Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, của cán bộ, công chức, viên chức trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí
TCCS - Người đứng đầu có vị trí, vai trò rất quan trọng, đôi khi là có ý nghĩa quyết định đến quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, cơ quan, đơn vị, trong đó có công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Vì vậy, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí luôn được thành phố Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí
Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 7-12-2015, của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng” nêu rõ: người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, nhà nước, đoàn thể, cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện và có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng; chủ động tự phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Chỉ thị cũng nhấn mạnh: Xử lý kịp thời, nghiêm minh người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình trực tiếp lãnh đạo, quản lý nhưng không chủ động phát hiện, xử lý, nhất là đối với trường hợp bao che, ngăn cản việc phát hiện, xử lý tham nhũng.
Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Chương IV, từ Điều 70 đến Điều 73 quy định về trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng và việc áp dụng biện pháp tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác, khi để xảy ra tham nhũng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách và xử lý trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng. Bên cạnh đó, nhằm kịp thời phát hiện dấu hiệu tham nhũng trong cơ quan tổ chức, đơn vị, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định về công tác kiểm tra, tự kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước (từ Điều 55 đến Điều 58). Điểm đặc biệt, Luật đã dự liệu việc phòng, chống tham nhũng ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng nhằm ngăn chặn hành vi lạm quyền, nhũng nhiễu và các hành vi khác vi phạm pháp luật về hoạt động phòng, chống tham nhũng bằng quy định việc kiểm tra hoạt động phòng, chống tham nhũng trong cơ quan Thanh tra, kiểm toán Nhà nước, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân (Điều 58).
Như vậy, quyết tâm ngăn chặn, từng bước kiềm chế và đẩy lùi nạn tham nhũng được Đảng và Nhà nước gắn với vai trò, trách nhiệm người đứng đầu đã được cụ thể hóa thành các nghị quyết, chỉ thị và văn bản quy phạm pháp luật. Người đứng đầu chỉ đạo, tổ chức, thực hiện nhiệm vụ được giao và chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thi hành công vụ của cán bộ, công chức; tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình phụ trách.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng của người đứng đầu trong “cuộc chiến” phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của thành phố Hà Nội xác định, cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các cơ quan, đan vị phải xác định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí vừa là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, cấp bách để tập trung lãnh đạo, vừa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, then chốt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.Người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp phải nêu cao trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt, đi đầu, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tại đơn vị, địa phương mình; tập trung xây dựng các chuyên đề, kế hoạch về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí để triển khai thực hiện; chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và các hành vi bao che, dung túng, cản trở việc chống tham những, tiêu cực, lãng phí; công khai kết quả xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có sai phạm; phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình phụ trách.
Hằng năm, thành phố sẽ căn cứ kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí để xác định tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị; của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tổ chức trong hệ thông chính trị và là một trong những tiêu chí để đánh giá, quy hoạch, bố trí sắp xếp, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Đồng thời, tăng cường công tác tiếp công dân của thủ trưởng cơ quan, đơn vị, để kịp thời giải quyết các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo liên quan đến hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tại địa bàn, đơn vị có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh về tiêu cực, tham nhũng, đặc biệt trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí như: công tác quản lý sử dụng đất đai; đầu tư xây dựng; đầu tư mua sắm tài sản công; khai thác tài nguyên, khoáng sản; quản lý trật tự xây dựng...
Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn để hạn chế tham nhũng, tiêu cực
Thành phố cũng chú trọng thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Trong đó, các cơ quan, đơn vị thực hiện công khai, minh bạch theo quy định tại Điều 10 Luật Phòng, chống tham nhũng đối với các nội dung: Việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; việc bố trí, quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công hoặc kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác; công tác tổ chức cán bộ; quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn...
