Vận động bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021
TCCSĐT - Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 dự kiến tiến hành vào ngày 22-5-2016 là sự kiện chính trị quan trọng nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Hiến pháp năm 2013.
Để cuộc bầu cử đạt kết quả cao, cần coi trọng công tác vận động bầu cử của các ứng cử viên Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; về vị trí, vai trò, về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người đại biểu nhân dân trong việc xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, hiệu quả. Thông qua đó, động viên cử tri tự giác nghiên cứu kỹ về danh sách người ứng cử và chủ động, tích cực tham gia bầu cử nhằm lựa chọn được những người xứng đáng làm đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Quy định chung về vận động bầu cử
Vận động bầu cử là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc của người ứng cử với cử tri và các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm tạo điều kiện cho người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri để báo cáo với cử tri dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu; tạo điều kiện để cử tri tiếp xúc với người ứng cử, hiểu rõ hơn người ứng cử, trên cơ sở đó cân nhắc, lựa chọn, bầu những người đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
Vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó. Các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên không được vận động cho đại biểu của tổ chức mình.
Yêu cầu vận động bầu cử là dân chủ, công khai, bình đẳng và xây dựng, tạo không khí trao đổi thẳng thắn, cởi mở giữa người ứng cử và cử tri; không được lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, uy tín và quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; không biến vận động bầu cử thành nơi để khiếu nại, tố cáo hoặc giải quyết khiếu nại, tố cáo; không được lạm dụng uy tín, chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý các phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; không được lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong và ngoài nước cho tổ chức, cá nhân mình; không được sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước, tập thể và cá nhân để lôi kéo, mua chuộc cử tri; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong quá trình vận động bầu cử.
Thời gian tiến hành vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ.
Về nội dung vận động bầu cử của người ứng cử: Người ứng cử trình bày dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội; trình bày ý kiến của mình về vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội; người ứng cử và cử tri trao đổi về những vấn đề cùng quan tâm; người ứng cử trả lời các câu hỏi của cử tri.
Những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử: (1) Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác. (2) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử. (3) Lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình. (4) Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.
Hình thức tổ chức vận động bầu cử
Thứ nhất, tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri
Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp giới thiệu những nội dung cơ bản về tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để người ứng cử đại biểu Quốc hội xây dựng dự kiến chương trình hành động của mình. Người được Trung ương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội ở địa phương nào cần kết hợp nghiên cứu tình hình địa phương đó và tình hình chung của cả nước để xây dựng dự kiến chương trình hành động của mình.
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân ở đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; thành phần gồm đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cử tri ở địa phương. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã phối hợp với Ủy ban nhân dân ở đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri, thành phần gồm đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cử tri ở địa phương. Ủy ban nhân dân nơi tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri có trách nhiệm thông báo về thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị để cử tri tham dự đông đủ.
Chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri gồm: a/ Tuyên bố lý do; b/ Đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc chủ trì cuộc tiếp xúc cử tri, giới thiệu và đọc tiểu sử tóm tắt của người ứng cử; c/ Từng người ứng cử báo cáo với cử tri về dự kiến việc thực hiện trách nhiệm của người đại biểu nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; d/ Cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm; đ/ Người chủ trì Hội nghị phát biểu ý kiến kết thúc Hội nghị; d) Cử tri nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình với những người ứng cử. Người ứng cử và cử tri trao đổi dân chủ, thẳng thắn và cởi mở những vấn đề cùng quan tâm;
Sau Hội nghị tiếp xúc cử tri, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương, ý kiến của cử tri về từng người ứng cử đại biểu Quốc hội gửi đến Hội đồng bầu cử, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính phủ; Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp báo cáo tình hình tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở địa phương mình gửi Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp trên.
Thứ hai, vận động bầu cử trên các phương tiện thông tin đại chúng
Người ứng cử đại biểu Quốc hội tiếp xúc, trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và trên trang thông tin điện tử về bầu cử đại biểu Quốc hội của Hội đồng bầu cử để trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội. Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp xúc, trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và trên trang thông tin điện tử về bầu cử của Ủy ban bầu cử (nếu có) để trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân. Hội đồng bầu cử, Ủy ban bầu cử có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan quản lý trang thông tin điện tử thực hiện đúng các quy định của pháp luật về việc đăng tải nội dung vận động bầu cử.
Trên cơ sở chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Thông tin và Truyền thông cùng cấp tổ chức việc đăng tải nội dung phỏng vấn người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, bảo đảm bình đẳng, đúng pháp luật, công bằng giữa những người ứng cử, tuân thủ các quy định về vận động bầu cử.
Những công việc tiến hành vận động bầu cử của các ứng viên
Trước tiên, cần tìm hiểu những thông tin ban đầu về Quốc hội hay về Hội đồng nhân dân và đại biểu Quốc hội hay Hội đồng nhân dân như: tổ chức, bộ máy, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ,…; thẩm quyền và trách nhiệm của đại biểu Quốc hội hay Hội đồng nhân dân,... bằng cách nghiên cứu Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp,… trên mạng hoặc có thể đề nghị cơ quan Văn phòng Quốc hội và Hội đồng nhân dân địa phương cung cấp.
Tiếp đó, cần làm tốt việc lập và nộp hồ sơ cá nhân. Trong đó nên trình bày cụ thể trình độ được đào tạo, thành tích, kết quả công tác, nhất là khả năng, kinh nghiệm công tác của bản thân và việc sử dụng nó trong quá trình hoạt động đại biểu nếu được bầu.
Sau khi được hội nghị hiệp thương lần thứ 3 đưa vào danh sách bầu cử chính thức thì công tác vận động bầu cử có thể được bắt đầu. Thời gian dành công việc này không nhiều (khoảng 1 tháng). Các ứng cử viên cần sắp xếp thời gian để thực hiện các công việc sau:
- Cần bắt tay vào việc soạn thảo chương trình hành động của cá nhân nếu được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân. Chương trình hành động này sẽ được cá nhân ứng cử viên trực tiếp trình bày tại các cuộc tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử sau này.
- Nên tìm hiểu thông tin từ Ủy ban bầu cử cấp mình ứng cử để biết được phân bổ về ứng cử tại đơn vị bầu cử nào. Tìm hiểu về những ứng cử viên khác cùng đơn vị bầu cử.
- Lên lịch đăng ký gặp gỡ lãnh đạo địa phương (đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân,…) nơi mình ứng cử, để tìm hiểu thông tin về địa phương ứng cử, như các đặc điểm về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa; truyền thống cách mạng; tình hình kinh tế - xã hội địa phương; tiềm năng, thế mạnh cũng như những khó khăn, thách thức của địa phương; đặc điểm dân cư; đời sống nhân dân; những vấn đề nổi cộm, bức xúc trong nhân dân (nếu có)… Những nội dung này rất cần thiết để soạn thảo chương trình hành động và sử dụng khi tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử.
Tham gia thật tốt các cuộc tiếp xúc cử tri vận động bầu cử; có tác phong, tư thế, trang phục lịch sự, gọn gàng, đúng mực, phù hợp với nơi tiếp xúc cử tri.
Khi được mời lên trình bày chương trình hành động, cần trình bày rõ cho cử tri biết mình là ai; trình độ đào tạo; khả năng và kinh nghiệm công tác; được tổ chức nào giới thiệu ra ứng cử; những công tác đã kinh qua, thành tích đã đạt được; khả năng của bản thân đóng góp với hoạt động của Hội đồng nhân dân; hứa với cử tri những việc có thể làm nếu được bầu, ví dụ: lắng nghe và chuyển tải những kiến nghị của cử tri và nhân dân đến Quốc hội hay Hội đồng nhân dân; tích cực thảo luận đóng góp ý kiến xây dựng nghị quyết của Quốc hội hay Hội đồng nhân dân; thực hiện giám sát và chất vấn. Đặc biệt nên trình bày với cử tri những gì mình có thể thực hiện được trong khả năng của mình trên cương vị là đại biểu Quốc hội hay Hội đồng nhân dân để đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng địa phương nơi mình ứng cử.
Ngoài việc tham gia thật tốt các cuộc tiếp xúc cử tri vận động bầu cử, nếu được cơ quan thông tin đại chúng (báo, đài phát thanh truyền hình địa phương, trang thông tin điện tử,…) mời phỏng vấn, cần chuẩn bị chu đáo và thực hiện tốt những cuộc phỏng vấn này./.
Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm  (15/04/2016)
Cơ quan báo chí cần bình đẳng trong tuyên truyền bầu cử  (15/04/2016)
Điện, Thư chúc mừng Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội  (15/04/2016)
Chuẩn bị họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về chống tham nhũng  (15/04/2016)
Triển khai quyết định của Bộ Chính trị về công tác nhân sự  (15/04/2016)
Tổng Giám đốc WTO: Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển nhanh  (15/04/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên