Thành phố Hà Nội đẩy mạnh cải cách hành chính
TCCS - Cải cách hành chính là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2022 của thành phố Hà Nội. Với mục tiêu là tạo bước chuyển mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả công tác cải cách hành chính; cải thiện và nâng cao Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước (SIPAS) của thành phố.
Mặc dù nhiều khó khăn, phức tạp do dịch bệnh COVID -19 bùng phát trở lại những tháng đầu năm 2022, công tác cải cách hành chính (CCHC) trong 9 tháng đầu năm 2022 của thành phố Hà Nội vẫn tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm nhằm thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm 2022 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Thành phố Hà Nội xác định cần tăng cường thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố; cùng với với đó là đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thành phố Hà Nội (PCI); cải thiện, nâng cao Chỉ số PAR Index, Chỉ số SIPAS.
Kết quả triển khai công tác CCHC của thành phố được các cơ quan, tổ chức đánh giá qua PCI và PAPI tiếp tục được duy trì, cải thiện. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 của thành phố và Chỉ số PAR Index của thành phố thuộc nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu của cả nước. Chỉ số SIPAS của thành phố SIPAS năm 2021 của thành phố đạt 87,11% và tăng 3 bậc so với năm 2020, đạt chỉ tiêu đề ra (Chỉ tiêu: mức độ hài lòng chung về sự phục vụ hành chính của cơ quan nhà nước của thành phố đạt 86%). Chỉ số PAPI năm 2021, của thành phố xếp thứ 9/63 tỉnh thành phố, tăng 39 bậc so với năm 2020, trong đó cả 8/8 chỉ số thành phần tăng về thứ hạng. Đặc biệt chỉ số thành phần “Quản trị điện tử” của thành phố Hà Nội tăng mạnh 21 bậc, dẫn đầu cả nước về thứ hạng, vừa tăng về điểm số và tăng về thứ hạng.
Thành phố Hà Nội đã chủ động ban hành quy chế phối hợp thực hiện liên thông các thủ tục hành chính (TTHC) khi thực hiện TTHC lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; tài nguyên và môi trường; tư pháp và thuế trên địa bàn. Ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai rà soát, thống kê, xây dựng quy trình giải quyết công việc nội bộ (ngoài TTHC) của các cơ quan hành chính thuộc thành phố. Đây là cơ sở quan trọng để cơ quan, đơn vị phối hợp liên thông, giải quyết công việc, giải quyết TTHC thông suốt, hiệu quả, rút ngắn thời gian, giảm thời gian đi lại của người dân, tổ chức; chuẩn hóa quy trình giải quyết công việc, TTHC, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Cổng dịch vụ công thành phố và hệ thống một cửa dùng chung ba cấp của thành phố vẫn tiếp tục được duy trì. Thành phố đã tích hợp dịch vụ công trực tuyến của thành phố lên Cổng Dịch vụ công quốc gia hoàn thành đúng và trước thời hạn theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ.
Ngoài ra, thành phố đã mạnh dạn đổi mới việc bổ nhiệm chức danh lãnh đạo thông qua tổ chức thí điểm và triển khai thi tuyển một số chức danh lãnh đạo cấp phòng và tương đương; thi tuyển chức danh lãnh đạo tại một số đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ; triển khai hệ thống đánh giá trực tuyến hàng tháng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hợp đồng tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố. Đây là một trong những nội dung đột phá, nhiệm vụ trọng tâm cải cách công vụ, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số của thành phố nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý.
Công tác kiểm tra, giám sát được thành phố tăng cường, tạo chuyển biến khá rõ nét tích cực trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở các cơ quan, đơn vị. Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức thành phố đã có chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động và hiệu quả phục vụ. Các cơ quan, đơn vị đã thực hiện nghiêm Chỉ thị số 01/CT-UBND, ngày 14-1-2022, của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính của công dân, tổ chức; việc tiếp công dân được duy trì thường xuyên, bảo đảm đúng quy định; không có phản ánh kiến nghị về thái độ ứng xử không phù hợp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được công tác cải cách hành chính của thành phố Hà Nội còn tồn tại những hạn chế nhất định, như: Cổng dịch vụ công thành phố và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của thành phố đang trong giai đoạn thử nghiệm và hoàn thiện, chưa vận hành chính thức cũng gây khó khăn cho các đơn vị trong việc thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính theo quy định. Công tác phối hợp trong giải quyết công việc, thủ tục hành chính liên thông cùng cấp, theo ngành dọc và ngang cấp còn chưa thực sự hiệu quả, ảnh hưởng tới thời gian trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính nhất là liên quan đến các lĩnh vực đất đai, tư pháp, lao động, thương binh và xã hội.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị (dành cho cán bộ, công chức và phục vụ công dân khi đến giao dịch) tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC ở một số cơ quan, đơn vị nhất là tuyến xã, phường, thị trấn đã xuống cấp, chưa đồng bộ. Việc kết nối với các cơ sở dữ liệu/hệ thống dữ liệu của một số bộ, ngành còn vướng mắc do kỹ thuật kết nối chưa đồng bộ dẫn tới việc không thể kết nối hoặc kết nối chưa thực sự thông suốt; một số bộ, ngành có hệ thống dữ liệu, phần mềm đã xây dựng từ lâu theo quy chuẩn kết nối cũ nên chưa bảo đảm được yêu cầu về đồng bộ kết nối; một số bộ, ngành chưa có chủ trương kết nối nên việc thực hiện còn khó khăn.
Công tác bố trí mua sắm trang thiết bị đặc biệt đối với những thiết bị thực hiện theo quy định về mua sắm tập trung còn bị chậm. Việc bố trí, bổ sung hoặc điều động biên chế phù hợp còn một số vướng mắc (thiếu chỉ tiêu/việc thực hiện thi tuyển….); đội ngũ cán bộ, công chức tại các sở, ban, ngành của thành phố; ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn hầu hết đều kiêm nhiệm và luôn biến động nên có ảnh hướng tới tiến độ, chất lượng công việc.
Để phát huy những kết quả đã đạt được và giảm bớt những hạn chế còn tồn tại, trong thời gian tới công tác CCHC của thành phố Hà Nội tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, theo dõi, rà soát, đôn đốc để bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng, yêu cầu tại Kế hoạch CCHC của Ủy ban nhân dân thành phố.
Hai là, duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động tổ công tác cải thiện, nâng cao chỉ số CCHC, SIPAS giai đoạn 2021 - 2025 của thành phố; thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo CCHC, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 trên cơ sở lồng ghép một số ban chỉ đạo hiện có.
Ba là, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, chú trọng tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số; tổ chức đối thoại với tổ chức, cá nhân về TTHC đối với lĩnh vực đất đai trên địa bàn thành phố.
Bốn là, tập trung nghiên cứu, đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung luật Thủ đô để khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển, phù hợp với đặc thù của thành phố Hà Nội.
Năm là, đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn thành phố, tập trung vào công tác ủy quyền, nhất là đối với những nhiệm vụ, TTHC do các sở, ngành đang thực hiện, trên tinh thần phân cấp, ủy quyền triệt để, phù hợp với việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi của thành phố.
Sáu là, tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các TTHC; công bố, công khai các quy định các TTHC; các quy trình giải quyết công việc nội bộ (ngoài TTHC) của các cơ quan hành chính thuộc thành phố Hà Nội.
Bảy là, tiếp tục triển khai Đề án 06 của Chính phủ gắn với số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội; tập trung hoàn thiện mô hình mẫu Bộ phận một cửa theo hướng điện tử thống nhất trên toàn thành phố bảo đảm yêu cầu tại Quyết định số 06/QĐ-TTg, ngày 6-1-2022, của Thủ tướng Chính phủ.
Tám là, tăng cường kiểm tra công vụ, kiểm tra CCHC gắn với việc thực hiện nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật và trách nhiệm thực thi công vụ, gây khó khăn, phiền hà cho cá nhân, tổ chức./.
Thành phố Hà Nội ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính  (16/09/2022)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Hướng tới thực hiện các dịch vụ công theo phương thức “3 không”  (15/09/2022)
Thành phố Hà Nội: Chuyển đổi xanh dựa trên nền tảng kinh tế số  (15/09/2022)
- Ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị Trung ương khóa XIII
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm