Bước phát triển mới quan trọng của BRICS

Thùy Dương
16:06, ngày 05-04-2013
TCCSĐT - Ngày 27-03-2013, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ V của Nhóm các nước có nền kinh tế mới nổi phát triển nhất thế giới, gọi tắt là BRICS (gồm Bra-xin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) với chủ đề "BRICS - châu Phi: Quan hệ đối tác phát triển, hợp nhất và công nghiệp hóa", đã bế mạc tại thành phố cảng Đơ-ban (Durban) của Nam Phi.

Với việc dự kiến thành lập Ngân hàng phát triển và Quỹ dự phòng rủi ro; thành lập Hội đồng Kinh doanh và Hội đồng nghiên cứu chính sách, kết quả Hội nghị đánh dấu bước phát triển mới quan trọng của BRICS.

Quyết định quan trọng của BRICS

Những quyết định quan trọng của BRICS tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ V về việc thành lập Ngân hàng phát triển, Quỹ dự phòng rủi ro, Hội đồng kinh doanh và Hội đồng nghiên cứu chính sách; ký Tuyên bố chung của BRICS.

Các chi tiết cụ thể của hai định chế quan trọng gồm Ngân hàng phát triển và Quỹ dự phòng rủi ro sẽ được các nhà lãnh đạo BRICS thảo luận thêm tại cuộc gặp vào tháng 9-2013 ở Nga bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước phát triển và các nước có nền kinh tế mới nổi G20 do Nga đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên.

Theo Tổng thống Nam Phi Gia-cốp Du-ma (Jacob Zuma), Chủ tịch luân phiên BRICS năm 2013, lãnh đạo các nước thành viên đã nhất trí số vốn ban đầu của Ngân hàng phát triển đủ để tài trợ hiệu quả cho các dự án kết cấu hạ tầng. Trong đó, 5 nước thành viên của BRICS đã hoàn toàn nhất trí khởi động các cuộc đàm phán chính thức về các nội dung liên quan tới việc thành lập Ngân hàng này như nơi đặt trụ sở Ngân hàng và các dự án có thể được Ngân hàng tài trợ. Dự kiến, trong 5 năm tới, Ngân hàng phát triển sẽ đạt mức vốn hóa 4.500 tỷ USD để trở thành công cụ cho BRICS giành ảnh hưởng ngày càng lớn hơn trên trường quốc tế trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế ngày càng nghiêm trọng ở châu Âu. Quỹ dự phòng rủi ro của BRICS cũng sẽ được thành lập với quy mô vốn ban đầu ở mức 100 tỷ USD và có chức năng tương tự Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm ngăn chặn hoạt động đầu cơ.

Cũng tại Hội nghị này, Hội đồng Kinh doanh và Hội đồng nghiên cứu chính sách của BRICS đã được thành lập nhằm thúc đẩy trao đổi thương mại và kinh doanh trong Nhóm và tạo thuận lợi cho quá trình hợp tác giữa các nước thành viên. Trong số các hiệp định được ký kết tại Hội nghị, có hai hiệp định về tài trợ phát triển kinh tế xanh và tài trợ phát triển các hệ thống hạ tầng tại châu Phi. Các nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về dự án xây dựng một tuyến cáp quang dài 28.400 km để kết nối các nước thành viên BRICS nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào các nước phát triển trong lĩnh vực viễn thông.

 
 Lãnh đạo các nước thành viên của BRICS bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển toàn diện với châu Phi.

Trao đổi với báo "Độc Lập" (Nga), chuyên gia của Viện Nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga cho rằng, Ngân hàng phát triển của BRICS sẽ thực hiện chức năng thúc đẩy, đưa ra sáng kiến và sử dụng nguồn lực kinh tế từ tất cả các nguồn trong BRICS. Tuy nhiên, BRICS hiện có một hạn chế là diễn đàn này chưa có cơ quan điều phối hoạt động. Vì vậy, Tổng thống Nga V. Pu-tin đề nghị đưa BRICS trở thành một diễn đàn đối thoại, một cơ chế phối hợp hành động chiến lược được xem là táo bạo và hợp lý. Đề xuất này đề cập đến việc thành lập Ban Thư ký của BRICS để điều phối hoạt động và tăng cường thông tin cho các bên. Diễn đàn năm nay có thể chỉ ghi nhận sáng kiến này, nhưng nó sẽ được bàn thảo một cách nghiêm túc tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ VI tại Bra-xin vào tháng 3-2014.

Trong chính sách đối ngoại, các nước thành viên BRICS cảnh báo các mối đe dọa sử dụng vũ lực cũng như các lệnh trừng phạt đơn phương chống lại I-ran, kêu gọi giải quyết bế tắc về chương trình hạt nhân của I-ran bằng các biện pháp chính trị và ngoại giao. Lãnh đạo các nước thành viên BRICS cũng phản đối việc phương Tây kêu gọi lật đổ Tổng thống Xy-ri Ba-xa An Át-xát (Bashar al-Assad). Đồng thời, kêu gọi chính quyền Xy-ri tạo điều kiện để các nhân viên nhân đạo quốc tế làm việc, trợ giúp người dân nước này.

Tuyên bố chung của Hội nghị nhấn mạnh mục tiêu đưa BRICS trở thành một cơ chế phối hợp thường xuyên và dài hạn trong các vấn then chốt của nền kinh tế và chính trị thế giới, kêu gọi thiết lập thế cân bằng hơn đối với kinh tế thế giới cũng như dân chủ hơn trong quan hệ quốc tế. Tuyên bố chung kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực phối hợp chặt chẽ với nhau nhằm bảo đảm hòa bình và an ninh quốc tế.

Tổng thống Bra-xin, bà Đin-ma Ru-xép (Dilma Rousseff) đánh giá: "Hội nghị thượng đỉnh BRICS diễn ra trong bối cảnh thế giới đang có những thay đổi kinh tế sâu sắc, khiến các quốc gia thành viên của tổ chức này trở thành cổ đông và người chơi quan trọng trên trường quốc tế".

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận định: “Phía trước các nước BRICS còn cả một chặng đường dài và còn nhiều tiềm năng phát triển. Trung Quốc cam kết cùng với các nước thành viên BRICS thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong Nhóm và thúc đẩy hợp tác hiệu quả hơn”.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ Man-mô-han Xinh (Manmohan Sing) đã kêu gọi tăng cường chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước BRICS trong các lĩnh vực năng lượng, an ninh lương thực, giáo dục, y tế, phát triển bền vững, công nghệ thông tin và dịch vụ công cộng. Ông cũng nhấn mạnh tới các thách thức của chủ nghĩa khủng bố và hải tặc, đồng thời cho rằng các nước cần sử dụng tiếng nói tập thể của mình để có đóng góp hữu ích và hiệu quả trong việc giải quyết các thách thức này, từ đó tăng cường hòa bình và an ninh toàn cầu.

Tổng thống Nga V. Pu-tin (Vladimir Putin) đã bày tỏ hy vọng các nước BRICS trong khi chú trọng đến việc mở rộng các quan hệ kinh tế sẽ tiếp tục phối hợp củng cố các thị trường công nghệ và công nghiệp. Ông khuyến khích thúc đẩy nền kinh tế xanh, trong đó áp dụng các tiêu chuẩn cao nhất về môi trường vì sự phát triển bền vững.

Đối thoại BRICS - châu Phi

Đối với các thành viên BRICS, Hội nghị thượng đỉnh lần này được tổ chức tại Nam Phi là cơ hội để thúc đẩy các bên hợp tác và làm sâu sắc thêm mối quan hệ với châu Phi, nơi chiếm 60% diện tích đất canh tác của toàn cầu chưa sử dụng và nguồn tài nguyên phong phú. Năm 2010, 6 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới thuộc về châu Phi và sản lượng sản xuất của châu lục này sẽ tăng 50% trong 4 năm nữa. Tăng trưởng kinh tế toàn châu lục dự kiến ở mức khoảng 5,5% trong 5 năm tới. Xu hướng tăng trưởng này không phải là kết quả từ việc phát hiện các mỏ dầu trong thời gian gần đây. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong 5 năm qua, các nước không có dầu mỏ tại khu vực Hạ sa mạc Sa-ha-ra châu Phi vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 5,4%/năm.

Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ V, lãnh đạo các nước thành viên tiến hành cuộc Đối thoại BRICS - châu Phi với chủ đề "Khai mở tiềm năng châu Phi: Hợp tác BRICS và châu Phi trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng". Phát biểu tại cuộc Đối thoại, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định: “Thế giới không thể hưởng hòa bình và đạt thịnh vượng nếu ở châu Phi không có hòa bình và phát triển. Các vấn đề quốc tế không thể được giải quyết nếu không có sự tham gia của châu Phi. Hệ thống điều hành toàn cầu sẽ không còn giá trị nếu thiếu tiếng nói của châu Phi. Thế kỷ XXI chắc chắn sẽ là thế kỷ nổi lên của khu vực này".

Lãnh đạo các nước thành viên khác của BRICS cũng bày tỏ mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với châu Phi và cung cấp hỗ trợ trong lĩnh vực hạ tầng cũng như thúc đẩy phát triển bền vững và toàn diện ở châu lục này. Cũng tại cuộc Đối thoại, các nhà lãnh đạo châu Phi cho biết, châu lục này cần củng cố kết cấu hạ tầng, tăng cường hội nhập và công nghiệp hóa, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Họ bày tỏ mong muốn thiết lập một quan hệ đối tác hợp tác với các nước thành viên BRICS, trong đó nhấn mạnh tới sự hỗ trợ lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi và cùng thắng giữa các nền kinh tế mới nổi và các quốc gia đang phát triển.

Trong báo cáo mới nhất về xu hướng đầu tư toàn cầu với tiêu đề "Sự trỗi dậy của FDI BRICS và châu Phi" tại Hội nghị thương mại và phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD) được tổ chức trước thềm Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ V, các đại biểu đánh giá, BRICS đã vươn lên nằm trong số 20 nước hàng đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào châu Phi. Báo cáo cho biết, trong số 20 nước dẫn đầu về dòng FDI vào châu Phi năm 2011, Trung Quốc đứng thứ 4, Ấn Độ thứ 5 và Nam Phi thứ 17. Trong số những nước nắm cổ phiếu FDI hàng đầu ở châu Phi, Nam Phi đứng thứ 5, tiếp đến Trung Quốc thứ 6, Ấn Độ thứ 7 và Nga thứ 15. Trong năm 2010, lượng cổ phiếu FDI của BRICS ở châu Phi chiếm 17%, trong khi dòng vốn FDI chiếm tới 25%. Báo cáo cho biết, phần lớn các dự án FDI của BRICS tại châu Phi là trong ngành chế tạo và dịch vụ, giúp tạo việc làm và phát triển công nghiệp.

Ngoài ra, UNCTAD cũng cho biết, các nước BRICS cũng là những nước nhận được lượng vốn FDI và đầu tư ra nước ngoài quan trọng. Trong thập kỷ qua, dòng vốn FDI mà BRICS tiếp nhận đã tăng hơn gấp 3 lần, ước tính lên tới 263 tỉ USD vào năm 2012, trong khi vốn đầu tư ra nước ngoài của BRICS tăng từ 7 tỉ USD năm 2000 lên 126 tỉ USD năm 2012, chiếm 9% dòng FDI của thế giới.

Tham gia BRICS là ưu tiên trong chính sách đối ngoại mới của Nga

Báo "Độc Lập" (Nga) ngày 27-03-2013 đăng bài viết nhận định, vấn đề lành mạnh hóa môi trường kinh tế quốc tế là một trong những tâm điểm nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ V này. Nga coi việc tham gia BRICS là một trong những phương hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại mới bởi hiện nay BRICS đang sở hữu tiềm năng rất to lớn với 45% dân số toàn cầu, 29% diện tích thế giới và 27% tổng GDP toàn cầu. Ngoài ra, các nước BRICS ngày càng có nhiều lợi ích chiến lược tương đồng.

Trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ V, Tổng thống Nga V. Pu-tin ký phê chuẩn và công bố chính sách của Nga tham gia BRICS, trong đó nhấn mạnh Nga ủng hộ việc biến diễn đàn này thành một mô hình kiểu mẫu của các mối quan hệ quốc tế, vượt lên các thiết chế hiện có đang đi theo các trục Đông - Tây hay Nam - Bắc. Nga cũng hy vọng rằng với sự đồng thuận cao trong lãnh đạo các nước thành viên, BRICS trong tương lai gần như hoàn toàn có thể trở thành một trong những nhân tố cơ bản của hệ thống quản trị toàn cầu, trước hết là trong lĩnh vực kinh tế - thương mại.

Bối cảnh hiện nay của nền kinh tế thế giới không cho phép kỳ vọng về một sự hồi phục vững chắc sau khủng hoảng. Các nước BRICS phải tăng cường phối hợp, không chỉ trong nội khối mà còn ở các diễn đàn lớn như G8 và G20. BRICS, với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 7,5% trong các năm 2011-2012, trong khi ở châu Âu chỉ là 1,5% cần đạt được tiếng nói quan trọng hơn trong các thể chế tài chính toàn cầu như Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng thế giới./.