Giao thông đô thị Việt Nam - những gam màu sáng - tối
TCCS - Đô thị hóa với nhiều thành tựu đã tạo nên diện mạo tươi sáng cho các đô thị tại Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, trước tình trạng gia tăng dân số quá nhanh tại các đô thị cùng với nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân khiến cho các đô thị ở Việt Nam nói chung, khu vực nội thành một số thành phố lớn, như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang phải đối mặt với tình trạng ùn tắc, thiếu hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường… Chính vì vậy, bài toán giao thông đô thị tại Việt Nam đang cần những đột phá mạnh mẽ trong quy hoạch.
Từ những gam sáng…
Ở Việt Nam, nhờ quá trình đô thị hóa trong vài thập niên gần đây mà các đô thị trong cả nước đã có nhiều thay đổi sâu sắc từ diện mạo đến chất lượng. Vào năm 1990 khi các đô thị Việt Nam bắt đầu phát triển, lúc đó cả nước mới có khoảng 500 đô thị lớn, nhỏ. Tuy nhiên, tính đến tháng 5-2019, cả nước có 833 đô thị, bao gồm 2 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, 20 đô thị loại I, 29 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 85 đô thị loại IV và 652 đô thị loại V; tỷ lệ đô thị hóa đạt 38,5%. Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trong 10 năm qua, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh và rộng khắp tại nhiều địa phương đã làm gia tăng dân số ở khu vực thành thị. Dân số khu vực thành thị ở Việt Nam năm 2019 là 33.059.735 người, chiếm 34,4%; ở khu vực nông thôn là 63.149.249 người, chiếm 65,6%. Có thể thấy, sự diễn ra nhanh chóng của quá trình đô thị hóa kéo theo nhiều thay đổi lớn về cảnh quan môi trường, mức sống dân cư, hạ tầng cơ sở …. trong đó kết cấu hạ tầng giao thông đô thị cũng có những cải thiện đáng kể, thể hiện ở các mặt: Nhiều con đường mới được xây dựng, chất lượng đường đô thị dần tốt hơn, các đô thị loại III trở lên có hầu hết các tuyến đường chính được trải nhựa, nâng cấp và được xây dựng tương đối đồng bộ với hệ thống thoát nước, hè đường, hệ thống chiếu sáng và cây xanh. Các dự án về giao thông đô thị được triển khai tại các đô thị lớn (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ…), như cải tạo, nâng cấp và xây mới các trục giao thông đối ngoại, cửa ô, trục giao thông hướng tâm, các nút giao cắt, đường vành đai…, bước đầu góp phần nâng cao mức sống cho người dân. Đặc biệt, hệ thống giao thông công cộng tại các đô thị đã, đang hình thành, phát triển và đạt được những kết quả tích cực. Bộ Giao thông Vận tải cho biết, tính đến nay, có 60/63 tỉnh, thành phố trên cả nước (trừ Yên Bái, Lai Châu, Hà Giang) có vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt hoạt động với gần 10.000 phương tiện và 280 doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải thực hiện; trong đó tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ. Đặc biệt, hệ thống vận tải hành khách công cộng phát triển mạnh tại 2 đầu tàu kinh tế là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, Hà Nội có 121 tuyến, vận chuyển trên 400 triệu hành khách/năm; Thành phố Hồ Chí Minh có 139 tuyến, vận chuyển 300 triệu hành khách/năm. Hiện hai thành phố này cũng đang triển khai xây dựng hệ thống giao thông vận tải khối lượng lớn như tàu điện ngầm, xe buýt nhanh (BRT). Ngoài ra, có một số dự án đường sắt đô thị đang dược xây dựng, như: Tuyến Cát Linh - Hà Đông, tuyến Nhổn - ga Hà Nội (tại Hà Nội); tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) tại Thành phố Hồ Chí Minh đang xây dựng, các tuyến metro khác cũng từng bước được xúc tiến đầu tư.
Việc tổ chức giao thông tại các đô thị có nhiều đổi mới. Cụ thể, như tại Hà Nội hay Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang trong quá trình triển khai xây dựng hạ tầng hệ thống giao thông thông minh (ITS) với các ứng dụng tiên tiến, như: Hệ thống giám sát, điều hành giao thông sử dụng hệ thống ca-me-ra giám sát, trung tâm điều khiển giao thông, hệ thống ra-đi-ô để thu thập thông tin, điều hành giao thông và cung cấp thông tin cho người sử dụng; hình thành trung tâm quản lý đường cao tốc, quản lý an toàn giao thông, xử lý tai nạn giao thông và các biện pháp phòng ngừa với các công nghệ hiện đại, hệ thống cân tự động, hệ thống bảng thông báo điện tử,… Bên cạnh đó, giao thông thông minh còn được ứng dụng trên hệ thống giao thông công cộng, như: Biển báo thời gian thực trên một số tuyến xe buýt, hệ thống thẻ vé điện tử trên tuyến BRT 01 Kim Mã - Yên Nghĩa (Hà Nội),... Ngoài ra, tại Việt Nam hiện cũng đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm kiểm soát lượng khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; thúc đẩy ứng dụng năng lượng mới, phát triển giao thông thông minh… Đây là những tín hiệu tích cực nhằm hướng đến sự hoàn thiện ngày một tốt hơn trong lĩnh vực giao thông của mỗi đô thị.
… Đến những gam trầm
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển giao thông đô thị tại Việt Nam, song theo đánh giá, hệ thống giao thông đô thị tại các thành phố lớn nói riêng và giao thông đô thị cả nước nói chung hiện vẫn còn khá manh mún và thiếu tính kết nối. Số lượng và chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông đô thị đang ở mức tương đối thấp so với các nước trong khu vực, chưa đáp ứng được đầy đủ, kịp thời nhu cầu vận tải hàng hóa, nhu cầu đi lại của người dân và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kết cấu hạ tầng đường giao thông đô thị phân bố không đều. Các tuyến nội đô thiếu các đường kết nối giữa các trục chính quan trọng. Đa số đường đô thị có mặt cắt ngang hẹp từ 7m đến 11m. Mạng đường bộ có nhiều giao cắt, chủ yếu giao cắt đồng mức. Chưa có sự phối hợp tốt giữa quản lý xây dựng các công trình giao thông và đô thị. Đặc biệt, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông đô thị còn thấp. Đất dành cho giao thông tĩnh chưa được đầu tư và chưa có quy hoạch tổng thể… Trong đó, số lượng phương tiện giao thông, đặc biệt là phương tiện cá nhân liên tục tăng nhanh tại các đô thị đã dẫn tới tình trạng quá tải tại nhiều đô thị lớn trong cả nước.
Ngoài ra, việc tổ chức giao thông, quản lý phương tiện vận tải đã có nhiều tiến bộ song chưa đáp ứng được yêu cầu, gây ra tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, gia tăng ô nhiễm môi trường, làm giảm chất lượng đời sống của người dân. Các tuyến đường trục chính hướng vào trung tâm các đô thị thường xuyên xảy ra ùn tắc với mật độ di chuyển dầy đặc vào nhiều khung giờ cao điểm. Tốc độ đầu tư xây dựng của các công trình giao thông kéo dài, chậm đã góp phần làm gia tăng ùn tắc giao thông không chỉ tại các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh mà còn xảy ra ở nhiều đô thị khác như Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Huế trong các giờ cao điểm.
Bên cạnh đó, mặc dù được coi là yếu tố then chốt để giải bài toán giao thông đô thị, nhưng hệ thống giao thông công cộng đô thị hiện nay của Việt Nam còn khá manh mún. Hiện chủ yếu vẫn chỉ có xe buýt, ta-xi (chưa có đường sắt, tàu điện ngầm… hay phương tiện giao thông công cộng khác) là phương tiện vận tải công cộng với tỷ lệ đảm nhận của các phương tiện này tại các đô thị còn khá thấp. Cụ thể, hệ thống xe buýt của Hà Nội hiện mới đóng góp cho vận chuyển hành khách đạt khoảng 8-10% và của Thành phố Hồ Chí Minh chỉ đạt khoảng 7-8%. Nếu tính chung khu vực nội đô, hệ thống xe buýt cũng chỉ đóng góp khá khiêm tốn, chiếm khoảng 15-16% tại Hà Nội và khoảng 10-12% tại Thành phố Hồ Chí Minh…
Cùng với đó, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật an toàn giao thông, văn hóa giao thông tại các đô thị hiệu quả chưa cao. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông tại đô thị còn hạn chế, chưa phát huy hết hiệu quả…Với những gam màu trầm đó, theo dự báo, mạng lưới giao thông đô thị của nước ta sẽ rơi vào tình trạng quá tải nghiêm trọng nếu không có sự thay đổi kèm theo những chính sách phát triển đột phá trong quy hoạch ở những năm tiếp theo.
Nỗ lực cải thiện giao thông đô thị và giải pháp trong quy hoạch phát triển
Các chuyên gia cho rằng, thách thức lớn nhất của quá trình đô thị hóa là việc giải quyết các vấn đề về giao thông. Khi một đô thị giải quyết tốt các vấn đề về giao thông sẽ tạo được tiền đề, động lực lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đô thị nói riêng và nền kinh tế quốc gia nói chung. Ngược lại, hệ thống giao thông của đô thị không được giải quyết tốt sẽ trở thành lực cản và là nguy cơ lớn nhất đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi đô thị. Do vậy, các giải pháp phát triển giao thông đô thị bền vững cũng chính là những giải pháp thiết thực góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của mỗi đô thị nói riêng và kinh tế - xã hội của đất nước nói chung. Theo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, một thành phố, đô thị chỉ có thể có giao thông đô thị văn minh, lành mạnh và hiện đại khi khoảng 60% số người dân của thành phố đó sử dụng các phương tiện vận tải công cộng. Vì vậy, sự phát triển giao thông đô thị của các thành phố nhất định phải lấy vận tải công cộng làm khu trung tâm. Quy hoạch phát triển giao thông vận tải của một đô thị phải đi trước và mang tính chủ đạo, có tính chất quyết định cho việc định hướng phát triển không gian; bố trí, sắp xếp toàn bộ cảnh quan và quy mô cấu trúc của đô thị đó.
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu và xây dựng các chính sách quy hoạch và phát triển hạ tầng cơ sở của thành phố thông minh thông qua các giải pháp giao thông tích hợp và bền vững để cải thiện hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường tại các đô thị. Qua đó, gắn kết vai trò của chính quyền địa phương và của cộng đồng trong việc phòng ngừa, hạn chế sự gia tăng nhu cầu tham gia giao thông bằng phương tiện cá nhân, giảm áp lực lên hệ thống hạ tầng giao thông tại các thành phố nhằm từng bước đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng.
Thứ hai, tập trung thực hiện tốt Nghị quyết số 12/NQ-CP, ngày 19-2-2019, của Chính phủ về “Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2019 - 2021”. Trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông đối với Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh. Các bộ, ngành liên quan cũng đã và đang từng bước hoàn thiện, cụ thể hóa đồ án quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Xây dựng phương án quy hoạch không gian ngầm, mặt đất và không gian trên cao tại các đô thị trình Chính phủ phê duyệt.
Thứ ba, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt là các trục hướng tâm, khép kín các đường vành đai, các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; bến, bãi đỗ xe, cảng thủy nội địa; các công trình hạ tầng giao thông đô thị kết nối cảng hàng không, cảng biển trọng điểm; tăng cường kiểm tra việc duy tu, duy trì, bảo đảm cầu, đường thuận tiện, phục vụ giao thông thông suốt, an toàn… Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng đẩy nhanh việc xây dựng trung tâm quản lý, điều hành giao thông đô thị gắn với cơ sở dữ liệu kết nối toàn bộ hệ thống giám sát hành trình xe ô-tô, ca-me-ra giao thông, đèn tín hiệu giao thông trong đô thị trên các tuyến đường để quản lý, điều hành giao thông nói chung và hệ thống giao thông trong các đô thị nói riêng.
Thứ tư, triển khai đồng bộ một số giải pháp đột phá trong quy hoạch, cụ thể: Cần có giải pháp về quy hoạch cơ sở hạ tầng giao thông đô thị. Theo đó, cần dành quỹ đất hợp lý để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hành lang an toàn giao thông, bảo đảm đất xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông động và giao thông tĩnh đạt bình quân từ 5 đến 20% diện tích đất đô thị. Mặt khác, việc phát triển không gian ngầm cũng sẽ là giải pháp tối ưu để giảm bớt gánh nặng cho không gian mặt đất, cải thiện sự thông thoáng cho đô thị, góp phần giải quyết hiệu quả nhiều vấn đề đô thị, đặc biệt là giải quyết bài toán ùn tắc giao thông. Do đó, cần có quy hoạch phát triển giao thông ngầm đồng bộ với quy hoạch phát triển không gian ngầm của các thành phố, đô thị nhằm sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả quỹ đất để xây dựng nhà ở, các công trình thương mại, dịch vụ và các công trình phục vụ lợi ích công cộng. Ngoài ra, các chuyên gia cũng đề xuất Việt Nam nên áp dụng mô hình TOD (Transit - Oriented - Development: Phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng) trong quy hoạch phát triển đô thị, gắn kết với giao thông công cộng nhằm cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ vận tải công cộng, tăng cường phát triển các công trình thương mại, dịch vụ tại và quanh khu vực nhà ga, bến xe… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách, góp phần thu hút nhu cầu sử dụng, tăng lượng hành khách tham gia giao thông công cộng. Trong đó, để thu hút các nguồn lực nhằm phát triển giao thông công cộng trong các đô thị, Việt Nam cần đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, kết hợp nhiều nguồn vốn.
Thứ năm, xây dựng hành lang pháp lý hoàn thiện, môi trường đầu tư mở, tạo sự hứng khởi của các nhà đầu tư trong nước, cũng như có thêm lực hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong phát triển hệ thống giao thông đô thị tại Việt Nam. Hy vọng rằng, với nhiều nỗ lực trong cải thiện giao thông đô thị và việc triển khai đồng bộ các giải pháp mang tính đột phá trong quy hoạch, cùng sự tham gia tích cực của người dân, chúng ta sẽ có thêm những con đường mới mang tính kết nối, lan tỏa…, tạo nên hệ thống giao thông đô thị xanh, sạch, đẹp đáp ứng nhu cầu phát triển của mỗi đô thị trong một tương lai không xa./.Hà Nội phát triển hệ thống y tế cơ sở trong tình hình mới  (10/09/2020)
Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về việc chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố nhiệm kỳ 2020 - 2025  (04/09/2020)
Ban Cán sự đảng Chính phủ góp ý dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh  (24/08/2020)
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao Quyết định về chức năng, nhiệm vụ của 13 cơ quan ban Đảng, đơn vị ở Trung ương
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm