Nhật Bản: Người già không còn là gánh nặng?
Vẫn tiếp tục đóng góp cho xã hội
Nhật Bản hiện là nước có tuổi thọ cao nhất thế giới (83 tuổi). Do dân số già đi nhanh chóng nên lực lượng lao động ở đất nước này ngày càng thu hẹp.
Tuổi nghỉ hưu ở Nhật Bản là 60 tuổi, nhưng vẫn có hơn 5,7 triệu người tiếp tục làm việc cho đến tận tuổi 65. Lý do chính là bởi họ không muốn chỉ quanh quẩn trong nhà. Sau 60 tuổi, người lao động tại các công ty tư nhân có thể tiếp tục ở lại làm việc nếu chấp nhận mức lương ít hơn. Hãng xe Toyota và ngân hàng Sumitomo-Mitsui là 2 trong những công ty đang đưa ra các chương trình tái tuyển dụng nhân viên nghỉ hưu. Công ty sản xuất thiết bị xây dựng Komatsu cho biết đã thuê lại 90% nhân viên nghỉ hưu với mức lương giảm 40%.
Theo Cục Thống kê Nhật Bản, khoảng 20% người già nước này vẫn đang đi làm - tỷ lệ cao nhất trong các nước phát triển. Báo cáo năm 2011 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho biết, nam giới Nhật Bản thường nghỉ làm việc ở độ tuổi trung bình 70, và phụ nữ là 67. Ông Ka-du-y-ô-si Hi-rô-ta, 69 tuổi, vẫn làm việc 24 giờ mỗi tuần trong vai trò giám đốc một chung cư ở Tô-ky-ô. Ông cho biết: “Lương hưu không đủ cho tôi sống thoải mái. Và cuộc sống mà không có lao động thì cũng rất buồn tẻ”.
Các nhà phân tích cho rằng, phần lớn người già vẫn nhiệt tình làm việc khi ở độ tuổi ngoài 60. Thêm vào đó, nợ công cao đang khiến Chính phủ của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này cân nhắc nâng độ tuổi nghỉ hưu để giảm bớt gánh nặng an sinh xã hội. Các nhà làm luật Nhật Bản dự tính sẽ nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động nước này lên 61 tuổi vào năm 2013 và 65 tuổi vào năm 2025.
Chi tiêu “mạnh tay”
Theo truyền thống, thế hệ người già ở Nhật Bản được xem là tiết kiệm, nhưng giờ họ lại đang trở thành nguồn lực quan trọng tiêu thụ hàng hóa. Trong những năm gần đây, theo các số liệu thống kê, người già ở Nhật Bản chi tiêu mạnh tay hơn, trong khi những người dưới 40 tuổi siết chặt ví tiền.
Cục Thống kê Nhật Bản cho biết, các hộ gia đình có chủ hộ từ 60 tuổi trở lên chiếm 40% tổng chi tiêu trong năm 2011 của Nhật Bản (tăng so với 30% của năm 2000) và dự báo sẽ còn tăng lên nữa do nhóm người này có lương hưu ổn định và nhiều thời gian rảnh rỗi. Một nguyên nhân nữa là do đã trải qua thời kỳ nền kinh tế tăng trưởng vượt bậc trước khi “bong bóng” bất động sản đổ vỡ, nên người già Nhật Bản cũng dễ chi tiêu mạnh hơn - một đặc điểm mà thế hệ những người trẻ tuổi không có được bởi họ bị ảnh hưởng nặng nề của thời kỳ giảm phát.
Chi tiêu trung bình của nhóm người trên 60 tuổi tại Nhật Bản vào khoảng hơn 300.000 yên (tương đương 3.831 USD/tháng), cao hơn so với mức chi tiêu 260.000 yên/tháng của nhóm người dưới 39 tuổi. Càng già, người Nhật càng có xu hướng chi tiêu nhiều hơn. Những người ở nhóm tuổi 60 tiêu 94% số tiền sẵn có, những người ở độ tuổi 50 chỉ tiêu 74% số tiền sẵn có, và con số này là dưới 70% đối với những người ở độ tuổi 30 và 40.
Theo báo cáo được Ngân hàng Trung ương Nhật Bản công bố ngày 18-6-2012, tiêu dùng của người già ngày càng đóng vai trò quan trọng và xu hướng này sẽ được tiếp tục. Nhìn chung, tiêu dùng của nền kinh tế vẫn tăng lên bất chấp thu nhập của các hộ gia đình không tăng.
Mức tăng này rất có ý nghĩa ở thời điểm Nhật Bản đang tìm cách kích thích tiêu dùng và chống giảm phát. Trưởng phòng Nghiên cứu của Công ty Chứng khoán JP Morgan Securities ở Tô-ky-ô, cho biết: “Người già đang chi tiêu và điều này sẽ tạo ra việc làm cho thanh niên”.
“Bầu sữa” cho các công ty
Mức chi tiêu gia tăng ở người già tạo ra nhiều cơ hội cho các công ty khai thác thị trường dành cho nhóm đối tượng này với giá trị ước tính khoảng 100.000 tỷ yên (tương đương 1.270 tỷ USD/năm).
Những khó khăn mà người già phải đối mặt trong cuộc sống hằng ngày lại tạo ra nhiều cơ hội sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp. Mới đây, chuỗi cửa hàng tiện lợi Seven-Eleven Japan hợp tác với Toyota Motor đưa ra dịch vụ chuyển hàng tận nhà qua điện thoại. Trong năm tài chính 2011, chuỗi cửa hàng Seven & I có tới 30% khách hàng trên 50 tuổi, còn số người dưới 20 đến đây mua hàng chỉ chiếm khoảng 12%. Cửa hàng này dự định sẽ tăng lượng thực phẩm tươi sống và sữa được bày bán thay vì đồ ăn nhanh như hiện nay.
Khi thế hệ già của Nhật Bản làm quen nhiều hơn với công nghệ số, mua sắm trực tuyến có thể là “mảnh đất màu mỡ” tiếp theo cho các doanh nghiệp. Theo một khảo sát của Dentsu Innovation, năm 2012, số người trên 60 tuổi ở “đất nước Phù Tang” sử dụng in-tơ-nét là 57%, tăng mạnh so với 25% năm 2005 và 4,5% vào năm 2000.
Với các dịch vụ phục vụ người già nở rộ, thị trường việc làm không bị ảnh hưởng nhiều ngay cả khi ngành sản xuất đi xuống. Với 7 triệu người thuộc thế hệ bùng nổ dân số “baby boomers” nghỉ hưu vào năm 2012, cùng 1/3 dân số sẽ bước qua tuổi 65 vào năm 2030, cơ hội dành cho các công ty cung cấp dịch vụ phục vụ người già là rất lớn.
Theo Nô-bu-hi-rô Ma-e-da, chuyên gia lão khoa tại Viện Nghiên cứu NLI, giành được thị phần ở thị trường các sản phẩm và dịch vụ phục vụ người già là chìa khóa giúp các công ty Nhật Bản sống sót. Có thể nói, đây chính là cứu cánh của nền kinh tế Nhật Bản.
Trong một thập niên vừa qua, số lượng việc làm của ngành y tế và dịch vụ dưỡng lão đã tăng thêm 2,5 triệu, đạt 7,1 triệu việc làm. Trong khi khu vực sản xuất cắt giảm 1,5 triệu việc làm, khu vực dịch vụ giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Nhiều công ty cũng đang thay đổi chiến lược để phù hợp với nhu cầu của dân số già. Tháng 4-2012, hãng bán lẻ Aeon khai trương siêu thị đầu tiên với hàng loạt sản phẩm và dịch vụ chuyên dành cho khách hàng lớn tuổi. Trong khi đó, hãng xe Toyota vừa trình làng rô-bốt có thể giúp đỡ người già và người khuyết tật mang vật dụng và dọn dẹp nhà cửa. Công ty tã giấy Nhật Bản Unicharm cho biết, năm 2011, doanh thu tã cho người già lần đầu tiên vượt doanh thu tã cho trẻ em. Công ty cung cấp dịch vụ viễn thông di động lớn nhất Nhật Bản NTT DoCoMo cũng vừa tung ra thị trường mẫu điện thoại thông minh mới dành cho người già. Chiếc điện thoại này có phông chữ, biểu tượng to hơn; quy trình gửi email và chụp ảnh được thiết kế đơn giản hơn.
Ngành du lịch cũng đang hưởng lợi từ mức chi tiêu gia tăng của người nghỉ hưu. Hiệp hội các công ty lữ hành Nhật Bản cho biết, trong quý II và quý III năm 2012, người già đi du lịch nhiều hơn các gia đình, sinh viên và các đôi uyên ương. Vì thế, các công ty Nhật Bản đang tung ra nhiều sản phẩm và dịch vụ dành riêng cho người già. Tại Công ty du lịch JTB, doanh thu từ “tua” du lịch trọn gói cho người trên 50 tuổi đã tăng 10% so với năm ngoái. Đại diện công ty này cho biết: “Nhu cầu du lịch đang đặc biệt cao khi thế hệ bạc bước vào tuổi 65 và về hưu. Họ có nhiều thời gian rỗi nên thường muốn đi các “tua” dài ngày”./.
Tây Nam Bộ hướng về chủ quyền biên giới - biển đảo  (20/02/2013)
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và chúc Tết Học viện An ninh nhân dân  (20/02/2013)
Mặt trận Tổ quốc góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992  (20/02/2013)
Mặt trận Tổ quốc góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992  (20/02/2013)
Đẩy mạnh tuyên truyền về biển, đảo trong năm 2013  (20/02/2013)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện của Đảng
- “Chạm thẻ JCB, vi vu Nhật Bản miễn phí” cùng VietinBank
- Tám mươi năm “Linh hồn, mạch sống của quân đội cách mạng”
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp