nên một số doanh nghiệp kinh doanh du lịch tại Ninh Bình, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ, vẫn tập trung vào lợi ích kinh tế trước mắt, chưa đầu tư nghiêm túc vào các biện pháp giảm thiểu rác thải nhựa. Bên cạnh đó, còn tâm lý “phụ thuộc vào du khách”. Một số đơn vị cho rằng, vấn đề xả rác thuộc về ý thức của du khách, dẫn đến việc không tích cực triển khai các biện pháp phòng ngừa ngay từ đầu.

Một số giải pháp khắc phục

Để giải quyết các khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai mô hình “du lịch không rác thải nhựa”, tỉnh Ninh Bình cần tập trung vào những giải pháp thực tế, phù hợp với đặc thù địa phương, đồng thời tận dụng sự hỗ trợ từ chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng. Trong đó:

Một là, tăng cường truyền thông và nâng cao nhận thức. Đối với du khách, đẩy mạnh các chiến dịch tuyên truyền trước và trong chuyến đi. Các đơn vị lữ hành cần phối hợp với ban quản lý khu du lịch để cung cấp thông tin về mô hình “du lịch không rác thải nhựa” thông qua các kênh đặt vé trực tuyến, tờ rơi tại quầy bán vé, video tại các điểm chờ, và biển báo tại khu vực đón tiếp. Phát động phong trào “du lịch xanh, không rác nhựa”: Tạo phong trào gắn hashtag như #NinhBinhXanh hoặc #DuLichKhongNhua trên mạng xã hội, khuyến khích du khách chia sẻ hình ảnh, câu chuyện tích cực về các hành động bảo vệ môi trường tại tỉnh Ninh Bình. Đối với cộng đồng địa phương, tổ chức các buổi tập huấn thường xuyên. Các chương trình tập huấn tại các xã, thôn gần khu du lịch, như Hoa Lư, Gia Viễn cần tập trung hướng dẫn cộng đồng về cách phân loại rác thải, tái chế và giảm thiểu sử dụng nhựa trong đời sống hằng ngày. Thành lập đội ngũ tuyên truyền viên địa phương: Huy động người dân sống gần các khu du lịch làm đại sứ bảo vệ môi trường, tuyên truyền tới các hộ dân khác và hướng dẫn khách du lịch về các quy định xanh của địa phương.

Hai là, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho doanh nghiệp. Áp dụng chính sách ưu đãi thuế: Miễn, giảm thuế cho các doanh nghiệp đầu tư hệ thống lọc nước, sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, hoặc các cơ sở chuyển đổi sang sử dụng sản phẩm phân hủy sinh học thay thế nhựa. Tỉnh cần phối hợp với các tổ chức quốc tế, như Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) để huy động nguồn vốn hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia mô hình không rác thải nhựa, đặc biệt là các hộ kinh doanh nhỏ.

Bên cạnh đó, cung cấp công nghệ xanh. Phát triển các mô hình công nghệ tái chế và lọc nước, hỗ trợ các khu du lịch, như Thung Nham và Tràng An triển khai các hệ thống lọc nước tinh khiết tại chỗ với chi phí tiết kiệm hơn. Ứng dụng công nghệ số trong quản lý rác thải, xây dựng ứng dụng theo dõi và giám sát rác thải cho các doanh nghiệp và cơ sở dịch vụ du lịch, giúp tối ưu hóa quy trình thu gom và xử lý.

Ba là, nâng cấp kết cấu hạ tầng xử lý rác thải. Xây dựng hệ thống phân loại và thu gom đồng bộ, bằng cách trang bị thêm các thùng rác phân loại rõ ràng, thiết kế bắt mắt để thu hút sự chú ý của du khách. Hệ thống này cần đi kèm với các biển chỉ dẫn cụ thể bằng nhiều ngôn ngữ, phù hợp với lượng khách quốc tế đến tỉnh Ninh Bình. Mỗi khu du lịch nên có ít nhất một điểm tập kết rác tiêu chuẩn, kết nối trực tiếp với hệ thống xử lý rác thải của địa phương. Xây dựng một trung tâm tái chế rác thải nhựa tại Ninh Bình, ưu tiên tái chế tại chỗ để giảm chi phí vận chuyển và xử lý rác thải ra ngoài tỉnh.

Bốn là, nâng cao năng lực quản lý và đào tạo nhân lực. Tổ chức các khóa đào tạo cho nhân viên tại các khu du lịch về cách giám sát, nhắc nhở du khách, và xử lý các tình huống liên quan đến rác thải nhựa. Nhân viên cần được trang bị kỹ năng giao tiếp thân thiện, chuyên nghiệp để tạo ấn tượng tốt với du khách. Tuyển dụng và đào tạo đội ngũ chuyên gia quản lý môi trường tại các khu du lịch lớn, chịu trách nhiệm giám sát toàn bộ quá trình giảm thiểu rác thải và đề xuất các cải tiến phù hợp.

Năm là, khuyến khích hợp tác công tư. Kêu gọi các doanh nghiệp lớn, như các hãng nước giải khát, nhà sản xuất bao bì tham gia cung cấp sản phẩm xanh hoặc đầu tư vào các dự án xử lý rác thải tại tỉnh Ninh Bình. Làm việc với các tổ chức, như Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) hoặc Quỹ Bảo vệ thiên nhiên Việt Nam để tăng cường hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các sáng kiến không rác thải nhựa.

Sáu là, tăng cường kiểm soát và thực thi quy định. Áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn đối với doanh nghiệp và du khách, như phạt tiền khi sử dụng nhựa dùng một lần trong khu vực cấm hoặc không phân loại rác đúng quy định. Thành lập lực lượng giám sát môi trường chuyên trách tại các khu du lịch lớn, như Tràng An, Tam Cốc có thể giúp bảo đảm quy định về không rác thải nhựa được thực hiện nghiêm túc.

Tăng cường kết nối du lịch xanh. Hình thành các tour du lịch xanh kết nối giữa các điểm đến không rác thải nhựa tại tỉnh Ninh Bình, quảng bá các khu du lịch như những hình mẫu về bảo vệ môi trường. Xây dựng hình ảnh Ninh Bình như một điểm đến xanh tiêu biểu của Việt Nam, gắn với các hoạt động du lịch bền vững, không rác thải nhựa.

Với việc triển khai các giải pháp trên, tỉnh Ninh Bình có thể giải quyết được các thách thức trong mô hình “du lịch không rác thải nhựa”. Đồng thời, những nỗ lực này sẽ góp phần nâng cao trải nghiệm du khách, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và khẳng định vị thế của Ninh Bình là một điểm đến xanh hàng đầu Việt Nam./.