Ngày 24-9, Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9-2010 của cả nước đã “bất ngờ” tăng 1,31% so với tháng 8 và đạt mức tăng kỷ lục so với các tháng 9 kể từ năm 2000 đến nay. Với đà tăng này, CPI tháng 9 năm nay đã tăng 8,92% so với tháng 9-2009; đưa CPI 9 tháng qua tăng 6,46% so với tháng 12-2009 và tăng 8,64% so với cùng kỳ năm 2009.

CPI tháng 9 tăng ở 10/11 nhóm trong rổ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng với mức tăng từ 0,34-12,02%. Nhóm giáo dục tiếp tục dẫn đầu với mức tăng “đột biến” 12,02%. Tiếp đến là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng 1,08%. Các nhóm tiếp theo gồm: Giao thông tăng 0,91%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,79%, trong đó lương thực tăng 2,32%; hàng hoá và dịch vụ khác tăng 0,57%; văn hoá giải trí và du lịch tăng 0,48%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,44%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,35%. 2 nhóm tăng thấp nhất là may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,34%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,34%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giảm 0,07%.

Theo các chuyên gia, sở dĩ CPI tháng 9 năm nay đạt mức tăng kỷ lục so với cùng kỳ 10 năm lại đây là do chịu một loạt tác động kép bất lợi; trong đó phải kể đến tác động mạnh nhất của việc tăng CPI nhóm giáo dục.

Thực tế cho thấy, ngay từ đầu tháng 9, việc nhiều trường dân lập ở bậc tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học và nhiều trường cao đẳng, đại học thuộc hệ công lập, dân lập đồng loạt tăng học phí trùng với thời điểm nhu cầu mua sắm đồ dùng học tập cho năm học mới tăng cao đã khiến chỉ số giá nhóm giáo dục tăng đột biến tới 12,02%.

Cộng hưởng với những tác động bất lợi khi giá cả nhiều loại nguyên vật liệu đầu vào, mặt hàng thiết yếu trên thế giới tăng cao, việc điều chỉnh tỷ giá đồng Việt Nam so với USD tăng gần 2,1% vào nửa cuối tháng 8 đã tạo hiệu ứng tự động thiết lập mặt bằng giá cả mới trong tháng 9 với hầu hết các loại hàng hóa, nguyên nhiên liệu nhập khẩu. Giá gas của nhiều công ty kinh doanh chất đốt đã tiếp tục tăng thêm 14.000 đồng/bình 12kg (tăng gần 6% so với tháng 8) kể từ ngày 1-9. Không chịu “thua kém”, vào giữa tháng 9, các doanh nghiệp sản xuất thép phía Nam lại đồng loạt điều chỉnh giá thép tăng thêm 200.000-300.000 đồng/tấn sau khi đã tăng ít nhất năm lần vào tháng trước. Với mức tăng này, giá thép giao tại các nhà máy vượt qua mức giá cao nhất trong cơn sốt thép vào tháng 3-2010 và tác động mạnh mẽ, đẩy nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng đang từ vị trí tăng thấp nhất của tháng 8 bật lên vị trí tăng mạnh thứ 2 của tháng 9. Việc tăng giá xăng dầu trong nửa đầu tháng 8 cũng đã tác động mạnh khiến cước vận tải tăng mạnh. Một loạt các mặt hàng thiết yếu khác như: sữa, thuốc chữa bệnh… cũng nối “điệp khúc” tăng giá.

Đặc biệt, việc tăng giá rõ rệt của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (chiếm quyền số lớn nhất trong rổ hàng hóa chung); nhất là giá lúa gạo tăng tới 2,32% đã đẩy CPI cả nước tăng cao. Thêm vào đó, tháng 9 lại là tháng trùng với kỳ nghỉ Quốc khánh dài ngày, rằm Trung Thu nên nhu cầu du lịch, giải trí, mua sắm, ăn uống càng tăng cao.

Ngoài ra, với diễn biến CPI của hai “đầu tàu” kinh tế là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tăng gần 1% trong tháng 9 (bất chấp các biện pháp bình ổn 8 mặt hàng thiết yếu) đã tác động mạnh mẽ lên CPI chung cả nước.

Trong tháng 9, chỉ số giá vàng và USD trên thị trường tự do đã đồng loạt tăng khá cao. Giá vàng tăng 3,58% so với tháng 8, tăng 34.35% so với tháng 9-2009 đưa giá vàng 9 tháng tăng 5,19% so với tháng 12/2009 và 37,39% so với cùng kỳ năm 2009.

Giá USD tăng 1,61% so với tháng 8, tăng 7,35% so với tháng 9-2009 đưa giá USD 9 tháng qua tăng 2,91% so với tháng 12/2009 và 7,08% so với cùng kỳ năm 2009.

Các chuyên gia cảnh báo: Mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm ở mức 8% sẽ không dễ bởi Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với các tác động phức tạp đan xen từ sự bất ổn kinh tế thế giới, dịch bệnh, thiên tai trong nước…Trong khi đó, theo quy luật tăng giá tiêu dùng nhiều năm, quý IV thường có CPI tăng cao.

Vì vậy, công tác dự báo cung cầu, trong đó có mặt hàng chiến lược lúa gạo cần bám sát diễn biến phức tạp của thị trường để kịp thời triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh, dự trữ, bảo đảm đủ lượng hàng hóa cho tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng gây sốt giá. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện kiểm soát chặt chẽ các phương án giá hàng hóa dịch vụ do Nhà nước đặt hàng chi từ nguồn ngân sách; hàng hóa dịch vụ còn được trợ giá, trợ cước; kiểm soát công tác đăng ký giá, kê khai giá, công khai thông tin về giá cũng như tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật Nhà nước về giá.

Đặc biệt, quý IV cũng là thời điểm mà nhu cầu thanh toán và nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng, nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao. Vì vậy, giải pháp điều hành linh hoạt tỷ giá, lãi suất, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn để tăng tốc sản xuất tiếp tục là giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường và kiềm chế tăng giá hữu hiệu./.