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và công tác kê khai tài sản, thu nhập nói riêng luôn được thành phố xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường thực hiện. Việc thực hiện tốt công tác kiểm soát tài sản, thu nhập là một trong các biện pháp góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.Việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ rất quan trọng bởi thông qua đó sẽ chỉ ra được nguồn tài sản bất minh. Các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Công tác kê khai tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn góp phần nâng cao trách nhiệm giải trình và minh bạch của hệ thống công vụ.
Kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn luôn là một giải pháp quan trọng trong tổng thể các biện pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Thực tế cho thấy, dù đã cố gắng trong triển khai thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng, song việc kê khai dựa hoàn toàn vào sự tự giác của mỗi người, thiếu chế tài kiểm tra, giám sát… nên có nơi, có lúc còn làm hình thức, chưa đạt hiệu quả mong muốn. Chính vì vậy, cần phải có sự kiểm tra, giám sát việc kê khai, thì mới có thể nắm được số tài sản tăng lên bất thường hay các giao dịch tiền mặt với số lượng “khủng” của các cán bộ, công chức, viên chức, từ đó góp phần tích cực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Thời gian qua, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc công tác minh bạch tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật và theo chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy. Ủy ban nhân dân thành phố cũng giao Sở Nội vụ lập danh sách các đối tượng giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên có nghĩa vụ phải kê khai, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt; tổng hợp bản kê khai tài sản, thu nhập năm 2020 của các đối tượng giữ chức vụ từ giám đốc sở và tương đương trở lên, nộp Thanh tra Chính phủ theo quy định và hướng dẫn của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập…
Cùng với đó, Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã ban hành các văn bản để triển khai thực hiện công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị; đồng thời giao Thanh tra thành phố hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định. Như, Kế hoạch số 246/KH-UBND, ngày 23-12-2020,“Vềtriển khai thực hiện công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị”.
Để thực hiện hiệu quả việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, thành phố Hà Nội đã có kế hoạch tổ chức tốt việc kiểm tra, xác minh tính trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập bảo đảm các tiêu chí: Khẩn trương, chặt chẽ, khách quan. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị lập danh sách người có nghĩa vụ kê khai cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý và người có nghĩa vụ kê khai theo đúng quy định. Ngoài kiểm tra, xác minh kê khai tài sản, thu nhập ngẫu nhiên, phòng cũng phối hợp với cơ quan chuyên môn kiểm tra, xác minh khi có đơn thư hoặc theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.Nhìn chung, các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, doanh nghiệp nhà nước và đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện công tác minh bạch tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật, bảo đảm kịp thời, đúng tiến độ quy định; đồng thời quan tâm thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về công tác minh bạch tài sản, thu nhập. Là địa phương có số lượng bản kê khai tài sản, thu nhập hằng năm lớn, nhưng tỷ lệ kê khai tàisản, thu nhập của Hà Nội đạt cao (đạt tỷ lệ 99,92); việc triển khai thực hiện kê khai, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập được xác định không chỉ là nhiệm vụ mà còn là quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức, qua đó góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được công tác kiểm soát tài sản, thu nhập củangười có chức vụ, quyền hạnvẫn còn một số hạn chế như có nơi, có lúc còn hình thức, qua loa. Việc rà soát, kiểm tra trên thực tế còn chưa được thực hiện.Thời gian tới Hà Nội tập trung vào một số giải pháp: Thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức trong việc thực hiện minh bạch tài sản, thu nhập, đồng thời, xác định vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các đơn vị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác minh bạch tài sản, thu nhập. Tiếp tục quan tâm thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý và phòng ngừa các vi phạm, qua đó nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng./.
Nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô  (22/06/2021)
Lễ xuất quân và diễn tập phương án bảo vệ Đại hội lần thứ XIII của Đảng  (11/01/2021)
Công an thành phố Hà Nội: Xây dựng đội ngũ cán bộ chỉ huy có năng lực, trình độ, có phẩm chất, kỷ luật, kỷ cương  (18/10/2020)
Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội  (15/10/2020)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên