Cải cách hành chính là động lực cho tăng trưởng của tỉnh Thái Nguyên

Vũ Hồng Bắc Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên
21:37, ngày 12-03-2019

TCCSĐT - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2016 - 2020 xác định: Cải cách hành chính là khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Quán triệt quan điểm đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tập trung xây dựng kế hoạch, mục tiêu cụ thể cũng như các giải pháp khả thi để tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính.

Mặc dù gặp không ít khó khăn, song thời gian qua, công tác cải cách hành chính của tỉnh Thái Nguyên đã đạt được những kết quả rõ rệt. Trước hết, chất lượng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng, ban hành đúng trình tự, thẩm quyền. Đặc biệt, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là các lĩnh vực có liên quan đến doanh nghiệp và người dân. Theo đó, tập trung rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng tinh gọn, thống nhất, đồng bộ; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, thay thế các thủ tục hành chính không còn phù hợp, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân. Thực hiện công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh và đời sống của người dân. Đưa 100% số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Đến nay, 100% số đơn vị cấp huyện được đầu tư một cửa hiện đại; 100% số đơn vị cấp xã (180 xã, phường, thị trấn) áp dụng một cửa điện tử, nhằm nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Tăng cường triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; đồng thời triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Qua đó, đem lại hiệu quả cao trong giải quyết thủ tục hành chính. Năm 2018, tỷ lệ hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đúng hạn đạt trên 99,3%.

Bộ máy hành chính các cấp của tỉnh ngày càng được hoàn thiện hơn; chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của các cơ quan hành chính, sự nghiệp các cấp tiếp tục được phân định rõ ràng. Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, tỉnh đã sắp xếp, kiện toàn lại tổ chức bộ máy đối với 20 cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh. Đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25-10-2017, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, “Về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, tỉnh tổ chức lại 13 đơn vị và giải thể 02 đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và các sở, ban, ngành; tổ chức lại, sáp nhập một số trường học thuộc cấp huyện. Tỉnh quan tâm xây dựng, triển khai thực hiện Đề án vị trí việc làm tại các cơ quan, đơn vị để nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ trong các cơ quan nhà nước; việc quản lý, sử dụng và thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức bảo đảm kịp thời, theo đúng quy định, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.

Toàn tỉnh hiện có hơn 2.000 cán bộ, công chức cấp tỉnh và cấp huyện, trong đó số cán bộ, công chức có trình độ đại học và trên đại học đạt tỷ lệ trên 90%; có trên 3.000 cán bộ, công chức cấp xã, trong đó số cán bộ, công chức đạt chuẩn là 93,7%, cao hơn so với đạt chuẩn toàn quốc. Nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước, góp phần xây dựng chính quyền trong sạch, liêm chính, kiến tạo phát triển, gắn bó với nhân dân, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp, hằng năm Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức các đợt kiểm tra công vụ và chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện tốt quy chế làm việc của mình, cũng như các quy định về đạo đức, văn hóa giao tiếp của người cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là trách nhiệm công việc, tuân thủ thời gian làm việc…

Tỉnh đã triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, định hướng đến năm 2020, đồng thời tăng cường các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đặc biệt, tỉnh tổ chức các hội nghị gặp mặt nhằm tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp, đối thoại và lắng nghe ý kiến để tháo gỡ khó khăn và giải đáp những vướng mắc của các nhà đầu tư. Trong năm 2018, tỉnh đã tổ chức thành công hội nghị xúc tiến đầu tư trên nhiều phương diện, qua đó thu hút được 62 dự án của 43 nhà đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt khoảng 113.508 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính đối với việc đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế cho doanh nghiệp; gắn công tác hỗ trợ người nộp thuế với công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; hỗ trợ giải đáp vướng mắc về thuế; tổ chức thực hiện kê khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử cho doanh nghiệp (100% doanh nghiệp thuộc diện khai thuế thực hiện qua mạng và nộp thuế điện tử). Ngoài ra, việc cung ứng các dịch vụ công trong lĩnh vực y tế, giáo dục cũng được Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm chỉ đạo.

Có thể nói, công tác cải cách hành chính của Thái Nguyên những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là ở sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Cải cách hành chính đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy chính quyền các cấp. Thực tiễn cho thấy, những năm gần đây, Thái Nguyên có sự tăng trưởng vượt bậc về phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn nằm trong nhóm các tỉnh có chỉ số tăng trưởng cao. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,44%; thu ngân sách nhà nước đạt trên 15 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4% so với dự toán. Thái Nguyên là địa chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư. Các tập đoàn kinh tế, các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm và uy tín đã và đang triển khai các dự án tại Thái Nguyên. Đó là nỗ lực của chính quyền và nhân dân các dân tộc của tỉnh trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế, khẳng định sự hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp gắn với thực hiện cải cách hành chính - một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh.

Với những kết quả nêu trên, Thái Nguyên nhiều năm đứng trong top 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), được đánh giá là một trong những tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất và có hiệu quả về cải thiện môi trường thu hút đầu tư. Năm 2017, Thái Nguyên được Bộ Nội vụ đánh giá là tỉnh có những cải thiện vượt bậc về chỉ số cải cách hành chính, đứng thứ 30/63 tỉnh, thành phố, tăng 24 bậc so với năm 2016; riêng về chỉ số PAPI (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh), những năm gần đây, Thái Nguyên luôn nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Kết quả này đã khẳng định sự quyết tâm chính trị, nỗ lực vươn lên của tỉnh trong công tác cải cách hành chính, gắn công tác cải cách hành chính với phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Trong quá trình thực hiện, công tác cải cách hành chính của Thái Nguyên vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định: Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong thực hiện cải cách hành chính chưa thực sự quyết liệt; công tác tham mưu trong thực hiện cải cách hành chính chưa thực sự sáng tạo; nguồn kinh phí đầu tư cho cải cách hành chính còn hạn hẹp; việc kiểm tra, giám sát thực thi công vụ đối với cán bộ, công chức đạt hiệu quả chưa cao; việc cung ứng các dịch vụ công còn hạn chế; chỉ số cải cách hành chính chưa thực sự bền vững...

Để công tác cải cách hành chính của Thái Nguyên trong giai đoạn tới có những chuyển biến tích cực hơn nữa, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ quyết liệt thực hiện các mục tiêu của kế hoạch đã đặt ra, đồng thời tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương bám sát nhiệm vụ để triển khai thực hiện; tuyên truyền sâu rộng về công tác cải cách hành chính đến mọi tầng lớp nhân dân; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020, trong đó tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, kịp thời cụ thể hóa quy định của Trung ương sát với thực tế và đặc điểm kinh tế - xã hội của tỉnh vào các lĩnh vực: đầu tư, đất đai, quy hoạch, chính sách xã hội; coi công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt cả nhiệm kỳ đối với cán bộ lãnh đạo, được cụ thể hóa qua các chỉ số đánh giá…; nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính và chất lượng dịch vụ sự nghiệp công, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, xây dựng chính quyền thân thiện, chính quyền phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người dân. Thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút người tài năng vào làm việc trong các cơ quan nhà nước của tỉnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý ở các cơ quan hành chính, trong đó đặc biệt quan tâm, chú trọng đối với cấp xã; nâng cao mức độ giải quyết hồ sơ trực tuyến…, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng một nền hành chính vững mạnh, phấn đấu đưa tỉnh Thái Nguyên nằm trong tốp đầu cả nước về thực hiện cải cách hành chính./.