Các nhà nghiên cứu kinh tế quốc tế tham dự Diễn đàn phát triển, ở Bắc Kinh, kết thúc ngày 24-3, đã nhất trí cho rằng, chủ nghĩa bảo hộ không phải là phương thuốc đưa nền kinh tế thế giới thoát ra khỏi cuộc suy thoái hiện nay. Nhiều người kiến nghị Hội nghị cấp cao G-20 tại Luân Ðôn sắp tới phải cam kết chống lại chủ nghĩa bảo hộ một cách mạnh mẽ.

Các chuyên gia đã bày tỏ những đánh giá khác nhau về triển vọng của kinh tế thế giới. Trả lời phỏng vấn của Tân Hoa xã, Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội quốc gia của Anh, ông M. Weale, đã nhận định, giai đoạn suy giảm mạnh của kinh tế toàn cầu có thể kết thúc vào mùa hè này, song thế giới sẽ phải trải qua một thời kỳ đình trệ kéo dài từ một đến hai năm hậu suy thoái trước khi bắt đầu tăng trưởng trở lại. Ông M. Weale dự báo, GDP toàn cầu trong năm nay có thể ở mức tăng trưởng âm 0,5%; trong đó, các nền kinh tế lớn ở phương Tây được dự kiến tăng trưởng từ âm 2% đến âm 3%.

Theo Hãng tin Roi-tơ, nhà kinh tế M. Feldstein, giáo sư Đại học Havard và là thành viên Ban cố vấn phục hồi kinh tế của Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma, cho rằng, nền kinh tế Mỹ sẽ vẫn suy giảm trong năm 2010.

Trong khi đó, đại diện cấp cao chính phủ một số nước, trong đó có Thủ tướng Anh; các tổng thống Chi-lê, Ác-hen-ti-na, Bra-xin, U-ru-guay; Phó Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Na Uy đã dự cuộc họp tại Chi-lê, bàn các đề xuất, biện pháp khắc phục cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu để đưa ra Hội nghị G-20 ở Luân Ðôn.

Tại Nga, Chính phủ của Thủ tướng V.Pu-tin đã bắt đầu triển khai cuộc thảo luận rộng rãi trong xã hội về chương trình các biện pháp chống khủng hoảng do Chính phủ hoạch định. Gói biện pháp chống khủng hoảng bao gồm 7 mục ưu tiên, trong đó ưu tiên chính là những nghĩa vụ xã hội của Nhà nước trước công dân nhất thiết phải được thực hiện đầy đủ. Phó Thủ tướng Nga A.Giu-cốp nêu rõ: Chương trình nhằm vạch ra lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng nghiêm trọng. Cuộc khủng hoảng này có thể kéo dài không chỉ một năm mà lâu hơn nữa, vì thế chúng ta cần sẵn sàng đương đầu và tình hình đòi hỏi sự đoàn kết trong toàn xã hội. Ðể bảo đảm tính hiệu quả, chương trình cần được thảo luận và nhận được sự tán thành của các tầng lớp dân chúng rộng rãi nhất./.